(VHQN) - Tay đàn bà, đôi khi nhìn vào có thể ước đoán đời họ yên ả hay bão dông. Có đôi tay dài ngón tay thon yêu kiều, nhưng cũng nhiều đôi tay chai sần gân guốc bởi cuộc mưu sinh...
Trong văn hóa, đôi tay người phụ nữ biểu trưng cho sự mềm mại, khả năng chăm sóc lẫn sức mạnh tiềm ẩn. Đó là biểu tượng cho khả năng sáng tạo, nuôi dưỡng và kết nối gia đình.
Chẳng thế mà nữ sĩ Xuân Quỳnh có đôi câu thơ gây thương nhớ: “Bàn tay em ngón chẳng thon dài/ Vết chai cũ, đường gân xanh vất vả” (....) nhưng đủ để “biết lặng lẽ vun trồng gìn giữ” với “tay cắm hoa, tay để treo tranh/Tay thắp sáng ngọn đèn đêm anh đọc” (Bàn tay em).
Ở những làng nghề xứ Quảng, nếu không có đôi tay phụ nữ, chẳng thể nào sản phẩm thủ công đậm dấu ấn địa phương. Những đôi tay nâu màu của đất, với đường gân guốc dọc theo hành trình làm nên những chum, vại, lọ của người đàn bà Thanh Hà.
Có những đôi tay khéo léo đan cài nan tre, làm nên xứ sở “đèn lồng” độc đáo. Hay những đôi tay chai sần tím thẫm màu của sợi cói vừa nhuộm, của sợi chỉ ẩn hiện theo từng đường nét của tranh vải... Những đôi tay vừa làm nghề vừa làm nghệ thuật, như thâu cả trăm năm về cùng trong từng đường nét của tác phẩm.
Và những đôi tay dậy miền cảm xúc, theo từng giai điệu khi khoan thai khi dồn dập khi quạnh hiu của những điệu múa Chăm ngàn năm...