Đời sống

Từ phòng thí nghiệm nhìn ra...

LÊ NGỌC ÁNH 05/11/2024 13:47

(VHQN) - Đằng sau hình ảnh đầy cuốn hút của nhà khoa học nữ với chiếc áo blouse trắng, say mê nghiên cứu trong phòng thí nghiệm là cả một hành trình chông gai.

z5933082046557_eb8ce78c8966c888f1e9cca6759c4e02(1).jpg
Ngày đêm trong phòng nghiên cứu.

Duy trì ước mơ

Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi bắt đầu công việc là một chẩn đoán viên bệnh động vật tại trạm chẩn đoán xét nghiệm thú y. Công việc tôi làm là xét nghiệm vi sinh vật trong thịt, nước, thức ăn chăn nuôi, không khí chuồng trại. Từ nền tảng này, tôi bắt đầu thực hiện ước mơ trở thành nhà nghiên cứu vi sinh vật trong thú y.

Đề tài tốt nghiệp luận văn thạc sĩ của tôi là nghiên cứu khả năng ức chế nấm mốc và độc tố nấm mốc của vi sinh vật phân lập từ đất. Từ nghiên cứu này hướng đến ứng dụng sử dụng những vi sinh vật ấy như là một phương pháp sinh học thân thiện với môi trường trong việc giải quyết nấm mốc và độc tố nấm mốc trong chăn nuôi.
Sau hơn 1 năm, tôi quyết định đi học nghiên cứu sinh tại Nga để có thể toàn tâm toàn ý tập trung vào nghiên cứu.

Nghiên cứu của tôi trải qua nhiều giai đoạn, thực hiện ở cả trong ống nghiệm lẫn trên động vật, từ trong phòng thí nghiệm đến ngoài nông trại. Đến thời điểm này, tôi đã có hơn 10 năm lăn lộn với đề tài.

Gần một nửa số nhà khoa học nữ ở Hoa Kỳ rời bỏ khoa học toàn thời gian sau khi sinh đứa con đầu lòng. Lý do chính khiến phụ nữ rời bỏ công việc học thuật là môi trường làm việc độc hại. Phụ nữ có khả năng rời bỏ khoa học (ngừng xuất bản) cao hơn nam giới khoảng 12% sau năm hoặc mười năm.

Tôi bắt đầu nghiên cứu với ước mơ góp phần nhỏ bé vào việc giải quyết tác hại của nấm mốc và độc tố của nó trong chăn nuôi. Tôi đã phải giữ niềm đam mê và hoài bão để có thể đi chặng đường không dễ dàng trong thời gian dài như vây.

Làm nghiên cứu cũng có nghĩa là phải thường xuyên đối mặt với áp lực và stress. Trong quá trình làm nghiên cứu, tôi gần như quen với những thất bại. Thậm chí, giáo sư hướng dẫn của tôi từng “an ủi” rằng: “Nghiên cứu mà không trải qua thất bại thì không phải là làm nghiên cứu”.

Trong một môi trường toàn những người làm khoa học rất dễ khiến con người ta gặp phải hội chứng “Imposter syndrome” - cảm thấy mình không đủ giỏi, không đủ hiểu biết, đôi khi còn phủ nhận thành công của mình.

Bản thân tôi và nhiều người tôi gặp mỗi khi có được một thành công nào đó trong nghiên cứu thì lại cho rằng do mình gặp may mắn chứ mình chưa thể giỏi như mọi người đánh giá.

Thậm chí khi giáo sư hướng dẫn khen làm tốt lắm là tôi cảm thấy áy náy, nghi ngờ, lo sợ rằng mình được đánh giá quá cao so với khả năng thực. Suốt một thời gian dài tôi thường xuyên so sánh mình với người khác cùng trong phòng thí nghiệm và thấy mình thật kém cỏi. Phải rất lâu sau đó tôi mới học được bài học là cần tập trung vào bản thân mình cũng như nghiên cứu của mình. Thành công sẽ đến với bất kỳ ai trong bất kỳ ngành nghề nào, khi tự tin vào khả năng.

Vượt qua định kiến

Tôi cũng phải học cách cân bằng cuộc sống. Vì làm nghiên cứu, gần như cuộc sống của tôi luôn bận rộn. Có những ngày tôi chẳng thể nhìn thấy ánh sáng mặt trời, bởi vì phải đến phòng thí nghiệm từ lúc tinh mơ và rời đi lúc thành phố đã lên đèn. Việc ngủ lại phòng thí nghiệm là điều không tránh khỏi, thậm chí có nhiều đêm thức trắng cũng là điều bình thường.

z5933081756966_7be1bb12c775f6d7c9ba54a4b32df606(1).jpg
TS. Lê Ngọc Ánh đã theo đuổi đề tài nghiên cứu giải quyết tác hại của nấm mốc và độc tố của nó để ứng dụng trong chăn nuôi.

Sau này, tôi mới học được rằng mình cần biết chăm sóc bản thân và cho mình khoảng thời gian nghỉ ngơi hợp lý. Mỗi khi có thời gian rảnh thì sẽ luôn chú ý việc đi ra ngoài để hòa mình với thiên nhiên.
Bên cạnh đó, tôi phải vượt qua được định kiến mà người đời thường “khuyên nhủ” rằng phụ nữ không nên học cao mà phải chăm lo cho gia đình, con cái.

Rất nhiều lần tôi nhận được ánh mắt ái ngại của người khác mỗi khi nhắc đến việc tôi đã lớn tuổi mà vẫn độc thân, thậm chí có người còn nói rằng “đi học cao chi cho không ai dám lấy”. Tuy nhiên, việc độc thân và làm khoa học không có liên quan đến nhau, kiểu như cái này là hệ quả của cái kia.

Khi tôi đi học, tôi vẫn gặp rất nhiều giáo sư là nữ, những người chị, người bạn thành công trong khoa học mà vẫn có cuộc sống gia đình đầy hạnh phúc.

Tất nhiên, con đường duy trì nghiên cứu chưa bao giờ là dễ dàng. Và vẫn có những người vì niềm đam mê, vì ý nghĩa tốt đẹp của công việc mà dốc lòng cố gắng tiếp tục hành trình nghiên cứu gian lao mà đẹp đẽ này.

Kết thúc chặng đường hơn 7 năm ở Nga, tôi trở về thành phố Tam Kỳ. Tự thưởng cho mình khoảng thời gian ấm áp vui vẻ bên mẹ. Những thứ ấy tiếp năng lượng cho tôi trên đường dài với khoa học phía trước...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Từ phòng thí nghiệm nhìn ra...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO