Giảm nghèo - An sinh

Đông Giang cần phát huy "điểm khác biệt" trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia

ĐĂNG NGUYÊN 24/05/2024 15:58

(QNO) - Chiều nay 24/5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn - Trưởng ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) tỉnh Quảng Nam có buổi làm việc với UBND huyện Đông Giang về tình hình thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn huyện.

977a9947.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn chủ trì buổi làm việc với huyện Đông Giang. Ảnh: Đ.N

Nỗ lực phân bổ vốn

Theo UBND huyện Đông Giang, năm 2024, tổng nguồn vốn đã phân bổ thực hiện các Chương trình MTQG hơn 361 tỷ đồng/gần 370 tỷ đồng (vốn năm 2022 và 2023 chuyển sang gần 157 tỷ đồng đồng; vốn năm 2024 hơn 204 tỷ đồng đồng), đạt 97,6% kế hoạch vốn.

Trong đó, nguồn vốn đầu tư phát triển đã phân bổ gần 192 tỷ đồng/196 tỷ đồng (bao gồm vốn năm 2022 và 2023 chuyển sang gần 73,3 tỷ đồng; vốn năm 2024 hơn 118,6 tỷ đồng đồng) đạt 97,9% kế hoạch vốn. Nguồn vốn sự nghiệp hơn 169 tỷ đồng/gần 174 tỷ đồng (bao gồm vốn năm 2022 và 2023 chuyển sang hơn 87 tỷ đồng; vốn năm 2024 gần 82 tỷ đồng), đạt 97,26% kê hoạch vốn.

Tính đến ngày 20/5/2024, tổng vốn đã giải ngân hơn 42 tỷ đồng/gần 370 tỷ đồng, đạt 11,44%. Trong đó, vốn đầu tư đã giải ngân gần 30 tỷ đồng/gần 192 tỷ đồng, đạt 15,61% kế hoạch vốn giao; vốn sự nghiệp đã giải ngân hơn 14,6 tỷ đồng/hơn 169 tỷ đồng, đạt 8,7% kế hoạch vốn giao.

Qua rà soát, đánh giá các dự án, tiểu dự án, nội dung thực hiện thuộc các Chương trình MTQG năm 2024 (kể cả vốn năm 2022 và 2023 chuyển sang) không còn đối tượng hoặc vướng mắc về cơ chế không thể thực hiện. Để đảm bảo tiến độ giải ngân và phát huy hiệu quả nguồn các chương trình, địa phương đề xuất kế hoạch điều chỉnh nguồn vốn theo Nghị quyết số 111 của Quốc hội sang các tiểu dự án, dự án, nội dung cùng Chương trình MTQG có nhu cầu để thực hiện, với tổng nguồn vốn đề xuất điều chỉnh gần 58,6 tỷ đồng.

a00c5167b01f1041490e.jpg
Nhiều dự án được triển khai sau khi địa phương nỗ lực phân bổ vốn. Ảnh: Đ.N

Quá trình triển khai, địa phương gặp phải một số vướng mắc, cụ thể nguồn vốn sự nghiệp các Chương trình MTQG không được phân bổ cả giai đoạn 2021 - 2025 mà giao từng năm ngân sách, mức giao không ổn định nên không chủ động tham mưu đề xuất kế hoạch thực hiện các nội dung theo giai đoạn 2021 - 2025 mà phải trình các cấp theo từng năm tốn nhiều thời gian và thiếu tính liên kết dẫn đến tiến độ thực hiện và giải ngân không đảm bảo.

Ngoài ra, việc hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gặp nhiều khó khăn trong tổ chức thực hiện. Cụ thể, tỷ lệ quay vòng một phần vốn theo Quyết định số 01 của UBND tỉnh là quá cao và không phù hợp đối với các hộ hưởng lợi là đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhiều dự án, nội dung các Chương trình MTQG có sự trùng lắp nội dung, đối tượng giữa các chương trình, chưa sát với yêu cầu thực tế dẫn đến vốn giao nhiều nhưng không thể thực hiện do không có đối tượng hoặc có đối tượng nhưng không đảm bảo điều kiện để hỗ trợ...

fa9c13d518adb8f3e1bc.jpg
Nhà sinh hoạt cộng đồng Cơ Tu được linh hoạt triển khai tại Đông Giang. Ảnh: Đ.N

Phát huy "điểm khác biệt"

Ông Hà Ra Diêu - Phó ban Dân tộc tỉnh cho biết, Đông Giang là một trong số địa phương miền núi làm tốt công tác đầu tư các hạng mục bảo tồn văn hóa, cụ thể là xây dựng các nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng Cơ Tu tại các khu dân cư.

Đối với các nguồn vốn khoảng 100 tỷ đồng hiện nay "chưa có địa chỉ" đầu tư, ông Diêu gợi ý cần mở rộng đầu tư các dự án sinh kế, như trồng dược liệu gắn với chuỗi phát triển giá trị sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Đến nay, Đông Giang đã xây dựng được 28 nhà sinh hoạt cộng đồng; dự kiến đến cuối năm nay phấn đấu xây dựng thêm 4 ngôi nhà sinh hoạt cộng đồng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hội họp của đồng bào tại địa phương.

Chủ tịch UBND huyện Đông Giang - ông A Vô Tô Phương cho biết, địa phương tiếp tục mở rộng mô hình trồng quế và các cây dược liệu trong cộng đồng, gắn với việc trồng cây gỗ lớn, nâng cao chuỗi giá trị sản xuất lâm nghiệp. Đến nay, Đông Giang tổ chức trồng hơn 800ha quế được trồng và sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trong thời gian tới.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn, qua báo cáo, cho thấy Đông Giang có sự linh hoạt trong việc đầu tư các dự án từ nguồn vốn Chương trình MTQG. Trong đó, việc tập trung đầu tư các nhà sinh hoạt cộng đồng Cơ Tu thời gian qua, là "điểm khác biệt" của địa phương so với các huyện miền núi khác.

977a9958.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn phát biểu. Ảnh: Đ.N

Do vậy, bên cạnh tiếp tục đẩy mạnh sự dụng các nguồn vốn hiệu quả, đảm bảo theo tinh thần chung, Đông Giang cần phát huy "điểm khác biệt" của mình, xem đó là cách làm sáng tạo và linh hoạt để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ được giao.

"Qua đánh giá, Đông Giang có nhiều nỗ lực trong việc phân bổ các nguồn vốn từ Chương trình MTQG. Mặc dù giải ngân vốn còn chậm, nhưng bằng tinh thần trách nhiệm cao, tôi tin chắc địa phương sẽ sớm khắc phục khó khăn, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Thời gian tới, địa phương cần linh hoạt trong các nhiệm vụ đột phá, làm đến đâu, giải ngân đến đó, không chần chừ. Quá trình triển khai, cần hết sức lưu ý đến việc đầu tư theo từng danh mục cụ thể, không để mất nguồn vốn, cái nào dễ làm trước, khó làm sau" - ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đông Giang cần phát huy "điểm khác biệt" trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO