Nông nghiệp - Nông thôn

Mở hướng chăn nuôi heo cỏ an toàn sinh học ở huyện miền núi Đông Giang

NGUYỄN QUANG (nguyenquangviet08@gmail.com) 22/05/2025 08:31

Triển khai hiệu quả Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phát triển mô hình chăn nuôi heo cỏ miền núi an toàn sinh học gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn huyện Đông Giang” là cơ sở để các ngành chức năng của tỉnh khuyến khích huyện Đông Giang phát triển rộng khắp trên địa bàn.

heo co
Chăn nuôi heo cỏ thành công ở hộ ông Alăng Lê (thôn Cột Buồm, xã Kà Dăng, Đông Giang). Ảnh: Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Đông Giang

Hiệu quả bước đầu

Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phát triển mô hình chăn nuôi heo cỏ miền núi an toàn sinh học gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn huyện Đông Giang” được Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp (KTNN) huyện Đông Giang triển khai từ tháng 3/2022 đến tháng 2/2025.

Triển khai dự án, ngành chức năng đã chọn 6 hộ dân ở xã Jơ Ngây và xã Kà Dăng (Đông Giang) chăn nuôi 72 con heo giống (12 con đực, 60 con cái) tại địa điểm nằm trong vùng quy hoạch chăn nuôi của địa phương.

Tổng số heo còn sống đến lúc sinh sản là 50 con heo cái giống (84,72%) và 11 con heo đực giống (91,6%). Trung bình số heo con được sinh ra từ một heo nái là 6,2 con/lứa. Tổng số heo con được sinh ra từ mô hình sinh sản là 755 con/3 lứa. Trọng lượng trung bình heo con lúc sinh ra là 0,45kg/con. Tổng số heo con còn sống cho đến kết thúc dự án 717/755 con (đạt 95%).

Dự án đã chuyển giao 2 quy trình kỹ thuật gồm chăn nuôi giống heo cỏ miền núi Quảng Nam theo hướng sinh sản và chăn nuôi heo cỏ miền núi Quảng Nam theo hướng thịt thương phẩm. Trung tâm KTNN huyện Đông Giang đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Gia Phúc T&T về cung ứng giống heo nuôi và thu mua heo thịt thương phẩm của nông hộ.

Mới đây, Sở KH-CN tổ chức hội đồng khoa học và công nghệ tư vấn, đánh giá, nghiệm thu dự án này. Th.S. Phan Thị Hạnh (Khoa Nông lâm, Trường Cao Đẳng Quảng Nam) - Chủ tịch hội đồng đã đánh giá cao kết quả triển khai dự án của Trung tâm KTNN huyện Đông Giang.

Đặc biệt là dự án đào tạo được 20 cán bộ kỹ thuật nắm vững 2 quy trình kỹ thuật chăn nuôi heo cỏ miền núi là rất đáng ghi nhận; đồng thời tập huấn kỹ thuật cho 80 lượt nông dân về 2 quy trình kỹ thuật chăn nuôi nói trên.

“Dự án đã xây dựng mô hình liên kết chăn nuôi theo chuỗi với doanh nghiệp nên có thể kỳ vọng hướng sản xuất mới ở miền núi, xóa đi sản xuất tự túc, tự phát, ứng dụng khoa học, công nghệ và phát triển bền vững” - bà Hạnh nói.

heo co 2
Rất cần nhân rộng mô hình chăn nuôi heo cỏ trên địa bàn huyện Đông Giang. Ảnh: Ngành chức năng cung cấp

Cần phát triển sâu rộng

TS. Phan Thị Á Kim - Phó Giám đốc Sở KH-CN cho rằng, khi nhân rộng mô hình, huyện Đông Giang cần lưu ý đến bảo tồn giống heo cỏ, lưu giữ nguồn gen thuần chủng để phát triển đàn heo cỏ đặc trưng của địa phương.

Ngành nông nghiệp huyện cần chú trọng chăn nuôi heo cỏ theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Các điều kiện về chuồng trại, thức ăn, quy trình kỹ thuật cần khoa học hơn để tránh rủi ro, nhất là đáp ứng được các tiêu chí an toàn thực phẩm ngày càng khắt khe trên thị trường.

“Huyện Đông Giang cần nhân rộng chăn nuôi heo cỏ theo hướng phát triển tập trung, xây dựng các vùng nuôi an toàn, chú trọng ứng dụng công nghệ cao để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm chăn nuôi. Nhất là áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học để khống chế dịch bệnh, bảo vệ môi trường, phát triền bền vững” - bà Kim nói.

Ông Alăng Ôi - Giám đốc Trung tâm KTNN huyện Đông Giang cho biết, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt, địa phương ưu tiên chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp, nhất là đáp ứng nhu cầu thị trường, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Heo cỏ miền núi nói chung, heo cỏ Đông Giang nói riêng là đặc sản cần nhân rộng theo hướng chuỗi liên kết, an toàn sinh học. Qua đó giải quyết việc làm cho nguồn lao động, tạo thu nhập ổn định cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

“Chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tiếp nhận 2 quy trình kỹ thuật chăn nuôi heo cỏ để nhân rộng mô hình. Đồng thời tạo thương hiệu cho sản phẩm thịt heo cỏ Đông Giang để nâng cao vị thế cạnh tranh, xâm nhập sâu vào thị trường, tăng giá trị sản phẩm. Huyện Đông Giang sẽ xây dựng sản phẩm OCOP thịt heo cỏ địa phương, giúp người chăn nuôi heo cỏ phát triển bền vững” - ông Ôi nói.

Ông Nguyễn Mậu Ánh - Trung tâm KTNN huyện Quế Sơn cho rằng, ứng dụng khoa học, công nghệ vào chăn nuôi đóng vai trò quan trọng để nâng cao năng suất, sản lượng, tăng chất lượng sản phẩm và tối ưu hóa chi phí sản xuất. Qua thực tế triển khai dự án cho thấy, heo cỏ ở Đông Giang sinh trưởng ổn định, sức đề kháng cao, ít bệnh tật, tỷ lệ sống cao, chi phí đầu tư thấp, đặc biệt thịt heo cỏ có chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường.

“Cần nhân rộng mô hình để phát huy kết quả cao về kinh tế, xã hội và môi trường, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, tăng thu nhập cho người dân” - ông Ánh nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mở hướng chăn nuôi heo cỏ an toàn sinh học ở huyện miền núi Đông Giang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO