Giáo dục - Việc làm

Đông Giang chuẩn bị cho năm học mới

CÔNG TÚ 15/08/2024 07:30

Huyện Đông Giang chủ động khắc phục khó khăn, chuẩn bị điều kiện cần thiết để nâng cao chất lượng dạy và học cho năm học 2024 - 2025.

ẢNH 1
Một điểm trường được đầu tư làm các hạng mục phụ trợ. Ảnh: C.T

Tích cực chuẩn bị

Sau thời gian triển khai thi công, công trình Trường Tiểu học (TH) Mà Cooih (xã Mà Cooih) đã hoàn thành, kịp đưa vào sử dụng cho năm học mới 2024 - 2025.

Công trình bao gồm xây dựng khối lớp học 2 tầng, tổng diện tích sàn 648m2; khối phòng phụ trợ 2 tầng, tổng diện tích sàn hơn 374m2. Ngoài ra, tường rào, cổng ngõ, sân thể thao, mái che sân thể thao cũng được xây dựng.

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng - Phát triển quỹ đất huyện Đông Giang (chủ đầu tư), ông Hồ Hiệp thông tin, công trình được triển khai nhằm xây dựng Trường TH Mà Cooih đảm bảo tiêu chuẩn cơ sở vật chất, giải quyết tình trạng thiếu phòng học, phòng bộ môn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu dạy và học. Tổng mức đầu tư công trình hơn 10,6 tỷ đồng (vốn ngân sách trung ương hơn 9,2 tỷ đồng).

Không chỉ Trường TH Mà Cooih, nhiều trường trên địa bàn Đông Giang được sửa chữa nhiều hạng mục để đảm bảo điều kiện dạy học an toàn, thuận lợi.

Ông Nguyễn Văn Lê - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Đông Giang cho hay, đơn vị tham mưu UBND huyện phân bổ nguồn vốn duy tu, bảo dưỡng từ các dự án khác của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm tăng cường cơ sở vật chất cho các trường để thực hiện mục tiêu duy trì trường đạt chuẩn.

ẢNH 3
Huyện Đông Giang tổ chức lớp bồi dưỡng chính trị hè năm 2024 cho cán bộ quản lý, viên chức và người lao động ngành GD-ĐT. Ảnh: C.T

Hiện nay, các công trình sửa chữa cơ bản đã hoàn thành, đang hoàn thiện và đảm bảo bàn giao cho các trường trước ngày tựu trường đối với cấp học mầm non (ngày 22/8/2024), cấp học phổ thông (ngày 28/8/2024).

Nhằm chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ năm học mới 2024 - 2025, ngay từ đầu tháng 4/2024, Phòng GD-ĐT Đông Giang đã chủ động tham mưu UBND huyện bổ sung kinh phí để thực hiện mua sách giáo khoa, thiết bị dạy học cho các cấp.

Trong đó, thực hiện công tác đấu thầu mua sắm sách giáo khoa, thiết bị dạy học lớp 5, lớp 9 theo chương trình đổi mới giáo dục phổ thông năm 2018, đến nay đang chấm, chọn nhà thầu và tiến hành hợp đồng mua sắm, dự kiến trước khai giảng sẽ có sách giáo khoa, thiết bị dạy học.

Vẫn còn khó khăn

Ông Nguyễn Văn Lê chia sẻ, cùng với sự chủ động chuẩn bị, quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao của ngành còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Đơn cử, việc mua sắm, sửa chữa trường lớp mất rất nhiều thời gian từ lập hồ sơ, tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, nhất là giai đoạn thuê tư vấn lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật, lập hồ sơ mời thầu. Chưa kể, tổng mức gói thầu nhỏ lẻ nên khó mời (thuê) đơn vị tư vấn.

anh-4(2).jpg
Trường lớp học được đầu tư kiên cố giúp cho giáo viên, học sinh xã Jơ Ngây yên tâm dạy và học. Ảnh: C.T

Việc phát triển mới và kiểm định công nhận lại trường học đạt chuẩn quốc gia không được thuận lợi. Có 4/9 trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 đến nay đã hết hạn (sau 5 năm kể từ ngày công nhận) nhưng chưa thể kiểm định công nhận lại.

Nguyên nhân là do Thông tư số 13, ngày 26/5/2020 của Bộ GD-ĐT yêu cầu quá cao, và với địa bàn miền núi thì trường đã đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 khó giữ chuẩn.

Mặc dù, Phòng GD-ĐT đã tích cực tham mưu UBND huyện ban hành kế hoạch duy trì các trường đạt chuẩn, tuy nhiên nguồn lực địa phương có hạn vì vậy không thể đáp ứng nhu cầu.

Đối với nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp “trồng người”, địa phương còn thiếu rất nhiều giáo viên, nhân viên. UBND tỉnh đã giao công tác tổ chức tuyển dụng viên chức cho huyện, tuy nhiên kinh phí để tổ chức cho một đợt thi tuyển khá lớn, trong khi ngân sách huyện eo hẹp. Mặt khác, quy định về tổ chức thi tuyển rất nghiêm ngặt, địa phương phải đi thuê các đơn vị có chức năng tổ chức thi tuyển.

Về giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, ông Nguyễn Văn Lê cho biết, mặc dù quy trình, thủ tục lập hồ sơ mua sắm kéo dài, dẫn đến chậm tiến độ, nhưng do có sự chủ động từ sớm cho nên đến nay huyện đang thực hiện giai đoạn cuối cùng là hợp đồng, cung ứng, nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng.

Giải quyết bài toán về thiếu giáo viên, nhân viên, Phòng GD-ĐT đã tham mưu UBND huyện kế hoạch tuyển dụng viên chức ngành giáo dục năm 2024. Kế hoạch này đã trình Ban Thường vụ Huyện ủy cho chủ trương.

Thời gian đến, UBND huyện sẽ tham mưu UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch và tổ chức thi tuyển viên chức để bổ sung đội ngũ còn thiếu gồm 113 giáo viên, nhân viên (thiếu 104 giáo viên các cấp mầm non, TH, THCS; thiếu 9 nhân viên).

Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang - ông Đỗ Hữu Tùng cho biết, huyện đã giao Phòng Nội vụ chủ trì, phối hợp với Phòng GD-ĐT tham mưu triển khai thực hiện công tác thi tuyển viên chức giáo viên theo chỉ đạo.

Phòng Tài chính - Kế hoạch chủ trì, phối hợp Phòng GD-ĐT tham mưu trình UBND huyện thẩm định chủ trương các nội dung liên quan đến kinh phí như sữa học đường, sách giáo khoa.

UBND huyện chỉ đạo Phòng Văn hóa - thông tin sau khi kế hoạch bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Cơ Tu gắn với phát triển du lịch được ban hành, phải tập trung triển khai các hạng mục gươl, cồng chiêng, câu lạc bộ cồng chiêng trường học…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đông Giang chuẩn bị cho năm học mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO