(QNO) - Tín dụng chính sách xã hội (CSXH) được xem là “công cụ” tài chính hữu hiệu, góp phần thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách cùng nhiệm vụ về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn Đông Giang.
Nguồn lực thoát nghèo
Cũng như nhiều người ở xã Sông Kôn trước đây, thu nhập của gia đình bà Hộ bà Zơ Râm Thị Nho (trú thôn Pho) chủ yếu phụ thuộc vào 2ha trồng keo nguyên liệu. Đất trồng keo ở xa đường giao thông, cho nên thương lái mua với giá thấp, do phải trừ nhiều chi phí. Cuộc sống gia đình bà Nho vẫn thiếu trước hụt sau. Qua tuyên truyền và hướng dẫn của địa phương, hộ này được tiếp cận vay 50 triệu đồng của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đông Giang. Ngoài ra, Quỹ tiết kiệm và vốn vay phát triển sinh kế cộng đồng cho vay 10 triệu đồng.
Nhờ nguồn vốn vay, gia đình mua heo, bò sinh sản để nuôi; đồng thời đầu tư máy móc về nhận xay xát cho người dân địa phương. Bà Nho còn chịu khó nấu rượu bán cho xóm giềng, còn hèm rượu thì dành nuôi heo. Đàn heo sinh trưởng tốt, vì vậy vừa bán được con giống lại có thể bán heo thương phẩm. Nhờ thu nhập bằng nhiều nguồn, hộ có điều kiện lo cho con cái học hành. Căn nhà cũ ọp ẹp ngày nào, nay đã xây dựng kiên cố ven tuyến quốc lộ 14G. Gia đình còn mở quầy tạp hóa nhỏ cung cấp nhu yếu phẩm trong khu dân cư, kiếm thêm thu nhập. Năm 2022, hộ bà Nho chính thức thoát nghèo.
Theo ông Đỗ Hữu Tùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, tín dụng CSXH đúng là “Ý Đảng - lòng dân”. Nguồn lực này không chỉ giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo, không ít hộ có nhà ở kiên cố, mà còn giải quyết lao động nhàn rỗi ở địa phương. Nhờ vốn vay từ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đông Giang và áp dụng các giải pháp sát thực tế, nhiều mô hình kinh tế hình thành, cải thiện đáng kể thu nhập.
Đơn cử như mô hình nuôi gà thả vườn, dê bán chăn thả (xã Jơ Ngây); trồng chè dây, hoa hồng (xã Tư), nuôi heo đen (xã A Rooi, xã A Ting); trồng nghệ đen, đan mây tre (xã Sông Kôn); trồng cây bòn bon (xã Kà Dăng); nuôi cá lồng bè, heo đen, vịt xiêm (xã Mà Cooih)...
Phát huy hiệu quả
Ông Đặng Văn Dũng - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đông Giang cho biết, thời gian qua, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đã đồng hành triển khai thực hiện tốt các nội dung ủy thác cũng như nghị quyết của Ban Đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH huyện đưa ra, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ, nâng cao chất lượng hoạt động cũng như trình độ quản lý vốn vay của Tổ tiết kiệm và vay vốn. Nguồn vốn tín dụng chính sách tiếp tục được đầu tư có hiệu quả; làm thay đổi nhận thức của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác biết dùng vốn vay đầu tư sản xuất kinh doanh.
Tại huyện Đông Giang, ngay sau khi Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW Ban Bí thư Trung ương Đảng được ban hành, Ban Thường vụ Huyện ủy đã có Công văn số 873-CV/HU ngày 26/5/2015 về triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 24/11/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH. Ban Thường vụ Huyện ủy Đông Giang tiếp tục ban hành Công văn số 360-CV/HU ngày 23/7/2021 về thực hiện Kết luận số 06-KL/TW, ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện để đánh giá tình hình và xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của huyện.
Trên cơ sở đó, hàng năm, HĐND-UBND huyện Đông Giang cân đối, rà soát và trích bổ sung từ ngân sách huyện bổ sung vốn để Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện thực hiện cho vay, nâng tổng nguồn vốn ủy thác của huyện hơn 3,6 tỷ đồng. Điều này cho thấy sự quan tâm, sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành và địa phương ở vùng cao còn nghèo khó như Đông Giang trong việc tạo điều kiện đưa tín dụng CSXH đến với người nghèo và các đối tượng chính sách khác (tổng cộng 15 chương trình vay).
Chính quyền các xã, thị trấn luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất và điều kiện làm việc để Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đông Giang thực hiện “Điểm giao dịch xã”. Tổng dư nợ đến cuối tháng 11/2024 đạt hơn 330,191 tỷ đồng với 7.110 hộ vay vốn. Tín dụng CSXH giúp người dân chủ động hơn trong phát triển sản xuất; nhiều mô hình dự án được đầu tư vay vốn đã phát huy được nội lực, thu hút nhiều lao động, tạo thu nhập và giảm hộ nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.