Rà soát theo chuẩn mới cho thấy, hộ nghèo tại huyện Đông Giang còn ở mức cao, việc giảm hộ nghèo càng thêm nan giải.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang - ông Đỗ Hữu Tùng cho biết, huyện đã ban hành kế hoạch, các văn bản chỉ đạo về triển khai rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 theo 2 chuẩn nghèo đa chiều quy định tại Nghị định 07 năm 2021 của Chính phủ.
Huyện phối hợp với Sở LĐ-TB&XH tổ chức hội nghị tập huấn rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cho lãnh đạo UBND, cán bộ làm công tác giảm nghèo, cộng tác viên giảm nghèo, rà soát viên, trưởng thôn.
Bắt đầu thực hiện từ ngày 1.10 vừa qua, kết quả sơ bộ được cập nhật trên phần mềm Connection tính đến ngày 16.11 cho thấy Đông Giang hiện có 7.367 hộ dân, trong đó chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 có 3.388 hộ (tỷ lệ 45,98%); còn chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 là 1.286 hộ (tỷ lệ 17,45%), giảm 2,77% so với năm 2020.
Ông Đinh Ngọc Thanh - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Đông Giang chia sẻ, công tác rà soát hộ nghèo đã gặp trở ngại do khi sử dụng, cập nhật phần mềm thì các vùng đều phải có hệ thống internet, rà soát viên phải có điện thoại thông minh. Như vậy, thôn ở vùng sâu, vùng xa không thể nào đáp ứng, nhiều trưởng thôn là rà soát viên chưa có điện thoại thông minh.
Cán bộ làm công tác giảm nghèo một số nơi có sự thay đổi, một bộ phận năng lực nghiệp vụ còn hạn chế. Chính vì vậy, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ kịp thời vướng mắc, tạo điều kiện cho các ngành liên quan và địa phương đẩy nhanh tiến độ. Cuối tháng 11 này, huyện sẽ xong thẩm tra, phúc tra để có kết quả chính thức.
Nhưng kết quả sơ bộ cho thấy, hộ nghèo chuẩn mới của Đông Giang là khá cao. Điều này là thách thức lớn để kéo giảm, xóa dần hộ nghèo trong thời gian tới. Bởi lẽ, người dân còn nặng tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Vì lẽ đó, Đông Giang sẽ tuyên truyền cho người dân nắm bắt được chủ trương, chế độ chính sách liên quan đến giảm nghèo, thoát nghèo.
Tăng cường tập huấn, hướng dẫn kỹ năng giảm nghèo theo nguyên nhân dẫn đến nghèo như thiếu vốn, thiếu lao động, thiếu đất sản xuất, gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Trên cơ sở này, huyện giúp hỗ trợ sản xuất để giảm nghèo, không giúp trực tiếp cái ăn cho người nghèo; phân công và giao chỉ tiêu cụ thể cho các ban, ngành của huyện kết nghĩa với xã, thôn trực tiếp giúp đỡ hộ có mong muốn thoát nghèo. Đầu tư cơ sở hạ tầng, một yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế, chẳng hạn như làm đường vào vùng sản xuất; nhân rộng các mô hình kinh tế điển hình, giúp thoát nghèo bền vững.