Đông Giang ứng phó với mưa bão

KHẢI KHIÊM 14/09/2023 09:43

Việc ứng phó với mùa mưa bão năm nay đã được huyện Đông Giang lên phương án cụ thể. Tuy nhiên, thiên tai diễn biến ngày càng cực đoan, trong khi nhiều nỗi lo khác thường trực vẫn chưa được tháo gỡ.

Một vị trí trên đường Hồ Chí Minh, đoạn qua xã Zà Hung thường xuyên bị sạt lở trong mùa mưa. Ảnh: K.K
Một vị trí trên đường Hồ Chí Minh, đoạn qua xã Zà Hung thường xuyên bị sạt lở trong mùa mưa. Ảnh: K.K

Hàng đoàn xe tải ra - vào tấp nập để chở đất tại khu vực đồi Kiểm Lâm, nằm phía sau nhà hàng trăm hộ dân của thị trấn Prao. Đây là phương tiện phục vụ thi công dự án đường nội thị phía đông kết hợp hạ cos nền tránh nguy cơ sạt lở đồi Kiểm Lâm vào khu dân cư thị trấn Prao. Không chỉ tạo nên một diện mạo mới cho đô thị Prao khi hoàn thành, công trình còn đảm bảo an toàn cho nhà dân đối mặt với nguy cơ sạt lở nhiều năm qua.

Đại diện chủ đầu tư cho biết, trong phạm vi mặt bằng được bàn giao, nhà thầu đang tốc lực đào múc đất, hạ độ cao xuống còn 6m cho đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, một số vị trí còn vướng mặt bằng chưa thể thi công, khiến cho nhiều người bất an do mùa mưa bão đang đến gần.

Không riêng gì tại Prao, nhiều địa phương đối diện với nguy cơ sạt lở. Điển hình tại xã A Rooi, nhân dân và cán bộ địa phương luôn nơm nớp lo đất từ trên cao sẽ đổ ập xuống nhà “bám” sườn đồi.

Chủ tịch UBND xã A Rooi - ông Hôih Đức cho biết, mùa mưa bão nào địa phương cũng phải sẵn sàng phương án sơ tán 139 hộ thuộc diện nguy cơ cao bị ảnh hưởng do sạt lở. Còn tại xã Ba, cầu Sông Vầu hư hỏng do thiên tai đã nhiều tháng không thể lưu thông. Trước thực tế trên, huyện đã bố trí hơn 1 tỷ đồng làm đường cầu tạm để phục vụ lưu thông từ xã Ba ra xã Tư và ngược lại.

UBND tỉnh thống nhất hỗ trợ kinh phí xây dựng cầu mới. Song đến thời điểm, việc triển khai mới đến phần việc thiết lập dự toán, thiết kế bản vẽ thi công. Nếu thuận lợi, cuối năm 2023 mới lựa chọn được nhà thầu đảm nhận xây dựng công trình. Mùa mưa đến, nước lũ dâng lên thì cầu tạm sẽ bị ngập, người dân phải đi đường vòng xa hơn 10km.

Đó là chưa kể, đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 14G hay tuyến ĐT609 cũng thường xuyên sạt lở gây chia cắt lưu thông vào mùa mưa. Đáng lo hơn, mỗi lần vận động di dời ra khỏi vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt nếu thiên tai xảy ra, một số người dân không chịu tuân thủ.

Việc chằng chống nhà cửa để ứng phó với bão của một bộ phận người dân chậm cũng là tồn tại cần được các cấp, các ngành ở Đông Giang tính đến và có biện pháp hiệu quả. Do địa bàn bị chia cắt, dân cư phân tán, vì vậy, hệ thống cảnh báo, thông tin, truyền thông tới cộng đồng rất khó khăn sẽ ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, điều hành của huyện.

Để ứng phó trước mắt, lãnh đạo UBND huyện Đông Giang cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, kịp thời thực hiện các phương án bằng quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị.

Tất cả các đồng chí lãnh đạo huyện, xã sẽ trực tiếp xuống từng địa bàn dân cư, các điểm xung yếu để chỉ đạo, điều hành, chỉ huy tại chỗ. Đặc biệt, các lực lượng vũ trang đóng chân trên địa bàn sẽ hỗ trợ địa phương, phát huy vai trò quan trọng chủ công trong ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đông Giang ứng phó với mưa bão
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO