(QNO) - Thời gian qua, Tỉnh đoàn và các cấp bộ đoàn triển khai nhiều chương trình hỗ trợ thanh niên phát triển sản phẩm OCOP, từ tập huấn kỹ năng đến kết nối thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm.
Thanh niên khởi nghiệp
Từ vùng đất Quế Thuận (Quế Sơn), câu chuyện khởi nghiệp của chàng trai trẻ Đinh Đức Phú (SN 1996) với các sản phẩm từ nhung hươu trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều thanh niên địa phương. Năm 2024, sản phẩm rượu nhung hươu của Phú đạt chứng nhận 3 sao OCOP, đánh dấu bước tiến quan trọng trên hành trình chinh phục thị trường.
[VIDEO] - Mô hình khởi nghiệp và phát triển sản phẩm OCOP rượu nhung hươu của anh Đinh Đức Phú:
Anh Phú cho biết, để có được thành quả hôm nay không chỉ là hành trình cố gắng của anh trong việc nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo nên các sản phẩm từ nhung hươu giá trị cao, mà còn là sự đồng hành, hỗ trợ của các ban ngành, đoàn thể. Trong đó, Đoàn thanh niên cấp xã, huyện đã đồng hành cùng anh từ những ngày đầu khởi nghiệp.
“Chứng nhận 3 sao OCOP năm 2024 là một niềm vui lớn của bản thân, đây là động lực để tôi tiếp tục phát triển, hoàn thiện sản phẩm, xây dựng thương hiệu nhung hươu ngày càng phát triển” - anh Phú chia sẻ.
Năm 2024, sản phẩm trứng gà ác Hảo Nhân của chị Phạm Thị Nhân (SN 1992, xã Duy Trinh, Duy Xuyên) cũng được công nhận lại 3 sao OCOP.
Với mong muốn mang đến cho người tiêu dùng nguồn thực phẩm sạch, bổ dưỡng, chị Nhân đã dày công xây dựng mô hình chăn nuôi gà ác theo hướng an toàn, khép kín. Sản phẩm được đóng gói bao bì đẹp mắt, tiện lợi, thể hiện sự chuyên nghiệp và nâng cao giá trị sản phẩm. Trứng gà ác Hảo Nhân đã có mặt tại nhiều cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị và được người tiêu dùng đón nhận tích cực.
Chị Nhân cho biết, trong hành trình xây dựng thương hiệu OCOP cho sản phẩm, chị nhận sự hỗ trợ từ đoàn thanh niên địa phương. Thông qua các lớp tập huấn giúp chị trang bị nhiều kiến thức, kỹ năng trong xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Đặc biệt, qua kênh đoàn thanh niên, chị được hỗ trợ vay vốn 100 triệu đồng để phát triển sản phẩm, được đoàn xã hỗ trợ xây dựng hình ảnh, quảng bá sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội. Sau khi được công nhận OCOP năm 2021, sản phẩm tiếp tục được Đoàn thanh niên hỗ trợ tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại, góp phần nâng cao độ nhận diện và khẳng định chất lượng thơm ngon.
Theo thống kê, năm 2024, các cấp bộ đoàn toàn tỉnh đã hỗ trợ thi đánh giá, phân hạng và có 45 sản phẩm OCOP của thanh niên được công nhận đạt chuẩn 3 sao, tiêu biểu như: Ốc nhồi ống nứa của chị Mai Thị Thu Sương (Duy Xuyên); chuối sứ chín ép khô của chị Lê Thị Phượng (Hiệp Đức); bún gạo lức khô Lợi Phát của anh Nguyễn Quang (Thăng Bình); rượu nhung hươu của anh Đinh Đức Phú (Quế Thuận, Quế Sơn); trứng gà ác Hảo Nhân của chị Phạm Thị Nhân (Duy Trinh, Duy Xuyên)…
Đồng hành
Thời gian qua, Tỉnh đoàn và các cấp bộ đoàn trong tỉnh tổ chức nhiều chương trình, hoạt động nhằm cổ vũ, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, hướng tới mục tiêu tạo ra các sản phẩm OCOP chất lượng mang bản sắc địa phương, mang lại việc làm ổn định cho thanh niên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Anh Hoàng Văn Thanh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn cho biết, hằng năm, các cấp bộ Đoàn thường xuyên tuyên truyền cho đoàn viên thanh niên hiểu đúng về chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) thông qua các ấn phẩm tuyên truyền mới mẻ, sinh động.
Cùng với đó, hướng dẫn thanh niên cách thức tiếp cận các chính sách khởi nghiệp, nguồn vốn ưu đãi; giới thiệu sản phẩm OCOP thông qua Chuyên trang giới thiệu và quảng bá sản phẩm khởi nghiệp thanh niên của Tỉnh đoàn Quảng Nam hay qua các hội chợ trưng bày, quảng bá sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên...
Ngoài ra Tỉnh đoàn cũng duy trì tổ chức các lớp tập huấn khởi nghiệp từ chương trình OCOP; kỹ năng nghiệp vụ bán hàng online, phương pháp xây dựng website kinh doanh, cách marketing sản phẩm; tăng trưởng doanh thu trên sàn thương mại điện tử…
Anh Thanh cũng cho rằng, việc đưa các sản phẩm OCOP của thanh niên lên sàn thương mại điện tử góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số, khẳng định vai trò tiên phong, đổi mới của thanh niên trong triển khai chương trình OCOP.
Hằng năm, Tỉnh đoàn còn tổ chức cuộc thi Ý tưởng, dự án khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cấp tỉnh để tìm kiếm, đồng hành và hỗ trợ hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp của thanh niên. Song song đó, Tỉnh đoàn cũng chủ động phối hợp Sở NN&PTNT hướng dẫn các hộ kinh doanh trẻ, hợp tác xã, tổ hợp tác của thanh niên đăng ký tham gia chương trình OCOP.
“Việc đồng hành, hỗ trợ thanh niên trong phát triển sản phẩm OCOP mở ra triển vọng phát triển các mô hình kinh doanh, hợp tác xã do thanh niên làm chủ. Điều này góp phần nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho thanh niên tại địa phương" - anh Thanh nói.