(QNO) - Nhiều cơ sở kinh doanh trên địa bàn huyện Nam Trà My tận dụng thế mạnh sẵn có của tài nguyên bản địa đã mạnh dạn đầu tư, phát triển các sản phẩm OCOP.
Gắn bó với mảnh đất Nam Trà My hơn 20 năm, chị Trần Thị Thanh Tuyền (thôn 1, xã Trà Mai) hiểu rõ công dụng của các loại dược liệu, nông sản vùng núi và giá trị kinh tế mà chúng mang lại.
Năm 2019, chị Tuyền thực hiện ý tưởng khởi nghiệp bằng việc đầu tư dây chuyền chế biến chè dây thành sản phẩm OCOP, được thị trường đón nhận. Năm 2020, chị tiếp tục cho ra mắt sản phẩm OCOP măng nứa Thanh Tuyền.
"Tôi thu mua măng nứa tươi của người dân, rửa sạch và luộc bằng máy. Với cách này sẽ dễ dàng loại bỏ tạp chất và giảm vị đắng của măng, đồng thời vẫn giữ được độ dai, thơm đặc trưng của măng nứa Nam Trà My" - chị Tuyền nói.
Hiện nay, sản phẩm măng nứa Thanh Tuyền được công nhận OCOP 3 sao, mỗi năm cơ sở bán ra thị trường hơn 2 tạ sản phẩm măng nứa khô xé sợi, đóng gói với giá 120.000 đồng/hộp, doanh thu hơn 70 triệu đồng.
Những năm qua, khởi nghiệp từ chương trình OCOP của Nam Trà My thuận lợi, bởi một phần sẵn có tài nguyên tại chỗ, cộng với các cơ chế, chính sách hỗ trợ sát sao của Nhà nước. Cụ thể, vùng cao này sở hữu 400ha cây dược liệu các loại, trong đó nhiều loại được biết đến rộng rãi như đảng sâm, chè dây, sa nhân tím, thất diệp nhất chi hoa...
Trong số 22 sản phẩm được công nhận OCOP, có 8 sản phẩm từ dược liệu (không tính sâm Ngọc Linh và quế Trà My), 3 sản phẩm từ nông sản (gạo lứt, ớt xiêm, măng nứa).
Theo ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, mặc dù thời gian triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm rất ngắn, nhưng sản phẩm OCOP phát triển rất nhanh về số lượng lẫn chất lượng.
"Thông qua phiên chợ sâm, dược liệu, nông sản Nam Trà My hằng tháng và lễ hội sâm Ngọc Linh hằng năm, chúng tôi nhận thấy tốc độ phát triển sản phẩm OCOP rất nhanh, mang lại giá trị cao, giúp tăng thu nhập cho người sản xuất" - ông Mẫn khẳng định.
[VIDEO] - Định hướng phát triển sản phẩm OCOP của huyện Nam Trà My
Đáng nói, bên cạnh duy trì bán thô, đẩy mạnh sản xuất sản phẩm OCOP, một số doanh nghiệp, hộ kinh doanh cũng đã nghiên cứu, liên kết chế biến sâu với các doanh nghiệp lớn để cho ra thị trường các sản phẩm mang tính phức tạp về quy trình, nhưng lại dễ sử dụng.
Gầnđây, cơ sở kinh doanh sâm Ngọc Linh Tuấn Ngân (xã Trà Mai) nổi lên như một làn gió mới trong hệ sinh thái OCOP ở Nam Trà My, khi liên tục làm ra nhiều sản phẩm OCOP chất lượng, đa dạng về mẫu mã.
Các sản phẩm OCOP sử dụng nguyên liệu gần gũi của đồng bào vùng cao như sâm Ngọc Linh, gạo lứt. Cạnh đó, cơ sở còn đầu tư mở showroom trưng bày, giới thiệu sản phẩm từ sâm và dược liệu, kết hợp quảng cáo trực tuyến thông qua mạng xã hội, đã đưa sản phẩm của mình đến gần hơn với người tiêu dùng.
Chị Hồ Thị Thúy Ngân - chủ cơ sở kinh doanh sâm Ngọc Linh Tuấn Ngân cho biết: "Để đưa được sản phẩm đến gần người tiêu dùng hơn, cần phải nghiên cứu công thức, chế biến sâu thành các loại sản phẩm dễ dùng, giá cả phải chăng, dưới dạng viên, tinh chất, nước uống...".
[VIDEO] - Các chủ thể OCOP kỳ vọng về tương lai của OCOP
Theo kế hoạch, cuối năm nay, cơ sở Tuấn Ngân sẽ ra mắt 3 sản phẩm chiết xuất tinh chất sâm Ngọc Linh và tiếp tục hoàn thiện hồ sơ công nhận nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP.
Cũng theo ông Trần Văn Mẫn, dù số doanh nghiệp cũng như chủ thể tham gia sản xuất sản phẩm OCOP tăng cao, song họ vẫn còn e dè về thị trường, điều này cũng ảnh hưởng đến tâm lý của những người muốn khởi nghiệp với OCOP.
[VIDEO] - Nam Trà My đẩy mạnh quảng bá sản phẩm OCOP
Do đó, ngoài tổ chức phiên chợ, Nam Trà My cũng chủ động kết nối với các siêu thị, Minimart trên địa bàn tỉnh để giới thiệu, bày bán sản phẩm OCOP Nam Trà My. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh tại các diễn đàn, hội chợ... để mở rộng thị trường.