Cùng với xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, các hoạt động của Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học” do USAID tài trợ đã góp phần thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông lâm nghiệp, nâng cao hiệu quả sinh kế cho cộng đồng miền núi Quảng Nam.
Thúc đẩy trồng rừng
Theo báo cáo của Ban Quản lý (BQL) dự án hỗ trợ kỹ thuật “Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học” Quảng Nam (gọi tắt là Dự án VFBC Quảng Nam), sau 3 năm triển khai dự án, rất nhiều hoạt động được thực hiện tại các địa phương. Qua đó, góp phần đem lại hiệu quả thiết thực trong lĩnh vực lâm nghiệp, đặc biệt là công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Trên cơ sở hỗ trợ xây dựng phương án quản lý rừng bền vững tại cộng đồng, thời gian qua, Dự án VFBC Quảng Nam cung cấp trang thiết bị, dụng cụ bảo hộ cho công tác tuần tra và bảo vệ rừng.
Đồng thời, hình thành 12 nhóm hộ trồng rừng, quản lý rừng bền vững trong cộng đồng miền núi và cấp chứng chỉ rừng cho 3.466ha rừng trồng.
Ngoài ra, tổ chức hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng và các lớp tập huấn cho hộ trồng rừng liên kết; hỗ trợ hơn 165 nghìn cây giống keo lai cấy mô giúp hàng chục hộ dân mở rộng diện tích rừng trồng; bàn giao 40 nghìn cây mầm mô, cùng 10 nghìn cây mô giống gốc làm vườn đầu dòng cho 3 vườn ươm trên địa bàn tỉnh, gồm Công ty TNHH MTV Đức Uyên (Hiệp Đức), Công ty TNHH giống cây trồng công nghệ cao 9 Vui và Vườn ươm Minh Hoàng (Quế Sơn)...
Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NN&PTNT, Giám đốc BQL Dự án VFBC Quảng Nam cho biết, đặc thù của địa phương là thực hiện cả 2 hợp phần quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học. Vì vậy, các hoạt động của Dự án VFBC đã bước đầu hỗ trợ Quảng Nam chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải thấp và tăng trưởng xanh, thông qua các chuỗi giá trị sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ theo hướng bền vững, có chứng chỉ rừng, thúc đẩy trồng rừng và sản xuất rừng gỗ lớn.
Theo ông Tích, thông qua các tiểu dự án thành phần được triển khai tại Quảng Nam, bên cạnh tăng cường sự tham gia cộng đồng trong việc nâng cao công tác tuần tra, bảo vệ rừng, còn tạo sự liên kết giúp quá trình giám sát đa dạng sinh học ngày càng hiệu quả.
“Nhiều cuộc tập huấn, truyền thông cộng đồng được phối hợp tổ chức giúp người dân xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, kỹ năng tuần tra rừng, thực hành hiệu quả nuôi trồng, thu hái dược liệu và các nguyên tắc, tiêu chuẩn khai thác dược liệu tự nhiên” - ông Tích cho biết.
Năm 2024, theo kế hoạch giao của Bộ NN&PTNT, Quảng Nam dự kiến triển khai 140 hoạt động, với tổng ngân sách hơn 1,1 triệu USD. Thông qua các hoạt động này, giúp nâng cao công tác quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh thêm hiệu quả.
Giám sát đa dạng sinh học
Ông Từ Văn Khánh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Phó Giám đốc BQL Dự án VFBC Quảng Nam cho biết, các hợp phần và tiểu hợp phần của Dự án VFBC được triển khai tại Quảng Nam thời gian qua đã mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác quản lý rừng và bảo tồn đa dạng sinh học.
Điển hình hoạt động đặt, thu bẫy ảnh hệ thống tại lâm phận Vườn quốc gia Sông Thanh và Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Sao la; hỗ trợ thành lập, vận hành 4 nhóm tuần tra bảo vệ rừng và tháo gỡ bẫy chuyên nghiệp tại Vườn quốc gia Sông Thanh, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voi và BQL rừng phòng hộ các huyện Đông Giang và Tây Giang…
Đặc biệt, hoạt động ký kết triển khai thực hiện quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và bảo tồn thiên nhiên giữa BQL rừng và hạt kiểm lâm trên địa bàn tỉnh, được xem như mô hình thử nghiệm hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực bảo vệ rừng và thực thi pháp luật lâm nghiệp.
Trên cơ sở phối hợp linh hoạt và chặt chẽ giữa các đơn vị, quá trình tổ chức thực hiện quy định, chính sách pháp luật hiện hành liên quan đến lĩnh vực bảo vệ, phát triển rừng và bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh được kỳ vọng sẽ thêm phần hiệu quả thiết thực.
Ông Vũ Văn Hưng - Phó Trưởng BQL các dự án lâm nghiệp, Giám đốc BQL Dự án VFBC Việt Nam cho biết, sau thời gian triển khai chính sách hỗ trợ dự án lâm nghiệp trong cộng đồng tại các địa phương, trong đó có Quảng Nam, bước đầu có sự chuyển biến tích cực. Nhiều mô hình cộng đồng tham gia quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả gắn với phát triển sinh kế dưới tán rừng, góp phần nâng cao thu nhập cho chính cộng đồng vùng dự án.
“Bằng các chính sách hỗ trợ, thông qua phương thức quản lý rừng cộng đồng bền vững được triển thời gian qua tại Quảng Nam giúp tăng cường năng lực, cải thiện sinh kế, phát triển vùng nguyên liệu hiệu quả trong cộng đồng. Ngoài ra, giúp kiểm soát hiệu quả hơn các nguy cơ gây mất rừng và suy thoái rừng ở miền núi” - ông Hưng nói.