Không chỉ gợi mở nhiều cách làm hay trong hành trình khởi nghiệp, thời gian qua, Nam Giang xây dựng cơ chế khuyến khích tinh thần sáng tạo, dám nghĩ dám làm ở người trẻ, bước đầu đem lại kết quả.
Cần chính sách trợ lực
Sau những hỗ trợ của chính quyền địa phương, tuổi trẻ Nam Giang đang có bước tiến khá lạc quan trong câu chuyện tự thân lập nghiệp, hướng đến mục tiêu khởi nghiệp sáng tạo và bền vững. Nhiều mô hình phát triển kinh tế được chọn lựa như một “bước đệm” giúp thanh niên vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống mới ổn định và chất lượng hơn.
Theo anh Bùi Thế Anh - Bí thư Huyện đoàn Nam Giang, xác định hành trình lập nghiệp, khởi nghiệp gắn với chuyển đổi số là nền tảng để thanh niên vượt khó đi lên, thời gian qua, nhiều tổ công nghệ số cộng đồng được triển khai giúp tìm đầu ra cho sản phẩm kinh tế theo hướng kết nối thị trường trên địa bàn huyện.
Bằng sự liên kết giữa các đơn vị và hộ cá thể, nhiều sản phẩm từ các mô hình chăn nuôi heo đen, nông sản đặc trưng của thanh niên địa phương được hỗ trợ mở rộng thị trường, đáp ứng nhu cầu giao thương.
Để khuyến khích thanh niên khởi nghiệp, thời gian qua, Huyện đoàn Nam Giang thường xuyên triển khai hoạt động hỗ trợ, tạo điều kiện để thanh niên giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển kinh tế, giao thương, xây dựng thương hiệu. Đặc biệt, tổ chức các chương trình giao lưu, gặp gỡ doanh nhân thành đạt để lan tỏa tinh thần, cảm hứng trong thanh niên miền núi.
“Ngoài ra, chúng tôi phát động chương trình nhận đỡ đầu, trao sinh kế giúp các hộ thanh niên niên khó khăn vươn lên trong cuộc sống, từng bước thoát nghèo bền vững” - anh Bùi Thế Anh chia sẻ.
Anh Blúp Ngữ - Bí thư Đoàn xã Chà Vàl cho biết, từ nhu cầu thực tiễn hiện nay, Đoàn xã Chà Vàl đang triển khai bước đầu các hoạt động thành lập Tổ hợp tác thanh niên nuôi heo đen tại Chi đoàn thôn A Bát. Tổ hợp tác này với 7 thành viên, họ tự góp vốn đầu tư chuồng trại, con giống…
Để mô hình liên kết này sớm được triển khai, đem lại hiệu quả thiết thực, theo anh Ngữ cần có thêm chính sách trợ lực từ chính quyền địa phương, nhất là cơ chế hỗ trợ kỹ thuật, chuồng trại, con giống... “Phải có chính sách hỗ trợ thì thanh niên mới đủ nguồn lực và tự tin hơn trong việc khởi nghiệp bằng các mô hình phù hợp tại địa phương mình” - Blúp Ngữ nói.
Khuyến khích thanh niên thoát nghèo
Phó Bí thư Huyện đoàn Nam Giang - Chơ Rưm Thúc cho hay, các hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp được quan tâm triển khai thời gian qua giúp nhiều thanh niên địa phương thoát nghèo bền vững. Ngoài trực tiếp tổ chức các hoạt động quảng bá, giúp tiêu thụ sản phẩm khởi nghiệp, địa phương kết nối đưa các mặt hàng nông nghiệp, sản phẩm heo đen, rượu tà vạc cất… của thanh niên đến gần hơn với thị trường lân cận.
“Tại Nam Giang hiện có vài tổ hợp tác thanh niên khởi nghiệp được hình thành, với các mô hình chủ yếu như nuôi heo đen, trồng cây ăn quả, phát triển cây dược liệu…
Nhiều mô hình liên kết phát huy hiệu quả kinh tế, tiêu biểu như HTX Nông lâm nghiệp A Liêng (xã Tà Bhing) sau gần 2 năm triển khai đã từng bước tiếp cận thị trường, duy trì gần 100 con heo đen mỗi năm, mở ra cơ hội rất lớn cho thanh niên phát triển theo nhóm hộ gia đình” - anh Thúc cho biết thêm.
Theo ông A Viết Sơn - Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, thời gian qua, địa phương luôn quan tâm đến công tác thanh niên, đặc biệt là hoạt động thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp gắn với chuyển đổi số.
Để thanh niên địa phương có cơ hội phát triển kinh tế, ông Sơn đề nghị cần rà soát nhu cầu cụ thể từ địa phương. Trong đó quan tâm đến các hướng nhu cầu cần thiết của thanh niên trong việc đầu tư sinh kế, thành lập tổ liên kết nhóm hộ…
Trên cơ sở nhu cầu này, các phòng ban của huyện sẽ tiến hành hỗ trợ nguồn lực theo 3 Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
“Thời gian tới, thanh niên Nam Giang cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, động viên nhau làm ăn, phát triển kinh tế bằng các mô hình hiệu quả, thiết thực. Mô hình nào phù hợp cần mạnh dạn nhân rộng, đầu tư xây dựng sản phẩm theo chuỗi giá trị cung ứng. Trong đó, quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm truyền thống mang thương hiệu của địa phương đưa ra thị trường.
Thanh niên phải là lực lượng tiên phong trong chuyển đổi số, xem đó là cơ hội để phát triển, nâng tầm các giá trị sản phẩm đặc trưng miền núi đến với khách hàng thông qua hoạt động quảng bá, xây dựng hình ảnh và thương hiệu” - ông Sơn nhấn mạnh.