Tài chính - Thị trường

Động lực cho tín dụng chính sách ở Thăng Bình

VIỆT QUANG 06/08/2024 08:00

Qua 10 năm đi vào cuộc sống, Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã trở thành động lực cho hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Thăng Bình.

tdcstb-1-.jpg
Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH huyện Thăng Bình khen thưởng nhiều cá nhân, tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ảnh: Q.VIỆT

Để triển khai Chỉ thị số 40, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Thường vụ Huyện ủy Thăng Bình đã chỉ đạo cấp ủy các cấp trên địa bàn tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (CSXH).

HĐND huyện đã đưa vào dự toán phân bổ ngân sách hằng năm dành nguồn vốn ngân sách để chuyển sang Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện lập nguồn vốn cho vay ưu đãi.

UBND huyện phân công nhiệm vụ cụ thể trong thường trực UBND, các ngành, đơn vị, địa phương tập trung nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn.

Ông Trần Quốc Tuấn - Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Thăng Bình cho biết, đến ngày 30/6, nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn đạt hơn 900,6 tỷ đồng.

Tổng dư nợ thực hiện 16 chương trình tín dụng ưu đãi hơn 898,7 tỷ đồng (tăng hơn 64,2 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 100% kế hoạch giao, tỷ lệ tăng trưởng 7,7% cao hơn bình quân chung toàn tỉnh).

Nguồn lực tín dụng chính sách đã góp phần tích cực cùng địa phương thực hiện đạt các mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

tb2.jpg
Tín dụng chính sách giúp Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Thăng Bình phát triển rau quả an toàn. Ảnh: Q.VIỆT

Phương thức cho vay được ủy thác qua hội nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh và đoàn thanh niên đã huy động được cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở cùng vào cuộc. Mạng lưới điểm giao dịch xã, tổ tiết kiệm và vay vốn được xây dựng khắp 22 xã, thị trấn...

Tín dụng chính sách được triển khai trong 10 năm qua đã tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Thăng Bình. Hầu hết các cơ sở OCOP, hợp tác xã, hộ nghèo, chính sách đều tận dụng vay vốn chính sách xã hội để phát triển kinh tế, đầu tư các công trình nước sạch, hỗ trợ cho học sinh, sinh viên...

Ông Nguyễn Văn Húy - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, Trưởng ban Đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH huyện cho biết, trong 10 năm triển khai Chỉ thị số 40 đã thay đổi căn bản nhận thức, hành động của cấp ủy, chính quyền địa phương về vai trò của tín dụng chính sách. Nhờ đó, chính sách tín dụng này ngày càng tăng quy mô, chất lượng, thể hiện tính nhân văn sâu sắc.

Để Chỉ thị số 40 tiếp tục phát huy vai trò tạo động lực cho hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Húy đề nghị Trung ương, UBND tỉnh tiếp tục dành nguồn vốn ngân sách ủy thác để Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH Thăng Bình đẩy mạnh cho vay nhà ở xã hội, giải quyết việc làm, cho vay hộ mới thoát nghèo…

“UBND huyện Thăng Bình ưu tiên dành vốn ngân sách ủy thác sang ngân hàng chính sách để triển khai sâu rộng hơn nữa các chương trình cho vay ưu đãi đến với nhân dân. Ban đại diện HĐQT Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH Thăng Bình chú trọng chuyển hoạt động cho vay ưu đãi từ truyền thống sang chuyển đổi số phù hợp với chiến lược phát triển bền vững” - ông Húy nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Động lực cho tín dụng chính sách ở Thăng Bình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO