Chưa có phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nào được phê duyệt, đường dẫn vào cầu Văn Ly (thuộc dự án cầu Văn Ly và đường dẫn) vẫn đang “nằm yên” vì không có mặt bằng để thi công.
Giậm chân tại chỗ
Đến công trường cầu Văn Ly và đường dẫn (nối liền thị xã Điện Bàn với huyện Đại Lộc) những ngày này, lực lượng của nhà thầu thi công chỉ còn khoảng 30 người.
Trên phạm vi làm đường dẫn, 3 cây cầu cạn thuộc nhánh 2 từ nút giao với km1+040 của nhánh 1 đến nút giao giữa tuyến ĐT609 với ĐT605 (ngã 3 Cẩm Lý, xã Điện Hồng, Điện Bàn) không có động tĩnh gì. Nhánh 1 của đường dẫn đi về phía tây, đến nút giao giữa tuyến ĐT609B với ĐT609C (xã Đại Hòa, Đại Lộc) cũng chưa thấy rục rịch.
Theo kỹ sư Nguyễn Văn Nam - cán bộ kỹ thuật Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương (nhà thầu xây dựng), đến thời điểm này, nhà thầu chưa nhận được mặt bằng từ Điện Bàn và Đại Lộc để thi công đường dẫn.
Riêng cầu Văn Ly, nhịp chính của cầu đã hợp long; chỉ còn một nhịp cuối nối giữa mố M1 với trụ T1 (bờ xã Điện Quang, Điện Bàn) đang chờ di dời đường dây trung, hạ thế và trạm biến áp trạm bơm Tư Phú mới có thể lao lắp 4 phiến dầm còn lại. Cũng vì chưa có mặt bằng làm đường dẫn, nhà thầu chỉ duy trì một số tổ chuyên đúc gờ chắn lan can, vệ sinh công trường cầu Văn Ly.
Theo chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam), giá trị khối lượng xây lắp toàn dự án thực hiện đến ngày 18/12/2024 đạt 143,41/423,86 tỷ đồng (chiếm 33,8% tổng giá trị hợp đồng). Trong đó, hạng mục cầu Văn Ly đã thi công đạt khoảng 94% giá trị khối lượng (143,41/152 tỷ đồng).
Kỹ sư Đào Hồng Ngọc - cán bộ kỹ thuật Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương chia sẻ, phần đường dẫn không có sản lượng thực hiện. Nhà thầu phải thuê đất nằm phía tây mố M2 (xã Điện Hồng) của người dân để có mặt bằng lao lắp dầm, đưa phương tiện đổ bê tông lên đúc gờ chắn lan can.
Sớm phê duyệt phương án
Dự án cầu Văn Ly và đường dẫn chính thức thi công vào tháng 10/2023; thời gian kết thúc tháng 3/2026. Theo tiến độ đặt ra, công trình hoàn thành trước tháng 9/2025, nhằm chào mừng kỷ niệm 80 năm Quốc khánh 2/9 và Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXIII (nhiệm kỳ 2025 - 2030).
Để hoàn thành toàn bộ công trình, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) làm đường dẫn cần phải được khơi thông. Chủ đầu tư cho biết, hơn 220 hộ bị ảnh hưởng do thu hồi đất; trong đó 31 hộ bị giải tỏa trắng phải di dời chỗ ở (7 hộ ở xã Đại Hòa, 24 hộ xã Điện Hồng); 34 hộ bị ảnh hưởng một phần đất ở và khoảng hơn 170 hộ bị thu hồi đất nông nghiệp.
Liên quan đến tiến độ triển khai công tác GPMB, tái định cư (TĐC) để thi công đường dẫn, huyện Đại Lộc thực hiện theo từng đợt về xét nguồn gốc đất, hiện đã xong phần đất nông nghiệp, còn phần đất ở chưa thực hiện (do chưa có khu TĐC).
Khu TĐC tại xã Đại Hòa đang lập thủ tục lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500; lựa chọn đơn vị tư vấn thiết kế khảo sát lập dự án. Hiện tại, Trung tâm Phát triển quỹ đất và cụm công nghiệp Đại Lộc đã lập phương án tạm về bồi thường, hỗ trợ phần đất nông nghiệp, nhưng phải chờ UBND tỉnh ban hành các văn bản pháp luật hướng dẫn quy định các cơ chế, chính sách về bồi thường, GPMB.
Thuộc phạm vi đường dẫn địa phận Điện Bàn, việc xét nguồn gốc đất tại xã Điện Quang đã xong, UBND thị xã phê duyệt giá đất cụ thể (đất nông nghiệp, đất ở); hoàn thành niêm yết xét nguồn gốc đất. Với xã Điện Hồng, xét nguồn gốc cho phần đất nông nghiệp đã hoàn thành, nhưng phần đất ở chưa thực hiện.
Trung tâm Phát triển quỹ đất Điện Bàn đã lập phương án tạm về bồi thường, hỗ trợ phần đất nông nghiệp, nhưng hiện nay UBND tỉnh chưa ban hành giá cây trồng hàng năm nên chưa có cơ sở lập các phương án bồi thường, hỗ trợ.
Các thủ tục hồ sơ phương án di dời hạ tầng kỹ thuật đã triển khai thực hiện. Việc xây dựng khu dân cư mới Thanh An để bố trí TĐC các hộ dân bị giải tỏa trắng đã phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500; lựa chọn đơn vị tư vấn thiết kế khảo sát lập dự án.
Như vậy, các khu TĐC để bố trí cho các hộ bị giải tỏa trắng của xã Đại Hòa và xã Điện Hồng chưa được đầu tư xây dựng. Thời gian để thi công hoàn thành dự án không còn nhiều, chính vì vậy, chủ đầu tư tiếp tục kiến nghị thị xã Điện Bàn và huyện Đại Lộc tập trung GPMB các tuyến đường dẫn để đảm bảo tiến độ đặt ra.
Sớm ban hành công bố giá cây trồng hàng năm để các trung tâm phát triển quỹ đất có cơ sở lập các phương án bồi thường, hỗ trợ. Trước mắt, thị xã Điện Bàn quan tâm ưu tiên GPMB để thi công 3 cầu cạn trên tuyến nhánh 2 đường dẫn.
Chủ đầu tư cũng kiến nghị hai địa phương sớm hoàn thiện thủ tục pháp lý, đầu tư xây dựng khu đất phục vụ TĐC. Các trung tâm phát triển quỹ đất nỗ lực hoàn thành các phương án bồi thường, hỗ trợ, TĐC để trình UBND các huyện, thị xã phê duyệt, sớm chi trả tiền cho người dân. Thực hiện phương án di dời cơ sở hạ tầng bị ảnh hưởng để nhà thầu có mặt bằng sạch triển khai thi công.