Trên công trường đường nối ĐT609C đến quốc lộ 14B, huyện Đại Lộc và các bên liên quan đang tập trung giải phóng mặt bằng để bàn giao thi công đường dẫn, hoàn thành toàn bộ công trình chào mừng kỷ niệm 80 năm Quốc khánh 2/9 vào năm 2025.
Lại “nghẽn” mặt bằng
Công trường dự án đường nối từ tuyến ĐT609C đến quốc lộ (QL) 14B, thuộc đầu mố phía nam của cầu An Bình, liên danh nhà thầu Công ty TNHH Thanh Tùng và Công ty TNHH Xây dựng Thái Dương (nhà thầu phụ là Công ty TNHH Dịch vụ xây dựng Minh Khang) đang khẩn trương đắp cấp phối lớp 1 đường dẫn trên chiều dài khoảng 600m.
Nhưng từ vị trí tiếp theo vào đến đầu tuyến dự án (giáp ĐT609C), đơn vị thi công không thể triển khai đoạn còn lại dài hơn 400m do vướng đất ở, nhà ở của người dân chưa giải tỏa xong vì còn chờ xây dựng khu tái định cư để bố trí cho 17 hộ ở xã Đại Minh.
Tại xã Đại Quang, đường dẫn phía bắc của cầu An Bình ra giáp tuyến ĐT609 dài 210m cũng đang bị vướng đất ở, nhà ở của 6 hộ dân cần được bố trí tái định cư tại nơi ở mới cách đó không xa về hướng đông.
Nút giao ĐT609 ra đến giáp QL14B còn một nút thắt mặt bằng cần tháo gỡ là xưởng sản xuất bột cá nằm bên trái tuyến của dự án. Kỹ sư Trần Đình Anh Kha - tư vấn giám sát viên của Công ty CP Tư vấn và đầu tư xây dựng ECC (đơn vị tư vấn giám sát cả dự án) chia sẻ, Công ty TNHH Dịch vụ xây dựng Minh Khang đảm nhận thi công đoạn từ cầu Km3+428 ra giáp QL14B. Do vướng mặt bằng, đường dẫn cần xử lý nền đất yếu phải mất thời gian dài song mới thi công được cách đây chưa lâu.
Kỹ sư Bùi Đăng Hạnh - cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH Dịch vụ xây dựng Minh Khang cho biết, hạ bộ cầu Km3+428 đã làm xong nhiều tháng qua, nhưng chưa giải tỏa được các hộ dân gần mố cầu phía bắc, vì vậy nhà thầu không có đường công vụ để vận chuyển dầm ra để lao lắp.
Một điều đáng lo khác là nguồn vật liệu đất đắp đang khan hiếm khiến việc đắp đường dẫn gặp khó khăn. Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam cho hay, công tác di dời hạ tầng kỹ thuật đoạn qua các khu dân cư chưa thể thực hiện cũng vì nguyên nhân vướng nhà cửa, vật kiến trúc của hộ dân cần tái định cư.
Nỗ lực gỡ vướng
Kỹ sư Phan Đình Công - Chỉ huy trưởng công trình thuộc Công ty TNHH Xây dựng Thái Dương cho biết, đơn vị đang thi công gờ lan can cầu An Bình và đắp đất đường dẫn, công trình trên tuyến ở phía nam.
Với đoạn dài 600m chuẩn bị lên lớp cấp phối thứ 2, nhà thầu sẽ tiến hành thảm bê tông nhựa trong năm nay. Tương tự như phía bắc cầu An Bình, đầu tuyến đến giáp vị trí của đoạn dài 600m vừa đề cập, nhà thầu chỉ có thể triển khai thi công nếu giải tỏa xong mặt bằng của các hộ dân bị ảnh hưởng đất và nhà ở.
Để tiếp tục tháo gỡ ách tắc mặt bằng của dự án, chủ đầu tư kiến nghị huyện Đại Lộc (chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng) đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng hoàn thành 2 khu tái định cư xã Đại Minh và xã Đại Quang để bố trí đất cho các hộ dân.
Chỉ đạo tập trung trình phê duyệt các phương án bồi thường, hỗ trợ đoạn qua các khu dân cư ảnh hưởng một phần đất ở, đất cây lâu năm, vật kiến trúc, cây cối và tổ chức vận động các hộ ảnh hưởng nhà nhận tiền, hỗ trợ tiền thuê nhà ở tạm để bàn giao mặt bằng trong quý IV/2024. Đối với các hộ bị giải tỏa trắng bàn giao mặt bằng trong quý I/2025.
Hai dự án gồm đường nối tuyến ĐT609C đến QL14B (điểm nhấn cầu An Bình) và đường nối từ QL14H đến ĐT609C (điểm nhấn cầu Sông Thu) là những công trình trọng điểm của tỉnh.
Đối với dự án đường nối từ QL14H đến ĐT609C (Duy Xuyên - Đại Lộc), đoạn qua địa phận Đại Lộc chỉ còn lại một đoạn đường dẫn dài 160m ảnh hưởng đến 12 hộ và 1 tổ chức (3 hộ giải tỏa trắng) nên chưa bàn giao mặt bằng. Để bố trí chỗ ở mới cho người dân, đơn vị chức năng của huyện đã cho phát lệnh khởi công xây dựng khu tái định cư ven tuyến đường vào ngày 27/3/2024.
Ông Lê Đỗ Tuấn Khương - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, đường nối từ QL14H đến QL14B (đều thuộc 2 dự án nêu trên) đã được UBND tỉnh đưa vào diện chỉ đạo thực hiện cấp bách hoàn thành để gắn biển chào mừng kỷ niệm 80 năm ngày Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2025) và Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXIII (nhiệm kỳ 2025 - 2030).
Xác định tầm quan trọng của dự án, cả hệ chính trị của Đại Lộc và cơ quan chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng đã tập trung quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Hiện nay, huyện đã bàn giao đất nông nghiệp 100%. Liên quan đến đất ở, nhà ở, Đại Lộc đang tập trung xây dựng khu tái định cư, đến thời điểm này khối lượng hoàn thành khoảng 60%.
Cũng theo ông Lê Đỗ Tuấn Khương, huyện họp xét các gia đình có bồi thường bằng đất và các hộ đã cơ bản thống nhất vị trí, số lô tái định cư. Sắp đến, địa phương thành lập tổ công tác ở từng xã, tổ công tác cấp huyện vận động người dân có thể bàn giao mặt bằng trước. Huyện sẽ vận dụng cơ chế, chính sách đúng quy định để hỗ trợ cho người dân.
Liên quan đến nguyên liệu đất đắp, toàn huyện Đại Lộc chỉ có 1 mỏ được cấp phép tại thôn Nghĩa Tây (xã Đại Nghĩa) khoảng 3,5ha. Ngược lại, địa bàn Đại Lộc có nhiều công trình của tỉnh, của huyện đang thi công cần khối lượng đất đắp lớn. Địa phương đang đề xuất tỉnh cho tận thu đất đắp tại thao trường huấn luyện của huyện Đại Lộc (địa phận xã Đại Hiệp) dư gần 200.000m3 để cung cấp cho các công trình của tỉnh và huyện.
Dự án đường nối ĐT609C đến QL14B có tổng mức đầu tư 550 tỷ đồng; trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 440 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 110 tỷ đồng. Công trình có tổng chiều dài 3,93km (kể cả cầu An Bình dài 1.060m).
Dự án khi hoàn thành sẽ kết nối liên hoàn với dự án đường nối từ QL14H đến ĐT609C. Với trục ngang chiến lược này, người dân có thể lưu thông từ QL14B, qua cầu An Bình đến vùng B Đại Lộc, qua cầu Sông Thu vào địa phận Duy Xuyên, nhập vào QL14H ngay ngã ba đường vào Khu di tích Mỹ Sơn.