(QNO) - Ngày 27/9, tại TP.Đà Nẵng diễn ra Hội thảo “Phát triển nhân lực và đào tạo công nghệ tài chính” do Trường Đại học Công nghệ thông tin và truyền thông Việt - Hàn (VKU, Đại học Đà Nẵng) phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức.
Thông tin tại hội thảo, Việt Nam có tiềm năng phát triển rất lớn về công nghệ tài chính (Fintech), với tỷ lệ sử dụng internet và sở hữu điện thoại thông minh rất cao cùng sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử.
Năm 2023, theo BDA Partners, giá trị giao dịch của toàn thị trường công nghệ tài chính Việt Nam đạt 27,2 tỷ USD và dự kiến sẽ đạt khoảng 31,6 tỷ USD vào năm 2024.
Việt Nam hiện có hơn 260 công ty khởi nghiệp Fintech và cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau như ngân hàng số (neobank), cho vay số (hấp dẫn), thanh toán số (chiếm tỷ trọng cao nhất Momo, VNPay, ViettelPay, ZaloPay, ShoppePay, SePay...), đầu tư quản lý tài sản số, công nghệ bảo hiểm số (2 - 3%)…
Chia sẻ tại hội thảo, đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng cho biết, Fintech mang đến nhiều trải nghiệm tiện lợi nhanh chóng, giúp người dùng tiết kiệm chi phí; so với hoạt động ngân hàng truyền thống, xóa bỏ rào cản địa lý, gia tăng khả năng tiếp cận nhóm người yếu thế trong xã hội, có tính cá nhân hóa cao, từ đó giúp đưa ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu từng người…
Tuy nhiên thách thức lớn nhất của Fintech là rủi ro an ninh mạng, nếu người dùng cuối không có kinh nghiệm, thiếu hiểu biết sẽ gánh chịu hậu quả lớn nên cần có giải pháp xử lý hiệu quả. Bên cạnh đó, tại Việt Nam, cơ sở pháp lý cho Fintech chưa thực sự rõ ràng, thời gian đến cần nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách mới phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.
Hội thảo cũng được nghe chia sẻ, trình bày chuyên sâu từ các chuyên gia đến từ Việt Nam, Thái Lan, Úc, Anh và Hàn Quốc, tập trung vào các chủ đề như đào tạo nhân lực, xây dựng hệ sinh thái Fintech, mối quan hệ giữa phân tích dữ liệu và bảo hiểm kỹ thuật số, ứng dụng Fintech trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
Hội thảo là cơ hội tốt để các chuyên gia hàng đầu bàn thảo, đề xuất các vấn đề và giải pháp phát triển Fintech ở Việt Nam nhằm tạo ra hành lang pháp lý, nguồn nhân lực chất lượng cao tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai tốt các dịch vụ, hệ sinh thái Fintech. Đồng thời góp phần thúc đẩy chất lượng đào tạo nguồn nhân lực Fintech, nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế và đáp ứng nhu cầu phát triển trong thời đại số.
Dịp này cũng diễn ra tọa đàm chiến lược phát triển Fintech với sự tham gia của đại biểu đến từ khu vực nhà nước, nhà đầu tư, doanh nghiệp công nghệ, các kỳ lân công nghệ tài chính, trường đại học trong nước và quốc tế, chia sẻ thảo luận về định hướng phát triển ngành Fintech tại Việt Nam.