Du lịch

Du lịch miền núi - Hành trình cùng sản vật

THIỆN TÙNG - DIỄM LỆ - PHAN VINH - VĨNH LỘC - LÊ MỸ 01/09/2024 09:46

Thế mạnh du lịch miền núi không chỉ có cảnh sắc, văn hóa truyền thống. Những mặt hàng nông sản gọi tên thành đặc sản, trở thành yếu tố quyết định không nhỏ tạo nên sức thu hút với du lịch miền núi Quảng Nam. Tuy nhiên, tận dụng những ưu thế này ra sao vẫn đang là một hành trình dò dẫm...

mien nui
Nam Trà My có rất nhiều cảnh đẹp nhưng chưa thể khai thác du lịch. Ảnh: CHU ĐỨC VĂN
Giấc mơ khám phá vùng dược liệu

Quảng Nam được đánh giá là “thủ phủ dược liệu” của Việt Nam, khi có sâm Ngọc Linh, sâm ba kích, đẳng sâm, quế Trà My và nhiều cây dược liệu khác... Đây là thế mạnh để địa phương nghiên cứu loại hình du lịch đang tạo xu hướng trên thế giới - du lịch dược liệu, du lịch chữa bệnh...

Nam Trà My được xem là - thủ phủ sâm Ngọc Linh, nhưng du lịch vẫn chưa được khai thác tốt để tạo nguồn thu cho người dân địa phương.

Phiên chợ sâm Ngọc Linh trở thành điểm thu hút du khách hằng tháng. Ảnh: PHÚ THIỆN

Chưa kết nối được phiên chợ sâm

Mới đây, Nam Trà My thí điểm nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng tại làng văn hóa Tak Chươm (thôn 2, xã Trà Mai). Chị Alăng Thị Như Tiên – phụ trách nhóm dịch vụ này cho biết, các thành viên trong nhóm là những người dân trong làng, có mong muốn làm du lịch.

Tuy nhiên, hoạt động du lịch tại Tak Chươm không đạt kết quả như kỳ vọng. Vì không có khách du lịch thường xuyên, nguồn thu bị gián đoạn nên một số người rút khỏi nhóm, chuyển sang làm việc khác. Chị Tiên cho rằng, cần đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng không gian văn hóa như các nhà sàn, làng nghề, tái tạo cảnh quan, liên kết với các phiên chợ sâm hằng tháng, lễ hội sâm hằng năm để thu hút du khách, đồng thời hình thành được tour du lịch.

Muốn làm du lịch ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn như Nam Trà My, rất cần một “cú hích” làm đà. Xác định được thế mạnh ở vùng dược liệu, đặc biệt là cây sâm Ngọc Linh quý hiếm, địa phương này lấy sâm Ngọc Linh làm điểm tựa, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ cùng với nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số cùng cộng hưởng, tạo nên giá trị du lịch đặc trưng chỉ có ở Nam Trà My.

Muốn làm được du lịch từ sâm Ngọc Linh thì phải bảo tồn, phát huy các giá trị của loại dược liệu quý này đến du khách gần xa. Huyện xác định phát triển khu du lịch vùng sâm Ngọc Linh – Tắk Ngo theo mô hình du lịch văn hóa cộng đồng, du lịch dược liệu - sâm Ngọc Linh

Ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My

Từng bước nâng tầm lễ hội sâm hằng năm và phiên chợ sâm hằng tháng theo hướng tạo thêm nhiều cơ hội trải nghiệm văn hóa và vùng đất cho du khách, ngoài việc mua bán sâm.

Ông Trần Duy Dũng cho biết thêm, sẽ từng bước tạo cơ hội quảng bá du lịch và thu hút đầu tư cho ngành dược liệu, nông nghiệp sạch của Nam Trà My nói riêng và Quảng Nam nói chung, thể hiện sự đổi mới trong cách nghĩ, cách làm về xây dựng thương hiệu, đặc biệt là thương hiệu sản phẩm quốc gia.

Nghị quyết số 13/NQ-TU ngày 20/7/2021 của Tỉnh ủy Quảng Nam về phát triển thương mại, du lịch tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030 cũng đã xác định khu vực phía tây của tỉnh sẽ phát triển loại hình du lịch chữa bệnh từ các nguồn dược liệu quý, đặc biệt là sâm Ngọc Linh. Tháng 5/2024, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch về triển khai Đề án phát triển các loại hình dịch vụ, sản phẩm y dược cổ truyền phục vụ khách du lịch đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam với việc mở ra nhiều cơ chế, chính sách thu hút phát triển du lịch dược liệu, du lịch chữa bệnh...

Thống kê của UBND huyện Nam Trà My, trong những ngày diễn ra Lễ hội sâm Ngọc Linh năm 2024 (từ ngày 1/8 - 3/8), đã có hơn 5.000 lượt người đến tham quan, mua sắm với doanh thu thống kê được khoảng hơn 7 tỷ đồng, trong đó riêng mặt hàng sâm củ Ngọc Linh bán được khoảng 70kg, thu về hơn 6 tỷ đồng. Sau dịch COVID đến nay, bình quân mỗi năm doanh thu từ du lịch mang lại cho huyện 50 tỷ đồng, thu hút du khách đến với Nam Trà My khoảng 30.000 lượt người/năm.

Câu chuyện từ hạ tầng

Theo định hướng của huyện Nam Trà My, du lịch đến vùng sâm là loại hình đưa dòng khách đến trải nghiệm cuộc sống đại ngàn Ngọc Linh với những ký bí của thiên nhiên, văn hóa và con người. Vùng sâm chỉ là cái cớ để kích hoạt du khách đi sâu và thám hiểm, trải nghiệm đời sống của đồng bào miền núi.

Song, hành trình phát triển du lịch của Nam Trà My vẫn đang dọ dẫm những bước đầu tiên. Đơn cử, dù xã Trà Cang có 5/32 điểm/khu/làng du lịch nông thôn của Nam Trà My, nhưng khả năng làm du lịch là rất khó, thậm chí phần lớn trong số đó chưa có đường giao thông thuận tiện. Ông Ngô Tấn Lạc - Chủ tịch UBND xã Trà Cang cho biết, yếu tố nền tảng để phát triển du lịch là cảnh quan sẵn có, nhưng hạ tầng, dịch vụ để phục vụ du lịch lại thiếu, nên chưa có hoạt động thu phí du lịch.

mn.jpg
Du lịch ở Nam Trà My chủ yếu mang tính tự phát. Ảnh: TRẦN DUY

Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Trần Duy Dũng tâm tư: “Để đưa du lịch vùng dược liệu và sâm Ngọc Linh lên một bước phát triển cao hơn, với Nam Trà My còn khá nhiều khó khăn và phải nỗ lực rất lớn, vì huyện quá xa và điều kiện giao thông còn nhiều hạn chế. Đường sá nhỏ hẹp không đảm bảo cho các xe du lịch cỡ lớn lưu thông, đây là điểm nghẽn lớn nhất cho việc thu hút khách du lịch đến với Nam Trà My.

Hiện tại huyện vẫn chưa thu hút được các doanh nghiệp lớn đầu tư làm dịch vụ du lịch để tạo cú hích cho du lịch cộng đồng phát triển. Muốn làm du lịch tốt thì phải có hạ tầng và nguồn lực, hai điều đó Nam Trà My còn thiếu, dù điều kiện tự nhiên lẫn lợi thế đã có. Vì thế mà trong thời gian tới, muốn phát triển du lịch bền vững thì rất cần sự quan tâm, đầu tư hạ tầng giao thông từ nguồn lực Trung ương”.

Thu hút đầu tư du lịch dược liệu

Tại Hội thảo xúc tiến đầu tư về Quảng Nam được UBND tỉnh tổ chức hồi giữa tháng 7 tại TP.Hồ Chí Minh, nhiều khách mời là các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đã quan tâm đến lĩnh vực khai thác dược liệu gắn với du lịch.

Khai thác du lịch từ vườn sâm đã được huyện Nam Trà My triển khai. Ảnh: THIỆN TÙNG

Ông Võ Phú Nông - Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu - dược liệu BIMECA cho rằng, loại hình du lịch đến vùng dược liệu đang là xu hướng trên thế giới. Bởi càng ngày, những người có điều kiện kinh tế cao càng muốn đến những nơi vừa thư giãn, vừa kết hợp phục hồi sức khỏe, thay vì đến các khu du lịch đông đúc để giải trí.

Quảng Nam có lợi thế về vùng nguyên liệu sâm và quế, vùng đất mà các loại dược liệu này sinh trưởng có khí hậu trong lành, trường năng lượng tốt.

“Chúng tôi từng về Nam Trà My, khảo sát địa điểm đầu tư một trung tâm bảo tồn dược liệu gắn với du lịch. Khi các chuyên gia đến nơi, tất cả đều sửng sốt khi Quảng Nam rất có tiềm năng về phát triển lĩnh vực này bởi mọi thứ còn khá hoang sơ, ý thức giữ rừng của người dân tốt, mà du khách, đặc biệt là khách phương Tây sẽ rất thích môi trường này” - ông Nông nói.

Trên thực tế, dù chưa hình thành tour tuyến du lịch, nhưng những năm qua, thông qua các dịp Lễ hội sâm Ngọc Linh hay phiên chợ sâm Ngọc Linh hằng tháng, du khách có nhu cầu tìm hiểu về sâm Ngọc Linh cũng thường xuyên đến Nam Trà My và lên tận vườn sâm để trải nghiệm. Ở Lễ hội sâm và hương liệu, dược liệu quốc tế diễn ra tại TP.Hồ Chí Minh vào cuối tháng 5, Quảng Nam có hơn 10 đơn vị tham gia quảng bá các sản phẩm sâm Ngọc Linh, sâm ba kích và quế Trà My. Nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp quốc tế đã biết đến Quảng Nam thông qua các loại dược liệu này và cam kết sẽ đến vùng trồng trong thời gian tới.

Du lịch kết nối tiêu thụ nông sản địa phương

Một hướng đi mới trong việc kết nối du lịch trải nghiệm và tiêu thụ các sản phẩm nông sản địa phương vừa được mở ra, thông qua thành công của Lễ hội ớt A Riêu (huyện Đông Giang).

Thêm gia vị cho du lịch từ nông sản

Với chủ đề “Sản phẩm nông nghiệp Đông Giang phát triển và hội nhập”, Lễ hội ớt A Riêu mở ra cách tiếp cận, tiêu thụ mới cho nông lâm sản địa phương thông qua du lịch.

Lễ hội ớt A Riêu đã tạo tiền đề cho việc tiêu thụ nông sản địa phương thông qua du lịch. Ảnh: Đ.G

Tham gia lễ hội, ngoài các hoạt động thể thao, văn hóa, nghệ thuật đậm bản sắc văn hóa miền núi, du khách còn được trải nghiệm, thưởng thức các sản phẩm OCOP, nông sản địa phương, đặc biệt là ớt A Riêu. Đây là loại gia vị đã trở thành một phần cuộc sống của đồng bào Cơ Tu trên dãy Trường Sơn.

Vùng cao Quảng Nam sở hữu rất nhiều nông lâm sản, dược liệu đặc trưng, giá trị. Dù vậy, thời gian qua việc kết nối giao thương, tiêu thụ khá hạn chế, hầu hết ở dạng thô và nhỏ lẻ, chưa thực sự trở thành quy mô hàng hóa.

Ông Lê Tấn Thanh Tùng - Giám đốc Vitraco Tour Đà Nẵng nhìn nhận, Lễ hội ớt A Riêu ngoài việc quảng bá, giới thiệu đặc sản địa phương còn mở thêm một hướng đi mới cho câu chuyện tiêu thụ nhiều loại nông lâm sản miền núi Đông Giang. Đồng thời mở ra sự đa dạng về sản phẩm quà tặng cho khách tham quan, góp phần nâng cao sinh kế, thu nhập cho người dân, bảo tồn đa dạng sinh học.

“Nhu cầu mua sắm lâm đặc sản, dược liệu địa phương làm quà tặng và sử dụng của du khách hầu như nơi nào, lúc nào cũng có. Do đó, việc đưa sản phẩm ớt A Riêu trở thành một sự kiện du lịch rất hay và thiết thực, phù hợp nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, du khách, qua đó tạo tiền đề kết nối cung cầu tiêu thụ nhiều loại nông lâm đặc sản hơn nữa thời gian tới thông qua du lịch” - ông Tùng phân tích.

Vitraco Tour là đơn vị thường xuyên đưa khách khám phá, trải nghiệm các điểm đến phía tây Quảng Nam, trong đó có Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang nên hiểu được nhu cầu du khách. Đơn vị lữ hành này cho biết, khách du lịch luôn mong muốn thưởng thức, trải nghiệm, mua sắm nông sản, dược liệu miền núi. Một số loại nông lâm sản, dược liệu như lúa rẫy, sâm dây, măng rừng, khổ qua rừng, mật ong... được khá nhiều người ưa thích, chọn mua.

Nâng tầm đặc sản địa phương

Kích cầu du lịch miền núi gắn với tiêu thụ sản phẩm hàng hóa nông sản, làng nghề thường xuyên được chú trọng tại nhiều địa phương. Ở các sự kiện, lễ hội văn hóa hay chương trình kích cầu du lịch, một số sản vật miền núi được mang đến giới thiệu, bày bán, thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp, người tiêu dùng. Các sự kiện này đồng thời trở thành kênh phân phối, quảng bá, hỗ trợ phát triển thương mại, tiêu thụ sản phẩm của người dân vùng cao.

Du khách luôn có nhu cầu mua sắm sản phẩm địa phương về làm quà. Ảnh: V.L

Với vị trí, cảnh quan, không gian văn hóa đặc thù, du lịch miền núi phía tây Quảng Nam hội tụ nhiều yếu tố thu hút khách. Đây cũng là cơ hội tốt để người dân, doanh nghiệp lữ hành bắt tay xuất khẩu tại chỗ hàng hóa nông lâm sản, làng nghề.

Tại HTX Dệt thổ cẩm Cơ Tu Zara (xã Tabling, Nam Giang), hơn 12 năm nay hàng nghìn sản phẩm thổ cẩm Cơ Tu đã vươn ra thế giới bằng con đường du lịch. Điều đó minh chứng tiêu thụ sản phẩm nông sản, dược liệu, làng nghề trong hoạt động du lịch luôn hiệu quả và thuận lợi.

Theo ông Nguyễn Đăng Chương – Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, địa phương luôn chủ động thúc đẩy hàng hóa nông sản, làng nghề nhằm cải thiện sinh kế, tăng thu nhập cho người dân. Trong đó, việc tổ chức các “phiên chợ vùng cao” hàng năm không chỉ quảng bá, giới thiệu, lan tỏa sản phẩm nông sản miền núi đến người dân và du khách gần xa mà còn mong muốn hình thành điểm đến du lịch sự kiện.

“Phải thừa nhận là từ khi có du lịch, một số hàng hóa, nông sản, làng nghề của Nam Giang như mật ong, thịt heo đen, muối ớt rừng… đặc biệt dệt thổ cẩm Cơ Tu Za Ra đã được biết đến rộng rãi hơn. Đây là tiền đề để địa phương tích cực kêu gọi, kết nối doanh nghiệp lữ hành đưa khách đến tham quan du lịch vừa mua sản phẩm, tạo thu nhập cho cộng đồng”- ông Chương chia sẻ.

Sản phẩm dệt thổ cẩm Cơ Tu Zara được nhiều du khách nước ngoài ưa chuộng mua về làm quà. Ảnh: V.L

Khách đến với xã Tabhing, Nam Giang, bên cạnh số ít khách Hà Nội, phần lớn thị trường tới từ Nhật Bản và châu Âu. Tham quan làng, ngoài trải nghiệm ẩm thực, các phong tục tập quán, đời sống, văn hóa, sinh hoạt của người dân… việc mua bán hàng hóa, sản phẩm lưu niệm địa phương cũng được khách quan tâm, yêu thích, góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập ổn định cho người dân.

Tiêu thụ sản phẩm nông sản miền núi thông qua hoạt động du lịch dù được xem là phù hợp, hiệu quả nhưng cũng đối diện những hạn chế vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chất lượng, số lượng sản phẩm, phong tục tập quán canh tác, sản xuất của người dân… do phần lớn sản xuất tự phát, nhỏ lẻ, khó trở thành quy mô hàng hóa.

Ông Văn Bá Sơn – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL khẳng định, thúc đẩy du lịch miền núi là một trong những mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch của Quảng Nam. Bên cạnh khai thác các tiềm năng lợi thế về thiên nhiên, cảnh quan, văn hóa bản địa… thì việc khuyến khích tiêu thụ nông, lâm đặc sản, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, làng nghề… miền núi thông qua hoạt động xuất khẩu tại chỗ từ du khách rất khả thi. Điều này cũng phù hợp với chủ trương của tỉnh trong phát triển du lịch nông thôn Quảng Nam hiện nay và những năm tới.

Chìa khóa mở cửa tài nguyên miền núi

Tháo gỡ rào cản về cơ sở hạ tầng, tập trung bảo tồn các giá trị văn hóa gắn với du lịch, từng bước thay đổi nhận thức của đồng bào vùng cao, được kỳ vọng sẽ là chìa khóa cho sự phát triển du lịch miền núi trong tương lai.

Gỡ rào cản hạ tầng

Trong số những rào cản phát triển du lịch miền núi được ngành chuyên môn nhận diện, thì hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ là vấn đề đáng quan tâm. Khoảng cách giữa các điểm du lịch khá xa, đường sá nhiều đoạn, tuyến hư hỏng, xuống cấp, nhỏ hẹp, thường xuyên ảnh hưởng thiên tai… dẫn đến khó hình thành tour và ảnh hưởng trải nghiệm của du lịch. Đây là nguyên nhân miền núi khó thu hút nhà đầu tư trong lĩnh vực du lịch.

Huyện miền núi Tây Giang nỗ lực đầu tư hạ tầng đồng bộ hỗ trợ cho phát triển du lịch. Ảnh: H.Q

Gỡ khó trong vấn đề này, những năm qua, các địa phương miền núi đã có nhiều nỗ lực trong việc gắn đầu tư hạ tầng từ nguồn lực các nghị quyết, chương trình mục tiêu quốc gia với công tác ổn định, sắp xếp dân cư, xây dựng nông thôn mới,… để hỗ trợ phát triển du lịch. Tại huyện Nam Trà My, chính quyền địa phương này tập trung mở rộng ĐH10, tạo thuận tiện cho các phương tiện lớn di chuyển đến khu vực tổ chức phiên chợ sâm Ngọc Linh; thông đường đi lại tại điểm du lịch săn mây Tắk Pổ, vườn sâm Tắk Ngo,... Đồng thời hình thành các tuyến đường nhánh nối liền giữa Nam Trà My với các tỉnh lân cận.

Với huyện vùng biên Tây Giang, thực hiện chủ trương phát triển du lịch cộng đồng gắn với các giá trị văn hóa đồng bào Cơ Tu, chính quyền địa phương tập trung sửa chữa, xây dựng mới 76 gươl ở thôn – xã – đơn vị - trường học; 9 nhà sinh hoạt cộng đồng đảm bảo phục vụ đa mục tiêu, trong đó có hoạt động du lịch. Đồng thời quy hoạch, sắp xếp ổn định 126 điểm dân cư và đảm bảo cứng hóa 100% đường ô tô đến các điểm du lịch, điểm dừng đỗ đón khách; phát triển các loại hình lưu trú homestay tại một số điểm du lịch,…

Kiên cố hóa các tuyến đường đến với các điểm du lịch xa xôi. Ảnh: H.Q

Cùng với sự chủ động, linh hoạt của các địa phương, việc phát triển hạ tầng đồng bộ là một nhiệm vụ trọng tâm, đang được tỉnh quan tâm. Các tuyến quốc lộ 14E, đường liên kết vùng miền Trung, quốc lộ 40B cùng các công trình cầu, tuyến ĐT đang được tập trung triển khai; kiến nghị trung ương quan tâm, đầu tư xây dựng các tuyến quốc lộ 14G, 14D… Đây là tiền đề để từng bước đồng bộ hạ tầng trục đông - tây của tỉnh, “mở đường” cho nhà đầu tư đến với vùng núi phía tây.

Lấy văn hóa làm nền tảng

Vài đơn vị lữ hành, khai thác du lịch cho rằng, sản phẩm du lịch miền núi gắn với đồng bào dân tộc thiểu số ở các địa phương không có nhiều sự khác biệt. Song thực tế, mỗi đồng bào có bản sắc văn hóa riêng, từ tập quán sinh hoạt, sản xuất cho đến điệu cồng chiêng, trang phục truyền thống.

Ông Lê Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho rằng, mỗi địa phương cần phát huy bản sắc riêng có của từng tộc người để tạo sản phẩm riêng biệt, ấn tượng, mới lạ cho du khách và giúp đơn vị khai thác du lịch có thêm nhiều sự lựa chọn trong việc xây dựng tour.

Mới đây, việc ban hành, triển khai thực hiện Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025 được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho 7 huyện vùng cao.

Mục tiêu dự án này là khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cộng đồng; góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của đồng bào vùng dân tộc thiểu số của tỉnh. Đồng thời nâng cao niềm tự hào và ý thức gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Du khách trải nghiệm văn hóa đồng bào Xê Đăng. Ảnh: H.Q

Kinh phí thực hiện dự án từ nguồn ngân sách trung ương, tỉnh thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 và các nguồn ngân sách cấp huyện, xã; nguồn vốn xã hội hóa, vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án, vốn huy động.

Từ nay đến 2025, dự án sẽ tập trung phục dựng, bảo tồn một số lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số; xây dựng điểm đến, đào tạo thế hệ nghệ nhân kế cận; quảng bá, xúc tiến du lịch; hỗ trợ tu bổ, xây dựng các công trình văn hóa cộng đồng,…

Hiện nay, đơn vị chủ trì thực hiện dự án là Sở VH-TT&DL đang tích cực phối hợp các địa phương, đơn vị liên quan khảo sát, triển khai 18 nội dung trọng tâm. Trong khuôn khổ dự án, nhiều địa phương đã bắt đầu triển khai việc truyền dạy văn hóa cồng chiêng, điệu múa, điệu hát truyền thống, đan lát, dệt thổ cẩm; tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng làm du lịch cho cộng đồng; nâng quy mô các nghi thức truyền thống đồng bào các dân tộc thành các lễ hội,… thu hút sự hưởng ứng, tham gia của người dân. Đây là cơ sở để các địa phương lấy du lịch văn hóa làm nền tảng để phát triển du lịch xanh, tạo sinh kế bền vững.

Thể thao, du lịch và quà tặng

Quảng bá, kích cầu du lịch miền núi thông qua hoạt động thể thao được tổ chức ở nhiều nơi của Quảng Nam. Các giải phong trào mang tính khám phá thu hút rất đông vận động viên chuyên và bán chuyên nghiệp đến từ các tỉnh thành trên cả nước.

Ấn tượng đường đua Đại Bình

Hoạt động diễu hành xe đạp từ làng Đại Bình đến điểm du lịch suối nước nóng ở xã Sơn Viên với cự ly 28km, trong khuôn khổ lễ hội Văn hóa - du lịch Đại Bình 2024 thu hút hơn 500 vận động viên đua xe đạp từ các địa phương trên toàn quốc. Chưa kể, hơn 1.000 cổ động viên cũng theo các đoàn đua về với làng quê bên bờ sông Thu.

Đây là lần thứ 3 ông Nguyễn Thanh Vy (51 tuổi, quận Thanh Khê, Đà Nẵng), thành viên CLB xe đạp Bắc Sơn đến với Nông Sơn để trải nghiệm những cung đường đẹp. Lần đầu vào năm 2019, ông Vy tham gia giải đua xe đạp từ Đại Bình lên Hòn Kẽm Đá Dừng.

Hoạt động diễu hành xe đạp thể thao Đại Bình năm 2024 thu hút hơn 500 vận động viên. Ảnh: PHAN VINH

Sau đó, năm 2023, vùng đất Nông Sơn lại cuốn hút ông đạp chặng dài từ TP.Đà Nẵng. “Tôi tham gia rất nhiều giải phong trào trên cả nước, xa nhất là vào tận tỉnh Bình Dương. Nhưng dù đi đâu, tôi vẫn thấy thích đường đua ở Quảng Nam, đặc biệt là Nông Sơn, ngoài đường sá đảm bảo, thưa phương tiện ra thì cảnh sắc ở đây rất tuyệt vời. Đến với đường đua này, các vận động viên thích thú trải nghiệm hành trình hơn là đích đến” - ông Vy nói.

Ông Trần Văn Đoàn - Chủ tịch UBND thị trấn Trung Phước cho biết, để tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch và quảng bá hình ảnh vùng đất, danh lam thắng cảnh tại Lễ hội Văn hóa - du lịch Đại Bình, nhiều năm qua, địa phương luôn gắn hoạt động thể thao vào sự kiện này.

Trong 2 năm 2022 - 2023, thị trấn Trung Phước tổ chức giải chạy với 3 cự ly thi gồm: cự ly phong trào 7km, cự ly bán marathon 21km và cự ly 32km chạy dọc sông Thu Bồn từ làng Đại Bình lên Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh voi. Hai giải này đã thu hút vận động viên đến từ các tỉnh thành trên cả nước, với hơn 800 vận động viên mỗi đợt.

“Điểm chung của tất cả giải thể thao gắn với hoạt động kích cầu du lịch ở đây là quà lưu niệm tặng cho các vận động viên đều là huy chương bằng gỗ dó trầm hương, một vật phẩm đặc trưng của vùng đất Nông Sơn. Vận động viên cũng như du khách rất thích vật phẩm này bởi vì nó khá đặc biệt trong bộ sưu tập huy chương của họ” - ông Đoàn cho biết thêm.

Trở lại K’lang

Chị Faryl (người Mỹ) quyết định quay trở lại làng Abanh 1, xã Tr’Hy, huyện Tây Giang sau khi tham gia giải chạy K’lang Jungle Summit vào dịp lễ Giáng sinh năm 2023. Cung đường độc đáo, địa hình đa dạng và cảnh sắc hùng vĩ đã cuốn hút bước chân Faryl.

Miền núi Quảng Nam có nhiều lợi thế để tổ chức hoạt động du lịch thể thao. Ảnh: PHAN VINH

Năm 2023, giải K’lang Jungle Summit tổ chức ở cự ly 18km, chị cùng hơn 150 vận động viên khác băng qua những con suối gập ghềnh sỏi đá, leo lên những con dốc cao, vượt chướng ngại vật tự nhiên và hòa mình vào không khí mát lạnh, rêu phong phủ kín các thân cây cổ thụ trong rừng nguyên sinh.

“Trong ký ức của tôi lúc đó, khu rừng rêu trên đỉnh K’lang như một thế giới khác, tất cả mệt nhọc tan biến hết khi tôi được chạm tay vào những mảng rêu xanh và hít hà khí lạnh trong lành. Lúc đó, suýt chút nữa là tôi quên mình đang là một vận động viên tham gia giải chạy, chỉ khi có người tiếp theo chạy đến thì tôi mới giật mình hòa vào đường đua. Vì không có thời gian trải nghiệm cánh rừng K’lang cũng như các vùng khác ở Tây Giang nên bây giờ, tôi quay trở lại và đi đến cả làng Aur” - chị Faryl nói.

Ông Lê Anh Chiến - Trưởng ban Tổ chức giải chạy K’lang Jungle Summit và các tour du lịch ở Tây Giang - Công ty CP Đầu tư thương mại và phát triển du lịch K’lang Adventure cho biết, năm 2022, đơn vị đã tổ chức giải chạy ở Tây Giang với tên Tây Giang mountain marathon.

Từ năm 2023, giải được đổi tên thành K’lang Jungle Summit, đến năm 2024, ngoài cự ly 18km, giải bổ sung 2 cự ly 5km và 50km. K’lang Jungle Summit được đánh giá là một trong những giải chạy địa hình đẹp và thử thách nhất tại miền Trung khi đường chạy băng qua rừng pơmu và đỗ quyên cổ.

“Chị Faryl là một trong rất nhiều vận động viên tham gia K’lang Jungle Summit và quyết định quay trở lại Tây Giang để trải nghiệm. Hoạt động thể thao kết hợp du lịch đang là xu hướng hiện nay, đặc biệt thành công với các địa phương miền núi, bởi sự độc lạ, hiểm trở đáp ứng mong muốn chinh phục của các vận động viên” - anh Chiến chia sẻ.

Phát triển du lịch miền núi thông qua các giải thể thao và sự kiện đang từng ngày cho thấy hiệu quả của phương thức kích cầu du lịch độc đáo này.

Nội dung: THIỆN TÙNG - DIỄM LỆ - PHAN VINH - VĨNH LỘC - LÊ MỸ

Trình bày: MINH TẠO

Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Du lịch miền núi - Hành trình cùng sản vật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO