(QNO) - Nâng cao ý thức cộng đồng, du khách, doanh nghiệp với sự tham gia đồng hành của Nhà nước nhằm tạo tiếng nói chung hướng đến xây dựng môi trường du lịch phát triển bền vững. Đây cũng là nội dung chính của hội thảo “Phát triển du lịch bền vững Quảng Nam 2019 - Du lịch không rác thải nhựa” diễn ra sáng nay 9.9 tại TP.Hội An.
Thách thức rác thải nhựa
Lần đầu tiên, một sự kiện về môi trường do Hiệp hội Du lịch Quảng Nam tổ chức thu hút hơn 200 đại biểu, diễn giả có uy tín trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp du lịch và nhà chuyên môn tham dự. Tại hội thảo, hầu hết ý kiến đại biểu cho rằng, rác thải nhựa đang là vấn đề toàn cầu, nhất là ở các điểm du lịch đông khách, và đây sẽ là yếu tố quan trọng trong câu chuyện phát triển du lịch bền vững.
Báo cáo của Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho biết, mỗi năm khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trung bình khoảng 240.000 tấn, tương ứng gần 660 tấn/ngày, trong đó 20 - 25% là rác thải nhựa. Riêng TP.Hội An, bình quân khoảng 92 tấn rác thải ra môi trường mỗi ngày. Lượng rác thải này đến từ nhiều nguồn, trong đó các cơ sở kinh doanh du lịch và thương mại chiếm tỷ lệ đáng kể. Quảng Nam hiện có 629 cơ sở lưu trú với 13.257 phòng, tập trung chủ yếu ở Hội An.
Thời gian qua, Hội An là địa phương tiên phong trong việc giảm thải rác thải nhựa với nhiều điển hình trong thực hành xử lý rác thải như: chuyển đổi dầu ăn đã qua sử dụng thành xà phòng, dùng giấy tái chế, vật dụng dễ tiêu hủy thân thiện môi trường… Đặc biệt, một số doanh nghiệp cũng đã biến rác thải thành một sản phẩm du lịch cho du khách trải nghiệm.
Theo ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, dù có những chuyển biến trong nhận thức và hành động của doanh nghiệp về phân loại rác, giảm thiểu rác thải cũng như tìm giải pháp thay thế, tái chế rác thải…, tuy nhiên câu chuyện rác thải khó thể giải quyết sớm chiều. Một số nguyên nhân chính là việc thu gom rác thải còn nhiều bất cập, thực tế diễn ra không đúng như cam kết; chưa có hệ sinh thái tái chế hiệu quả; chưa có nhiều sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế. Đặc biệt, doanh nghiệp mới chỉ dừng lại ở việc thay thế, chưa nhận định được khái niệm “tiết giảm”…
Rác thải nhựa đang là vấn đề thách thức không chỉ của ngành du lịch mà của toàn xã hội. Vì vậy, cần có sự chung tay, cộng đồng trách nhiệm từ các bên liên quan, cụ thể là Nhà nước, người dân và doanh nghiệp…
Quyết tâm thay đổi
Những năm gần đây, du lịch Quảng Nam có sự phát triển nhanh chóng, dự báo đến năm 2020 đón khoảng 8 triệu lượt khách. Con số này sẽ tiếp tục tăng mạnh khi hạ tầng kinh tế - xã hội, du lịch của tỉnh được hoàn thiện.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, sự phát triển của ngành du lịch đang đặt ra nhiều thách thức, bởi khách đến đông đồng nghĩa sẽ đi kèm với sự gia tăng lượng rác thải khó phân hủy như chai lọ, bao bì nhựa. Hiện nay Quảng Nam đã ban hành chương trình hành động để giảm thiểu rác thải nhựa và đang được triển khai tại cơ sở nhằm hướng đến sự phát triển bền vững, nhưng con số 240 nghìn tấn rác thải ra môi trường hàng năm với 20 - 25% rác thải nhựa là khủng khiếp, đây là thách thức đầu tiên đối với môi trường sinh thái hiện nay.
“Quảng Nam có tiềm năng về phát triển du lịch rất lớn như sông, hồ, biển, đảo… nhưng chính nguy cơ về rác thải nhựa đã làm hạn chế khai thác các tiềm năng về phát triển du lịch, vì chúng ta luôn e ngại rác thải nhựa ra môi trường, do đó trong quá trình tổ chức phát triển chúng ta luôn thận trọng, đôi khi quá mức nên không khai thác hết tiềm năng. Việc thay đổi hành vi, thói quen sử dụng thay thế chất thải nhựa sử dụng một lần bằng các loại chất thải tái chế, có nguồn gốc hữu cơ sẽ giúp chúng ta vừa hạn chế được áp lực của rác thải nhựa vừa khai thác được tối đa các tiềm năng phát triển du lịch trong tương lai” - ông Thanh phân tích.
Thực tế, việc tuân thủ không sử dụng rác thải nhựa cũng chỉ mang tính tuyên truyền, vận động. Nhiều doanh nghiệp, người dân vẫn đứng ngoài cuộc. Ông Michael Croft - Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam khẳng định, UNESCO sẽ luôn đồng hành, sát cánh với Quảng Nam trong việc hiện thực hóa các ý tưởng hay, đề xuất hợp tác phát triển du lịch bền vững. Theo ông Michael Croft, thách thức bảo tồn Di sản văn hóa Hội An hiện nay chủ yếu đến từ việc tăng trưởng kinh tế nhanh, chứ không còn là câu chuyện về việc thiếu hụt nguồn lực như ở thời điểm được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới 20 năm về trước.
“Câu chuyện về doanh thu hiện không phải là mối quan tâm hàng đầu nữa mà chính là việc sử dụng những lợi nhuận thu được như thế nào, nhất là đối với chất lượng cuộc sống của cộng đồng. Đừng để du lịch di sản bị tác động bởi số lượng khách du lịch gia tăng. Nếu chính quyền, cộng đồng và doanh nghiệp địa phương không chung tay xây dựng chiến lược cụ thể và có những hành động mang tính tập thể thì tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh chóng này sẽ bào mòn các giá trị cốt lõi và nền tảng của ngành du lịch, của cộng đồng và doanh nghiệp địa phương. Hội An giờ đây là một điểm đến du lịch thu hút, vì vậy, chiến lược quản lý cũng cần được thay đổi để phù hợp” - ông Michael Croft gợi ý.