Du lịch Quảng Nam: Tính toán lại thị trường khách

KHÁNH LINH 30/08/2019 14:13

Tiếp tục theo đuổi dòng khách truyền thống hay tập trung cho thị trường khách gần đang là bài toán cần giải quyết của du lịch Quảng Nam, nhất là trong tình hình một số thị trường khách chủ đạo đang có dấu hiệu chững lại.

Thị trường khách du lịch Quảng Nam đã thay đổi trong vài năm trở lại đây. Ảnh: K.L
Thị trường khách du lịch Quảng Nam đã thay đổi trong vài năm trở lại đây. Ảnh: K.L

Tăng trưởng chậm

Qua 8 tháng đầu năm, Khu đền tháp Mỹ Sơn đón gần 300 nghìn lượt khách tham quan, tăng khoảng 5% so với cùng kỳ 2018, nhưng chậm hơn so với cùng kỳ các năm trước. Nguyên nhân do dòng khách Trung Quốc, Hàn Quốc sụt giảm và chững lại, thậm chí dòng khách Trung Quốc giảm khoảng 13%. Ông Phan Hộ - Giám đốc Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn chia sẻ, đây là điều đáng lo ngại bởi trong 3 năm trở lại đây, dòng khách đến Mỹ Sơn chủ yếu từ thị trường Hàn Quốc và Trung Quốc (chiếm hơn 60%) tổng cơ cấu khách. Mỹ Sơn chỉ là một trong số điểm du lịch Quảng Nam bắt đầu chịu tác động của việc sụt giảm khách từ các thị trường mới nổi.  

Với những lợi thế về văn hóa, sinh thái…, suốt thời gian dài thị trường khách du lịch truyền thống Quảng Nam chủ yếu là châu Âu, Úc, Bắc Mỹ. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây một số thị trường mới nổi như Hàn Quốc, Trung Quốc đã vươn lên áp đảo. Theo thống kê của Sở VH-TT&DL, 10 thị trường khách quốc tế lưu trú nhiều nhất trên địa bàn tỉnh năm 2018 bao gồm: Hàn Quốc, Úc, Anh, Pháp, Trung Quốc, Mỹ, Đức, Nhật, Hà Lan, Tây Ban Nha. Trong đó, riêng thị trường khách Hàn Quốc tăng 45,63%, vì vậy sự chững lại và sụt giảm các dòng khách này đang đặt ra cho ngành du lịch bài toán cần giải quyết.

Tại Hội nghị tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam vừa diễn ra tại TP.Đà Nẵng, ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết, qua 7 tháng đầu năm, dù đón 9,8 triệu lượt khách quốc tế (khách Trung Quốc khoảng 2,9 triệu lượt), tăng 7,9% so với cùng kỳ, nhưng du lịch Việt Nam đang có dấu hiệu chậm lại (cùng kỳ năm 2018 tốc độ tăng trưởng khách quốc tế đạt 25,4% so với cùng kỳ 2017). Đặc biệt, thị trường khách Trung Quốc giảm 2,8%, thị trường Úc giảm 1,2%.  Đây là điều đáng lo ngại, bởi Đà Năng, Quảng Nam được xem là điểm đến ưa thích của hai thị trường khách này. Đặc biệt, với quy mô rất lớn trong tổng cơ cấu khách đến Việt Nam thì sụt giảm của dòng khách Trung Quốc trong thời gian ngắn hạn sẽ khó có thị trường nào đủ sức thay thế.

Xúc tiến thị trường khách quốc tế

Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL thừa nhận, khách quốc tế đến Quảng Nam sụt giảm là thực trạng đang diễn ra. Vì vậy, ngay từ cuối năm 2018 Quảng Nam đã tập trung tăng cường các giải pháp như cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng sản phẩm, mở rộng không gian du lịch ra phía nam và phía tây của tỉnh, đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá và xúc tiến. Đặc biệt, liên kết với Tổng cục Du lịch, TP.Đà Nẵng, tỉnh Thừa Thiên Huế cùng tham gia nhiều hội thảo, hội chợ xúc tiến du lịch tại Nhật Bản, Singapore, Anh, Đức nhằm duy trì các thị trường truyền thống, đồng thời mở thêm thị trường khách mới.

Có thể khẳng định, sức sống của điểm đến không chỉ là sản phẩm, dịch vụ, môi trường du lịch… mà còn thể hiện ở việc xác định thị trường khách trọng tâm. Dù từ nhiều năm qua, du lịch Quảng Nam luôn xác định thị trường Tây Âu, Bắc Mý, Úc là truyền thống, nhưng thực tế cho thấy dòng khách này chiếm quy mô rất nhỏ, và tăng trưởng khá chậm. Điều này cũng được Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện phân tích trong Hội nghị tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam vừa diễn ra mới đây. Theo Bộ trưởng Thiện, hơn 20 năm, dòng khách châu Âu, Bắc Mỹ, Úc chưa bao giờ tăng quá 10%/năm, vì vậy trong thời gian ngắn hạn hiện nay, Trung Quốc, Hàn Quốc và thị trường khách Đông Nam Á vẫn là chủ đạo.

Đặc biệt, một yếu tố quan trọng thu hút khách quốc tế chính là việc mở đường bay trực tiếp kết nối Đà Nẵng với các thành phố trên thế giới để đưa khách đến miền Trung, sau đó lan tỏa ra các địa phương khu vực. Ông Nguyễn Quang Trung - Trưởng ban Kế hoạch và phát triển Vietnam Airline cho biết, sắp tới Vietnam Airline sẽ xúc tiến các đường bay mới, chủ yếu tập trung vào khu vực Bắc Âu, Ấn Độ, Mỹ, đồng thời đẩy mạnh hơn nữa việc mở rộng các đường bay trực tiếp từ Đông Bắc Á, Đông Nam Á đến các khu vực của Việt Nam như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Quảng Ninh… Đến nay, đã có 31 đường bay quốc tế đến Đà Nẵng (gồm 17 đường bay thường kỳ, 14 đường bay thuê chuyến), tần suất 419 chuyến/ tuần và 11 đường bay nội địa, tần suất 654 chuyến/tuần. Dự kiến, cuối năm 2019, sẽ có thêm 4 đường bay quốc tế trực tiếp tới Đà Nẵng là: Đà Nẵng - Cao Hùng (Đài Loan); Đà Nẵng - Jakarta (Indonesia); Đà Nẵng - Busan (Hàn Quốc); Đà Nẵng - Hàng Châu (Trung Quốc). Khi đó, khách quốc tế sẽ có cơ hội đến Đà Nẵng, Quảng Nam nhiều hơn.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Du lịch Quảng Nam: Tính toán lại thị trường khách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO