Du lịch Việt Nam 2023: Đã đạt chỉ tiêu đón khách quốc tế rồi sao nữa?

TRẦN ĐỨC ANH SƠN 07/11/2023 08:15

(VHQN) - Báo cáo của Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/9/2023 cho biết: 10 thị trường gửi khách quốc tế đến Việt Nam nhiều nhất trong 9 tháng đầu năm 2023 là: Hàn Quốc (khoảng 2,5 triệu lượt khách), Trung Quốc (khoảng 1,1 triệu lượt), Đài Loan (khoảng 575 nghìn lượt), Mỹ (khoảng 549 nghìn lượt), Nhật Bản (khoảng 414 nghìn lượt), Thái Lan (khoảng 351 nghìn lượt), Malaysia (khoảng 333 nghìn lượt), Campuchia (khoảng 290 nghìn lượt), Australia (khoảng 283 nghìn lượt) và Ấn Độ (khoảng 278 nghìn lượt).

Du khách quốc tế thích thú với sinh hoạt của nhà nông Quảng Nam. Ảnh: HỮU KHIÊM
Du khách quốc tế thích thú với sinh hoạt của nhà nông Quảng Nam. Ảnh: HỮU KHIÊM

Như vậy, so với năm 2019 thì 8/10 thị trường có du khách đến Việt Nam nhiều nhất vẫn không thay đổi sau 4 năm dịch giã. Chỉ có hai thị trường “mới nổi” là Campuchia và Ấn Độ thay thế cho hai thị trường Nga và Anh; Hàn Quốc đã soán “ngôi đầu” của Trung Quốc, còn Đài Loan từ hạng 4 vào năm 2019 đã vượt qua Nhật Bản để lọt vào “top 3” trong năm nay.

Thấy gì từ các bảng thống kê này?

Trước tiên, có thể thấy rằng tuy lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng vào quý 3 năm 2023, giúp ngành du lịch Việt Nam sớm hoàn thành chỉ tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế, và đặt mục tiêu mới là sẽ đón 13 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay, nhưng so với con số 18 triệu lượt khách quốc tế đã đến Việt Nam vào năm 2019, thì lượng khách (cả thực tế và kỳ vọng) vẫn sụt giảm đáng kể, chỉ bằng 72,2% so với năm 2019.

 

Điều này cho thấy ngành du lịch vẫn còn nhiều việc phải làm để kích cầu du lịch và thu hút du khách nước ngoài trở lại Việt Nam, nhất là khi phải so sánh với hoạt động du lịch sau đại dịch ở các nước láng giềng như Thái Lan, Indonesia hay Nhật Bản.

Đặc biệt, Nhật Bản mới mở cửa đón du khách nước ngoài vào tháng 10/2022, chậm hơn Việt Nam đến 8 tháng, nhưng tăng trưởng rất ấn tượng: từ tháng 4/2023 đến nay, mỗi tháng nước này đón hơn 3 triệu lượt khách quốc tế.

Thứ hai, trước đại dịch, khách quốc tế đến Việt Nam nhiều nhất là từ Trung Quốc (5,8 triệu lượt khách), cao hơn 34 % so với nước xếp thứ nhất hiện nay là Hàn Quốc; gấp 6,2 lần so với nước đứng thứ 3 là Nhật Bản.

Tuy nhiên, trong 9 tháng đầu năm 2023, khách Trung Quốc đến Việt Nam sụt giảm đáng kể (do ảnh hưởng từ chính sách Zero COVID của Chính phủ Trung Quốc), chỉ khoảng 1,1 triệu lượt, bằng 1/5 so với lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam trước đại dịch; chưa bằng một nửa so với du khách đến từ Hàn Quốc (2,5 triệu lượt).

Như vậy, sự kỳ vọng của ngành du lịch Việt Nam vào thị trường Trung Quốc, đặc biệt là từ các định hướng và chỉ đạo của Chính phủ và Tổng cục Du lịch về việc mở cửa thị trường du lịch Việt Nam sau đại dịch COVID-19, là không như mong đợi.

Ngành du lịch Việt Nam từng trông chờ du khách Trung Quốc trở lại Việt Nam sau khi Chính phủ Trung Quốc quyết định đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn đợt 2 (từ 15/3/2023), coi đây là nguồn khách chủ đạo để giúp ngành du lịch Việt Nam hoàn thành mục tiêu đón khách quốc tế trong năm nay.

Du khách quốc tế tại bãi biển Hội An. Ảnh: HỮU KHIÊM
Du khách quốc tế tại bãi biển Hội An. Ảnh: HỮU KHIÊM

Theo quan điểm của tôi, thì đây là một tín hiệu tốt, vì khách Trung Quốc đến Việt Nam trong những năm vừa qua chủ yếu là “khách biên mậu”, khách đi “tour giá rẻ”, “tour không đồng”…, nên số lượng tuy nhiều, nhưng hiệu quả kinh tế mà họ mang lại cho du lịch Việt Nam không cao bằng du khách đến từ Bắc Mỹ, châu Âu hay Nhật Bản. Đó là chưa kể những hệ lụy không mong đợi mà nguồn khách chi tiêu thấp này mang tới cho các điểm đến du lịch ở Việt Nam.

Thứ ba, trong “tốp 10 thị trường gửi khách đến Việt Nam” 9 tháng đầu năm 2023 có sự góp mặt của Campuchia và Ấn Độ, là hai “thị trường mới nổi nhưng đầy tiềm năng” của du lịch Việt Nam.

Campuchia là nước láng giềng phía tây nam của Việt Nam, nên việc kết nối du lịch giữa Việt Nam và Campuchia là rất quan trọng và có lợi cho cả hai nước, không chỉ trong hoạt động du lịch, mà trong lĩnh vực kinh tế nói chung. Hoạt động du lịch tăng cao sẽ giúp nhân dân hai nước khám phá đất nước, con người, lịch sử, văn hóa của nhau; góp phần tăng cường sự hiểu biết và tình hữu nghị giữa hai dân tộc, hai quốc gia.

Ấn Độ là đất nước có dân số lớn thứ 2 trên thế giới nên sẽ là thị trường tiềm năng của du lịch Việt Nam trong tương lai gần, nhất là khi Việt Nam và Ấn Độ đang xúc tiến mở thêm các đường bay thẳng từ các thành phố lớn của Ấn Độ đến miền Trung Việt Nam như Đà Nẵng, Nha Trang. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác du lịch giữa hai nước, có ảnh hưởng tích cực đối với du lịch ở khu vực miền Trung Việt Nam trong tương lai.

Theo thông tin từ các website du lịch nổi tiếng như Booking.com, TripAdvisor.com, Skyscanner.com, Airbnb.com…, người Ấn Độ khi đi du lịch nước ngoài có mức chi tiêu khá cao. Vì thế, nếu du khách Ấn Độ đến Việt Nam nhiều hơn, thì sẽ có lợi cho ngành du lịch, cho kinh tế của Việt Nam nói chung, so với việc đón các loại “khách biên mậu”, khách đi “tour giá rẻ”, “tour không đồng” từ Trung Quốc như những năm trước đây.

Cần làm gì để duy trì lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam?

Từ các con số lạc quan về lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 9 tháng đầu năm nay, tôi cho rằng, các chính sách kích cầu du lịch mà Việt Nam đã và đang thực hiện đã phát huy tác dụng.

Đặc biệt, quy định mới về xin visa du lịch Việt Nam cho người nước ngoài 2023 - 2024 vừa được Chính phủ ban hành, có hiệu lực từ ngày 15/8/2023 (bao gồm tăng thời hạn visa du lịch lên 3 tháng; tăng thời hạn được miễn thị thực với mục đích du lịch lên 45 ngày cho một số nước), là sự thay đổi quan trọng trong chính sách thu hút khách du lịch của Việt Nam, góp phần thu hút du khách nước ngoài đến Việt Nam nhiều hơn, lưu trú lâu hơn; tạo bước đột phá cho phát triển du lịch Việt Nam trong thời gian tới.

Ngoài ra, cần tiếp tục phát huy hiệu quả các kênh tiếp thị và quảng bá trực tuyến để thu hút du khách ở những thị trường mới như Ấn Độ, Australia, Canada…, du khách có nhu cầu chi tiêu cao, thay vì tập trung vào các thị trường truyền thống nhưng đã bão hòa vì nhiều lý do khác nhau như Nga, Trung Quốc, Thái Lan... Tận dụng mạng xã hội và các kênh truyền thông để tiếp cận du khách tiềm năng.

Cần tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch chất lượng, mở thêm các phân khúc thị trường hướng vào đối tượng khách chi tiêu cao (hơn 1.000 USD/khách/tour). Chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch trải nghiệm độc đáo và sáng tạo để thu hút du khách. Điều này có thể bao gồm việc làm mới các sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch ẩm thực giàu giá trị bản địa và các loại hình du lịch mạo hiểm mà du khách các nước phát triển rất ưa chuộng.

Sau cùng, khách du lịch hiện nay ngày càng quan tâm đến bảo vệ môi trường, và Việt Nam có thể tận dụng điều này để thu hút du khách quốc tế bằng các tour du lịch sinh thái, du lịch môi trường… vừa để thu hút dòng khách này, vừa duy trì tính bền vững trong việc khai thác, sử dụng các tài nguyên tự nhiên của đất nước để phát triển du lịch.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Du lịch Việt Nam 2023: Đã đạt chỉ tiêu đón khách quốc tế rồi sao nữa?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO