Du lịch Việt Nam - Tiềm năng không giới hạn

TS. ĐINH VIỆT HÒA 07/10/2023 15:42

(QNO) - Hôm nay 7/10, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Hiệp hội Khởi nghiệp quốc gia phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố, Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, các tổ chức uy tín trong nước và quốc tế tổ chức chương trình “Đại hội công nghiệp du lịch quốc gia” lần thứ I, góp phần quan trọng trong việc phát triển du lịch nước nhà.

 
Cán bộ, lãnh đạo sở, ngành tỉnh Quảng Nam tham gia tại diễn đàn

Sau hơn 35 năm đổi mới đất nước, ngành du lịch nước ta đã có bước phát triển nhanh cả về quy mô và chất lượng, đội ngũ doanh nghiệp kinh doanh du lịch, lữ hành, cơ sở lưu trú ngày càng lớn mạnh. Hạ tầng du lịch được Nhà nước, xã hội quan tâm đầu tư, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn trên thế giới. Khách du lịch quốc tế, trong nước và doanh thu từ du lịch liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP của đất nước.

Du lịch góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, quảng bá hình ảnh và khẳng định vị thế Việt Nam trên bản đồ du lịch quốc tế. Du lịch cũng là công cụ góp phần giảm tụt hậu, chênh lệch giàu nghèo đối với những vùng xa xôi, còn ít điều kiện để phát triển, tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống cho nhân dân.

Với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế du lịch, nhiều năm liền số lượng khách trong nước và quốc tế tăng mạnh, có năm du khách nước ngoài đến Việt Nam đạt hơn 18 triệu người, tương đương nhiều quốc gia có du lịch phát triển ở Đông Nam Á, chiếm 80% lượng khách hàng không quốc tế ra vào Việt Nam.

Ngành du lịch đã đóng góp ước tính 9,2% tổng sản phẩm trong nước, tạo công ăn việc làm trực tiếp và gián tiếp cho gần 5 triệu người trong các lĩnh vực phụ trợ của du lịch và liên ngành. Tuy nhiên, khi đại dịch COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động kinh tế - xã hội, trong đó du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong lịch sử hơn 60 năm ngành du lịch Việt Nam.

 
Quang cảnh diễn đàn

Bên cạnh đó, một số hạn chế, yếu kém, du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng của xã hội; du lịch chưa được coi là ngành kinh tế mũi nhọn, tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa và hội nhập quốc tế; thiếu chính sách phù hợp để du lịch phát triển, vận hành theo quy luật thị trường; mở rộng huy động và phát huy nhiều nguồn lực xã hội cho phát triển thành ngành công nghiệp du lịch quốc gia.

TS. Hà Văn Siêu - Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam chia sẻ: “Việt Nam có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, với các sản phẩm du lịch đa dạng, tập trung phát triển 4 dòng sản phẩm chính là du lịch biển; du lịch văn hóa, di sản; du lịch sinh thái và du lịch thành phố. Bên cạnh đó, còn có các sản phẩm bổ trợ như du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch mạo hiểm, du lịch golf…

Đặc biệt, năm 2023, tỉnh Bình Thuận đăng cai tổ chức Năm du lịch quốc gia với chủ đề "Hội tụ xanh" sẽ định hướng xu hướng phát triển du lịch xanh bền vững, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Với những nỗ lực trong việc phát triển du lịch, xúc tiến quảng bá, giới thiệu điểm đến, sản phẩm, dịch vụ cùng với sự đồng hành, ủng hộ của doanh nghiệp, đối tác, cơ quan truyền thông, du lịch Việt Nam sẽ phục hồi và phát triển mạnh mẽ”.

Trong khi đó, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Khởi nghiệp quốc gia đánh giá: “Du lịch đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới. Với mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn khai thác tài nguyên du lịch, là giải pháp căn cơ tháo gỡ những hạn chế, yếu kém. Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị khẳng định, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 103 hưởng ứng Nghị quyết 08 đến các cấp, các ngành phối hợp cùng doanh nghiệp, người dân, Bộ VH-TT&DL hướng dẫn, chỉ đạo. Phấn đấu đến năm 2030, du lịch Việt Nam thực sự là ngành kinh tế trọng tâm, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội. Việt Nam thuộc nhóm các nước có ngành du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Việt Nam nên tiếp tục tạo nên dấu ấn về phát triển kinh tế, bằng cách sáng tạo và phát triển du lịch. Đây cũng được coi là nền tảng để phát triển du lịch, có chính sách hút du khách du lịch”.

 
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam tham gia diễn đàn

Diễn đàn lần này tập trung chia sẻ tầm quan trọng việc phát triển du lịch, ý tưởng, kế hoạch thúc đẩy phát triển hệ sinh thái du lịch địa phương thông qua những báo cáo, thảo luận chuyên gia, tiếng nói quốc tế và tiếng nói doanh nhân - chiến sĩ thời bình phát triển du lịch quốc gia.

Thêm vào đó, các diễn đàn chuyên sâu được chia sẻ như xu hướng du lịch chăm sóc sức khỏe và làm đẹp của tương lai, marketing và mở rộng thị trường cho du lịch trong thời đại số; du lịch - xuất nhập khẩu và kết nối thương mại; mạng xã hội và truyền thông số phát triển thương hiệu du lịch quốc gia.

 

Ngoài ra, đại hội còn triển khai các chương trình xúc tiến đầu tư du lịch; thắng cảnh thiên nhiên núi rừng hùng vĩ, sông dài biển rộng, di sản và di tích; du lịch làm đẹp và chữa bệnh, du lịch nông nghiệp; khởi nghiệp kinh doanh du lịch, chuyển giao khoa học công nghệ ngành du lịch giúp doanh nghiệp du lịch phát triển nhanh, bền vững…

Đặc biệt, Đại hội Công nghiệp du lịch quốc gia cũng có góc nhìn mới về du lịch không chỉ là ngành dịch vụ, mà là một ngành công nghiệp và là một ngành kinh tế tổng hợp có những đóng góp đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế quốc gia. Qua chương trình, nhằm thực hiện nghị quyết của Đảng về phát triển du lịch, chính sách của Chính phủ hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; đề ra giải pháp hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch, thúc đẩy xúc tiến đầu tư và thương mại liên ngành.

Ngài Andrew Goledzinowski - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam cho rằng: “Tiềm năng đối với ngành du lịch Việt Nam là không giới hạn. Việt Nam có sự thu hút tuyệt vời mang đẳng cấp thế giới. Tôi ấn tượng sâu sắc về đất nước, con người Việt Nam và những nơi tôi đã ghé thăm. Nếu so sánh, Việt Nam không hề thua kém các nước. Tôi nghĩ du lịch Việt Nam nên có tham vọng hơn trong việc làm thế nào để hướng tới thu hút nhóm du khách cao cấp". 

 

Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh

Chia sẻ tại Diễn đàn du lịch quốc gia, Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam - Nguyễn Thanh Hồng thông tin: “Chúng tôi đang hướng đến xây dựng thương hiệu “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh". Tập trung phát triển mạnh tại các địa bàn trọng điểm du lịch, liên kết chặt chẽ với khu vực và các hành lang kinh tế để mở rộng phát triển và nâng cao sức cạnh tranh.

Đầu tư phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch có thế mạnh về tài nguyên du lịch của địa phương. Phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững, gắn chặt với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội; phát triển du lịch có trách nhiệm, tôn trọng lợi ích các bên, các vùng miền, tôn trọng văn hóa, truyền thống, tôn trọng du khách trong mối quan hệ với các cộng đồng điểm đến; giảm thiểu tác động tiêu cực của hoạt động du lịch tới môi trường và văn hóa bản địa.

Khuyến khích sự đổi mới, sáng tạo và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các mô hình khởi nghiệp du lịch, sản phẩm du lịch theo hướng du lịch xanh và bền vững, hội nghị, sinh thái, các sự kiện thể thao kết hợp du lịch, du lịch gắn với nông thôn mới, gắn với sản phẩm OCOP để tạo sự cộng hưởng qua lại cùng phát triển”.

Các chủ đề trọng tâm được thảo luận tại Đại hội Công nghiệp du lịch quốc gia:

1. Tổng quan khai thác tài nguyên du lịch hiện nay, định hướng phát triển ngành công nghiệp du lịch Việt Nam: Xúc tiến đầu tư du lịch; di sản và di tích; du lịch làm đẹp và chữa bệnh; du lịch nông nghiệp…

2. Khởi nghiệp kinh doanh du lịch, chuyển giao khoa học công nghệ ngành du lịch giúp doanh nghiệp du lịch phát triển nhanh, bền vững; kết nối thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực du lịch.

3. Đại sứ kết nối du lịch vùng miền; quảng bá thương hiệu, truyền thông, tổ chức sự kiện về du lịch; vinh danh, lan tỏa thông điệp về du lịch Việt Nam.

4. Thực hiện Nghị quyết của Đảng về phát triển du lịch, chính sách của Chính phủ hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; định hướng, giải pháp hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch, thúc đẩy xúc tiến đầu tư và thương mại đa ngành.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Du lịch Việt Nam - Tiềm năng không giới hạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO