Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang: Sẽ hoàn thiện các sản phẩm, dịch vụ

CÔNG TÚ (THỰC HIỆN) 04/05/2022 21:51

(PR) - Ngày 29.4 vừa qua, Khu du lịch sinh thái (DLST) Cổng trời Đông Giang đã chính thức mở cửa đón khách đến tham quan, trải nghiệm. Báo Quảng Nam đã cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Hương - Giám đốc Khu DLST Cổng Trời Đông Giang (đơn vị thành viên Tập đoàn FVG) để tìm hiểu thêm về địa điểm du lịch đang được dư luận quan tâm, săn đón, tìm kiếm trên các diễn đàn, hội nhóm du lịch trong những ngày qua.

Khu cảnh thiên nhiên trong Cổng trời Đông Giang. Ảnh: CT
Khung cảnh thiên nhiên trong Cổng Trời Đông Giang. Ảnh: C.T

PV: Bà có thể giới thiệu sơ qua về Cổng Trời Đông Giang và các hạng mục được đưa vào vận hành giai đoạn 1?

Bà Nguyễn Thị Hương: Hưởng ứng Năm du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022, Cổng Trời Đông Giang đã chính thức mở cửa đón khách tham quan, thử nghiệm từ 29.4 vừa qua. Đây là giai đoạn thử nghiệm để chúng tôi lắng nghe, tiếp thu các ý kiến của khách hàng để hoàn thiện hơn nữa sản phẩm và dịch vụ cho thời gian khai trương chính thức vào tháng 6 sắp tới.

Khám phá hang động trong khu du lịch: Ảnh: CT
Du khách khám phá hang động trong khu du lịch: Ảnh: C.T

Trong giai đoạn 1 này, khu du lịch sẽ đưa bạn đến các địa điểm trải nghiệm với hành trình khám phá nhiều câu chuyện đặc sắc mang màu sắc văn hóa bản địa như Làng văn hóa Cơ Tu, khám phá hệ thống hang động, thác suối kì vĩ, rừng bòn bon xanh mát sai trĩu quả, nhiều công trình đặc sắc như hệ thống 7 cây cầu bắc qua Sông Ngân, mô hình khủng long hóa thạch… Đồng thời, chúng tôi cũng đưa vào khai thác tổ hợp lưu trú, nghỉ dưỡng theo tiêu chuẩn 4 sao với quy mô 200 phòng, cùng hệ thống nhà hàng để phục vụ du khách.

PV: Bà có thể chia sẻ về quá trình đón khách và kết quả vận hành thử nghiệm thời gian qua?

Bà Nguyễn Thị Hương: Lượt tìm kiếm và thông tin về Khu DLST Cổng Trời Đông Giang được săn đón, tìm kiếm và bình luận chia sẻ trên các diễn đàn, hội nhóm du lịch. Theo chia sẻ của trang Fanpage Đông Giang uy tín, những ngày qua đã có tới hơn 250 nghìn lượt tìm kiếm từ khóa “Cổng Trời Đông Giang”, hàng nghìn lượt like và bình luận, hàng trăm lượt chia sẻ thông tin. Đó là một tín hiệu đáng mừng, chứng tỏ rằng khách du lịch nội địa thực sự quan tâm và ủng hộ những điểm du lịch mới. Và đối với chúng tôi, những người làm du lịch có cơ sở để tin rằng những khó khăn của ngành du lịch do đại dịch Covid-19 sắp qua đi và sẽ phục hồi mạnh mẽ trong thời gian tới.

Du khách đến tham quan Cổng trời Đông Giang dịp nghỉ lễ vừa qua. Ảnh: CT
Du khách đến tham quan Cổng Trời Đông Giang dịp nghỉ lễ vừa qua. Ảnh: C.T

Cổng Trời Đông Giang đã có 5 ngày mở cửa đón khách đầu tiên từ ngày 29.4 - 3.5. Mặc dù thời tiết không thực sự thuận lợi, chúng tôi vẫn đón được gần 10.000 lượt khách đến tham quan, sử dụng dịch vụ. Thời gian đầu mở cửa thử nghiệm, việc vận hành một khu du lịch hoàn toàn mới tại địa điểm miền núi còn nhiều hạn chế về hạ tầng giao thông và xây dựng đội ngũ nhân sự khiến cho đơn vị gặp nhiều khó khăn trong khâu chuẩn bị, điều này đã gây ảnh hưởng phần nào đến quá trình đón tiếp, chất lượng dịch vụ.

Với tinh thần cầu thị, Ban quản lý dự án khu DLST Cổng Trời Đông Giang luôn lắng nghe và tiếp nhận các ý kiến đóng góp cũng như những ý kiến phản biện để kịp thời khắc phục, cải thiện chất lượng sản phẩm nhằm mang đến trải nghiệm tốt hơn cho du khách vào thời gian tới.

PV: Hiện đang có nhiều ý kiến trái chiều về việc bê tông hóa khu du lịch làm ảnh hưởng đến tự nhiên cảnh quan, bà có chia sẻ gì về những ý kiến này?

Bà Nguyễn Thị Hương: Đây là khoảng thời gian chúng tôi lắng nghe mọi ý kiến đến từ các du khách, để tâm đến từng trải nghiệm của họ. Ngoài ý kiến khen ngợi, cũng có những ý kiến trái chiều và chúng tôi tôn trọng mọi sự góp ý, vì như vậy là mọi người thực sự quan tâm đến Cổng Trời Đông Giang. Khi làm dự án, chúng tôi luôn để tâm đến tỷ lệ hợp lý của công trình sao cho phù hợp với tiêu chí của khu du lịch cũng như đúng theo yêu cầu của luật pháp chứ không thể muốn làm gì cũng được.

Du khách được xem các điệu múa truyền thống của người Cơ Tu. Ảnh: CT
Du khách được xem các điệu múa truyền thống của người Cơ Tu. Ảnh: C.T

Việc đưa vào vận hành một khu du lịch thì chắc chắn phải có tỷ lệ bê tông hóa nhất định để phục vụ cho các nhu cầu đi lại, ăn, ngủ, nghỉ của du khách. Vậy nhưng, tỷ lệ xây dựng của Cổng trời Đông Giang chỉ chưa tới 10% so với tổng diện tích của toàn khu, trong khi đó tỷ lệ cho phép là 25%. Hơn 90% diện tích còn lại, chúng tôi cố gắng giữ nguyên trạng tỷ lệ phủ xanh cho dự án. Đây không chỉ là chủ kiến của đơn vị đầu tư mà còn là chỉ đạo từ phía chính quyền tỉnh Quảng Nam và chúng tôi hoàn toàn ủng hộ điều đó.

PV: Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc đưa vào vận hành một khu du lịch mới như thế này có gặp nhiều khó khăn gì không, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Hương: Thực tế luôn có độ vênh nhất định so với kế hoạch, chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn khi đưa dự án vào vận hành. Đầu tiên phải kể đến là hạn chế về giao thông, đây cũng là vấn đề gặp nhiều phản ứng trong những ngày qua. Tuy nhiên, vấn đề này chúng tôi cũng đã nhiều lần đề xuất lên các cơ quan chủ quản mong muốn nhận được sự hỗ trợ, ủng hộ để nâng cấp và cải tạo tuyến giao thông lên Đông Giang, chỉ có như vậy thì thực sự mới có thể thúc đẩy mạnh mẽ tiềm năng du lịch vùng miền núi phía tây Quảng Nam như kỳ vọng. Việc hạ tầng giao thông chưa thuận lợi cũng làm cho việc vận chuyển hàng hóa, lương thực thực phẩm và các phương tiện lên khu du lịch gặp nhiều khó khăn, đẩy giá thành và chi phí lên cao hơn so với dự kiến.

Thưởng thức các món ăn đặc sản bản địa. Ảnh: CT
Khu du lịch cung cấp ẩm thực phong phú, trong đó có nhiều đặc sản địa phương. Ảnh: C.T

Chúng tôi cũng cân nhắc rất nhiều khi quyết định phải kè 2 bên bờ suối vì qua đợt thiên tai và trận lũ lụt lịch sử năm 2020, gần như toàn bộ những hạng mục công trình đã xây dựng trước đó đều bị cuốn trôi và hư hỏng nặng. Do đó, chúng tôi đã phải điều chỉnh phương án và xin phép để được thi công theo hướng bảo vệ an toàn cho công trình và du khách, tránh các tác động tiêu cực từ biến động khôn lường của thiên tai. Tuy nhiên, các phương án đặt ra luôn phải đảm bảo yếu tố không xâm hại, làm ảnh hưởng và thay đổi nghiêm trọng tự nhiên vốn có.

Du khách hài lòng sau chuyến đi trải nghiệm tại Cổng trời Đông Giang. Ảnh: CT
Du khách hài lòng sau chuyến đi trải nghiệm tại Cổng Trời Đông Giang. Ảnh: C.T

Ngoài ra, vấn đề nhân sự cũng là một khó khăn. Bởi lẽ, sau đại dịch Covid-19 đã có một lực lượng lớn nhân sự ngành du lịch bị luân chuyển tạo nên một lỗ hổng lớn về nguồn cung. Với cam kết tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, chúng tôi cũng dành nhiều cơ hội cho nhân sự người Cơ Tu. Tuy nhiên, vì đây là lần đầu tiên có khu du lịch quy mô lớn tại địa phương, cho nên để người dân có thể làm quen với công việc có cường độ cao trong một khu du lịch thì cũng cần nhiều thời gian.

PV: Việc thiết lập dự án ở vùng miền núi sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân địa phương có công ăn việc làm, bà có thể chia sẻ kế hoạch tuyển dụng nhân sự thời gian tới?

Bà Nguyễn Thị Hương: Tạo sinh kế cho người dân địa phương, đóng góp vào ngân sách của huyện Đông Giang để phát triển kinh tế - xã hội là một trong những mục tiêu của khu du lịch. Hiện tại, giai đoạn thử nghiệm đang có gần 200 nhân sự làm việc tại khu du lịch, trong đó 50% là người Cơ Tu. Theo kế hoạch năm 2023, số lượng nhân sự sẽ tăng gấp đôi và chúng tôi hy vọng là có thể có tới hơn 60% các vị trí lao động là người Cơ Tu. Để đạt được điều đó, chúng tôi phải đặt kế hoạch rất cụ thể cho việc tuyển dụng và đặc biệt là chính sách đào tạo.

Cổng trời Đông Giang giải quyết lực lượng lớn lao động là người địa phương. Ảnh: CT
Cổng Trời Đông Giang giải quyết lực lượng lớn lao động là người địa phương. Ảnh: C.T

Hiện tại, chúng tôi đang thực hiện đào tạo tại chỗ bằng việc đưa nhân sự của Tập đoàn FVG từ Đà Nẵng lên tăng cường làm việc tại đây, đồng thời chia sẻ và hướng dẫn lại cho nhân sự người địa phương. Đây mới chỉ là kế hoạch cho giai đoạn 1, khi giai đoạn 2 với nhiều hạng mục vui chơi giải trí khác cùng tuyến cáp treo dài hơn 1,5km được đưa vào sử dụng thì số lượng nhân sự sẽ còn tăng lên rất nhiều. Do đó, chúng tôi cũng đang tìm kiếm các phương án để có thể chuẩn bị cho lực lượng nhân sự này một cách tốt nhất.

PV: Thưa bà, bảo tồn văn hóa và tự nhiên trong khai thác du lịch miền núi, câu chuyện này liệu có dễ dàng?

Bà Nguyễn Thị Hương: Rõ ràng đây câu chuyện không phải là khó mà là rất khó. Việc biến các giá trị tự nhiên và văn hóa vốn được ngủ yên bao lâu nay được phổ biến rộng khắp để nhiều người biết đến là việc không dễ dàng, đó là vấn đề nhạy cảm và cần thận trọng. Chính vì vậy, Ban quản lý dự án khu DLST Cổng Trời Đông Giang mới dành hẳn một giai đoạn chạy thử nghiệm để lắng nghe và tiếp thu các ý kiến nhiều chiều, từ đó chắt lọc các ý kiến xác đáng để có thể điều chỉnh các sản phẩm và dịch vụ sao cho hợp lý nhất.

Cổng trời Đông Giang liên kết với địa phương đưa vào phục vụ các điệu múa truyền thống. Ảnh: CT
Cổng Trời Đông Giang liên kết với địa phương đưa vào phục vụ các điệu múa truyền thống trong Làng văn hóa Cơ Tu. Ảnh: C.T

Không chỉ hướng đến tiêu chí xây dựng và bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa thông qua tái hiện khu vực Làng văn hóa Cơ Tu trong khuôn viên Cổng Trời Đông Giang, chúng tôi cũng đã liên hệ với các đội văn nghệ của huyện, xã, liên kết với các hộ gia đình tại địa phương để đưa các điệu múa truyền thống, các món ăn đặc trưng và cả các sản vật bản địa vào khu du lịch như một phương thức thưởng thức văn hóa và hiểu hơn về các giá trị văn hóa bản địa.

Chúng tôi đang lắng nghe phản hồi để từ đó xây dựng thêm các sản phẩm phù hợp với mong muốn của du khách, đồng thời điều chỉnh lại các sản phẩm hoặc dịch vụ chưa thực sự phù hợp.

PV: Xin cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang: Sẽ hoàn thiện các sản phẩm, dịch vụ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO