Về làng...

THƯ AN 27/03/2022 07:57

(VHQN) - Ý niệm về “làng” luôn gợi lên trong lòng mỗi người con đất Việt những cảm xúc ngọt ngào. Nói về làng, đầu tiên là nói những cuộc đất được cày xới để vun lên bờ xôi ruộng mật...

Gò Nổi (Điện Bàn) - một “miệt nông nghiệp” trĩu nặng phù sa với nghề nông tang gắn chặt bao thế hệ người vào đất quê hương, yêu quý tận sâu từng doi đất mỡ màu...

Xã Điện Phong còn lưu giữ nhiều cảnh đẹp làng quê. Ảnh: VĨNH LỘC
Xã Điện Phong còn lưu giữ nhiều cảnh đẹp làng quê. Ảnh: VĨNH LỘC

1. Ông Dương Hiển Công - Chủ tịch UBND xã Điện Phong, một cán bộ trẻ 8X năng nổ và nhiệt thành, nói chắc nịch rằng, ở vùng này, chẳng có miếng đất nào bị bỏ hoang.

Dân mình cứ hết bắp thì trồng đậu, hết đậu trồng ớt, chỗ nào có thủy lợi thì duy trì trồng lúa. Cứ vậy, người Gò Nổi miệt mài thâm canh trên những đồng đất. Chỉ riêng ở Điện Phong, diện tích sản xuất nông nghiệp chiếm hơn 650/1.000ha tổng diện tích của cả xã.

Ông Công nói rằng, dù phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, nhưng người dân nơi này vẫn xác quyết bám trụ với nghề nông.

“Có những người trẻ đi làm công nhân, hoặc buôn bán nơi khác, cuối tuần họ vẫn về đây cùng cha ông mình cầm cuốc cầm cày làm ruộng, làm màu” - ông Công nói.

Ông Nguyễn Phi Dư - người làng Phú Bông (Điện Phong) cho rằng, đất này nếu bỏ hoang, là có tội.

“Chúng tôi làm nông vẫn là chủ yếu, nhưng đất làng này cần làm thêm một cái gì đó, để ít ra trong số các con cũng có đứa chịu quay về và sống được ở quê” - ông Dư nói.

Câu chuyện chế biến sâu, chế biến theo chuỗi từ những hợp tác xã do người trẻ ở làng quay về và tạo dựng, đã được nhắc đến rất nhiều lần. Gò Nổi đã tự mình định danh là thương hiệu của những nông sản chất lượng, xuất phát từ vị trí địa lý, từ tri thức bao đời của nông dân.

Một màu xanh mê mải bắt đầu từ phía cầu Đen - nơi bắt đầu dẫn về “miệt nông nghiệp” Gò Nổi, khiến chúng tôi cứ tự đặt ra hoài nghi về một vùng đất đặc biệt.

Làm thế nào để dù vẫn giữ những con đường xanh rì bóng cây, những hàng chè tàu dọc lối, những mảnh ruộng sản xuất theo tiêu chí an toàn nhưng người dân vẫn được thụ hưởng giá trị tinh thần lẫn nhu cầu sống hiện đại.

Một Gò Nổi với những ngôi làng cổ kính nhưng vẫn làm được điều này. Một vùng đất lạ lùng từ cả trong lịch sử lẫn hiện tại, như thể rằng, con đất này được định vị để gắn với giá trị muôn đời của người Việt mình với triết lý văn hóa dân gian xứ Việt: nhà - làng - nước. 

2. Những người quản lý của địa phương này đã thấy được tiềm năng vùng đất khi khơi lên câu chuyện du lịch cộng đồng. “Cẩm Phú - ngôi làng mang đậm nét đặc trưng của vùng đất Gò Nổi.

Bến Phẩm - một trong những địa điểm nằm trong Làng du lịch cộng đồng Cẩm Phú (xã Điện Phong). Ảnh: C.P
Bến Phẩm - một trong những địa điểm nằm trong Làng du lịch cộng đồng Cẩm Phú (xã Điện Phong). Ảnh: C.P

Với ý nghĩa bảo tồn, giữ gìn, khai thác, phát huy các giá trị tự nhiên và văn hóa vùng đất Điện Bàn, chúng tôi chọn không gian làng Cẩm Phú với những kết nối về tự nhiên, văn hóa bản địa và con người để khơi mở tiềm năng từ đây” - bà Phan Thị Thái Hoa, Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT & truyền thanh - truyền hình thị xã Điện Bàn nói. 

Ông Nguyễn Thành - người dân Cẩm Phú, đứng ngay trên doi đất nhô ra của khu vực Bến Phẩm nói, chỗ này sẽ là nơi để cây cỏ lên xanh nhưng ngay hàng thẳng lối. Là những cánh bướm vàng rỡ theo vạt nắng bên sông, là biền dưa hấu mà người Gò Nổi tự hào, là những hàng tre xào xạc giữ cho vùng đất ven sông không lở bồi theo năm tháng.

Ông Thành nói, những nông dân như ông thật lòng vui mừng vì làng mình nhộn nhịp. Những ngày tết vừa rồi, ở khu vực Bến Phẩm này, người về như trẩy hội. Và những nông dân Cẩm Phú nhìn thấy cơ hội từ cuộc đất ven sông của mình.

Ông Dương Hiển Công nói, người dân địa phương hưởng ứng rất nhiệt tình khi đồng lòng tham gia dự án phát triển du lịch cộng đồng mà chính quyền vạch ra. 

Nguyễn Phong Lợi - Giám đốc HTX Nông nghiệp làng Cẩm Phú, một đứa con của làng, cứ nhất mực rằng quê mình quá đẹp để người ta thăm thú. Anh nói, làng du lịch cộng đồng Cẩm Phú ra đời trên nền tảng cân bằng 3 trụ cột “môi trường - cộng đồng - kinh tế”. Giữ môi trường và cảnh quan theo cách tốt nhất, chỉ có thể lựa chọn đường hướng phát triển du lịch.

Ông Lê Hoàng Hà - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Emic Travel - đối tác hỗ trợ điểm đến cho rằng, khách nội địa ở các địa phương lân cận, nhất là TP.Đà Nẵng lâu nay thường tìm về Hội An mỗi dịp cuối tuần để nghỉ ngơi, thư giãn nhưng hàm lượng trải nghiệm còn ít ỏi, nhất là khách trẻ em.

Và Cẩm Phú - nơi doanh nghiệp này lựa chọn xây dựng điểm đến trong tour tuyến của mình, được kỳ vọng giúp du khách trải nghiệm chân thực nhất đời sống làng quê, tích lũy kỹ năng sống và thay đổi nhận thức về du lịch xanh.

Những ngày tháng Ba khấp khởi niềm tin với người miệt Gò Nổi. Họ dọn lại khu vườn nhà mình. Họ sắp xếp quang gánh để cùng người trẻ của làng làm du lịch. Và tất nhiên, du lịch cũng chỉ là một trong những phương thức để người dân ở đây làm nông nghiệp bền vững. Bởi vốn dĩ, họ sinh ra ở ngay nơi mỡ màu phù sa...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Về làng...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO