Kinh tế

Dư nợ cho vay trên địa bàn Quảng Nam đến cuối tháng 4 đạt 110.335 tỷ đồng

Q.VIỆT 03/05/2024 15:17

(QNO) - Ông Phạm Trọng - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho biết, đến cuối tháng 4, nguồn vốn huy động tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 89.910 tỷ đồng (tăng 5,38% so với đầu năm).

cho-vay.jpg
Người dân vay vốn ở BIDV Hội An. Ảnh: Q.VIỆT

Về phân chia theo loại tiền, vốn huy động bằng nội tệ ước đạt 88.451 tỷ đồng (chiếm gần 98,38% tổng nguồn vốn huy động, tăng 1,84% so với đầu tháng, tăng 5,21% so với đầu năm); huy động bằng ngoại tệ quy đổi tiền Việt Nam tăng 12,57% so với đầu tháng, tăng16,85% so với đầu năm.

Về phân chia theo thời hạn, huy động không kỳ hạn và có kỳ hạn đến 12 tháng đạt 58.818 tỷ đồng (tăng 1,53% so với đầu tháng, giảm 0,77% so với đầu năm, chiếm tỷ trọng 65,42% trong tổng vốn huy động); nguồn vốn có kỳ hạn trên 12 tháng chiếm tỷ trọng 34,58% tăng 2,9% so với đầu tháng, tăng 19,38% so với đầu năm.

Đối với nguồn tiền nhàn rỗi, người dân vẫn ưu tiên lựa chọn kênh gửi tiết kiệm ngân hàng để đầu tư. Cụ thể, tiền gửi tiết kiệm dân cư đạt 66.950 tỷ đồng (chiếm 74,46% trong tổng nguồn vốn, tăng 1,5% so với đầu tháng, tăng 5,32% so với đầu năm); tiền gửi thanh toán đạt 22.260 tỷ đồng (chiếm 24,76% tổng nguồn vốn, tăng 3,4% so với đầu tháng, tăng 5,72% so với đầu năm); tiền gửi kỳ phiếu, trái phiếu đạt 700 tỷ đồng (chiếm 0,78% tổng nguồn, tăng 8,3% so với đầu tháng, tăng 0,87% so với đầu năm).

co-vay-2.jpg
Chiếm thị phần cao trong tổng dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh là bán buôn, bán lẻ. Ảnh: Q.VIỆT

Theo ông Phạm Trọng, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh nhiều chương trình tín dụng ưu đãi để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn vay phục hồi sản xuất kinh doanh. Đến cuối tháng 4, dư nợ cho vay trên địa bàn đạt 110.335 tỷ đồng (tăng 1,7% so với đầu tháng, tăng 3,27% so với đầu năm). Tín dụng ngắn hạn tăng 1,4% so với đầu tháng, tăng 4,8% so với đầu năm, chiếm tỷ trọng 61,87%; tín dụng trung dài hạn tăng 2,2% so với đầu tháng, tăng 0,87% so với đầu năm, chiếm 38,13% trong tổng dư nợ.

Dư nợ bằng tiền Việt Nam chiếm tỷ trọng gần 98,05% tổng dư nợ (tăng 1,6% so với đầu tháng, tăng 3,51% so với đầu năm); dư nợ ngoại tệ quy đổi tiền Việt Nam chiếm tỷ trọng 1,95% tổng dư nợ (tăng 7,9% so với đầu tháng, giảm 7,33% so với đầu năm).

Chiếm thị phần cao trong tổng dư nợ cho vay trên địa bàn là bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ (32,92%); công nghiệp chế biến, chế tạo (17,06%); nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (10,21%); kinh doanh bất động sản (9,35%); sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình (8,05%); dịch vụ lưu trú và ăn uống (7,91%).

Loại hình hộ kinh doanh, cá nhân chiếm tỷ trọng dư nợ cao nhất là 57,09%, cho vay công ty trách nhiệm hữu hạn chiếm 28%; cho vay công ty cổ phần chiếm 9,5%, các thành phần kinh tế còn lại chiếm tỷ trọng thấp trên tổng dư nợ nền kinh tế tại địa bàn.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dư nợ cho vay trên địa bàn Quảng Nam đến cuối tháng 4 đạt 110.335 tỷ đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO