Những người yêu tiếng Việt, bằng các cách thức khác nhau, đã mang những ấn phẩm Việt Nam ra thế giới.
Tại hội sách lớn nhất thế giới Frankfurt (tổ chức tại Cộng hòa Liên bang Đức vào tháng 10 vừa qua), thu hút sự tham gia của 43.000 đơn vị xuất bản đến 131 quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Đem chuông đi đánh xứ người
Hội sách Frankfurt có hẳn một quyển sách về lịch sử của mình với 600 năm thăng trầm, từ thuở sơ khai của nền in ấn phương Tây hồi thế kỷ 15 đến tận những năm đầu thế kỷ 21. Với bề dày lịch sử đó, hội sách thường niên này trở thành điểm quy tụ quen thuộc của ngành xuất bản thế giới, nơi kết nối và hợp tác với những đơn vị từ nhiều quốc gia khác nhau.
Năm 2024, hội sách Frankfurt đã tổ chức đến lần thứ 76. Lần thứ 3 tham gia và là lần thứ 2 có trưng bày gian hàng, Việt Nam đã mang khoảng 1.000 đầu sách từ 23 nhà xuất bản và công ty sang Đức. Bên cạnh những ấn bản tiếng Việt, nhiều đầu sách đã được in bản tiếng Anh để dễ dàng giới thiệu đến với bạn bè quốc tế.
Một trong những mục tiêu chiến lược của Việt Nam tại Hội sách Frankfurt 2024 là thúc đẩy mối quan hệ hợp tác quốc tế. Việt Nam đã có các buổi làm việc với lãnh đạo Trung tâm Hội chợ Frankfurt để thảo luận về việc ký kết biên bản ghi nhớ (MoU), hướng đến việc trở thành khách mời danh dự của hội sách vào năm 2028. Ngoài ra, đoàn Việt Nam còn trao đổi hợp tác với các đại diện ngành xuất bản từ Nhật Bản, Malaysia, Singapore, và Ấn Độ.
Cũng trong khuôn khổ hội sách, các nhà xuất bản Việt Nam đã gặp gỡ và giao dịch bản quyền với hơn 50 đơn vị xuất bản quốc tế, mở ra nhiều cơ hội hợp tác và phát triển cho thị trường sách Việt Nam.
Người Việt cần sách tiếng Việt
Cùng với hành trình hợp tác và giao dịch bản quyền để sách Việt được biên dịch và xuất bản ở thị trường nước ngoài, đặc biệt là các quốc gia nói tiếng Anh và khu vực Đông Nam Á, việc đưa sách tiếng Việt ra với kiều bào cũng là một hành trình quan trọng.
Anh Nguyễn Hồng Vũ (42 tuổi, nghiên cứu viên sau tiến sĩ ngành Sinh học phân tử trong Y học) hiện sống ở Hoa Kỳ cùng vợ và con gái. Anh cho biết, nhu cầu cần sách tiếng Việt của kiều bào Mỹ khá lớn. Sách tiếng Việt sẽ đem đến những lời ăn tiếng nói và khung cảnh thân quen từ quê nhà, giúp con anh, dù sống ở xứ người, vẫn có sợi dây kết nối với quê hương xứ sở và văn hóa của mình.
Từ những trăn trở về nguồn cội, đã có nhiều Việt kiều “xắn tay” và mở một tiệm sách Việt. Chị Phạm Diệu Huyền - chủ tiệm sách Bông tại Phần Lan và là admin trang web sachviet.eu, đã tổ chức phân phối sách tiếng Việt đến các khách hàng người Việt trên khắp châu Âu.
“Những quyển sách bán chạy nhất là những cuốn có câu chuyện và tranh vẽ đậm chất Việt Nam. Ở đây, người lớn cũng chuộng đọc sách dành cho trẻ con, nếu như đấy là một câu chuyện thật đẹp về đồng quê Việt Nam” - chị Huyền cho hay.
Việc nhập khẩu sách tốn nhiều công sức và thời gian; việc bán và giao hàng cũng rất vất vả nhưng lợi nhuận không cao, đã từng có lúc chị Huyền muốn bỏ cuộc. Nhưng những động viên từ cộng đồng người Việt ở nước ngoài với mong muốn nối dài sợi dây nguồn cội, đã tiếp thêm năng lượng để chị nỗ lực duy trì. “Đây không chỉ là công việc bán buôn mà còn là tâm huyết và tình yêu dành cho quê mẹ”, chị Huyền bộc bạch.
Theo thông tin từ Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài & NXB Giáo dục, sau 2 năm triển khai, đã có 6 Tủ sách tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài tại 5 nước và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hungary, Đài Loan (Trung Quốc), Pháp, Séc.