Dừng kỹ thuật dự án "Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó biến đổi khí hậu TP.Hội An": Giảm việc trả phí, lãi vay vốn

TRỊNH DŨNG 31/01/2024 14:00

UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương dừng kỹ thuật một số hạng mục thuộc dự án “Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu TP.Hội An”. Theo Sở KH-ĐT và chủ đầu tư dự án, việc dừng các hạng mục đầu tư này không ảnh hưởng gì đến việc phát huy hiệu quả dự án, mà lại giảm việc trả phí, lãi vay vốn ADB.

Không thực hiện dự án thành phần Nạo vét sông Cổ Cò. Ảnh: T.D
Không thực hiện dự án thành phần Nạo vét sông Cổ Cò. Ảnh: T.D

Dừng kỹ thuật dự án

Kế hoạch hoàn thành dự án “Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó biến đổi khí hậu thành phố Hội An” vào 31/12/2022 bất thành. Thủ tướng Chính phủ đã quyết định gia hạn dự án kết thúc vào 31/12/2023.

HĐND tỉnh Quảng Nam đã duyệt 56 tỷ đồng từ ngân sách địa phương cho chủ đầu tư trả các chi phí phát sinh trong thời gian gia hạn khoản vay ADB của dự án 88,5 triệu USD này. Tuy nhiên, dự án vẫn không thể hoàn thành đúng tiến độ như cam kết.

Dự án Phát triển môi trường, hạ tầng để ứng phó với biến đổi khí hậu TP.Hội An có tổng mức đầu tư 88,5 triệu USD (tương đương 1.858,5 tỷ đồng), gồm: vốn vay ADB 70 triệu USD (tương đương 1.470 tỷ đồng), vốn viện trợ không hoàn lại 3 triệu USD (tương đương 63 tỷ đồng) và ngân sách tỉnh đối ứng 15,5 triệu USD (tương đương 325,5 tỷ đồng). Thời gian thực hiện dự án từ năm 2015 - 2023.

Theo chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông), tất cả gói thầu của dự án, bao gồm: 3/3 gói thầu tư vấn có sử dụng vốn ADB, 8/8 gói thầu xây lắp thuộc 5 dự án thành phần và 1 gói thầu HA/C1 - Hệ thống cảnh báo lũ tại sông Vu Gia - Thu Bồn đã được tra hợp đồng.

Thống kê cho thấy, các dự án thành phần: HA/W1 - Xây dựng hồ chứa nước Lai Nghi, Pháp Bảo, HA/W2 - đường dẫn cầu Cửa Đại Nam Hội An, HA/W5 - Xây dựng đường dẫn phía Bắc cầu Cửa Đại và HA/C1 - Hệ thống cảnh báo lũ tại sông Vu Gia - Thu Bồn đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Chủ đầu tư cho hay, có 2 gói thầu không thể hoàn thành đúng thời gian thực hiện dự án.

Cụ thể: gói thầu HA/W3 - 2 Nạo vét sông Cổ Cò thuộc dự án thành phần HA/W3 và gói thầu HA/W4 - Nâng cấp, cải tạo tuyến ĐT608 chỉ hoàn thành đoạn từ cầu chui quốc lộ 1 đến cống Lai Nghi và đoạn ĐT609.

Số còn lại gồm đoạn từ cống Lai Nghi đến ngã ba Lai Nghi và ĐH14.ĐB, đoạn tuyến kè từ cống Lai Nghi đến ngã ba Lai Nghi vẫn chưa có mặt bằng, không thể triển khai thi công.

Theo báo cáo của chủ đầu tư, tháng 7/2023, HĐND tỉnh đã chuẩn y việc bố trí ngân sách để chi trả các chi phí phát sinh trong thời gian gia hạn khoản vay của dự án “Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu TP.Hội An”.

UBND tỉnh đã chỉ đạo chủ đầu tư phối hợp địa phương rà soát tiến độ từng hạng mục đầu tư, xây dựng kế hoạch bồi thường, giải phóng mặt bằng, kế hoạch thi công hoàn thành các gói thầu... đảm bào hoàn thành dự án trước ngày 31/12/2023 theo quy định nhằm phát huy hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay, các khoản chi phí phát sinh phải trả trong thời gian gia hạn. Tuy nhiên, diện tích đất bồi thường, giải phóng mặt bằng quá lớn nên không thể triển khai thực hiện hoàn thành dự án.

Bất khả kháng, chủ đầu tư buộc lòng phải đề nghị UBND tỉnh cho phép không thực hiện gói thầu HA/W3 - 2 Nạo vét sông Cổ Cò, dừng kỹ thuật các đoạn tuyến ĐH14.ĐB, ĐT608 (từ cống Lai Nghi đến ngã ba Lai Nghi) thuộc gói thầu HA/W4 - Nâng cấp, cải tạo tuyến ĐT608, dừng kỹ thuật đoạn kè từ cống Lai Nghi đến ngã ba Lai Nghi thuộc gói thầu HA/W1 - Xây dựng hồ chứa nước Lai Nghi và Pháp Bảo.

Không hoàn thành, dự án vẫn đảm bảo hiệu quả đầu tư

Theo nhận định của Sở KH-ĐT, chủ đầu tư, dự án không thể hoàn thành đúng kế hoạch, nhưng hiệu quả đầu tư mang lại rõ nét trên thực tế từ các dự án đã hoàn thành. Chất lượng nước hồ Pháp Bảo, Lai Nghi đã được gia tăng, kiểm soát được tình trạng nhiễm mặn.

Đường dẫn phía bắc, nam cầu Cửa Đại là dự án thành phần của dự án “Phát triển môi trường, đô thị ứng phó biến đổi khí hậu TP.Hội An” hoàn thành và đưa vào sử dụng đem lại hiệu quả. Ảnh: T.D
Đường dẫn phía bắc, nam cầu Cửa Đại là dự án thành phần của dự án “Phát triển môi trường, đô thị ứng phó biến đổi khí hậu TP.Hội An” hoàn thành và đưa vào sử dụng đem lại hiệu quả. Ảnh: T.D

Tuyến đường Cửa Đại Nam Hội An, đường dẫn phía bắc cầu Cửa Đại... đã cải thiện về môi trường, hạ tầng kỹ thuật đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch của TP.Hội An.

Cầu thôn 3 (thuộc dự án HA/W3) tăng cường khả năng lưu thông, tạo cảnh quan đô thị. Tuyến ĐT608, đoạn từ ngã ba Lai Nghi đến cầu chui quốc lộ 1 hoàn thành với việc nâng cao, mở rộng mặt đường đã khắc phục tình trạng ngập lụt mùa mưa, tăng cường lưu thông, tránh lũ...

Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở KH-ĐT cho hay, tham khảo ý kiến từ các sở, ngành, chủ đầu tư cho thấy, các nội dung đầu tư từ dự án đáp ứng đúng mục tiêu được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Kết quả thực hiện dự án đã, đang và sẽ phát huy hiệu quả, góp phần tích cực phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu TP.Hội An và khu vực lân cận.

Các hạng mục đề xuất dừng kỹ thuật do vướng bồi thường giải phóng mặt bằng nhiều năm, làm kéo dài thời gian thực hiện, không làm thay đổi mục tiêu, không làm thay đổi các nội dung chính của dự án theo chủ trương đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Các phân tích cho thấy, theo tổng mức đầu tư và Hiệp định vay, vốn vay ODA (ngân sách tỉnh vay lại 100%) là 70 triệu USD. Theo các hợp đồng sử dụng vốn vay đã ký thì số vốn vay được ghi nhận 49,8 triệu USD, cộng với giá trị phí tài chính trong quá trình thực hiện dự án 2,03 triệu USD (lấy lại theo số vốn đã gốc hóa) thì vốn vay có thể sử dụng đến nay khoảng 51,83 triệu USD.

Số vốn vay sử dụng sẽ còn giảm do một số hạng mục dừng kỹ thuật. Theo Sở KH-ĐT, số vốn còn dư theo Hiệp định không thực hiện (dự kiến khoảng 20 triệu USD) tự động hủy sau ngày đóng khoản vay 31/12/2023. Vốn đối ứng thực hiện đến hết 31/12/2023 dự kiến là 277,846 tỷ đồng.

Trong đó chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng 73, 996 tỷ đồng (không bao gồm chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng các hạng mục đề nghị dừng kỹ thuật, khoảng 235,1 tỷ đồng). Nếu thực hiện hoàn thành các hạng mục như dự án được duyệt, vốn đối ứng ngân sách tỉnh sẽ tăng lên 512,9 tỷ đồng, tương đương 22,3 triệu USD, vượt 6,8 triệu USD so với chủ trương đầu tư!

Có thể thấy, việc kéo dài thêm thời gian thực hiện dự án khi quá nhiều vướng mắc về giải phóng mặt bằng không dễ tháo gỡ sẽ dẫn đến các phát sinh về chi phí tư vấn nước ngoài, phí cam kết, lãi vay hoặc trình tự, thủ tục điều chỉnh thời gian thực hiện dự án phức tạp, mất nhiều thời gian... UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương dừng kỹ thuật một số hạng mục dự án.

Ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn nói, địa phương được giao trách nhiệm kiểm kê, quản lý hiện trạng, hồ sơ đã được bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng cho người dân, nhưng chưa thi công.

Rà soát, đánh giá cụ thể từng công trình, hạng mục công trình để có kế hoạch đầu tư theo phân cấp, thẩm quyền hoặc đề xuất cấp thẩm quyền đưa vào kế hoạch đầu tư phù hợp trong thời gian đến nhằm phát huy hiệu quả các công trình đã được đầu tư. Tuy nhiên, ngân sách thị xã “yếu”. Khi nào có nguồn sẽ tiến hành đầu tư. Một số hạng mục sẽ phải đề nghị ngân sách tỉnh tiếp tục đầu tư.

Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở KH-ĐT nói, phần khối lượng dừng, không thực hiện sẽ được tiếp tục xem xét đề xuất đầu tư hoàn thiện từ nguồn vốn trong nước; dự kiến giai đoạn 2026 - 2030.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dừng kỹ thuật dự án "Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó biến đổi khí hậu TP.Hội An": Giảm việc trả phí, lãi vay vốn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO