Trong lòng rừng nhiệt đới Amazon tại Brazil, có những phụ nữ tiên phong tạo sinh kế cho cộng đồng địa phương để bảo vệ rừng bền vững.
Với ước mơ thành lập một doanh nghiệp xã hội giúp ích cộng đồng, tạo ra giá trị gia tăng, đặc biệt sử dụng nguồn nguyên liệu bản địa, TS. Valeria Mourao chuyên về công nghệ sinh học và tài nguyên thiên nhiên Amazon nghiên cứu các loại cây và thảo mộc bản địa.
Bà Valeria Mourao tạo một mạng lưới kiến thức bảo tồn thông qua việc nuôi dưỡng các loại thảo mộc, tạo ngân hàng hạt giống và chăm sóc trang trại dưới tán rừng Amazon.
Điều này giúp bảo vệ đa dạng sinh học độc đáo rừng Amazon đồng thời tạo thu nhập cho người dân địa phương. Bà Valeria Mourao khẳng định: “Sinh kế bền vững là giải pháp quan trọng trong việc huy động cộng đồng tham gia công tác bảo vệ, phát triển rừng bền vững”.
Bà Valeria Mourao thành lập Deveras Amazonia - doanh nghiệp xã hội - môi trường vào năm 2018, tập trung sản xuất mứt và rượu mùi từ trái cây hay thực vật bản địa, thu hút hàng chục lao động nữ tại địa phương.
Cụ thể, sản phẩm của Deveras Amazonia từ nguyên liệu phổ biến tại Amazon như hạt acai (giàu chất xơ tự nhiên tốt cho hệ tiêu hóa), quả camu camu (giúp bảo vệ tim và động mạch, ngăn ngừa các bệnh về tim, tiểu đường), quả cupuacu (tăng cường năng lượng, tăng cường hệ miễn dịch), hạt dẻ...
Chị Souza - lao động tại doanh nghiệp Deveras Amazonia chia sẻ: “Công việc giúp tôi có thể tạo thu nhập để góp phần trang trải kinh tế gia đình, việc học hành của con cái.
Người dân địa phương thực hiện trồng cây dưới tán rừng một cách bền vững, tạo sinh kế gắn kết bảo vệ khu vực rừng Amazon chúng tôi sinh sống. Khi khai thác lợi ích dưới tán rừng, việc đốt rừng làm nương rẫy không còn diễn ra”.
Trên bờ sông Acara ở Amazon, mùi thơm nồng nàn của sô cô la ngào ngạt khắp vùng. Diana Gemaque (33 tuổi) thành viên của hợp tác xã sô cô la Cacao Guardians tại cộng đồng ven sông Acara-Acu, cho biết: “Chúng tôi tạo ra điều kỳ diệu ở đây”.
Năm 2021, Gemaque và một số phụ nữ trong vùng tham gia hội thảo về chế biến sô cô la. Cảm hứng từ trải nghiệm này, 8 người trong số họ gồm Gemaque cùng nhau thành lập Cacao Guardians - nhà máy thủ công hiện sản xuất hàng trăm ký sô cô la mỗi tháng với nguyên liệu được cung cấp từ cộng đồng dọc bờ sông Acara.
Phần lớn sản phẩm của Cacao Guardians làm theo đơn đặt hàng ở São Paulo, phần còn lại bán tại các cửa hàng ở thành phố Belem và hội chợ sô cô la trên khắp Brazil.
Luciene Gemaque - nhà sản xuất sô cô la Acara nói: “Chúng tôi nhận ra rằng sô cô la của chúng tôi không chỉ là ca cao, đó là lãnh thổ của chúng tôi, cộng đồng của chúng tôi, tiềm năng của chúng tôi”.
Cacao Guardians triển khai một số sáng kiến khai thác tiềm năng bền vững từ rừng Amazon như khuyến khích trồng xen kẽ cây ăn quả và cây rừng mà không sử dụng thuốc trừ sâu.
Izabela Campos - một nông dân tại Amazon nói: “Tôi đã thử trồng mọi thứ. Giờ đây, tôi có chuối, dứa, khoai lang, củ aria, hạt điều, cam, cacao, mãng cầu xiêm, mơ dại, ổi, sơ ri, đu đủ và acai”. Bà Campos và gia đình hiện sở hữu 4 - 5 ha đất cây trồng.
Việc trồng xen kẽ cây ăn quả và cây rừng tại Amazon cho thấy những tín hiệu tích cực. Wanor Elvis (33 tuổi), một nông dân trong khu vực cho biết: “Amazon nay xanh hơn, mát mẻ hơn so trước đây. Chúng tôi muốn cả cộng đồng áp dụng quy trình trồng cây mới này, vừa tạo thu nhập, vừa bảo vệ rừng bền vững”.
Ước tính, mỗi hộ dân kiếm được trung bình gần 1.500 USD mỗi tháng trong trang trại tại Acara . Trong khi đó, lao động nữ tại các khu vườn cũng có thu nhập khá hơn. Nhận thức về bảo tồn rừng được nhân lên, khi họ cảm thấy được đồng hành, trao quyền và đạt được mục tiêu trong công việc.