(VHQN) - “Ai về nhắn với bạn nguồn/ Mít non gửi xuống cá chuồn gửi lên”. Mối giao tình truyền thống có từ đời xưa của người Quảng đã bước sang một chương mới, với chủ trương kết nghĩa giữa miền xuôi và miền ngược, giữa các sở, ban ngành với các địa phương miền núi. Và chia ngọt sẻ bùi giữa Báo Quảng Nam với những người anh em Trà Kót đã ngót hơn 15 năm gắn bó, để nhớ, để thương…
1. Ngày cũ, lên Trà Kót phải băng qua con đường nối Trà Dương, Trà Đông như sống lưng kỳ nhông, đá cuội như mũ cối úp lổn nhổn. Nhiều đoạn lầy, trầy trật. Đoạn qua ngầm suối lớn trước lối vào trung tâm xã, xe chúi xuống hóc suối đá, lại ngóc lên dốc, đi không khéo xe trốc người bổ nhào.
Nhưng ánh mắt đồng bào nhìn những nhà báo sao mà thăm thẳm hút hồn người, nhất là ánh mắt trong veo của trẻ thơ. Đường đi khổ nhưng núi giăng mây mờ thật lãng mạn, những nà thổ mênh mang màu xanh của sắn, keo, bên cạnh những cánh rừng còn nhiều cổ thụ và dây leo vắt vẻo.
Buổi đầu, những người anh em ở núi hồn hậu, chất phác đón những người làm báo Quảng Nam ở lại chia sẻ bữa cơm độn sắn. Thi thoảng có dịp bắt được cá suối, ốc đá, mấy con thú ra phá rẫy bị bẫy được thì thêm món nướng và canh.
Quà chúng tôi mang đến chỉ là sách vở, bánh kẹo cho trẻ nhỏ; vài chục thùng mì tôm, dăm gói mì chính. Quà anh em đồng bào gửi lại về xuôi là vài trái mít và đôi lít mật ong. Nghèo khó, khi mà đồng bào chung quanh còn nhiều nhà lụp xụp, trụ sở xã cũng chỉ là gian nhà cấp 4 chính diện, sau lưng là ván thưng che bếp. Nhưng vượt qua hết là cái tình của anh em nồng ấm chia sẻ ước mong một ngày cuộc sống sẽ khá lên. Trà Kót, xã nghèo nhất nhì Trà My thuở ấy là thế.
Rồi những nỗ lực của đồng bào Trà Kót, cùng sự giúp sức của tỉnh, huyện, những ân tình đã đáp đền vùng căn cứ cách mạng xưa.
Những cơn mưa núi không còn quăng quật con đường được bê tông vững chãi về xã; những ngôi nhà dần kiên cố thêm. Báo Quảng Nam giúp cho những người anh em Trà Kót chủ yếu là nói lên, chuyển đến những nơi có nguồn lực giúp sức cho khao khát vượt qua gian khó của đồng bào.
Và với hầu bao quá ít ỏi của tờ báo, cán bộ, phóng viên, nhân viên của báo cũng góp ít kinh phí đủ mỗi năm tổ chức vài chuyến lên thăm tặng quà. Gần đây, chuyển biến mới trong chương trình kết nghĩa là Báo Quảng Nam nhận mỗi năm xóa 1 ngôi nhà tạm cho người nghèo. Trong vòng hơn 3 năm qua đã có 6 ngôi nhà mới với tổng giá trị khoảng 400 triệu đồng được dựng ở Trà Kót từ đóng góp của báo cùng các nhà hảo tâm mà báo làm cầu nối.
2. Giờ đây mỗi khi gặp nhau, bên mâm cơm đã tươi màu rau thịt, sau câu “mời ay xa pong”, chúng tôi học được thêm mấy tiếng Co để hỏi cuộc sống anh em khá không (may thớp xa ê íc) thì rất vui khi nhận được câu trả lời khá rồi, sướng hơn xưa rồi (ca rõ dót).
Đó là nhờ Trà Kót đã phủ được điện, đường, trường, trạm. Giao thông không còn trắc trở như xưa, có thể đưa người và hàng hóa ra phố thị thuận tiện. Ngoài tuyến đường chính ngày trước, giờ đang mở thêm hướng nối với Tam Trà để về Tam Hiệp, Chu Lai.
Cửa rừng đóng để giữ cây nguyên sinh, nhưng kinh tế rừng thì được phát triển với các nông trại chăn nuôi, trồng rừng kinh tế. Mừng là cây quế bản địa Trà My đã được nhiều hộ dân nơi đây đăng ký trồng 13ha trong năm qua.
Mừng nhất với Trà Kót là văn hóa được chăm lo phát huy giá trị truyền thống. Tiếng Co đã có công trình nghiên cứu, để bảo tồn và truyền dạy cho trẻ con, giữ hồn cốt dân tộc. Và đặc biệt độc đáo là cồng chiêng được phục hồi, những tiếng chiêng bồi hồi gọi người về đêm hội núi rừng rồi mang cả xuống biển giao lưu tưng bừng ở các điểm du lịch Nam Hội An.
Thời gian như cỏ mọc lên, nghĩa tình như ngọn chỉ bền kéo qua. Là nhớ những anh em cán bộ gắn bó với đồng bào nơi đây, lớp trước có các anh Dương Lai, Huỳnh Tấn Bường, cống hiến cho một chặng đường qua của Trà Kót lên xanh và tươi màu văn hóa bản địa. Rồi tiếp đến Chiến, Tuấn, Anh, Trung, Lệ… những cán bộ trẻ luôn đặt để tấm lòng trong khát khao của đồng bào mình.
Chiến không may sớm dừng cuộc hành trình qua núi vì bạo bệnh. Khi chúng tôi đến thắp hương mà lòng thương nhớ cả một trời kỷ niệm, nhớ lại lúc cùng Chiến và anh Bường đi thăm mấy ngôi nhà đồng bào để tặng quà và khảo sát hỗ trợ xóa nghèo.
Nhớ có bữa để chia nhau miếng thịt heo, khoai deo, môn sọ mà phải vượt qua những con đường đầy đá cục chòng chành. Nhớ nhà anh Bường bắt con gà vừa nhảy ổ để nấu tô cháo đãi mấy anh em làm báo về thăm. Nhớ Trung gửi lít mật ong và mấy con sùng sắn để làm quà đặc sản vùng cao. Chúng tôi có lúc gặp biển được mùa xôn xao, cũng đóng mấy thùng cá mang lên biếu anh em…
Kết nghĩa cần cái tình bền chặt, là mình quý bạn, bạn quý mình - “gô xung, a xía ca may - may xung, a xía ca gô”. Để những khi chớp bể mưa nguồn, luôn nhớ về nhau đấy, Trà Kót ơi!