(QNO) - Ngày 22/5, tại TP.Hội An diễn ra hội thảo "Thực hiện khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal (GBF) và chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (NBSAP) ở Việt Nam".
Đồng chủ trì hội thảo có Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Công Thành cùng lãnh đạo Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học và Sở TN-MT Quảng Nam.
Tương tác giữa GBF và NBSAP
GBF đã được thông qua vào tháng 12/2022 tại Hội nghị COP15 sau quá trình tham vấn và đàm phán kéo dài 4 năm.
Vào ngày 19/12/2023, nhân kỷ niệm 1 năm thông qua GBF, Ban thư ký Công ước đa dạng sinh học đã phát động chiến dịch “Kế hoạch đa dạng sinh học” nhằm truyền đạt và thúc đẩy 4 mục tiêu tổng quát đến năm 2050 và 23 mục tiêu cụ thể đến năm 2030.
Điều này có vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện cho Chính phủ các nước biến các thỏa thuận và cam kết thành hành động cụ thể, thiết thực, hướng tới giải quyết tình trạng mất đa dạng sinh học, khôi phục hệ sinh thái và bảo vệ quyền bản địa tại các quốc gia trên thế giới.
Theo mục tiêu của GBF, đến năm 2030, có 30% diện tích các hệ sinh thái bị suy thoái sẽ được phục hồi hiệu quả; 30% diện tích đất liền, đất ngập nước và ven biển được bảo tồn và quản lý hiệu quả; ngăn chặn tuyệt chủng, phục hồi và bảo tồn các loài bị đe dọa, duy trì và khôi phục đa dạng di truyền loài bản địa, loài hoang dã và loài đã được thuần hóa...
Trong khi đó, mục tiêu tổng quát của NBSAP là gia tăng diện tích các hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ, phục hồi và đảm bảo tính toàn vẹn, kết nối; đa dạng sinh học được bảo tồn, sử dụng bền vững nhằm góp phần phát triển kinh tế xã hội theo định hướng nền kinh tế xanh, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo đại diện Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (Bộ TN-MT), giữa GBF và NBSAP có nhiều tương thích với nhau. Hiện các bên liên quan đang tập trung nỗ lực để gia tăng tỷ lệ các chỉ tiêu giám sát và đánh giá chiến lược đến năm 2030 của NBSAP và cũng sẽ góp phần hiện thực hóa GBF, trọng tâm như: tỷ lệ diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên trên đất liền so với diện tích lãnh thổ đất liền (năm 2025 đạt 7,7%; năm 2030 đạt 9%); số khu dự trữ sinh quyển thế giới được thành lập và công nhận mới (năm 2025 có 2 khu; năm 2030 có 4 khu); tỷ lệ các hệ sinh thái tự nhiên suy thoái được phục hồi (năm 2025 đạt 10%; năm 2030 đạt 20%)...
Theo lãnh đạo Sở TN-MT Quảng Nam, mục tiêu đến năm 2030 tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh sẽ đạt 61%. Đến năm 2030, Quảng Nam sẽ 14 khu bảo tồn trên cơ sở kiện toàn 8 khu bảo tồn hiện có và thành lập mới 6 khu bảo tồn. Đến thời điểm đó, khu bảo tồn sẽ chiếm 17% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, ngoài ra địa phương cũng quy hoạch 3 vùng đất ngập nước quan trọng và thành lập thêm hành lang bảo tồn đa dạng sinh học.
Còn nhiều trăn trở
Tham dự hội thảo, GS-TSKH. Đặng Huy Huỳnh - Anh hùng đa dạng sinh học ASEAN, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng, ở góc độ người làm khoa học thì GBF và NBSAP "không có gì để chê" tuy nhiên việc cụ thể hóa được còn là một chặng đường dài hơi.
"Hiện nay vẫn còn tình trạng một số hệ sinh thái rất quan trọng bị tác động, can thiệp để phát triển kinh tế - xã hội làm biến dạng, tổn thương. Bộ TN-MT, các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế để tăng cường giám sát, giúp đỡ cho các địa phương để các hệ sinh thái không còn tình trạng ngày một nghèo kiệt. Bên cạnh đó, vai trò của cộng đồng cũng chưa đề cập thực sự rõ nét, cần phải chú trọng hơn nữa chủ thể này khi triển khai mọi thứ bởi đây là một trong những yếu tố quyết định để bảo tồn đa dạng sinh học", GS-TSKH. Đặng Huy Huỳnh nói.
Theo bà Lê Thủy Trinh - Phó Giám đốc Sở TN-MT Quảng Nam, bên cạnh các điểm sáng về đa dạng sinh học đã được đề cập nhiều thì hệ thống cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh vẫn còn manh mún, chưa được tổng hợp thành bức tranh chung tổng thể.
Hoạt động ở các khu bảo tồn chủ yếu vẫn dựa vào nguồn lực tài trợ trong khi việc kết hợp mục tiêu bảo tồn với phát triển chưa rõ nét, rất khó để lồng ghép các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Sở TN-MT được giao xây dựng đề án tổng thể về bảo tồn đa dạng sinh học để đăng ký làm thí điểm nhưng hiện cũng khá lúng túng trong công tác xây dựng.
"Tính pháp lý để địa phương thuận lợi triển khai nhiệm vụ đa dạng sinh học cũng là một vướng mắc. Hiện cơ quan chuyên môn gặp nhiều khó khăn khi trình các cấp để thông qua nhiệm vụ về đa dạng sinh học cấp tỉnh. Rất cần cấp có thẩm quyền sớm ban hành khung pháp lý bài bản để triển khai nhiệm vụ tại địa phương", bà Trinh chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Thái - Giám đốc Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam cũng nhận định, GBF và NBSAP cho thấy kế hoạch cực kỳ tham vọng cần sự tham gia của nhiều bên nhưng thực tế là ở Việt Nam chưa tạo ra các hành lang pháp lý để việc sử dụng được nguồn lực tài chính được thuận lợi.
"Quy trình phê duyệt các dự án tài trợ ở nước ta khá phức tạp. Quy trình phê duyệt các dự án có thể lên đến cả năm trời, điều này dẫn đến nguy cơ chúng ta bỏ lỡ các nguồn lực quốc tế ảnh hưởng lớn đến việc huy động nguồn lực thực hiện các mục tiêu. Đó là chưa kể việc ít phát huy, khơi thông nguồn lực của các đối tác, tổ chức ở trong nước cũng làm ảnh hưởng đáng kể đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học" - ông Thái nói.