(QNO) – Sau 20 năm tái lập huyện, Tây Giang không ngừng lớn mạnh, đồng bộ hạ tầng, từng bước giảm nghèo và trở thành điểm sáng trong công tác quy hoạch, sắp xếp, bố trí dân cư trên địa bàn tỉnh.
Ngày 8/9/2003 trở thành kỷ niệm khó quên với nhiều cán bộ công chức, viên chức lực lượng vũ trang huyện Tây Giang. Đó là ngày họ cùng nhau ngược núi để bắt đầu sứ mệnh xây dựng và phát triển huyện Tây Giang từ rất nhiều “con số không”.
Mọi thứ tứ bề ngổn ngang. Những cơn mưa tầm tã kèo dài suốt hàng tháng trời khiến đường đất lầy lội, công tác chuẩn bị xây dựng trụ sở trung tâm hành chính, các công trình dân sinh đều bị ảnh hưởng. Các cơ cơ quan của huyện phải mượn trường học, trạm y tế và nhờ đến sự giúp đỡ, bảo bọc của các hộ dân thôn Arớh (xã Lăng) để làm nơi làm việc trong khi chờ xây dựng trung tâm hành chính mới.
[VIDEO] - Tây Giang ngày mới tái lập:
Nhắc lại, một niềm rưng rức dậy lên trong lòng Pơloong Nấp - nguyên Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy Tây Giang. Ông Pơloong Nấp cho biết, xuất phát điểm thấp, không đường, không điện, không chợ búa, không thông tin liên lạc... Ngân sách huyện mang lên từ huyện Hiên (cũ) lúc bấy giờ chỉ vỏn vẹn có 92,56 triệu đồng. Cán bộ huyện phải bắt đầu từ việc tự lo lấy một mái duông cho mình và miệt mài làm việc. Và chắc chắn, nếu không có tấm lòng của bà con và sự đồng lòng, đoàn kết, hẳn không có sự chuyển mình của huyện vùng biên này qua từng năm…
Cuối năm 2005, các cơ quan mới lần lượt di dời về trụ sở mới tại thôn Ag’rồng. Khởi đầu của những khởi đầu, là công tác cán bộ. Nếu như năm 2003, toàn huyện chỉ có 23 tổ chức đảng, với 487 đảng viên thì con số hiện tại là 47 tổ chức đảng, với 2.196 đảng viên, tỷ lệ đảng viên chiếm hơn 10,20% trên tổng dân số toàn huyện. Cán bộ ngày càng được tinh chọn, có đủ phẩm chất chính trị, trí tuệ, bản lĩnh, dám dấn thân.
Nhiều năm qua, Tây Giang tập trung đưa cán bộ về cơ sở để gần dân, trui rèn đội ngũ kế cận từ chính thực tiễn đời sống, để mỗi cán bộ thực sự phải biết lắng nghe dân, giải quyết nguyện vọng chính đáng của dân.
Ngay từ buổi đầu tái lập, Tây Giang đã xác định công tác quy hoạch, sắp xếp, bố trí dân cư là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu để nhân dân có nơi ở ổn định, lâu dài, ứng phó biến đổi khí hậu và phát huy các giá trị văn hóa của cộng đồng người Cơ Tu, gắn với giữ vững an ninh biên giới. Trở lực lớn nhất vẫn là tìm kiếm mặt bằng làm khu dân cư, bởi chung quanh toàn núi cao, vực thẳm, tốn nhiều chi phí đầu tư san ủi.
Theo ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, tiêu chí để chọn mặt bằng là ưu tiên những núi đồi an toàn, độ dốc ít, hình bát úp, nguy cơ sạt lở thấp và gần nguồn nước, khu sản xuất của đồng bào. Đồng thời phải đủ rộng để có quỹ đất dựng gươl và các thiết chế văn hóa.
Với sự đồng thuận cao, người dân hiến hàng nghìn mét vuông đất cùng nhiều cây cối, hoa màu, ao cá và chủ động di dời nhà cửa trong phạm vi san ủi mặt bằng, làm khu tái định cư. Những hộ đóng góp, huyện đều tổng hợp và ghi vào “sổ vàng”, sau đó sẽ tổ chức tuyên dương, khen thưởng hằng năm vào dịp Ngày hội đoàn kết toàn dân (18/11).
Với cách làm linh hoạt, hợp lòng dân và sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ chương trình, chính sách của Trung ương, của tỉnh, Tây Giang đã hoàn thành việc sắp xếp, bố trí dân cư ở 116 điểm/63 thôn. Tổng diện tích sắp xếp hơn 370ha, kinh phí đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng. Qua đó, ổn định nơi ở cho 4.690 hộ với 19.000 khẩu.
Là một trong những già làng tiên phong trong việc vận động người dân đồng thuận với chủ trương lớn của huyện, già Clâu Blao (xã Tr’Hy) nói, cuộc sống của ngày hôm nay là mơ ước của bao người thuộc thế hệ ông.
“Một thời sống với cái đói, cái nghèo, với nỗi lo bệnh tật, bây giờ mọi thứ đã có cả rồi. Trường học, trạm y tế, điện, đường, Đảng, Nhà nước quan tâm đến từng nhà, từng người, không một ai thiếu đói, không một ai bị bỏ quên dù ở xa xôi như thế nào đi nữa. Đó là niềm vui của bao người dân Tây Giang hôm nay” – già làng Clâu Blao tâm sự.
Hiện nay, hơn 98% khu dân cư tập trung có đường bê tông nội vùng, hơn 98% hộ gia đình sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh và hơn 90% các thôn có điện lưới quốc gia. Mạng lưới trường học, trạm y tế, các công trình dân sinh khác được trải đều các thôn, thuận tiện việc đi lại, học tập, sinh hoạt cho người dân.
Theo ông Bhling Mia - Bí thư Huyện ủy Tây Giang, công tác quy hoạch, bố trí, sắp dân cư trên địa bàn phát huy hiệu quả rõ nhất vào những đợt thiên tai. Gần nhất, vào mùa mưa bão năm 2020 - 2021, trong khi nhiều địa phương vùng cao trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại nghiêm trọng, thì các mặt bằng dân cư của Tây Giang đều an toàn, không bị sạt lở nghiêm trọng và đặc biệt là không gây thiệt hại về người.
[VIDEO] - Sắp xếp dân cư ở Tây Giang:
Theo thống kế, tỷ lệ hộ nghèo của Tây Giang 20 năm qua giảm mạnh, từ 84,62% năm 2003 giảm xuống còn 58,38 % (theo chuẩn mới). Số liệu này vẫn còn cao, nhưng theo đánh giá chung, giảm nghèo thực sự ở huyện này không phải ở con số cơ học mà nằm ở chỗ thay đổi từ suy nghĩ, nhận thức của người dân.
Công tác tuyên truyền hiệu quả đã giúp người dân thoát khỏi tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của chính quyền các cấp. Thay vào đó, họ siêng năng lao động, làm nương rẫy, trồng dược liệu, tham gia bảo vệ rừng, học nghề… Số hộ đăng ký thoát nghèo, chủ động vay vốn làm ăn tăng dần qua từng năm. Thống kê năm 2022, toàn huyện có 2.655 hộ để làm nhà ở, mua sinh kế, trồng các loại dược liệu. Và chuyển biến rõ nhất là 376 hộ đã thoát nghèo.
Việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia giúp diện mạo địa phương khởi sắc. Năm 2022, Tây Giang giao cho 10 xã làm chủ đầu tư thực hiện 28 dự án công trình với tổng mức đầu tư khoảng 155 tỷ đồng, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Đồng thời, triển khai thêm 10 dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, với tổng vốn đầu tư hơn 53 tỷ đồng.
[VIDEO] - Đồng bào vùng cao trồng dược liệu thoát nghèo:
Ông Mạc Như Phương - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm của địa phương giảm 6%, thu nhập bình quân đầu người khoảng 27,5 triệu đồng/người/năm. Nguồn thu ngân sách tăng gấp 38,5 lần, tổng huy động vốn đầu tư phát triển năm 2022 là 485 tỷ đồng, tăng 30,6 lần so với năm 2003.
[VIDEO] - Ông Nguyễn Văn Lượm - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang chia sẻ về mục tiêu phát triển kinh tế, giảm nghèo thời gian đến:
Chúng tôi cảm nhận được niềm vui của nhiều đại biểu, cán bộ lẫn người dân sống ở trung tâm hành chính trong một sự kiện khởi công chợ Tây Giang vào ngày 25/7 vừa qua.
Ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang xúc động đề cập câu chuyện thiếu vắng chợ huyện qua 20 năm tái lập và không khỏi trăn trở suốt thời gian dài địa phương vẫn chưa được công nhận thị trấn. Bởi lẽ, khu trung tâm hành chính này còn khiêm tốn về quy mô, số dân và cả những công trình trọng điểm mang tính động lực.
Cột mốc 20 năm tái lập, giờ là lúc giấc mơ thị trấn gần với hiện thực hơn, khi Tây Giang đã, đang triển khai nhiều phần việc. Ông Tăng Ngọc Duẩn - Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Tây Giang cho biết, huyện đang đầu tư nâng cấp đường giao thông từ trung tâm hành chính đi Đông Giang, tạo điều kiện thông thương, kết nối.
Đồng thời, hai tuyến đường lớn ở khu vực trung tâm hành chính đang được mở rộng, thâm nhập nhựa. Tương lai, khi công trình chợ Tây Giang và đường vào Khu du lịch sinh thái Pơ mu hoàn thiện sẽ đồng bộ hạ tầng, kích cầu hoạt động thương mại - du lịch.
“Hiện nay xã A Tiêng đã được công nhận đô thị loại 5, mục tiêu đến 2025 sẽ nâng lên thị trấn. Lúc này, xã A Tiêng đang được quy hoạch phát triển trung tâm hành chính xã thành một trung tâm hành chính mang quy mô thị trấn, đầy đủ hạ tầng.
Đồng thời huyện tiếp tục hoàn thiện mở rộng các tuyến đường còn lại ở khu vực trung tâm hành chính. Các khu dân cư Achiing sẽ được đầu tư bài bản, mang dấu ấn một làng Cơ Tu kiểu mẫu, điểm nhấn của Tây Giang” - ông Duẩn cho biết.
[VIDEO] - Ông Bhling Mia - Bí thư Huyện ủy Tây Giang chia sẻ về những định hướng quan trọng của huyện trong thời gian đến: