[eMagazine] - Ghi ở nơi điều trị bệnh nhân Covid-19 đặc biệt

XUÂN HIỀN - HỒ QUÂN - NGUYỄN TUẤN 06/10/2021 15:07

(QNO) - Điều trị bệnh nhân Covid-19 bình thường đã khó. Nhưng vất vả càng nhân đôi khi người mắc Covid-19 vừa là bệnh nhân tâm thần. Nơi “chiến tuyến” cam go ấy, từng ngày, đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Tâm thần Quảng Nam có lúc dường như đã phải vắt kiệt sức mình vì sự sống của bệnh nhân. 

 
 

Ngày 6.9.2021, đánh dấu cột mốc đáng nhớ khi đội ngũ y, bác sĩ  ở Bệnh viện Tâm thần Quảng Nam bước vào cuộc chiến thực sự: một số bệnh nhân đang khám, điều trị tại bệnh viện dương tính với Covid-19!

Sức "nóng” của thông tin các ca mắc Covid-19 bùng lên cả trong lẫn ngoài bệnh viện. Hàng trăm cuộc điện thoại thăm hỏi từ khắp nơi gọi về cho y, bác sĩ tại bệnh viện; còn người dân khắp nơi thì sốt ruột, chờ đợi con số F0, lịch trình di chuyển ra sao… Trong lúc đó, tại Bệnh viện Tâm thần Quảng Nam, sức "nóng” cũng phả vào từng y, bác sĩ. Mỗi người mỗi nhiệm vụ, gấp rút thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo bệnh viện, nhưng trong lòng ai nấy đều giăng mắc bao câu hỏi: những ngày qua, mình có tiếp xúc với F0? Liệu bản thân có nguy cơ mắc Covid-19 hay không? Họ “sốc” dù đã có kịch bản dự lường cho tình huống xuất hiện F0 tại bệnh viện.

“Phải khoanh vùng, dập dịch ngay” – mệnh lệnh của lãnh đạo ngành đặt ra, cũng là mệnh lệnh nghề nghiệp giúp đội ngũ y bác sĩ xua tan mọi lo lắng trước đó. Cuộc chiến bắt đầu.

 

Hai ca mắc phát hiện đầu tiên tại Khoa Cấp tính nam đều có yếu tố dịch tễ từ vùng dịch nhập viện. Khoa này lập tức được cách ly với toàn bộ các khoa phòng khác. Toàn bộ bệnh nhân điều trị tại khoa và đội ngũ y bác sĩ đều được lấy xét nghiệm.

Ngày hôm sau (tức ngày 7.9), số ca mắc Covid-19 tăng lên 9 và chùm ca nhiễm đều thuộc Khoa Cấp tính nam.

Bác sĩ Võ Quang Thiều – Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Quảng Nam nhìn nhận, trong kịch bản Quảng Nam có đến 30 nghìn ca mắc, các bệnh viện cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch điều trị trong tình huống xuất hiện F0 tại bệnh viện. Nhưng thật sự, mọi việc diễn tiến quá nhanh và bất ngờ.

Không để xảy ra bất kỳ sai sót nào trong khâu phòng chống dịch, bệnh viện lập một chốt phong tỏa cứng. Mỗi khoa, phòng giãn cách với nhau và tự xây dựng kế hoạch sinh hoạt và điều trị bệnh nhân ngay tại chỗ.

Bệnh viện Tâm thần Quảng Nam thực hiện cách ly, chăm sóc bệnh nhân theo từng khoa khi xuất hiện ca dương tính trong viện. (Clip: HỒ QUÂN - XUÂN HIỀN)


Tạm thời kiểm soát được khâu khoanh vùng, dập dịch thì đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Tâm thần Quảng Nam đối mặt với một tình huống khác: vẫn còn 50 bệnh nhân đang điều trị nội trú khi bệnh viện phong tỏa.

Bác sĩ Nguyễn Hồ Hữu Tường – Trưởng khoa Tâm căn của bệnh viện cho biết, bệnh viện bố trí các “tua” trực thay phiên nhau vừa chăm sóc bệnh nhân vừa lo hậu cần. Mỗi khoa, phòng được ngăn với nhau bằng rào để tránh tình trạng bệnh nhân lên cơn kích động có thể vượt rào. Mỗi khoa như vậy có đến 3 rào cứng là chốt chặn giữa nơi điều trị cho bệnh nhân nội trú, nơi khám ngoại trú và cổng sắt ngăn giữa khoa và khu vực khác.

Nhờ nhanh chóng truy vết, phong tỏa cứng, Bệnh viện Tâm thần Quảng Nam đã kiểm soát được dịch bệnh. Không khí đã bớt căng thẳng hơn khi không có ca nhiễm tăng thêm, các y bác sĩ cũng có có kết quả âm tính lần 1. Toàn thể y, bác sĩ của bệnh viện đã trải qua những ngày đặc biệt để giành lấy sự sống cho bệnh nhân Covid-19.

 
 

Chăm sóc bệnh nhân Covid-19 bình thường đã vất vả. Với những bệnh nhân tâm thần, nhiệm vụ này cần có cách điều trị đặc biệt, song song giữa 2 căn bệnh. Lãnh đạo bệnh viện cũng nhìn nhận, đơn vị có chuyên môn đặc thù về giám định và điều trị chuyên sâu về bệnh lý tâm thần nên năng lực điều trị bệnh nhân Covid-19 còn hạn chế. Nhưng các y bác sĩ biết tận dụng tốt điều kiện, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế của bệnh viện và bắt nhịp nhanh chóng với từng nhiệm vụ của mình.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Sơn, người đang điều trị F0 tại Khoa Cấp tính nam, Bệnh viện Tâm thần Quảng Nam chia sẻ, có chút may mắn khi các bệnh nhân tâm thần mắc Covid-19 đều ở trạng thái tâm thần nhẹ, trừ những lúc lên cơn còn hầu hết đều nghe lời y bác sĩ. Song không ít bệnh nhân không ý thức được hành vi nguy hiểm của mình, tự do đi lại trong khu vực điều trị; không phân biệt được đâu là khu vực dành cho nhân viên y tế, bệnh nhân. Việc đeo khẩu trang, bình o xy cho họ rất khó khăn, cộng thêm việc thiếu ý thức tự ăn uống nên rất dễ rơi vào trạng thái suy dinh dưỡng.

 

Theo bác sĩ Sơn, điều trị Covid-19 đối với bệnh nhân tâm thần phải thực hiện “điều trị kép” hai bệnh cùng lúc. Tại bệnh viện, nhiều bệnh nhân khi được bác sĩ đưa sữa cho uống còn bực tức ném bịch sữa vào người bác sĩ. Việc chăm sóc trong ngày thường đã khó khăn từ việc chăm lo ăn uống, tắm rửa, thay quần áo, bón cho bệnh nhân ăn… giờ đây trong hoàn cảnh dịch bệnh lại khổ sở trăm bề.

 

Lực lượng y bác sĩ phân công túc trực 24/24 tại từng giường bệnh để theo sát mọi diễn biến bệnh của từng bệnh nhân. Bởi bệnh nhân có bệnh nền thường đối mặt với nguy cơ biến chứng nặng cao. Và không phải ai cũng có nghiệp vụ để thực hiện tốt cả 2 nhiệm vụ điều trị cùng lúc.

Nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Lệ Thoa từng rất lo lắng khi trực tiếp chăm sóc các bệnh nhân tâm thần mắc Covid-19 vì chưa có nhiều kinh nghiệm. Điều dưỡng Thoa tâm sự, bệnh nhân đặc thù nên chăm sóc cũng phải đặc thù, thường phải nhờ người nhà hoặc bệnh nhân khác hỗ trợ cho uống thuốc. Khi thăm khám cần nhẹ nhàng lắng nghe, tâm sự và trấn an để họ hợp tác. Cần tránh mọi hành vi gây ra kích động cho bệnh nhân trong quá trình điều trị, đảm bảo sức khỏe cho bệnh nhân và an toàn phòng dịch.

Đội ngũ y, bác sĩ điều trị tại Khoa Cấp tính nam dường như quá quen với việc bị bệnh nhân kéo khẩu trang, níu kéo đến rách cả quần áo bảo hộ. Bệnh nhân “lạ lẫm” với trang phục, ngoại hình mới của những bác sĩ mà vẫn quen điều trị cho mình. Nhưng rồi, bằng nghiệp vụ của mình, bác sĩ Sơn, điều dưỡng Thoa và những đồng nghiệp... khiến bệnh nhân thích nghi, dần “ngoan ngoãn” hơn.

Có thời điểm, những y bác sĩ điều trị F0 tại Bệnh viện Tâm thần Quảng Nam lặng người đi khi biết tin có bệnh nhân tâm thần mắc Covid-19 chuyển biến nặng và không qua khỏi. Giấu nỗi niềm riêng tư vào trong, họ không cho phép bản thân mình để nỗi sợ chi phối, vì rất nhiều bệnh nhân cần được điều trị. Những “thiên thần áo trắng” lại tiếp tục công việc, với niềm tin sẽ chiến thắng Covid-19. 

Bác sĩ Nguyễn Hồ Hữu Tường chia sẻ về những nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ khi vừa điều trị F0 vừa điều trị bệnh tâm thần. (Clip: HỒ QUÂN - XUÂN HIỀN)


 

Ngày mong đợi cũng đến, Bệnh viện Tâm thần Quảng Nam được dỡ bỏ phong tỏa cứng, sau 14 ngày cách ly, khoanh vùng dập dịch. Điều dưỡng Nguyễn Thị Thanh Thúy vội vàng trở về thăm chồng và các con. Với chị 14 ngày mà dài đằng đẵng… Chưa kể, những ngày ở bệnh viện cứ nghe tin mưa, bão ngoài trời thì lòng chị lại nôn nao, trĩu nặng âu lo cho người thân.

Dù được về tới nhà nhưng điều dưỡng Thúy không được phép gần gũi với chồng con vì phải tuân thủ việc giữ khoảng cách an toàn. Những cảm xúc chị Thúy đành gửi lại nơi cổng nhà. Nhìn ngắm thật lâu hình dáng, nụ cười hồn nhiên của hai cậu con trai vui chơi dưới mái hiên để thỏa niềm thương nhớ, chị Thúy gửi gắm vài lời với chồng, với hàng xóm… rồi trở về bệnh viện.

“Sau 14 ngày, bệnh nhân điều trị nội trú vẫn ở khoa, tiếp tục điều trị. Chính vì thế, chúng tôi không được phép ngừng nghỉ công việc, đảm bảo từng bệnh nhân được điều trị tốt, bệnh tình thuyên giảm” – điều dưỡng Thúy cho hay.

Điều dưỡng Thúy cùng một số y, bác sĩ ở khoa không có bệnh nhân Covid-19 thì may mắn, có cơ hội trở về nhà sắp xếp chuyện gia đình. Còn những y bác sĩ của Khoa Cấp tính nam lại tiếp tục chiến đấu với dịch bệnh, vì vẫn còn bệnh nhận chưa khỏi Covid-19.

Đội ngũ y bác sĩ đổi kíp trực cho nhau để vào khu điều trị F0 để chăm sóc, điều trị bệnh nhân
Đội ngũ y bác sĩ đổi kíp trực cho nhau để vào khu điều trị F0 để chăm sóc, điều trị bệnh nhân.

Vừa đổi kíp trực, bác sĩ Nguyễn Thanh Sơn được điều động từ "vùng vàng” vào "vùng đỏ”. Hai vùng cách nhau là dãy rào sắt, nhưng mức độ nguy hiểm thì khác xa. Kíp của bác sĩ Sơn lúc mới nhận nhiệm vụ có chút lo lắng nhưng rồi cũng dần quen. Sự quen này theo bác sĩ Sơn, là quen với chuyện có gì dùng nấy, quen với những lần bị bệnh nhân lên cơn xé cả đồ bảo hộ và quen cả với cảm giác phải xa nhà dài ngày.

“Việc thay đổi kíp trực, điều trị cho nhau rất quan trọng, giúp anh chị em hồi sức, để rồi tiếp tục công việc. Chúng tôi thay phiên nhau đến khi Khoa Cấp tính nam không còn bệnh nhân F0. Sau đó, dù khoa này sẽ dở phong tỏa nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục ở đây, với công việc điều trị nội trú cho những bệnh nhân này. Xác định đây là cuộc chiến lâu dài nên chúng tôi không ngại hiểm nguy, gian khổ, tất cả vì sức khỏe của bệnh nhân!”.

Sau khi bệnh viện dỡ phong tỏa, các y, bác sĩ lập tức trở về với công việc của mình.
Sau khi bệnh viện dỡ phong tỏa, các y, bác sĩ lập tức trở về với công việc của mình.

Bình thường mới. Bệnh viện Tâm thần Quảng Nam từng bước khôi phục hoạt động khám chữa bệnh nhưng đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Vài người dân lại vào viện lấy thuốc, nhưng quy trình vẫn nghiêm ngặt, việc gửi sổ khám bệnh và nhận thuốc đều có đội ngũ y, bác sĩ hỗ trợ ngay tại cổng.

Và những y, bác sĩ sau ngày chiến đấu với Covid-19 cũng dần trở lại với công việc thường ngày. Họ cũng không biết bóng ma Covid-19 sẽ trở lại nơi đây ngày nào, phía trước mặt họ là những người bệnh cần được chở che, an ủi.

 
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
[eMagazine] - Ghi ở nơi điều trị bệnh nhân Covid-19 đặc biệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO