[eMagazine] – “Lột xác” lụa Mã Châu

PHAN PHƯỚC VINH 07/11/2023 11:45

(QNO) - Thời vàng son, làng dệt Mã Châu (thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên) vang danh xứ Đàng Trong, lãnh hoa của làng có long, có phụng được tuyển chọn cho các vua chúa. Thời cuộc thay đổi, làng chẳng còn mấy người gắn bó với những khung dệt, rồi nghề mai một dần suốt mấy mươi năm qua. Thế nhưng, thời gian gần đây, Mã Châu như đang được hồi sinh sau những nỗ lực không mệt mỏi từ những "đứa con" của làng.  

 
 

Ở làng Mã Châu hiện còn 4-5 hộ dân còn giữ nghề tơ lụa, riêng gia đình ông Trần Hữu Phương - nguyên Chủ nhiệm HTX Ươm dệt thị trấn Nam Phước, vẫn miệt mài mỗi ngày, dành mọi tâm huyết với hương lụa.

Chúng tôi gặp ông Phương lúc ông đang cặm cụi với chiếc máy dệt khổ lớn, có gắn thiết bị điện tử tự động hoá. Ông bảo, hơn 20 năm qua, ngày nào ông cũng ở đây, trong phân xưởng của HTX đã xuống cấp nghiêm trọng.

Với 2 nhiệm kỳ làm chủ nhiệm HTX, từ lúc còn HTX Ươm dệt thị trấn Nam Phước thời kỳ đầu, sau đổi thành HTX Làng nghề tơ lụa Mã Châu, rồi HTX Tơ lụa Mã Châu, nay ông mở Công ty TNHH lụa Mã Châu, tính ngót nghét ông đã theo nghề dệt gần 50 năm qua.

Gần 20 năm qua, ông Trần Hữu Phương miệt mài nghiên cứu máy móc, cải tiến chất lượng sản phẩm. Ảnh: PHAN VINH
Gần 20 năm qua, ông Trần Hữu Phương miệt mài nghiên cứu máy móc, cải tiến chất lượng sản phẩm. Ảnh: PHAN VINH 

"Gia đình tôi nhiều đời theo nghề dệt. Qua lời kể của ông bà, thời vang son, Mã Châu vang danh khắp xứ Đàng Trong, sản phẩm theo con đường tơ lụa có mặt khắp các nước. Long bào của vua và các triều thần cũng sử dụng lãnh hoa của làng. Thế nhưng đến khi hội nhập, sản phẩm làng nghề không cạnh tranh được với hàng công nghiệp hiện đại, cả về năng suất, chất lượng và mẫu mã. Rồi hơn 20 năm qua, người làng bỏ nghề dần" - ông Phương ngậm ngùi.

Những nhân sự đã gắn bó mấy mươi năm với HTX lụa Mã Châu. Ảnh: PHAN VINH
Những nhân sự đã gắn bó mấy mươi năm với HTX lụa Mã Châu. Ảnh: PHAN VINH 

Gác lại quá khứ vàng son một thời, ông Phương quyết tâm giữ nghề. Biết được "thế yếu" của làng nghề Mã Châu lúc bấy giờ là phương pháp dệt đã quá lỗi thời, không còn phù hợp với thực tế và nhu cầu thị trường, ông bỏ khung dệt gỗ, thay bằng dệt máy, rồi sau đó tiếp tục thay bằng máy kiếm. Sản lượng vải lụa đầu ra đã được cải thiện đáng kể so với trước đây. Tuy nhiên, lúc này, thị trường đã ra những tấm vải khổ lớn với những hoa văn lớn và đa dạng, chứ không phải khổ 70 - 90cm, hoa văn nhỏ lặp lại như Mã Châu bấy giờ.

Máy dệt ở Mã Châu đã được cải tiến công nghệ điện tử. Ảnh: PHAN VINH
Máy dệt ở Mã Châu đã được cải tiến công nghệ điện tử. Ảnh: PHAN VINH 

Ông Phương lại tiếp tục nghiên cứu thay đổi dòng máy dệt để nâng khổ vải lên 1,8m. Về phần hoa văn, ông tìm hiểu công nghệ lập trình của phương pháp CNC trong điêu khắc gỗ - sắt công nghiệp thay thế cho phương pháp dệt hoa văn theo bìa carton trước đây. Theo đó, phương pháp dệt hoa văn chỉ 600 điểm thì nay được ông cải tiến lên tới 8.870 điểm.

 
 

Tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng, chị Trần Thị Yến quyết định về quê, đồng hành với cha mình là ông Phương, vực dậy làng nghề. Theo chị Yến, năm 2014, chị quay về HTX Tơ lụa Mã Châu khi đó còn gặp khó khăn về tài chính và sản phẩm chưa định hình được thương hiệu.

HTX nợ hơn 1 tỷ đồng với đối tác, nợ 6 tháng tiền lương nhân viên. Thương hiệu lụa Mã Châu trong mắt nhiều người đã mất lâu rồi. Khi mang sản phẩm đi trưng bày ở TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, nhiều người thấy chữ Mã Châu còn nghi ngờ cho rằng làng nghề đã không còn, sao lại có sản phẩm, chắc chắn đây là... hàng giả!

Chị Trần Thị Yến nghiên cứu cải thiện chất lượng sản phẩm lụa. Ảnh: PHAN VINH
Chị Trần Thị Yến nghiên cứu cải thiện chất lượng sản phẩm lụa. Ảnh: PHAN VINH 

Có lúc, chị Yến nghĩ sẽ thay thương hiệu thành một cái tên khác. Nhưng rồi suy nghĩ ấy nhanh chóng tan biến, bởi sự tự hào về hai từ “Mã Châu”, là truyền thống nối nghiệp nghề của tổ tiên ông bà để lại. Nên dù thế nào, chị cũng cùng với gia đình phải giữ thương hiệu.

Chị Yến áp dụng hình thức kinh doanh online cho sản phẩm, nhưng thời gian đầu, 10 đơn hàng gửi đi, có đến 9 đơn gửi trả với sự phàn nàn về chất lượng. Vải lụa bị xộc xệch, dễ bay và phai màu khi giặt.

Chị giải thích, sợi tơ tằm có cấu trúc rỗng mình để ngậm màu, nhưng cũng vì thế mà dễ phai màu khi phơi và bay màu khi giặt hơn so với các loại vải từ sợi tơ công nghiệp. Để hạn chế tình trạng này, chị hướng dẫn khách hàng cách bảo quản, sử dụng riêng. Nhiều người đã làm quen và rất thích chất liệu lụa tơ tằm, nhẹ, sang trọng và đẹp truyền thống.

[VIDEO] - Những nỗ lực của "đứa con" làng nghề tơ lụa Mã Châu:

Ngoài ra, chị Yến còn đưa sản phẩm lụa Mã Châu đi trưng bày ở các hội nghị, triển lãm, hội chợ hàng Việt Nam... để giới thiệu đến khách hàng.

Chị Trần Thị Yến trong một lần trình diễn nghề ươm tơ, dệt lụa tại Hội An. Ảnh: PHAN VINH
Chị Trần Thị Yến trong một lần trình diễn nghề ươm tơ, dệt lụa tại Hội An. Ảnh: NVCC

"Từ đây, khách hàng bắt đầu biết đến lụa tơ tằm Mã Châu nhiều hơn, theo chiều hướng tích cực hơn. Lụa được khách hàng mua không chỉ may áo dài mà còn có đồ công sở, váy... Sản phẩm mang thương hiệu Mã Châu bắt đầu có những tín hiệu hồi sinh. Đây có lẽ là kết quả sau những nỗ lực của gia đình tôi trong nhiều năm qua" - chị Yến chia sẻ.

 
 

Từ một sản phẩm của làng nghề nông thôn tưởng chừng mai một, lụa Mã Châu được các nhà thiết kế (NTK) thời trang đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã. Đã có những chương trình show diễn thời trang lớn chỉ dành cho lụa tơ tằm Mã Châu.

Lụa Mã Châu trong bộ sưu tập áo dài của NTK Ngô Nhật Huy. Ảnh: NVCC
Lụa Mã Châu trong bộ sưu tập áo dài của NTK Ngô Nhật Huy. Ảnh: NVCC

Lần tìm hướng đi

Trong câu chuyện giữa chúng tôi và chị Yến, về quá trình thay đổi mẫu mã, đưa sản phẩm lụa Mã Châu ra thị trường các thành phố lớn, thi thoảng chị lại nhắc đến một nhân vật tên Bình. Nhờ người này mà sản phẩm của Công ty TNHH lụa Mã Châu đang được nhiều khách hàng là doanh nhân, người mẫu, diễn viên nổi tiếng… biết đến.

Lần theo câu chuyện, tôi tìm gặp anh Văn Phú Tấn Bình (SN 1989, quê thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên) ở TP.Hồ Chí Minh. Anh Bình là một doanh nhân hoạt động ở lĩnh vực cơ điện xây dựng, nhưng có sự quan tâm đặc biệt tới các làng nghề thủ công mỹ nghệ. Năm 2016, trong một lần về quê, anh ghé thăm làng nghề tơ lụa Mã Châu, gặp ông Phương, chị Yến, lắng nghe và xót xa cho làng nghề vàng son này đang đứng trước nguy cơ lụi tàn.

Anh Văn Phú Tấn Bình tham gia những sự kiện hoa hậu và thời trang để kết nối sản phẩm lụa Mã Châu. Ảnh: NVCC
Anh Văn Phú Tấn Bình tham gia những sự kiện hoa hậu và thời trang để kết nối sản phẩm lụa Mã Châu. Ảnh: NVCC 

"Sau chuyến thăm đó, mình đã mua khăn lụa của Mã Châu số lượng lớn để tặng quà cho đối tác công ty nhưng vẫn cứ trăn trở. Bởi mình biết, Mã Châu hiện tại cần hướng đi, cần xây dựng thương hiệu, quảng bá mạnh trên thị trường. Sau lần đó, mình đã tự nguyện làm đại diện thương hiệu cho lụa Mã Châu để đi kết nối, quảng bá với những mối quan hệ vốn có" - anh Bình trải lòng.

Bằng mối quan hệ thân thiết với ông Hoàng Nhật Nam - Tổng đạo diễn Công ty TNHH Quảng cáo thương mại Sen Vàng (đơn vị chuyên tổ chức và sản xuất các chương trình, cuộc thi Hoa hậu), anh Bình đã giới thiệu sản phẩm lụa tơ tằm Mã Châu và được ông Nam chọn làm quà tặng đặc biệt cho đại biểu khách mời tại buổi họp báo của các cuộc thi Miss International (Hoa hậu thế giới) năm 2022 và Miss Grand Viet Nam (Hoa hậu hòa bình Việt Nam) năm 2022.

Chân dung anh Văn Phú Tấn Bình tham gia sự kiện của NTK Lê Thanh Hoà. Ảnh: NVCC
Anh Văn Phú Tấn Bình tham gia sự kiện của NTK Lê Thanh Hòa Ảnh: NVCC 

Anh Bình chia sẻ: "Khăn lụa Mã Châu được anh Nam và khách mời đánh giá cao về những hoa văn tinh xảo, không khác gì so với những sản phẩm của các thương hiệu lớn. Chất liệu mềm, mỏng được dệt từ tơ tằm và màu nhuộm thiên nhiên 100% khiến cho người dùng thích thú, đặc biệt là những người có gu thời trang khá khó tính ở giới thượng lưu".

Tỏa sáng khi trình diễn thời trang

Sau khi lụa Mã Châu tiếp cận được với các chương trình hoa hậu, thời trang, anh Bình còn tiếp tục liên hệ với NTK Lê Thanh Hòa - Giám đốc sáng tạo của hãng thời trang Acqua Gosto và Tạp chí thế giới người nổi tiếng. NTK Lê Thanh Hòa nổi tiếng với nhiều sự kiện thời trang hàng đầu Việt Nam như Đẹp fashion show, Áo dài không biên giới, Vietnam International Fashion Week.

NTK Lê Thanh Hoà cùng người mẫu trong sự kiện tuần thời trang thế giới. Ảnh: NVCC
NTK Lê Thanh Hòa cùng người mẫu trong sự kiện tuần thời trang thế giới. Ảnh: NVCC 

Tiếp đó, NTK Lê Thanh Hòa đã có chuyến về thăm thực tế Mã Châu. Ở đây, anh cảm mến tâm huyết của những người cuối cùng giữ nghề, ấn tượng trước cải tiến đi trước thời đại về khổ dệt xen tơ màu và công nghệ dệt hoa văn có thể phục dựng tất cả họa tiết truyền thống xưa và đưa bức vẽ tay lên vải lụa bằng tơ tằm thiên nhiên. Từ đó, nhà thiết kế này nảy ra ý tưởng cho show thời trang vào tháng 10/2022, đó là "AN".

Show “AN” được diễn ra tại Hà Nội vào tháng 10/2022 của NTK Lê Thanh Hoà. Ảnh: NVCC
Show “AN” được diễn ra tại Hà Nội vào tháng 10/2022 của NTK Lê Thanh Hòa. Ảnh: NVCC 

"AN" được diễn ra tại Hà Nội vào ngày 27/10/2022, lấy cảm hứng từ truyền thống phương Đông do NTK Lê Thanh Hòa phối hợp cùng đạo diễn Long Kan tổ chức. Sự kiện thu hút các hoa hậu nổi tiếng đến tham dự như Đỗ Mỹ Linh, Thùy Lâm, H’Hen Niê, Mai Phương, Á hậu Huyền My... Trong không gian được sắp xếp, bài trí khai thác triệt để các giá trị thẩm mỹ truyền thống, bộ sưu tập thời trang sử dụng hoàn toàn lụa tơ tằm Mã Châu trở nên cuốn hút khán giả.

 

Không chỉ có sự quan tâm của NTK ế Lê Thanh Hòa, lụa tơ tằm Mã Châu còn được nhiều NTK khác đặt hàng và lựa chọn làm chất liệu chính cho các tác phẩm của mình. Trong đó, có các NTK Ngô Nhật Huy, Huy Võ. Trong một show diễn của NTK Ngô Nhật Huy ở Thái Lan, anh kết hợp lụa tơ tằm Mã Châu và nghệ thuật thêu tay Huế để tạo điểm nhấn riêng biệt và ấn tượng thời trang văn hoá Việt Nam.

 
 

Từ những nỗ lực cải tiến máy móc, phát triển thương hiệu và "cao cấp" hoá sản phẩm lụa tơ tằm Mã Châu, những "đứa con" của làng đang ấp ủ kế hoạch xây dựng mô hình du lịch làng nghề.

Cánh đồng dâu tại Duy Xuyên. Ảnh: PHAN VINH
Cánh đồng dâu tại Duy Xuyên. Ảnh: PHAN VINH 

Khi mô hình HTX không còn phù hợp với thực tế của làng nghề, ông Phương đã thành lập Công ty TNHH tơ lụa Mã Châu năm 2017. Tất cả 15 nhân sự cùng cơ sở, máy móc thiết bị của HTX cũ vẫn giữ nguyên và hoạt động bình thường, chỉ có cái tên thay đổi.

[VIDEO] - Những định hướng của làng nghề Mã Châu trong thời gian tới:

Theo ông Phương, hiện nay, mỗi tháng, công ty sản xuất trung bình 3.000m2 vải lụa. Trong đó, 50% là các sản phẩm lụa cao cấp - tơ tằm 100%. Đơn vị là đối tác của các hãng thời trang lớn trên cả nước như LiA, Momo, Meraki, Avana... Mô hình kinh doanh được duy trì tương đối ổn định, mang về doanh thu gần 500 triệu mỗi tháng.

 

Chị Yến cho rằng, với dự án phục dựng lại những hoa văn xưa bằng các tạo mẫu trang phục mới hiện đại gần gũi hơn với khách hàng sẽ tạo điểm nhấn đặc biệt  cho thương hiệu Mã Châu. Từ đó, kết hợp với các đề án du lịch làng nghề của địa phương, thu hút du khách tham quan quá trình ươm tơ dệt lụa truyền thống.

Các đoàn du khách đến tham quan không gian dệt lụa Mã Châu. Ảnh: PHAN VINH
Các đoàn du khách đến tham quan không gian dệt lụa Mã Châu. Ảnh: PHAN VINH 

"Chúng tôi đã thực hiện và gần như hoàn thành giai đoạn vực dậy nghề dệt lụa tơ tằm truyền thống của làng nghề Mã Châu khi guồng sản xuất đã hoạt động trở lại tương đối hiệu quả. Giai đoạn 2 là xây dựng lại nhà xưởng, hướng tới du lịch làng nghề để nâng cao giá trị văn hoá truyền thống của Mã Châu" - chị Yến thông tin.

[VIDEO] - Không gian trồng dâu, nuôi tằm trong chuỗi giá trị nghề truyền thống tại thị trấn Nam Phước:

Ông Lương Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên) cho biết, thời gian qua, địa phương đã có nhiều hỗ trợ đối với gìn giữ, phát triển nghề ươm tơ dệt lụa Mã Châu. Ngoài hướng dẫn thực hiện hồ sơ công nhận các sản phẩm chứng nhận công nghiệp nông thôn tiêu biểu, OCOP, năm 2020 địa phương còn xây dựng chuỗi giá trị liên kết từ trồng dâu, nuôi tằm lấy kén đến ươm tơ, dệt lụa trên địa bàn.

 
Ông Nguyễn Quang Tâm tại mô hình trồng dâu, nuôi tằm lấy kén. Ảnh: PHAN VINH
Ông Nguyễn Quang Tâm tại mô hình trồng dâu, nuôi tằm lấy kén. Ảnh: PHAN VINH 
 

Hiện nay, quy hoạch lại vùng nguyên liệu trồng dâu nuôi tằm, kết hợp phát triển du lịch làng nghề truyền thống đang được huyện Duy Xuyên tính toán đầu tư để trả về đúng với danh xưng tơ lụa Mã Châu. 

 
(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
[eMagazine] – “Lột xác” lụa Mã Châu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO