[eMagazine] - Vui ngày lúa mới trên rẻo cao

HỒ QUÂN 03/10/2023 17:27

(QNO) - Sau 6 tháng ròng kể từ lúc hạt lúa giống nảy mầm, cho đến khi nương lúa dưới thung lũng bắt đầu ngả vàng, báo hiệu mùa lúa mới về trên những bản làng vùng cao Nam Trà My. Dù thời tiết có ít nhiều thay đổi, thời điểm thu hoạch trễ hơn vài tuần so với mọi năm, mưa gió đã kéo về, song bù lại là niềm vui được mùa. Với người Xê Đăng, đó là ơn Giàng, thần Lúa che chở, phù hộ.

 
 

Mây trắng vắt ngang lưng núi. Những tia nắng đầu ngày xuyên qua màn sương, chiếu vào hiên nhà già làng Hồ Văn Cư ở làng Lâng Loan (thôn 3, xã Trà Cang, Nam Trà My). Bên bếp lửa ấm, từ sớm, vợ chồng già Cư cùng con cháu đã chuẩn bị dao, giỏ tre mang lên ruộng. Họ không quên chuẩn bị trang phục truyền thống cho nghi lễ đón lúa mới. Đứa cháu nội chừng 2 tuổi bị đánh thức bởi tiếng ồn cũng đòi theo, được bà địu sau lưng. Sau mấy ngày mưa gió ẩm ương, trời quang nắng đẹp như góp thêm niềm vui trong ngày cúng lúa mới cho gia đình già làng.

Ngày mới trên nóc Lâng Loan. Ảnh: H.Q
Ngày mới trên nóc Lâng Loan. Ảnh: H.Q

Ruộng lúa nhà già làng Hồ Văn Cư nằm ở cánh đồng lớn, cách nhà hơn một cây số. Trước khi ra khỏi nhà, mỗi người buộc lên tay một sợi chỉ chắc chắn để "đánh dấu" đường từ nhà đến đồng ruộng.

Họ đèo nhau trên xe máy, theo đường bê tông dẫn đến cánh đồng. Từ dưới đường nhìn lên, cánh đồng bậc thang rực vàng cả thung lũng, trải dài từ khe suối đến sát chân núi, lãng đãng trong sương và mây. Cả nhà già Cư men theo con đường mòn bên suối, luồn qua mấy bụi lồ ô là đến ruộng. “Đấy, phía trước chỗ có chòi nhỏ giữa ruộng” - từ xa già làng chỉ chúng tôi về vị trí ruộng lúa nhà mình.

 
Ruộng nhà già làng Hồ Văn Cư lọt thỏm giữa cánh đồng lớn. Ảnh: H.Q 

Già dừng chân bên mương nước nhỏ, dưới bụi đốt cao lút đầu, chặt vài cây mang đến mép ruộng. Già dùng dao cắt tỉa, uốn cong ngọn đốt giống hình ngọn cờ rồi cắm vào ruộng. Vừa cắm cây đốt, già cầu Giàng, thần Lúa phù hộ cánh đồng trước lúc thu hoạch không bị chim chuột quấy phá, gia đình được một năm no đủ. Và cuối cùng, xin thần Lúa theo mình về nhà.

Gia đình gia làng Hồ Văn Cư lên ruộng cúng thần lúa. Ảnh: H.Q
Gia đình gia làng Hồ Văn Cư lên ruộng cúng thần lúa. Ảnh: H.Q

Cắm đốt xong, già đi quanh một vòng thăm nom ruộng, còn vợ và con gái chia nhau mỗi người một góc, tuốt đầy 2 giỏ lúa chín. Già làng dùng mấy lá la (loại lá có gai, mọc nhiều ở bờ suối) đặt trên giỏ lúa vừa tuốt theo nghi thức của người Xê Đăng và rước lúa về nhà. Già làng đi trước, tay xách theo 2 con gà vừa bắt trên chòi về cúng thần Lúa, các thành viên trong nhà lần lượt nối bước. Cứ ngang khe, suối, già thả 1 cây đốt, ngọn hướng về phía nhà.

 
Nghi thức dẫn đường cho thần Lúa về nhà. Ảnh: H.Q
Nghi thức dẫn đường cho thần Lúa về nhà. Ảnh: H.Q

[VIDEO] - Nghi thức cúng thần Lúa của gia đình già làng Hồ Văn Cư:

Đến nhà, lúa được trải ra nia, già làng Hồ Văn Cư dùng lá la và 3 ngọn đốt xanh khấn vái, mời thần Lúa vào nhà. Tiếp đó lá la sẽ đặt trên nia lúa, 3 ngọn đốt sẽ lần lượt cắm ở cửa chính và cửa sổ. Cuối cùng là bày 2 con gà và ché rượu tế lễ, cầu nguyện hết thảy hồn lúa sẽ tìm đúng đường về nhà.

“Cắm đốt là đánh dấu để thần lúa biết vị trí nhà. Lá la theo quan niệm người Xê Đăng dùng để xua đuổi chim chuột và những điều không may mắn ra khỏi nhà. Còn lễ cúng, tùy theo điều kiện gia đình, có thể gà hoặc heo, song phải là con vật đủ 4 chân, tượng trưng cho sự vững chãi, chắc chắn. Nếu là gà thì phải 2 con, còn nếu heo thì 1 con” - già làng Hồ Văn Cư nói.

Nghi thức cúng thần lúa tại nhà. Ảnh: H.Q
Nghi thức cúng thần lúa tại nhà. Ảnh: H.Q

Theo phong tục của đồng bào Xê Đăng, để thần lúa phù hộ một năm mưa thuận gió hòa, hạt lúa chắc khỏe, thu về đầy kho, quanh năm no đủ thì trước ngày diễn ra lễ, gia đình phải sửa sang, dọn dẹp nhà cửa, cầu thang, kho lúa sạch sẽ. Những vật dụng cũ phải xếp gọn xung quanh nhà, đặt ở những nơi dễ nhìn thấy để thần Lúa từ rẫy về nhà không thấy xa lạ. Điều cấm kỵ là không được phát rẫy quế và đưa quế về nhà để tránh một năm thiếu cái ăn. 

Việc bắt buộc phải làm trước ngày cúng thần lúa là cả làng phải khơi thông mạch nước đầu nguồn, sửa sang ống dẫn nước để làm lễ cúng máng nước. Nước lấy về từ lễ cúng sẽ dùng cho việc cúng thần Lúa và nấu cơm mới.

Tục cúng máng nước của đồng bào Xê Đăng trước ngày cúng thần Lúa. Ảnh: H.Q
Tục cúng máng nước của đồng bào Xê Đăng trước ngày cúng thần Lúa. Ảnh: H.Q

Sau khi nhà già làng cúng xong, lần lượt các nhà khác trong làng cũng sửa soạn mâm lễ, thực hiện nghi thức cúng thần Lúa của nhà mình.

[VIDEO] - Già làng Hồ Văn cư chia sẻ về nghi thức cũng thần Lúa:

 

Cúng thần Lúa xong, vợ già làng Hồ Văn Cư đem lúa mới rang trên bếp cho khô, còn các con già làng xúm xít làm thịt gà, nấu nướng. Lúa khô thì mang ra giã, sàng lấy gạo nấu cơm mới… Căn bếp nhỏ bỗng chốc ngào ngạt hương cơm mới.

Gia đình già làng ăn lúa mới. Ảnh: H.Q
Gia đình già làng ăn lúa mới. Ảnh: H.Q

Già làng sẽ ăn cơm mới và uống rượu trước, sau đó là các thành viên trong gia đình. Mọi người chậm rãi thưởng thức từng hạt cơm mới với với tâm trạng hết sức vui vẻ, lòng đầy biết ơn. Chúng tôi may mắn trở thành những vị khách đầu tiên trong bữa cúng lúa mới nhà già làng.

 

Cơn mưa núi bất chợt kéo qua không làm giảm đi niềm hân hoan của người dân làng Lâng Loan trong ngày ăn lúa mới. Nhà này cúng thần Lúa xong thì đội mưa sang nhà khác chúc mừng, ăn cơm mới, uống rượu.

Ông Trần Xuân Mố - Bí Thư Đảng ủy xã Trà Cang cho hay, sinh kế của người Xê Đăng dưới chân núi Ngọc Linh phần lớn là nhờ nương rẫy. Vậy nên hạt lúa và nghi lễ cúng thần Lúa là tục lệ truyền thống không thể thiếu trong đời sống.

Người dân Xê Đăng quý trọng, chắt chiu từng hạt lúa. Ảnh: H.Q
Người dân Xê Đăng quý trọng, chắt chiu từng hạt lúa. Ảnh: H.Q
 

Cuộc vui kéo dài đến tận chiều tà. Phía nhà quật (tên gọi nhà truyền thống của đồng bào Xê Đăng), ông Ngô Tấn Lạc - Chủ tịch UBND xã Trà Cang phát loa kêu gọi người dân làng Lâng Loan góp củi, nhóm lửa chuẩn bị đêm hội. Một lát sau đã thấy già trẻ tất bật mang củi đến, mỗi nhà một ít, chẳng mấy chốc đã có một đống củi to.

Ông Lạc nói, năm nay lễ mừng lúa mới được nâng quy mô thành lễ hội chung của cả xã, kéo dài tận 3 ngày. Người dân cả 5 thôn tề tựu về làng Lâng Loan tranh tài các môn thể thao, trình diễn nghệ thuật và vui hội lúa mới. Trước ngày lễ chính thức, UBND xã đã tổ chức thi đánh bóng chuyền, rèn nông cụ, dệt thổ cẩm, thi tuốt lúa, giã gạo… Về đêm thì thì trình diễn cồng chiêng, hát ting ting và giao lưu văn nghệ. Đây là cơ hội để người dân phát huy tinh thần đoàn kết, bản sắc văn hóa truyền thống và cổ vũ tinh thần lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Sự kiện này tới đây sẽ tổ chức thường niên, xã sẽ từng bước xây dựng sản phẩm du lịch trong tương lai.

Lễ hội mừng lúa mới xã Trà Cang. Ảnh: H.Q
Lễ hội mừng lúa mới xã Trà Cang. Ảnh: H.Q

[VIDEO] - Đêm hội cồng chiêng, mừng lúa mới của người Xê Đăng:

Hẳn với người dân trên vùng núi cao này, chuyện làm du lịch dường như vẫn còn xa vời. Với họ, đêm nay bên ánh lửa hồng, cái se lạnh đầu đông bị bầu không khí hân hoan xua đi, mọi người bên nhau thưởng thức các tiết mục văn nghệ do các đội nghệ thuật quần chúng thôn biểu diễn. Dù góc sân nhỏ trước nhà quật chật ních, nền đường lấm lem bùn đất, nhưng ánh mắt ai nấy dính chặt theo tiếng ca, điệu múa trên sân khấu. Rồi bất chợt, họ cười ồ, reo vui, cổ vũ không ngừng khi thôn mình được xướng tên trên bục nhận thưởng…

Vùng cao là vậy, điều kiện vật chất có thể còn nhiều thiếu thốn, song đời sống văn hóa, tinh thần dường như lấp lánh trong mỗi nếp nhà. Đó là sức mạnh để người Xê Đăng vượt mọi gian khó, sống lạc quan và hướng đến những giá trị tốt đẹp, như cách hạt lúa vươn lên giữa đại ngàn, đơm bông, kết hạt, mang đến nguồn sống cho bao thế hệ…

Lửa tàn. Gác lại cuộc vui, mọi người rời hội về nhà nghỉ ngơi song bao dư âm rộn ràng vui vẻ ngày hội còn âm vang mãi. Và không ai quên lời hẹn cùng giúp nhau lên nương gặt vào sáng hôm sau.

UBND xã Trà Cang hy vọng, lễ hội sẽ giúp người dân nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đồng bào Xê Đăng. Ảnh: H.Q
UBND xã Trà Cang hy vọng, lễ hội sẽ giúp người dân nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đồng bào Xê Đăng. Ảnh: H.Q

Trên nương sớm mùa gặt hôm ấy, những hạt lúa được chắt chiu, nâng niu từ rẫy cho đến khi được làm sạch sẽ, rước về nhà nằm im trong kho. Từ muôn đời nay, người Xê Đăng quan niệm tôn trọng Giàng, thần Lúa, quý trọng công sức người cày cấy thì con cháu muôn đời mới no ấm đủ đầy…

[VIDEO] - Ông Ngô Tấn Lạc - Chủ tịch UBND xã Trà Cang chia sẻ mong muốn của địa phương khi tổ chức lễ hội:

 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
[eMagazine] - Vui ngày lúa mới trên rẻo cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO