[eMagazine] - Du lịch xanh về vùng sâm Ngọc Linh

DIỄM LỆ - HỒ QUÂN 28/11/2022 21:34

(QNO) - Mở tour đến vùng sâm là định hướng mà huyện Nam Trà My đưa vào chương trình phát triển du lịch của huyện. Và để định hướng này trở một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, huyện Nam Trà My tập trung nguồn lực đầu tư du lịch xanh gắn với bảo vệ môi trường với mục tiêu mang lại nguồn lợi kép cho người dân.

 
 

Với kinh nghiệm trồng và kinh doanh sâm Ngọc Linh cùng các loại dược liệu bản địa đã gần 20 năm, cũng là người con của bản làng nên bà Hồ Thị Mười - Giám đốc HTX Cộng đồng Ngọc Linh (Nam Trà My) luôn đặt lợi ích của cộng đồng lên hàng đầu. Bà hiểu bà con nơi đây nhiều đời bám rừng trồng sâm, cùng nhau cắm chốt gìn giữ, đưa cây sâm phát triển cho đến hôm nay.

Người dân cởi mở, đón khách đến tham quan vườn sâm. Ảnh: PV
Người dân cởi mở, đón khách đến tham quan vườn sâm. Ảnh: PV

Theo bà Mười, HTX Cộng đồng Ngọc Linh ra đời vì nhằm duy trì mối gắn kết cộng đồng trong việc gìn giữ, phát triển sâm Ngọc Linh. HTX đã thuê 9ha đất rừng để các thành viên cùng nhau trồng và đưa sâm Ngọc Linh chất lượng nhất ra thị trường. Bà con được động viên, tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ rừng, gìn giữ môi trường vùng trồng sâm.

 

Bà Mười chia sẻ, người dân địa phương xưa có luật tục bất thành văn là tuyệt đối không để người lạ vào vườn sâm. Nhưng nay, khi cây sâm mang lại giá trị kinh tế cao và chính quyền địa phương cũng tuyên truyền phát triển các hoạt động du lịch trải nghiệm vùng sâm nên người dân đã cởi mở hơn khi đón khách đến thăm vườn.

Khi khách đến, HTX sẽ có người hướng dẫn, đưa khách vượt hàng chục cây số đường rừng, tham quan tận vườn và giới thiệu về quy trình trồng, chăm sóc sâm dưới tán rừng. Đồng thời giám sát và yêu cầu du khách không tác động đến thiên nhiên, gìn giữ vệ sinh môi trường.

Cung đường vào vườn sâm. Ảnh: PV
Cung đường vào vườn sâm. Ảnh: PV

Theo chia sẻ của những doanh nghiệp và hộ trồng, kinh doanh sâm Ngọc Linh, giá trị kinh tế lớn của cây sâm là sức hút rất lớn đối với người tiêu dùng. Nhu cầu được đến tận vườn, chứng kiến tận mắt những cây sâm trồng dưới tán rừng trở nên phổ biến.

 
 

Dưới chân núi Ngọc Linh, tục cúng thần Sâm được đồng bào Xê Đăng tổ chức hằng năm. Câu chuyện về cây thuốc giấu chữa bệnh các già làng vẫn khắc ghi.

Một khởi tích về sâm Ngọc Linh dần manh nha, không chỉ để truyền đời cho con cháu, mà còn mang đến cho du khách gần xa sự tò mò, cuốn hút. Cùng với những nét văn hóa đặc trưng của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khí hậu trong lành sẽ là một điểm dừng chân trong hành trình đến với vùng sâm, làm nên tạo sắc màu đa dạng cho một sản phẩm du lịch trong tương lai.

Tục cúng thần Sâm và lễ hội độc đáo của đồng bào Xê Đăng sẽ là một trong những điểm độc đáo, thu hút du khách. Ảnh: PV
Tục cúng thần Sâm và lễ hội độc đáo của đồng bào Xê Đăng sẽ là một trong những điểm độc đáo, thu hút du khách. Ảnh: PV

Hiện nay, việc thiết kế chuyến tham quan đến vùng sâm vẫn còn đơn điệu, mới chỉ dừng lại ở việc quảng bá, giới thiệu và kinh doanh sâm. Nhưng khi hình thành tuor một cách bài bản theo định hướng của huyện Nam Trà My, đến vùng sâm chính là chuyến trải nghiệm cuộc sống đại ngàn Ngọc Linh với bao điều ký bí của thiên nhiên, văn hóa và con người. Du khách sẽ không còn nhàm chán bởi những chuyến lội núi, xem sâm, mà trong hành trang trở về sẽ là một “ba lô” kiến thức, trải nghiệm quý báu và không ít cảm xúc luyến lưu…

Nam Trà My đầu tư, xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng ở các xã. Ảnh: PV
Nam Trà My đầu tư, xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng ở các xã. Ảnh: PV

Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Trần Duy Dũng cho rằng, để du lịch Nam Trà My trong những năm tới nhanh chóng trở thành ngành kinh tế hiệu quả, góp phần tăng trưởng kinh tế bền vững, huyện đã phát động mỗi xã xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng, tạo sản phẩm du lịch bản địa đặc trưng.

Đáng chú ý là huyện Nam Trà My tập trung đầu tư xây dựng làng Mô Chai tại thôn 1 (xã Trà Linh) thành làng văn hóa du lịch cộng đồng cấp tỉnh và đầu tư xây dựng vườn sâm giống Ngọc Linh tại Tắk Ngo trở thành điểm đến du lịch cấp tỉnh. Cạnh đó là đầu tư đào tạo cho đội ngũ quản lý nhà nước về du lịch, đào tạo nguồn nhân lực làm dịch vụ du lịch; đào tạo, hướng dẫn đồng bào vùng cao làm du lịch cộng đồng, phát triển mô hình homestay.

 
 

Với mối quan hệ tốt đẹp với quận Hamyang (tỉnh Gyeongsangnam, Hàn Quốc), việc hợp tác, học hỏi việc trồng, phát triển các sản phẩm từ sâm phục vụ cho du khách là cơ hội tìm kiếm hướng đi cho sản phẩm du lịch của riêng Nam Trà My.

Du khách tham quan khu đón tiếp Tăk Ngo (xã Trà Linh). Ảnh: PV
Du khách tham quan khu đón tiếp Tăk Ngo (xã Trà Linh). Ảnh: PV

Tháng 8/2022, chúng tôi theo chân đoàn khách quận Hamyang do ông Jin Byeong Yeong - Quận trưởng làm trưởng đoàn đến tham quan vườn sâm dưới chân núi Ngọc Linh. Trải qua hành trình dài bằng ô tô, đoàn du khách dừng chân tại khu tiếp đón tại thôn Tăk Ngo (xã Trà Linh) để nghe hướng dẫn viên địa phương chia sẻ những kiến thức cần biết về cuộc hành trình. Mọi người chuẩn bị những trang bị gọn nhẹ nhất, để sẵn sàng leo núi…

Đoàn khách Hàn Quốc tìm hiểu về quy trình trồng, chăm sóc sâm Ngọc Linh. Ảnh: PV
Đoàn khách Hàn Quốc tìm hiểu về quy trình trồng, chăm sóc sâm Ngọc Linh. Ảnh: PV

Đường lên vườn sâm băng qua khu rừng nguyên sinh đa dạng các loài thực vật khiến những bước chân của du khách thêm thú vị, vơi đi bao mệt mỏi. Vừa đi, hướng dẫn viên địa phương vừa giới thiệu về sâm Ngọc Linh, chỉ dẫn những chốt bảo vệ hay cả những chiếc bẫy sóc, chuột phá hoại sâm dọc đường… Càng vào sâu trong rừng già, không khí se lạnh, hơi sương nhè nhẹ, suối reo róc rách, chim hót líu lo… Tất cả đều mới lạ đối với những vị khách đến từ Hàn Quốc này.

Sau khoảng 45 phút leo núi, qua vài lớp hàng rào bảo vệ, đoàn đến chốt giữ vườn sâm nằm giữa rừng. Chia sẻ về hành trình này, bà Yeo Deuk Bun - cán bộ phụ trách giao lưu hợp tác quận Hamyang nói: "So với vườn sâm núi ở Hamyang, sâm ở Nam Trà My được trồng nơi cao hơn rất nhiều. Thích nhất là trên đường đi, tôi được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của núi rừng. Có những cây cổ thụ rất to, có suối, thác, cầu treo rất đẹp, nên đường đi có xa, khá vất vả nhưng lại rất thích”.

[VIDEO] - Chuyến trải nghiệm vùng sâm của du khách Hàn Quốc:

Nghỉ ngơi chốc lát, thưởng thức ấm trà nóng, đoàn được người phụ trách chốt trồng sâm đưa đi tham quan vườn. Mùa này, những luống sâm đang cho hạt, thu hút sự quan tâm của mọi người.

Tận mắt chiêm ngưỡng, nghe về quy trình trồng, chăm sóc sâm và chụp ảnh lưu niệm với cây sâm Ngọc Linh, ông Jin Byeong Yeong tỏ ra rất thích thú. Ông nói, Sâm Ngọc Linh được người dân Nam Trà My trồng thật công phu, dù ở độ cao đến hơn 1.000 mét. Trong khi đó sâm núi Hamyang trồng ở độ cao nhất chỉ 700 mét so với mực nước biển. Hai loại sâm của 2 nước đều là những sản phẩm có giá trị. Song Hamyang nổi tiếng về sâm núi nhưng không chỉ là sản phẩm thô mà có nhiều sản phẩm chế biến sâu. Nếu Nam Trà My lồng ghép sản phẩm chế biến sâu thành quà lưu niệm cho du khách cũng sẽ mang hiệu quả cao.

Đoàn du khách Hàn Quốc chụp ảnh lưu niệm tại vườn sâm. Ảnh: PV
Đoàn du khách Hàn Quốc chụp ảnh lưu niệm tại vườn sâm. Ảnh: PV

Theo ông Jin Byeong Yeong, cách quảng bá sâm Ngọc Linh và sâm núi Hamyang có nhiều điểm tương đồng. Ở Hamyang, từ ngày 1/9 hằng năm, Hamyang tổ chức lễ hội sâm núi kéo dài 10 ngày, như lễ hội sâm Ngọc Linh ở Nam Trà My. Ở đó, nhiều sản phẩm từ sâm sẽ được trưng bày, quảng bá, giới thiệu cho du khách. Và đến với lễ hội ở Hamyang, luôn có người sẵn sàng đưa du khách đi thăm vườn sâm nếu có nhu cầu.

Ông Jin Byeong Yeong gợi ý, huyện Nam Trà My cũng có thể tận dụng điều này để quảng bá thương hiệu sâm Ngọc Linh với du khách trong và ngoài nước. Trải nghiệm, tận mắt chứng kiến việc trồng, chăm sóc vất vả... sẽ khẳng định được giá trị của sâm Ngọc Linh đối với du khách trong nước, quốc tế.

Lễ hội sâm cũng là một trong hoạt động nằm trong tuor đến với vùng sâm Ngọc Linh. Ảnh: PV
Lễ hội sâm cũng là một trong hoạt động nằm trong tuor đến với vùng sâm Ngọc Linh. Ảnh: PV

* * *

Sẽ còn hành trình dài, để du lịch trải nghiệm về với vùng sâm Ngọc Linh có chỗ đứng trong bản đồ du lịch Quảng Nam. Với việc đầu tư nghiêm túc, định hướng rõ ràng như hiện nay, trong tương lai không xa, một tour du lịch bài bản sẽ hình thành, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nâng cao thu nhập cho đồng bào vùng cao. Qua đó, nâng thương hiệu sâm Ngọc Linh – sâm Việt Nam lên tầm cao mới. 

 
(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
[eMagazine] - Du lịch xanh về vùng sâm Ngọc Linh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO