Kinh tế

Xây dựng thương hiệu nông sản Quảng Nam

VIỆT NGUYỄN (nguyenquangviet08@gmail.com) 11/04/2025 08:00

Xây dựng thương hiệu cho nông sản Quảng Nam trở nên cấp bách để hàng hóa khơi thông trên thị trường, nhất là xuất khẩu thu được giá trị kinh tế lớn.

sam Ngoc Linh
Người dân xã Trà Linh (Nam Trà My) trồng sâm Ngọc Linh. Ảnh: QUANG VIỆT

Định vị thương hiệu sâm Ngọc Linh

Từ năm 2016, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm sâm Ngọc Linh và Sở KH&CN quản lý chỉ dẫn địa lý nổi tiếng này.

Từ đây, sâm Ngọc Linh từng bước định vị cho thương hiệu nông sản Quảng Nam. Nhiều năm qua, Quảng Nam đã xác định sâm Ngọc Linh là cây trồng mũi nhọn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi của tỉnh.

Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết cho biết, Quảng Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 phát triển vùng sản xuất và cung ứng nguyên liệu sâm Ngọc Linh với tổng diện tích 8.400ha. Kỳ vọng mỗi năm khai thác khoảng 300 - 350ha với tổng sản lượng đạt khoảng 100 tấn sâm củ từ 5 năm tuổi trở lên.

yen.jpg
Sản phẩm yến sào Cù Lao Chàm - Hội An. Ảnh: QUANG VIỆT

Theo Bí thư Tỉnh ủy, Quảng Nam tiếp tục xây dựng phát triển thương hiệu, thị trường, xúc tiến thương mại và đầu tư hạ tầng vùng sâm Ngọc Linh. Tỉnh khuyến khích phát triển, đa dạng hóa sản phẩm theo chuỗi giá trị, chế biến sâu gắn với thị trường tiêu thụ.

Quảng Nam xúc tiến đầu tư, mời gọi các tập đoàn kinh tế lớn xây dựng các nhà máy chế biến sâu các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh. Đây là những giải pháp thúc đẩy chế biến sâm Ngọc Linh thành ngành kinh tế lớn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho rằng, để phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh, Quảng Nam khuyến khích người dân tiêu thụ sản phẩm từ sâm.

Quảng Nam đẩy mạnh truyền thông qua báo chí, mạng xã hội; phát động chiến dịch tặng mẫu thử sản phẩm sâm (nước sâm, thạch) tại cơ quan, siêu thị; tổ chức lễ hội sâm Ngọc Linh vào ngày 1/8 tại Nam Trà My với các hoạt động như triển lãm sâm, ẩm thực từ sâm, tour tham quan vườn sâm.

Để phát triển mạnh thương hiệu sâm Ngọc Linh, tỉnh chú trọng giảm giá bán các sản phẩm sâm. Vận động siêu thị, cửa hàng dược phẩm đẩy mạnh trưng bày sản phẩm sâm; hỗ trợ người dân trước mắt sử dụng các sản phẩm sâm giá cả phải chăng (nước sâm đóng gói, thạch sâm) để phổ cập.

Đẩy mạnh các thương hiệu đặc trưng

Cùng với sâm Ngọc Linh, Quảng Nam còn có chỉ dẫn địa lý Trà My cho hàng hóa quế và chỉ dẫn địa lý Cù Lao Chàm - Hội An cho hàng hóa yến sào.

que.png
Khách nước ngoài tìm hiểu để mua sắm sản phẩm quế Trà My của HTX quế Trà My - Minh Phúc. Ảnh: QUANG VIỆT

Các thách thức trong phát triển các thương hiệu nói trên là do nông sản quý hiếm nên bán ra thị trường cao, người tiêu dùng khó tiếp cận. Người tiêu dùng có thu nhập thấp không có thói quen tiêu dùng hàng hóa có thương hiệu. Sản lượng hạn chế nên nhiều lúc, quế Trà My hay yến sào Hội An không đủ lượng hàng hóa để đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng tăng đột biến.

Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, xây dựng thương hiệu cho yến sào Hội An - Cù Lao Chàm là nhiệm vụ quan trọng.

Trước hết, Hội An nỗ lực phát triển bền vững đàn yến đảo Cù Lao Chàm; xây dựng các mô hình cứu hộ chim yến non, ấp nở và nuôi chim yến nhân tạo. Hội An dẫn dụ, phát triển thêm hang yến mới tại Cù Lao Chàm, cứu hộ chim non rơi khỏi tổ, tập cho chim yến non bay và trả lại môi trường tự nhiên.

Hội An phát triển thêm quần thể hang yến mới; mỗi năm chỉ tiến hành khai thác 2 vụ đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật. Do chỉ khai thác 2 vụ nên tổ yến to, dày, đồng đều, chất lượng cao với nhiều loại yến giá trị.

Theo ông Hùng, mọi quy trình khai thác, bảo quản, chế biến, đóng gói, dán nhãn cho sản phẩm yến sào Hội An - Cù Lao Chàm đều đạt chất lượng, thẩm mỹ. Hội An tiếp tục quảng bá, khơi thông thị trường yến sào, nhất là xuất khẩu, kỳ vọng thu được giá trị kinh tế lớn từ thương hiệu.

Điển hình trong xây dựng, phát triển thương hiệu quế Trà My gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm là hoạt động của HTX quế Trà My - Minh Phúc (xã Trà Giang, Bắc Trà My). Đơn vị này đã đầu tư hệ thống chiết tách tinh dầu quế với tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng.

HTX liên kết với 30 hộ dân để xây dựng vùng nguyên liệu quế có diện tích 56ha đạt tiêu chuẩn GACP để phục vụ chế biến. Việc đầu tư bài bản đã giúp tinh dầu quế Trà My của HTX bảo đảm chất lượng, được Bộ Nông nghiệp và Môi trường chứng nhận sản phẩm OCOP 5 sao.

Bà Nguyễn Thị Việt - Giám đốc HTX quế Trà My - Minh Phúc cho biết: “Các loại hàng hóa chế biến từ quế của HTX có thị trường ổn định ở khắp các tỉnh, thành cả nước, có mặt ở thị trường Ấn Độ, Hà Lan, Hàn Quốc. Chúng tôi tiếp tục phát triển thương hiệu quế Trà My rộng khắp trong thời gian đến”.

Theo Hiệp định thương mại tự do EVFTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), các mặt hàng nông sản Quảng Nam có thể tiếp cận thị trường EU với thuế suất 0%. Đây là điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, tăng giá trị kinh tế cho hàng hóa.

Tuy nhiên, nông sản Quảng Nam đang gặp khó từ các kiểm định nghiêm ngặt về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm, nhất là cạnh tranh khốc liệt từ các nước khác. Nhiều ý kiến cho rằng, hạn chế lớn nhất của nông sản Quảng Nam khi tham gia thị trường xuất khẩu là quy mô nhỏ, phân tán, manh mún, cần sản xuất hàng hóa lớn gắn với thương hiệu.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xây dựng thương hiệu nông sản Quảng Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO