(QNO) - UBND tỉnh Quảng Nam vừa có kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 40 ngày 18/11/2024 của Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.
Kế hoạch hướng đến mục tiêu bảo tồn, xây dựng và phát triển sâm Ngọc Linh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, góp phần nâng cao thu nhập, phát triển đời sống kinh tế - xã hội cho người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc miền núi; gắn việc bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh với quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững; phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc địa phương. Bước đầu hình thành công nghiệp dược liệu với sâm Ngọc Linh là sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh nói riêng và khu vực miền Trung nói chung.
Phấn đấu đến năm 2030, phát triển vùng sản xuất và cung ứng nguyên liệu sâm Ngọc Linh ở huyện Nam Trà My và các vùng di thực khác trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích 8.400ha để cung cấp nguồn nguyên liệu cho trung tâm công nghiệp dược liệu và phục vụ cho chế biến, tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.
Tổng sản lượng sâm Ngọc Linh đạt khoảng 100 tấn sâm củ từ 5 năm tuổi trở lên/năm (diện tích khai thác khoảng 300 - 350ha/năm). Xây dựng các khu bảo tồn nguyên vị (in-situ) và vườn sưu tập (ex-situ) nguồn gen cây sâm Ngọc Linh tại các vùng sinh thái điển hình này.
Nâng cấp 2 khu vực bảo tồn nguồn giống gốc sâm Ngọc Linh tại Trạm dược liệu Trà Linh và Trại sâm Tắk-Ngo có quy mô sản xuất đạt từ 300.000 - 500.000 cây giống/năm để sản xuất, cung ứng nguồn cây giống đảm bảo về số lượng và đạt tiêu chuẩn theo quy định.
Hình thành từ 30 - 50 vườn sâm Ngọc Linh có quy mô lớn cho hộ gia đình và doanh nghiệp; sản xuất từ 5 - 10 triệu cây giống sâm Ngọc Linh 1 năm tuổi/năm.
Tổ chức sản xuất hướng theo tiêu chuẩn của GACP - WHO (khoảng 15 - 30% diện tích sản xuất được chứng nhận GACP-WHO). Xây dựng, phát triển sản xuất sâm Ngọc Linh đảm bảo các điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, yêu cầu về truy xuất nguồn gốc của các nước xuất khẩu; đăng ký xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể từ sâm Ngọc Linh tại các nước dự kiến xuất khẩu và từng bước đưa sản phẩm sâm Ngọc Linh trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế.
Đến năm 2035, duy trì, phát triển diện tích trồng sâm Ngọc Linh đạt 10.000ha, tạo vùng nguyên liệu ổn định phục vụ công tác chế biến và cung cấp nguồn nguyên liệu cho Trung tâm công nghiệp dược liệu.
Quảng Nam trở thành Trung tâm sản xuất, cung ứng cây giống Sâm Ngọc Linh; ổn định vùng nguyên liệu sâm Ngọc Linh, tổ chức sản xuất hướng theo tiêu chuẩn GACP - WHO (khoảng 35 - 40% diện tích sản xuất được chứng nhận GACP -WHO). Phát triển sâm Ngọc Linh trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế, có giá trị xuất khẩu cao, tạo nguồn thu quan trọng cho địa phương, góp phần nâng cao đời sống kinh tế xã hội cho người dân.