Ngày 10/5, Hội nghị triển khai Quyết định 463/QĐ-TTg tại Quảng Nam được tổ chức, đã đánh dấu bước khởi đầu cho Đề án “Phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực” (gọi tắt là Đề án). Một trung tâm công nghiệp dược liệu quốc gia đang là khát vọng đặt ra cho Quảng Nam, từ những tiềm năng hiện hữu.
NGÀY 10/5, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Bộ Y tế tổ chức hội nghị triển khai Quyết định 463/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực” (gọi tắt là Đề án). Một trung tâm công nghiệp dược liệu quốc gia đang là khát vọng đặt ra cho Quảng Nam, từ những tiềm năng hiện hữu.
Vượt trội về giá trị
Đại diện Viện Dược liệu (Bộ Y tế) đã nhấn mạnh tiềm năng vượt trội của vùng duyên hải miền Trung và Tây Nguyên trong phát triển công nghiệp dược liệu, với Quảng Nam là trung tâm.
Khu vực này có diện tích 98.974km2, chiếm 30% diện tích cả nước, sở hữu địa hình đa dạng từ duyên hải đến núi cao, tạo điều kiện lý tưởng cho sự phát triển của các loài dược liệu. Với hơn 50 dân tộc sinh sống, vùng này còn lưu giữ kho tàng tri thức bản địa về sử dụng dược liệu, là nền tảng cho phát triển ngành công nghiệp thảo dược hiện đại.
Quảng Nam ghi nhận 832 loài dược liệu, trong đó sâm Ngọc Linh là “ngọc quý” đặc hữu, mọc tập trung ở độ cao 1.500 - 2.100m tại vùng núi Ngọc Linh thuộc Quảng Nam và Kon Tum.
Ngoài sâm Ngọc Linh, Quảng Nam còn có các dược liệu giá trị khác như quế, ba kích, đảng sâm, đinh lăng, sa nhân, gừng, nghệ với diện tích trồng đáng kể. Các tỉnh lân cận như Kon Tum (841 loài), Gia Lai (841 loài), Lâm Đồng (1.247 loài) cũng góp phần tạo nên nguồn tài nguyên dược liệu phong phú cho khu vực.
Nhiều tham luận của các đại biểu tại hội nghị đều thống nhất nhu cầu dược liệu toàn cầu đang tăng mạnh. Theo phân tích, thị trường dược liệu toàn cầu dự kiến tăng trưởng ổn định từ năm 2022 - 2028, đặc biệt ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, Việt Nam hiện nhập khẩu 80 - 90% dược liệu, cho thấy tiềm năng lớn nhưng chưa được khai thác hiệu quả.
Quảng Nam với lợi thế về tài nguyên, khí hậu và vị trí địa lý gần cảng Chu Lai, có cơ hội trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu dược liệu. Khu kinh tế mở Chu Lai, với diện tích quy hoạch 50ha cho trung tâm công nghiệp dược liệu, được đánh giá là điểm nhấn chiến lược, kết nối giao thông thuận lợi và thu hút đầu tư.
Bà Phạm Thị Xuân Hương - Tổng Giám đốc Công ty CP Dược phẩm OPC cho hay, Quảng Nam được quy hoạch là tỉnh nằm trong 8 vùng trồng dược liệu trọng điểm theo Quyết định 1976/QĐ-TTg, thích hợp để phát triển trồng 10 loài dược liệu bản địa: bụp giấm, diệp hạ châu đắng, dừa cạn, đậu ván trắng, củ mài, nghệ vàng, quế, râu mèo, sa nhân tím, sâm Ngọc Linh.
Đồng thời, Quảng Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án, tạo động lực, cơ hội và sự phấn khởi cho các doanh nghiệp nghiên cứu phát triển và sản xuất dược liệu.
“Công ty OPC mong muốn được hợp tác đầu tư tại Quảng Nam trong việc phát triển dược liệu Việt Nam, nhất là sâm Ngọc Linh. Chúng tôi sẽ phối hợp với địa phương để chọn lọc, nghiên cứu và phát triển giống các dược liệu phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu, triển khai cung cấp giống, xây dựng và chuyển giao kỹ thuật trồng theo tiêu chuẩn GACP-WHO. Đồng thời, liên kết chặt chẽ với nông dân, doanh nghiệp địa phương để canh tác bền vững, ứng dụng công nghệ số vào quản lý vùng trồng. OPC cam kết cùng thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc toàn bộ chuỗi sản xuất, đảm bảo minh bạch và nâng cao giá trị sản phẩm” - bà Hương nói.
Nhiều ý kiến khác tại hội nghị cũng nhận định, để tận dụng tiềm năng, Quảng Nam cần tập trung vào ba yếu tố: bảo tồn nguồn gen dược liệu, áp dụng công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng và chế biến, xây dựng chuỗi giá trị liên kết vùng. Sâm Ngọc Linh với giá trị kinh tế cao và danh tiếng quốc gia, là chìa khóa để Quảng Nam khẳng định vị thế trong ngành công nghiệp dược liệu toàn cầu.
Khởi đầu của khát vọng
Để hiện thực hóa Đề án, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Kế hoạch 3484 ngày 26/4/2025, vạch ra lộ trình triển khai chi tiết. Những “đại bàng” của ngành dược liệu cũng không giấu tham vọng sẽ tận dụng cơ hội từ Đề án để đầu tư.
Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT THACO cho hay, THACO tự tin có được năng lực và nguồn lực nhất định để hiện thực một khu công nghiệp chuyên về nông lâm nghiệp gắn với dược liệu và hiện đơn vị đã quy hoạch một cụm công nghiệp cho phát triển dược liệu.
“THACO mong muốn sẽ tạo những đóng góp mang tính lan tỏa, tạo việc làm cho người dân trên các vùng trồng không cần phải quy mô quá lớn. Ngoài biên bản ghi nhớ, THACO, trong đó có Tập đoàn THACO AGRI và cá nhân tôi sẽ đồng hành tài trợ tích cực cho chương trình thực hiện Đề án.
THACO mong muốn Quảng Nam trở thành trung tâm chế biến dược liệu sâu, có nghiên cứu khoa học, có sản phẩm đi vào đời sống, nhất là trong xu thế sử dụng dược liệu ngày càng nhiều. Chúng tôi sẽ đồng hành tích cực để phát triển Đề án, xem đó là một trong những sứ mệnh, trách nhiệm của doanh nghiệp lớn” - ông Trần Bá Dương phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long nhấn mạnh, Đề án mới chỉ là động thái của Chính phủ để có cú hích, là điểm khởi đầu, còn khá nhiều việc Quảng Nam phải làm sau đó.
“Quảng Nam phải xem đây là điểm khởi đầu để thực hiện chứ chưa phải đích đến cuối cùng. Đây là đề án chứa đựng nhiều kỳ vọng, đặt ra động lực để góp phần phát triển ngành dược liệu, đóng góp vào sự phát triển của tỉnh Quảng Nam nói riêng, của Việt Nam nói chung” - Phó Thủ tướng Lê Thành Long nói.
Để tổ chức triển khai hiệu quả Đề án, Phó Thủ tướng Lê Thành Long yêu cầu trước hết, về cơ chế, chính sách, xuất phát đầu tiên phải từ Quảng Nam và các địa phương lân cận có điểm mạnh về trồng, chế biến, thương mại hóa sâm Ngọc Linh. Quảng Nam và các địa phương cũng phải chủ động rà soát, xem còn cần chính sách nào khi mà ngành dược liệu, chuỗi sản phẩm sâm Ngọc Linh ngày càng phát triển…
Thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị Quảng Nam chủ trì và phối hợp với các tỉnh lân cận, doanh nghiệp cùng hỗ trợ nhau làm lớn, nhìn xa để tạo sự cạnh tranh cho sâm Ngọc Linh và dược liệu, đặc biệt là ở thị trường quốc tế. Quảng Nam cũng cần sớm hoàn thiện công bố quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch có liên quan, quan tâm đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật vùng dược liệu.
Khẳng định quyết tâm của Quảng Nam trong thực hiện Đề án, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết cho biết đây sẽ là một trong những mũi nhọn đột phá để khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là khu vực vùng miền núi, vùng sâu vùng xa.
“Lãnh đạo tỉnh cam kết sẽ nỗ lực, quyết tâm trong chỉ đạo điều hành, xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch, phát triển ngành dược liệu theo hướng bền vững, tạo chuỗi giá trị khép kín gắn với chế biến sâu và xuất khẩu” - Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết nói.
Tại hội nghị, các biên bản hợp tác đầu tư đã được ký kết giữa UBND tỉnh Quảng Nam và các doanh nghiệp, tập đoàn. Các biên bản hợp tác, ghi nhớ và thỏa thuận này tập trung vào nghiên cứu, trồng và phát triển sâm Ngọc Linh, dược liệu; lập trung tâm nghiên cứu giống, nhà máy chiết xuất; trung tâm kiểm nghiệm dược liệu; ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc...