[eMagazine] - Liên kết sản xuất, hướng đi bền vững

H.ĐẠO - V.SỰ 24/01/2023 17:34

(QNO) - Câu chuyện liên kết sản xuất đã được nông dân quan tâm khi họ nhận ra việc liên kết sẽ dễ dàng có đầu ra cho sản phẩm, giá trị nông sản sẽ cao hơn, thương hiệu sẽ trở nên uy tín, bền vững hơn. Đồng thời, chính quyền cũng đang tiếp sức để tạo nên các chuỗi liên kết sản xuất có giá trị, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh.

 

 
HTX Nông nghiệp Phú Mỹ với 28 hội viên duy trì được đầu ra ổn định nhờ liên kết sản xuất rau an toàn. Ảnh: S.Đ
HTX Nông nghiệp Phú Mỹ với 28 hội viên duy trì được đầu ra ổn định nhờ liên kết sản xuất rau an toàn. Ảnh: S.Đ

Những ngày cuối năm, nông dân Nguyễn Chí Công vẫn miệt mài trên đồng rau để kịp cung cấp cho thị trường Tết Quý Mão. Kể từ ngày tham gia liên kết sản xuất với Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Mỹ, ông Công không còn lo lắng chuyện đầu ra của rau mình trồng.

“Trước kia thương lái các nơi về lấy rau, giá cả do họ quyết hết, nông dân chúng tôi rất dễ bị ép giá. Nhưng nay thì HTX Nông nghiệp Phú Mỹ đã bao tiêu phần lớn sản lượng rau do hội viên làm ra, giá thu mua sỉ lại cao hơn thương lái khác nên nông dân an tâm canh tác” -  ông Công nói. Riêng hộ ông Nguyễn Chí Công, với gần 1 mẫu đất trồng rau quanh năm, ông thu hoạch khoảng 20 tấn rau, thu nhập gần 200 triệu đồng.

 

Theo ông Huỳnh Văn Ca – Giám đốc HTX Nông nghiệp Phú Mỹ, nghề trồng rau ở vùng Phú Mỹ này hình thành từ thập niên 90 của thế kỷ trước ở một số hộ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng. Thổ nhưỡng phù hợp nên nông dân chuyển từ chuyên canh cây đậu phụng sang làm rau xanh, kết hợp xen canh dưa hấu và các loại đậu. Tuy nhiên, do có chuyện thương lái ép giá nên ông Ca quyết định thành lập HTX Nông nghiệp Phú Mỹ để tạo nên đầu ra ổn định cho nông dân.

“Tôi cũng làm 8 sào rau nên thấu hiểu chuyện bị ép giá làm điêu đứng nông dân ra sao. Nên khi được mọi người ủng hộ, tôi thành lập HTX sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap; tổ chức tập huấn kỹ thuật, quy trình canh tác cho nông dân và tìm kiếm các hợp đồng ở các siêu thị, các chợ đầu mối bao tiêu cho 28 hộ hội viên” – ông Ca nói. Hiện nay, các hội viên của HTX đã mở rộng diện tích trồng lên 3ha và mỗi ngày HTX sẽ bao tiêu khoảng 700kg rau các loại cho người nông dân.

[VIDEO] – Cánh đồng rau liên kết sản xuất của HTX Nông nghiệp Phú Mỹ:

Sáu năm qua, vụ đông xuân nào HTX Nông nghiệp Lệ Bắc (xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên) cũng hợp tác với Công ty TNHH Thương mại & xuất nhập khẩu Việt Thắng tổ chức cho hàng trăm hộ dân ở địa phương trồng từ 25 - 30ha ớt xuất khẩu theo mô hình liên kết sản xuất chuỗi giá trị.

Ngoài việc thường xuyên phối hợp với HTX Nông nghiệp Lệ Bắc tập huấn chuyển giao các gói kỹ thuật canh tác tiên tiến và những biện pháp phòng trừ sâu bệnh tổng hợp cho cây ớt, doanh nghiệp cũng cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm cho nông dân với mức giá sàn thấp nhất là 5 nghìn đồng/kg ớt tươi. Theo nhiều hộ dân, tham gia mô hình này thì hằng vụ, trung bình 1ha ớt đạt năng suất khoảng 30 tấn quả tươi. Tùy theo giá bán sản phẩm ở từng thời điểm, bình quân mỗi vụ 1ha ớt cho mức thu nhập từ 150 – 300 triệu đồng.

Những vụ ớt cho thu nhập cao ở Lệ Bắc. Ảnh: S.Đ
Những vụ ớt cho thu nhập cao ở Lệ Bắc. Ảnh: S.Đ

Năm 2022, Quảng Nam có 33 công ty liên kết với các hợp tác xã và nông dân tổ chức sản xuất nhiều loại giống cây trồng. Trong đó, có 30 công ty sản xuất giống lúa, 1 công ty sản xuất giống lúa và bắp, 1 công ty sản xuất giống ớt, 1 công ty sản xuất giống hành tím. Tổng diện tích sản xuất giống lúa hàng hóa trong năm qua là 5.127,5ha (diện tích sản xuất giống lúa lai F1 là 292ha, lúa thuần các loại 4.835,5ha) và diện tích sản xuất giống bắp là 20ha, giống ớt 2ha, giống hành tím 2ha. 

 
Quảng Nam có lợi thế về phát triển nông nghiệp bền vững, hiện đại. Ảnh: S.Đ
Các vùng sản xuất lúa giống hàng hóa đang là điểm sáng về liên kết sản xuất theo chuỗi. Ảnh: S.Đ

Ông Trần Mạnh Báo – Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn ThaiBinh Seed nhìn nhận, nhờ điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu thích hợp, kỹ năng canh tác của phần lớn nông dân tương đối cao và đặc biệt là các ngành, các cấp tập trung đẩy mạnh việc liên doanh - liên kết nên nhiều năm qua Quảng Nam được xem là vựa sản xuất giống lúa hàng hóa trọng điểm ở khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ & Tây Nguyên. Mô hình liên kết sản xuất này là lối mở trong việc đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Các vùng sản xuất lúa giống hàng hóa đang là điểm sáng về liên kết sản xuất theo chuỗi. Ảnh: S.Đ
Quảng Nam có lợi thế về phát triển nông nghiệp bền vững, hiện đại. Ảnh: S.Đ

Ở Duy Xuyên, trong giai đoạn 2017 - 2021 đã có 35 chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp với tổng diện tích 650ha, gồm lúa giống, rau củ quả và các loại hoa màu. Năm 2022 vừa qua, huyện Duy Xuyên tiếp tục chi 1,8 tỷ đồng hỗ trợ triển khai 6 dự án liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi.

“Nhìn chung, hầu hết mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi ở Duy Xuyên thời gian qua đều mang lại hiệu quả kinh tế cao và vấn đề quan trọng nhất là đầu ra của sản phẩm khá ổn định. Trong năm 2023 này, ngoài việc duy trì những mô hình đã thực hiện thành công trong các năm trước, huyện sẽ chi thêm hơn 1 tỷ đồng để hỗ trợ triển khai 4 dự án liên kết sản xuất mới” - ông Trần Huy Tường, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Duy Xuyên nói.

[VIDEO] – Tiềm năng của kinh tế nông nghiệp bền vững của Quảng Nam:

Còn tại Đại Lộc mô hình liên kết sản xuất giống lúa hàng hóa cũng khá hiệu quả. Hơn 10 năm qua, bình quân hằng năm nông dân trên địa bàn huyện liên kết với nhiều doanh nghiệp lớn có uy tín ở trong và ngoài tỉnh sản xuất khoảng 1.300ha hạt giống lúa thuần và 200ha hạt giống lúa lai. Trong đó, các xã Đại Minh, Đại Quang, Đại Hiệp, Đại Phong, Đại Cường, Đại Thắng và thị trấn Ái Nghĩa là những địa phương có diện tích canh tác lớn.

Theo đánh giá, liên kết với doanh nghiệp sản xuất hạt giống lúa thuần, thu nhập của nông dân Đại Lộc tăng thêm khoảng 20 – 35% so với làm lúa thương phẩm. Còn nếu liên kết sản xuất hạt giống lúa lai thì giá trị kinh tế tăng gấp 2 - 3 lần.

“Thời gian tới, bên cạnh duy trì số diện tích liên kết sản xuất giống lúa hàng hóa như vừa nêu trên, ngành liên quan cùng chính quyền các địa phương của huyện Đại Lộc sẽ tập trung quy hoạch và hỗ trợ nông dân hình thành những vùng chuyên canh các loại cây trồng cạn, hoa màu theo liên kết sản xuất chuỗi giá trị nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích canh tác và ổn định đầu ra nông sản” – ông Hồ Ngọc Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết.

 
Niềm vui được mùa. Ảnh: S.Đ
Niềm vui được mùa. Ảnh: S.Đ

Tại Quảng Nam có những địa phương có diện tích sản xuất cây trồng nông nghiệp theo hướng hàng hóa nhiều là Đại Lộc, thị xã Điện Bàn, Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình, Phú Ninh, Núi Thành. Kinh tế nông nghiệp đã chuyển dịch theo hướng tích cực và tiếp tục duy trì tăng trưởng, hiệu quả.

Kết quả của việc chuyển đổi cây trồng đã góp phần tăng giá trị sản phẩm trồng trọt trên 1ha canh tác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả đã đạt kết quả, liên kết sản xuất giống cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hằng vụ đã có 85 - 90% diện tích sử dụng giống ngắn ngày, trung ngày vừa có năng suất, chất lượng cao vừa tránh được thiên tai, đảm bảo hiệu quả sản xuất.

Việc hình thành các chuỗi liên kết sản xuất trong nông nghiệp là hướng đi tất yếu để nâng thu nhập của vùng nông thôn theo mục tiêu Tỉnh ủy đề ra. Ảnh: S.Đ
Việc hình thành các chuỗi liên kết sản xuất trong nông nghiệp là hướng đi tất yếu để nâng thu nhập của vùng nông thôn theo mục tiêu Tỉnh ủy đề ra. Ảnh: S.Đ

Từ chủ trương này, năm 2021 toàn tỉnh đã triển khai thực hiện 42 dự án/kế hoạch liên kết sản xuất được UBND cấp huyện phê duyệt. Trong đó, có 38 dự án/kế hoạch đề nghị hỗ trợ liên kết do các HTX chủ trì và 4 dự án do các doanh nghiệp chủ trì với 9.467 hộ nông dân tham gia. Còn trong năm 2022, cũng đã có 13 dự án/kế hoạch liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, gồm 1 dự án thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 12 dự án/kế hoạch thuộc lĩnh vực trồng trọt.

Trong đó, có 12 dự án/kế hoạch liên kết được UBND cấp huyện phê duyệt với tổng số vốn hỗ trợ hơn 7,1 tỷ đồng, thu hút 1.480 hộ nông dân tham gia; 1 dự án liên kết sản xuất cấp tỉnh được UBND tỉnh ủy quyền cho Sở NN&PTNT phê duyệt với tổng kinh phí thực hiện hơn 13 tỷ đồng, trong đó nhà nước hỗ trợ theo Nghị quyết số 17 của HĐND tỉnh là hơn 3,3 tỷ đồng.

Quảng Nam phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ sản xuất theo các hình thức liên kết đạt từ 20% giá trị sản phẩm các loại cây trồng.

Sản xuất theo các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) hoặc tương đương đạt 10%. Đến năm 2030, tỷ lệ sản xuất dưới các hình thức liên kết đạt từ 50% giá trị sản phẩm các loại cây trồng.

 
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
[eMagazine] - Liên kết sản xuất, hướng đi bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO