(QNO) - Sau thời gian đầu ổn định, trong 2 năm gần đây, chuỗi liên kết sản xuất ớt ở Lệ Bắc, xã Duy Châu (Duy Xuyên) nảy sinh nhiều vướng mắc, dẫn đến đứt gãy.
Thời gian qua, HTX Nông nghiệp Lệ Bắc (xã Duy Châu, Duy Xuyên) phát huy vai trò “bà đỡ” trong liên kết sản xuất ớt, góp phần nâng cao giá trị gia tăng trên cùng đơn vị diện tích canh tác. Tuy nhiên, trong 2 năm gần đây chuỗi liên kết này bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc, dẫn đến đứt gãy.
Vụ đông xuân 2024 - 2025, gia đình ông Hồ Giáo, ở thôn Lệ Bắc, gieo trồng 3 sào ớt. Nhờ hạt giống chất lượng tốt, nước tưới chủ động, quản lý hiệu quả dịch hại nên ớt đạt năng suất cao, bình quân khoảng 1,7 tấn quả tươi/sào. Tuy nhiên, đầu ra của sản phẩm khá bấp bênh.
"Những năm trước HTX Nông nghiệp Lệ Bắc tổ chức cho nông dân địa phương hợp tác với Công ty TNHH Thương mại & xuất nhập khẩu Việt Thắng xây dựng chuỗi liên kết sản xuất ớt, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các bên tham gia.
Thế nhưng, gần đây HTX không mặn mà trong việc thu mua nông sản, rồi giá cả đưa ra thấp hơn giá bán sản phẩm trên thị trường nên đến nay việc liên kết này rơi vào bế tắc" - ông Giáo nói.
[VIDEO] - Nông dân thôn Lệ Bắc (xã Duy Châu, Duy Xuyên) nói về việc tiêu thụ sản phẩm ớt tươi:
Ông Nguyễn Phê - Giám đốc HTX Nông nghiệp Lệ Bắc cho biết, với 35ha đất chuyên canh ớt, nếu tính năng suất bình quân đạt 30 tấn/ha thì vụ đông xuân này nông dân địa phương thu hoạch được hơn 1.000 tấn quả tươi.
"Trước đây, khi ký kết hợp đồng liên kết sản xuất ớt, Công ty TNHH Thương mại & xuất nhập khẩu Việt Thắng cam kết, nếu giá ớt trên thị trường tăng cao thì công ty sẽ thu mua sản phẩm của nông dân theo giá thị trường.
Nếu giá ớt tụt giảm sâu thì phía doanh nghiệp sẽ thu mua sản phẩm với mức giá sàn 5.000 đồng/kg tươi. Tuy nhiên, do nhu cầu thị trường, khó khăn trong xuất khẩu nên mối liên kết này không mang tính bền vững, bị đứt gãy từ 2 năm qua" - ông Phê chia sẻ.
[VIDEO] - Ông Nguyễn Phê - Giám đốc HTX Nông nghiệp Lệ Bắc nói về việc đứt gãy chuỗi liên kết sản xuất ớt ở địa phương:
Ông Lê Văn Hưng - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Châu cho hay, việc liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm đối với cây ớt bộc lộ nhiều hạn chế.
Ở địa phương xảy ra tình trạng lúc giá thị trường cao hơn giá hợp đồng thì người sản xuất không bán sản phẩm cho doanh nghiệp mà bán thẳng ra thị trường; lúc giá thị trường thấp hơn giá thỏa thuận thì doanh nghiệp không thu mua sản phẩm của người sản xuất. Từ đó, dẫn đến phá vỡ hợp đồng đã ký kết giữa nông dân với doanh nghiệp thông qua HTX.
Cạnh đó, việc điều chỉnh giá bán của doanh nghiệp khá chậm so với giá thị trường, thanh quyết toán cũng chậm. Mặt khác, năng lực tài chính và năng lực đầu tư sản xuất, chế biến, tiêu thụ của doanh nghiệp còn yếu, chưa có chế biến sâu,... đã hạn chế hiệu quả, giá trị gia tăng thấp và thiếu sức cạnh tranh trên thị trường.
Ông Lê Văn Hưng nói, để phát triển liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, các ngành cấp trên cần tiếp tục rà soát, ban hành cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp, HTX đầu tư đồng bộ các khâu trong chuỗi liên kết.
Hằng năm, các cấp cần quan tâm cân đối, bố trí nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và chế biến, tiêu thụ sản phẩm để hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào canh tác và chế biến, xây dựng thương hiệu nông sản.
Đồng thời hỗ trợ thúc đẩy kết nối, giám sát ký kết hợp đồng giữa các bên sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đảm bảo nguyên tắc bình đẳng và cùng có lợi.
Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tạo điều kiện thuận lợi tối đa để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp theo hình thức liên kết chuỗi giá trị, đầu tư sâu vào khâu chế biến, tiêu thụ nông sản bền vững...