eMagazine - Mối lương duyên Việt - Nhật

NHÓM PV - CTV 07/09/2022 11:37

(QNO) - Quan hệ bang giao Việt Nam - Nhật Bản như là mối nhân duyên đẹp đẽ được truyền thừa trên mảnh đất Quảng Nam. Lễ hội giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản cùng với Lễ hội Việt Nam - Nhật Bản trở thành biểu hiện sinh động nhất của giao lưu văn hóa hai nước, giúp tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, góp phần nâng cao tầm quan hệ chính trị, kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản.

 

Trong quá trình hình thành và phát triển của đô thị thương cảng Hội An, thương nhân Nhật Bản đã đến buôn bán, làm ăn, cư trú ở Hội An và có những đóng góp quan trọng đối với sự phát triển rực rỡ của thương cảng Hội An trong thế kỷ 16 - 17.

Năm 1591, thông qua bức thư gửi cho Tướng quân Toyotomi Hideyoshi, chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã chính thức xác lập mối quan hệ giao thương Việt - Nhật. Kể từ sau năm 1592, sau khi thống nhất Nhật Bản, Tướng quân Tokugawa Ieyasu thi hành nhiều chính sách nhằm chấn chỉnh nền ngoại thương Nhật Bản.

Cắt băng khai trương phố Nhật và Châu Ấn thuyền
Cắt băng khai trương phố Nhật và Châu Ấn thuyền tại Hội An

Ông ban hành chế độ Shuinsen (Châu Ấn thuyền) - “Thuyền mang giấy phép có đóng dấu đỏ”. Theo đó, chính quyền Mạc phủ Tokugawa cấp phát các Goshuinjo (Ngự chu ấn trạng), một giấy phép thông hành được đóng dấu đỏ, cho phép thương thuyền Nhật Bản đi giao thương, buôn bán với các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam lúc bấy giờ.

Về số lượng Châu Ấn thuyền, từ năm 1604 đến 1635 chính quyền Mạc phủ Tokugawa đã cấp 355 châu ấn trạng cho các thương thuyền Nhật Bản đi ra nước ngoài, trong số 280 thuyền đến Đông Nam Á này có 85 thuyền đến Đàng Trong của Đại Việt.

Hình ảnh Châu Ấn thuyền trưng bày tại Hội An
Hình ảnh Châu Ấn thuyền trưng bày tại Hội An

Nghiên cứu của TS.Noriko (Nhật Bản) cho biế, từ Nhật Bản, thương nhân trên các Châu Ấn thuyền dựa theo gió mùa để vượt biển xuống giao thương với khu vực phía Nam, trong đó có cả Đàng Ngoài và Đàng Trong của nước Việt. Họ căng buồm vào khoảng tháng 11 âm lịch để gió mùa đông bắc thổi xuống phía Nam. Họ ở lại các thương cảng như Hội An, Phố Hiến, Thanh Hà, Hưng Nguyên... khoảng 6 tháng để mua bán và giong buồm về nước khi cơn gió mùa đông nam đầu hè thổi ngược lên.

Việc mua bán nhiều khi không đúng như kế hoạch nên nhiều thương nhân đã ở lại (hoặc cử người đại diện) để tìm nguồn hàng cho chuyến thuyền sau... Ngoài binh khí như các loại kiếm đao được rèn rất tốt ở Nhật, chủ nhân Châu Ấn thuyền còn mang theo lưu huỳnh, sơn, kim loại... là những thứ mà các triều đình nước Việt lúc này luôn khao khát sử dụng cho các cuộc nội chiến triền miên giữa hai nhà Trịnh - Nguyễn. Sau khi xuống hàng, họ tìm mua kỳ nam, trầm hương, gỗ quý, tơ lụa, đồ gốm sứ, ngà voi, sừng tê giác, nhựa thông, da trâu, gân hươu... là những sản vật vốn dồi dào ở nước Việt vào thời điểm ấy. 

Sự có mặt của người Nhật ở Hội An, đặc biệt với việc định cư lập phố buôn bán trong thời đại Châu Ấn thuyền đã thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế ở Hội An - Đàng Trong. 

Quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa, phố cổ Hội An đã có sự giao lưu rất sớm với Nhật Bản từ thế kỷ 17 với dấu ấn của Châu Ấn thuyền thời Mạc phủ Tokugawa. Thậm chí lịch sử bang giao hai nước cũng đã có một mối lương duyên tốt đẹp giữa thương nhân Sotaro Araki và công chúa Ngọc Hoa, con gái nuôi của chúa Nguyễn Phúc Nguyên.

Trong “Trấn thủ Quảng Nam Nguyễn Phúc Kỳ với bức quốc thư ban quốc tính cho Hào thương Araki Sotaro”, tác giả Võ Vinh Quang có nêu: Vào năm 1619, một người cháu gái của chúa Nguyễn Phúc Nguyên được gả cho thương nhân Nhật Bản là Araki Sotaro. Người con gái được gả cho Hào thương Araki Sotaro xứ Nagasaki chính là con gái của Trấn thủ Quảng Nam Nguyễn Phúc Kỳ và được Nguyễn Phúc Kỳ ban cho Araki quốc tính là Nguyễn Thái Lương.

Còn theo nhận xét của Li Tana, chính các quan hệ có tính cách cá nhân này đã hướng tàu bè của Nhật tới Đàng Trong. Trong số 86 Châu Ấn thuyền được phái đến An Nam và Đàng Trong từ 1604 đến 1635, có đến 17 chiếc do Araki và Hunnamoto dẫn đầu.

Tái hiện lễ rước công nữ Ngọc Hoa
Tái hiện lễ cưới công chúa Ngọc Hoa tại Hội An

Từ những năm 1633 - 1635, chính quyền Nhật Bản bắt đầu hạn chế và cấm xuất dương của các thuyền buôn ra nước ngoài, trong đó có Châu Ấn thuyền. Đến năm 1635, đánh dấu sự chấm dứt thời kỳ Châu Ấn (1592 - 1635), dẫn đến người Nhật đánh mất vai trò giao thương buôn bán ở Hội An, Đàng Trong, và nhường lại vai trò này cho người Hoa ở Hội An.

Tuy quan hệ giao thương giữa Nhật - Việt ở Hội An diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng sự có mặt người Nhật đã đóng vai trò quan trong trong hoạt động giao thương buôn bán ở Hội An, tạo điều kiện để đô thị Hội An phát triển hưng thịnh.

 
 

Một sớm bình minh vừa lên hay khoảng chiều khi nắng còn dọi rõ đường đi, những người bạn Nhật trong lễ phục truyền thống, cùng đến hành lễ ở 3 ngôi mộ của thương nhân Nhật Bản đã ngụ trên đất Hội An non 4 thế kỷ...

Trên trục đường dẫn ra làng rau Trà Quế, chính quyền Hội An đặt trang trọng biển chỉ dẫn tìm đến phần mộ của thương gia Banjiro. Bia ký phía sau ngôi mộ ghi lại, "mộ phần được lập năm Ất Tỵ 1665, đến năm 1928, tức năm Chiêu Hòa thứ ba, theo đề xuất của giáo sư văn học Kuroita Kasumi, cộng đồng người Nhật sống tại Đông Dương nhất trí đề nghị ông Nakayama cư trú tại Thuận Hóa phụ trách giám sát công trình tu sửa ngôi mộ này". Mộ còn tương đối nguyên vẹn với bia đá khắc chìm bằng tiếng Nhật và những thông tin liên quan.

Mộ Nhật trên đất Hội An
Mộ Nhật trên đất Hội An

Cách đó không xa, nằm giữa cánh đồng lúa, ngôi mộ của thương gia Tani Yajirobei được lập năm Đinh Hợi 1647. Nấm mộ còn giữ được lối kiến trúc truyền thống cơ bản của Nhật, khi phần mộ hướng ra biển lớn, tương tự như hướng của ngôi mộ thương gia Banjiro trong vườn nhà một người dân ở phường Cẩm Châu.

Điều đặc biệt ở ngôi mộ thương gia Tani Yajirobei là trên bia đá còn ghi cùng một nội dung bằng 4 thứ tiếng Việt, Nhật, Anh, Pháp: “Do Nhật Hoàng chủ trương bế môn tỏa cảng buôn bán với hải ngoại, ông phải từ Hội An trở về quê hương nhưng sau đó ông đã tìm mọi cách để sống với người yêu của mình là một cô gái người Hội An đến khi từ biệt cõi đời. Mộ ông hướng về phía Đông Bắc quê hương ông".

Cũng tại đây, một con đường thể hiện tình bang giao thân thiết Việt - Nhật dẫn vào ngôi mộ được dựng lên giữa đồng ruộng mênh mông. Ngôi mộ thứ 3 cũng là của một thương nhân Nhật Bản đã làm ăn tại Hội An những năm đầu của thế kỷ 16, 17. Mộ thương nhân Gu Sikukun, được lập vào năm Kỷ Tỵ 1689, hiện nay nằm tại khối phố Tân An.

Đại diện Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết, cả 3 ngôi mộ cùng nhiều mảnh gốm Hizen, cầu Nhật Bản, những đơn vị folklore cùng nhiều dấu tích kiến trúc Nhật tại đây đã được lập hồ sơ chi tiết để bảo tồn và hằng năm họ đều có phương án trùng tu phù hợp.

Một số cư dân Hội An đã thay phiên nhau nhiều đời coi sóc mộ phần những người xa xứ chọn đất này để nằm lại. Có lẽ cũng như di tích Chùa Cầu, những ngôi mộ Nhật là ký ức, chỉ dấu văn hóa để mối bang giao này không chỉ đơn thuần là những cái bắt tay của tình hữu nghị. Cao hơn, đó là ân tình đã được kết nối tự trong quá khứ, bắt đầu từ thời giao thương sầm uất tại phố cảng Faifo...

Người Nhật yêu quý Hội An như quê xứ của mình. Và chính vậy, tất cả hoạt động họ làm cho mảnh đất này, đều gần như đi đến tận ngóc ngách, sâu vào từng chi tiết.

Hoạt động của người Nhật tại Hội An những năm trước dịch Covid-19
Hoạt động của người Nhật tại Hội An những năm trước dịch Covid-19

Nếu không phải vì những gián đoạn của đại dịch Covid-19 trong 2 năm liền, có lẽ những lớp học của các thầy giáo già người Nhật - những người luôn mang guốc gỗ Genta với thanh âm lộc cộc vui tai, chào đón trò nhỏ phố Hội bằng nụ cười tươi và cúi gập đầu nói "kon-ni-chi-wa" sẽ mở thường xuyên hơn.

Hay những cửa tiệm của người Nhật đặt nơi phố Hội này, từ U cafe của bà cụ Reiko Usada, những vật phẩm tái chế mang nhiều hơn hàm nghĩa trân quý thiên nhiên so với tiện ích của nó do những chàng trai, cô gái như Yuki Hirukawa, Genta Miyagawa... thực hiện, đã từng là những nơi chốn quen thuộc của người xứ "Mặt trời mọc" chọn Hội An làm nơi dừng chân.

Bây giờ, toàn bộ tuyến phố Nguyễn Thị Minh Khai và khu vực xung quanh Chùa Cầu trở thành Không gian giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản. Đây là nơi đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam cho đến thời điểm này trở thành không gian của những dấu xưa Nhật Bản. Đây cũng là nơi cố Thủ tướng Nhật Bản Shinyo Abe đã từng kỳ vọng trở thành điểm kết nối bền chặt tình hữu nghị giữa hai quốc gia bằng các chỉ dấu văn hóa, bây giờ, vẫn đang rộn ràng.

Giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản
Giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản tại Hội An

Những ngày này, nơi đây trở thành điểm diễn ra các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, từ trưng bày mô hình Châu Ấn thuyền, tư liệu lịch sử, kết quả khảo cổ về giao thương, quan hệ giữa Phố Nhật ở Hội An thế kỷ 17; trình diễn Trà Đạo, trà xanh Nhật Bản; trò chơi gấp giấy Origami, gấp lá dừa; trình diễn dân ca Việt Nam và Nhật Bản bằng nhạc cụ dân tộc Việt Nam; hướng dẫn tham quan tour "Dấu xưa Nhật Bản", giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ 2 nước; trình diễn hoạt cảnh "Trang phục Hội An - Ký ức thời gian"…

 

Nagoya là quê hương của Chaya Shinroku, một trong hai thương nhân Nhật Bản từng đến Hội An (Quảng Nam) vào đầu thế kỷ 17 để lập các thương điếm, buôn bán, giao thương với người Quảng Nam vào thời kỳ mậu dịch Châu Ấn thuyền (Shuin-sen: 1600 - 1635), thời Mạc phủ Tokugawa cầm quyền. Người kia là Kadoya Shichirobee, còn gọi là Kadoya Eikichi, một hào thương xuất thân từ Shinshu (nay là tỉnh Nagano).

Tại Nagoya, Nakamura đưa chúng tôi đến thăm chùa Jomyo-ji ở trung tâm thành phố, nơi đang lưu giữ bức tranh cuộn Chaya Shinroku Kochi toko zukan, một tư liệu quý về quan hệ hải thương giữa Nhật Bản với Quảng Nam vào đầu thế kỷ 17.

Bức tranh dài 511,8cm, rộng 71,8cm, miêu tả hành trình của các thương nhân dòng họ Chaya từ Nhật Bản vượt biển đến Hội An buôn bán; cảnh sinh hoạt tại phố người Nhật ở Hội An; cảnh phái đoàn hào thương Chaya Shinroku đến yết kiến Tổng trấn Quảng Nam tại Dinh trấn Thanh Chiêm…

Trong tham luận trình bày tại hội thảo “Lịch sử và triển vọng mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản. Nhìn từ miền Trung Việt Nam” ở Đà Nẵng vào tháng 11.2013, GS. Mochizuki Sincho (Đại học Minobusan, Nhật Bản) cho rằng, ngoài việc giao thương với Đàng Trong, các thương nhân của dòng họ Chaya còn vâng lệnh Mạc phủ Tokugawa thăm dò thái độ của chính quyền Đàng Trong đối với Nhật Bản. Vì thế, trên bức tranh cuộn nói trên còn có những hình vẽ miêu tả phái đoàn hào thương Chaya từ Quảng Nam theo sông Cổ Cò đi lên hướng bắc nhập vào sông Hàn để ra biển, rồi vào đầm Cầu Hai qua lối cửa Tư Hiền, đi qua các đầm phá ven biển, rồi vào sông Hương để đến phủ Phú Xuân, yết kiến chúa Nguyễn và trao đổi thông thư do Mạc phủ ủy nhiệm.

Nakamura đưa chúng tôi đi thăm một số dấu tích của gia tộc Chaya ở Nagoya. Đầu tiên là nơi đóng bản doanh của gia tộc Chaya, nhưng nay đã trở thành Phân hiệu Nagoya của Đại học Phúc lợi xã hội Tokyo. Nơi đây hiện còn một khu lưu niệm, có gắn tấm biển cho hay: hào thương Chaya Shinshiro, đời thứ 4 của dòng họ Chaya, từ Kyoto chuyển đến đây vào năm 1614, lập nên hãng buôn lớn ở Nagoya. Ông đồng thời là thủ hạ thân tín của dòng dõi Owari Tokugawa, mà Tướng quân Tokugawa Ieyasu (1543 - 1616) là người đứng đầu Mạc phủ lúc bấy giờ.

Mặc dù dinh cơ của dòng họ Chaya giờ đây đã đổi chủ và thay đổi công năng, nhưng dấu tích của gia tộc này vẫn được trân trọng giữ gìn, với một khu tưởng niệm, một căn nhà cổ. Đặc biệt, trên logo của Đại học Phúc lợi xã hội Tokyo tại Phân hiệu Nagoya có hình vẽ Châu Ấn thuyền mà dòng họ Chaya đã sử dụng trong những chuyến hải hành đến Hội An để giao thương.

Chúng tôi cũng tìm đến chùa Raikoo-ji để viếng thăm ngôi mộ của hào thương Chaya Shinroku. Sau khi Tướng quân Tokugawa Iemitsu (1604 - 1651) lên kế vị Tokugawa Ieyasu, ông đã ban hành chính sách Sakoku (Tỏa quốc), “phong tỏa Nhật Bản”, trong suốt hai thế kỷ (17 - 19). Vì thế, hào thương Chaya Shinroku phải đưa gia đình rời khỏi Hội An, quay lại Nagoya sinh sống những năm cuối đời.

Sau khi qua đời, ông được chôn cất trong khuôn viên chùa Raikoo-ji ở ngoại ô Nagoya. Chúng tôi đã đến đây trong một chiều mưa tầm tã để tưởng nhớ một người Nhật Bản đã từng gắn bó với xứ Quảng trong mấy thập kỷ, và là một trong những người đặt nền móng cho quan hệ giao thương giữa Nhật Bản và Việt Nam từ 400 năm trước.

Từ Nagoya, chúng tôi đi xe lửa đến Matsusaka (tỉnh Mie) để tìm hiểu về nghề nhuộm chàm và kỹ thuật dệt hoa văn trên vải, mà theo các sử liệu ở địa phương thì người dân nơi đây đã tiếp thu từ kỹ thuật dệt vải sợi dọc từ “An Nam quốc” (Quảng Nam) thời kỳ mậu dịch Châu Ấn thuyền, phát triển và duy trì cho đến ngày nay.

Viếng thăm ngôi mộ của hào thương Chaya Shinroku trong khuôn viên chùa Raikoo-ji và xem bức tranh Chaya Shinroku Kochi toko zukan đang lưu giữ tại chùa
Viếng thăm ngôi mộ của hào thương Chaya Shinroku trong khuôn viên chùa Raikoo-ji và xem bức tranh Chaya Shinroku Kochi toko zukan đang lưu giữ tại chùa

Sau khi tìm hiểu tư liệu, khảo sát và chụp ảnh các khung dệt và sản phẩm đồ dệt ở Matsusaka Momen, chúng tôi đi đến Bảo tàng Lịch sử Dân tộc học Matsusaka, nơi đang trưng bày nhiều hiện vật liên quan đến lịch sử nghề dệt và nhuộm vải ở Matsusaka. Ông Kiyoshi Kado - Giám đốc bảo tàng đón tiếp chúng tôi, đưa đi thăm các phòng trưng bày trong bảo tàng, đặc biệt là nơi trưng bày về nghề dệt và nhuộm ở trong một tòa nhà biệt lập nằm cạnh bìa rừng. Đây là nơi lưu giữ và tái hiện toàn bộ lịch sử nghề dệt và nhuộm truyền thống của Matsusaka: từ khâu trồng bông, xe sợi, nhuộm màu chàm, dệt vải…

Ông Kiyoshi Kado cho biết: “Tôi có nghe câu chuyện các thợ dệt tiền bối ở Matsusaka đã học tập kỹ thuật dệt xen kẽ các sợi vải có màu sắc khác nhau từ An Nam, để tạo nên hoa văn của vải”. Ông giới thiệu với chúng tôi những cuốn sổ đã cũ kỹ, bên trong là các trang giấy có gắn những mẫu vải làm mẫu để thợ dệt học theo. Theo lời ông, đây là những mẫu vải do một hào thương địa phương, mua từ Hội An gửi về, để làm mẫu cho thợ dệt ở Matsusaka vào thời kỳ mậu dịch Châu Ấn thuyền.

Ông mời chúng tôi đến thăm Phòng trưng bày tư liệu và hiện vật của xứ Đàng Trong, thể hiện mối liên hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam từ hàng trăm năm trước, mà bảo tàng sưu tầm được. Trong số đó, có thác bản bia Phổ Đà sơn linh trung Phật, bi ký khắc trên vách đá trong động Hoa Nghiêm ở Ngũ Hành Sơn, có khắc tên những thương nhân Nhật Bản sinh sống ở Hội An trong thế kỷ 17 đã cung tiến công đức để xây dựng chùa Bình An và lập bia khắc tên để lưu danh.

Chia tay ông Kiyoshi Kado và các đồng nghiệp của ông, chúng tôi trở về Nagoya trong buổi chiều muộn, kết thúc chặng đầu tiên trong hành trình đi tìm “ký ức” Quảng Nam ở Nhật Bản. Trong hành trình tiếp theo ở Nara, Nagasaki, Osaka, Tokyo…, chúng tôi còn bắt gặp nhiều “ký ức” về Quảng Nam và Việt Nam nói chung ở trên đất nước Mặt Trời Mọc, nhưng xin được kể tiếp vào một dịp khác.

 

Khách Nhật Bản là một trong những thị trường đầu tiên đặt dấu chân khám phá du lịch Hội An, Mỹ Sơn khi du lịch Quảng Nam “chập chững” mở cửa vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Hiện địa danh này vẫn là một trong những thị trường khách quốc tế quan trọng nhất của Việt Nam.

Thực tế, có hơn 60% trong số khoảng 1 triệu lượt du khách Nhật Bản đến Việt Nam trong năm 2019 có ghé đô thị cổ Hội An. Dù vậy, lượng khách lưu trú của thị trường này khá ít ỏi. Thống kê chỉ ra, có khoảng 59 nghìn lượt khách Nhật Bản lưu trú tại Quảng Nam vào năm 2016.

Tại Hội An, từ năm 2012 đã hình thành tour du lịch “Dấu xưa Nhật Bản”. Hành trình trong tour tuyến này hội tụ được chuỗi điểm đến ghi dấu đậm nét cả những vết tích của người Nhật ở Hội An trong quá khứ lẫn các điểm nhấn nổi bật về tương tác giữa hai bên ở hiện tại. Không gian điểm đến trải rộng từ khu phố cổ đến vùng ngoại ô. Khách Nhật lại nghiêng về du lịch văn hóa, tìm hiểu khám phá lịch sử, vùng đất con người bản địa..., do vậy, tiềm năng của Quảng Nam với dòng khách này đang rất lớn.

 

Thấu hiểu, phục vụ tốt hơn chính là cách tốt nhất để thu hút khách Nhật Bản. Người Nhật kiêng kị số 4, số 9, không thích trễ hẹn. Người Nhật thích những điểm đến chứa đựng nhiều giá trị sâu sắc về nghệ thuật, thủ công mỹ nghệ, âm nhạc… Một điểm yếu hiện nay của du lịch Quảng Nam là mặt hàng lưu niệm du lịch đặc trưng còn quá nghèo nàn, tính kết nối chuỗi sản phẩm khá rời rạc. Trong khi người Nhật rất xem trọng tìm hiểu, chất liệu bản địa, mạch nguồn văn hóa trong mỗi chuyến đi.

Theo ông Văn Bá Sơn – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, trước hết cần nghiên cứu rõ văn hóa của họ, xem các thị trường khách trong đó có khách Nhật người ta mong muốn điều gì khi đến Quảng Nam. Hiện doanh nghiệp lữ hành, cung cấp dịch vụ du lịch đang xây dựng khả năng phục hồi điểm đến. Loại bỏ các yếu tố rủi ro thì việc định hình phân khúc khách hàng, thị hiếu của khách để xây dựng chương trình, hoạt động phù hợp với từng thị trường khách là rất cần thiết.

 
 
(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
eMagazine - Mối lương duyên Việt - Nhật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO