[eMagazine] - Nam Lào, tình yêu và nỗi nhớ

07/10/2022 16:28

(QNO) -   Trong 60 năm qua, mối quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam và Lào luôn bền chặt và không ngừng được cải thiện, nâng cao cả về chiều rộng lẫn chiều sâu trên tất cả lĩnh vực. Và ngoại giao nhân dân là một trong ba trụ cột quan trọng nhất trong việc nâng cao mối quan hệ giữa hai nước đi đôi với quan hệ hợp tác giữa hai Đảng, hai Nhà nước. Với Quảng Nam, vùng đất Nam Lào, như là tình yêu và nỗi nhớ…

 
 
 
Cổ tay được buộc chỉ trong vũ điệu lăm vông của những cô gái Lào.
Cổ tay được buộc chỉ trong vũ điệu lăm vông của những cô gái Lào.

Ở TRƯỜNG HỮU NGHỊ LÀO – VIỆT NAM

Chúng tôi đặt chân đến huyện Lạ Màm (Sê Kông, Lào) lúc ráng chiều đã nhuốm màu đỏ rực. Sau nhiều năm sinh sống ở vùng đất mới, Trường Hữu nghị Lào - Việt Nam tỉnh Sê Kông trở thành “điểm đến” quen thuộc của kiều bào Việt.

Ở đó, họ có thể giao tiếp với nhau bằng tiếng mẹ đẻ trong những lần đưa đón con và gặp gỡ đồng hương.

Hơn chục năm sinh sống ở trung tâm huyện Lạ Màm, bà Trần Thị Phượng, tiểu thương ở chợ Sê Kông nói, kể từ sau đại dịch Covid-19 xuất hiện, cuộc sống của những người làm kinh doanh trở nên khốn khó.

 Có lúc, bà tưởng chừng không thể bám trụ ở vùng đất này thêm ngày nào nữa. Nhưng, thật may, chính sự quan tâm, chia sẻ, động viên của những người đồng hương đã giúp bà và nhiều thương lái khác vượt qua khó khăn.

Các tiểu thương nói, để yên tâm làm ăn sinh sống, họ rất cần sự quan tâm, góp thêm tiếng nói từ Hội người Việt Nam tại tỉnh Sê Kông, cũng như chính quyền các địa phương của Việt Nam giáp biên giới với các tỉnh Nam Lào, nhất là trong đầu tư giáo dục, hệ thống trường lớp và môi trường giảng dạy tiếng Việt cho trẻ.

Lang thang trong các chợ ở Sê Kông, bạn sẽ gặp rất nhiều điều thú vị, trong đó có đặc sản từ côn trùng.
Lang thang trong các chợ ở Sê Kông, bạn sẽ gặp rất nhiều điều thú vị, trong đó có đặc sản từ côn trùng.

Theo ông Trần Đình Hải - Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Sê Kông, với sự quan tâm của chính quyền tỉnh Sê Kông, cũng như các tỉnh giáp biên giới của Việt Nam, đời sống của cộng đồng người Việt đã từng bước ổn định trở lại. Đặc biệt, từ sự hỗ trợ của Việt Nam, thời gian qua, hệ thống cơ sở hạ tầng của Trường Hữu nghị Lào - Việt Nam tỉnh Sê Kông dần được đầu tư khang trang hơn, tạo điều kiện giúp học sinh có cơ hội tiếp cận công nghệ, nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương.

“Hội người Việt Nam tại tỉnh Sê Kông mong muốn các cấp tiếp tục quan tâm, hỗ trợ nguồn lực giúp việc giảng dạy tiếng Việt, văn hóa Việt ngày càng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu học tập của con em người Việt nói riêng và địa phương Lào nói chung, góp phần lan tỏa ngôn ngữ tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống tại Nam Lào” - ông Hải nói.

Giao thông ở Sê Kông đem lại cho du khách cảm giác an toàn, bình an.
Giao thông ở Sê Kông đem lại cho du khách cảm giác an toàn, bình an.

Nhớ trong một dịp mời cơm thân mật của đoàn công tác Quảng Nam với chính quyền địa phương Nam Lào, giữa câu chuyện vui, bất chợt lại nghe giọng Việt Nam vang từ lời bài hát do chính các ca sĩ Lào thể hiện. Ai cũng chăm chú ngồi nghe, như để cảm thức niềm tự hào quê xứ ngay trên đất bạn. Một người quen của tôi nói, nhiều cán bộ của Lào, từ huyện cho đến tỉnh, thậm chí là trung ương đều nói và hiểu được tiếng Việt một cách khá lưu loát.

 
 

1.  Đoàn đại biểu cấp cao Quảng Nam (Việt Nam) và Sê Kông (Lào) ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển năm 2022.

2. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh tặng ảnh tháp Mỹ Sơn cho Bí thư - Tỉnh trưởng Attapeu Lết-xay-nha-phon nhân chuyến thăm, chào xã giao lãnh đạo tỉnh Attapeu.

3. Đại diện Tập đoàn Thaco giới thiệu mô hình phát triển chăn nuôi tập trung đang triển khai tại tỉnh Attapeu với lãnh đạo 2 tỉnh Quảng Nam và Attapeu.

4. Lãnh đạo 2 tỉnh Quảng Nam - Sê Kông thực hiện nghi thức khởi công trụ sở làm việc Công an huyện Đắc Chưng do Quảng Nam hỗ trợ đầu tư.

ÂN TÌNH CÙNG DÂN BẢN

Chẳng phải là nơi sinh ra, lớn lên nhưng trong câu chuyện của anh Đinh Lê Đệ (quê Quảng Nam), đất nước Lào hiện lên lại thân thuộc nhường nào.

Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 206 – Quân khu 5 giúp dân thu hoạch lúa và khám chữa bệnh cho dân bản.
Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 206 – Quân khu 5 giúp dân thu hoạch lúa và khám chữa bệnh cho dân bản.

Anh nhớ mãi lần đầu đến với bà con các bản vùng sâu của tỉnh Sê Kông (Lào). Trong chuyến đi đó, dù thời gian không nhiều, nhưng được tiếp xúc, khám chữa bệnh cho bà con dân bản, được thưởng thức món ăn đặc trưng của người Lào, được buộc chỉ cổ tay, được nghe những bài ca lăm-tơi với điệu múa lăm-vông tha thiết, mượt mà - anh mong được đến đất nước Triệu Voi nhiều lần hơn thế nữa.

Lực lượng quân sự, biên phòng và các huyện miền núi Quảng Nam giáp biên giới Lào luôn tạo mọi điều kiện giúp đỡ chính quyền và người dân tại các cụm bản ổn định đời sống.
Lực lượng quân sự, biên phòng và các huyện miền núi Quảng Nam giáp biên giới Lào luôn tạo mọi điều kiện giúp đỡ chính quyền và người dân tại các cụm bản ổn định đời sống.

Rồi hơn 5 năm sau, anh xung phong trong đoàn công tác làm nhiệm vụ trên đất bạn. Đơn vị đóng quân ở huyện PakSong tỉnh Champasack - Lào.

Ở đó, anh đã gặp rất nhiều người mẹ Lào. Họ là những người trước đây đã từng nuôi dưỡng, đùm bọc, chở che hoặc trực tiếp chiến đấu cùng chiến hào với bộ đội Việt Nam. Họ không còn minh mẫn như xưa, nhưng khi nhắc đến hai chữ Việt Nam - ánh mắt tràn yêu thương. Anh được nghe câu chuyện về mẹ Kanchia - người mẹ trẻ mới 18 tuổi, đang nuôi đứa con đầu lòng mà dám vượt qua những rào cản kiêng kỵ của phong tục để nhường sữa cứu sống bộ đội tình nguyện Việt Nam. Một câu chuyện đặc biệt, có lẽ chỉ có trong quan hệ giữa hai nước Lào - Việt Nam.

Ở đó, anh được gặp anh bộ đội Việt Nam, thời chống Mỹ bị thương, đi lạc, được gia đình người Lào cưu mang, cứu chữa lành vết thương bằng cỏ cây từ núi rừng của dãy Trường Sơn. Đất nước giải phóng, anh trở lại chốn xưa để tạ ơn gia đình và người con gái năm xưa đã giúp anh thoát qua cửa tử, rồi nguyện sống chết với đất này. Người cựu chiến binh đó đã bao năm lặn lội khắp các bản làng vùng biên cùng với bà con các bộ tộc Lào góp công, tìm mộ. Bởi chiến tranh đã lùi xa hơn 50 năm, nhưng hài cốt các liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại đất bạn vẫn chưa về đất Mẹ.

Dâng hoa và chụp ảnh lưu niệm tại tượng đài Liên minh chiến đấu Lào - Việt Nam.
Dâng hoa và chụp ảnh lưu niệm tại tượng đài Liên minh chiến đấu Lào - Việt Nam.

Ở huyện PakSong - tỉnh Champasack có tượng đài Liên minh chiến đấu Lào - Việt Nam. Đây là một trong bốn tượng đài được xây dựng trên đất nước Lào để tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sĩ Việt Nam - Lào đã hy sinh trong những năm tháng đấu tranh giải phóng hai dân tộc. Những cây chăm-pa được các lãnh đạo hai nước trồng đã vươn cành đơm hoa.

Cô Khamsouk Vongsavanh (từng là sinh viên Trường Đại học Quảng Nam) chia sẻ, thành ngữ Việt Nam có câu "Tối lửa tắt đèn có nhau”. Nhân dân các bộ tộc Lào gọi Việt Nam là “bankay huonkhieng” (bản kề, nhà cạnh), giống như trong bài thơ “Hai anh em sinh đôi” của nhà thơ Lào Vilay Keomany “Anh ở bên kia, tôi ở bên này/ Chung một dãy Trường Sơn hùng vĩ”. “Cám ơn đất nước Việt Nam đã hỗ trợ chúng tôi được học tập, về phục vụ đất nước Lào. Chúng tôi thường đến thắp hương, dâng hoa ở Đài tưởng niệm - đó là tượng đài vĩnh cửu trong lòng người dân Lào và Việt Nam”.

Anh ở bên kia, tôi ở bên này/ Chung một dãy Trường Sơn hùng vĩ”.
                                                                                    (nhà thơ Lào Vilay Keomany)

Thành phố Pakse thủ phủ của tỉnh Champasak có nghĩa là “thành phố cửa sông” vì nằm trong sự bao bọc của hai con sông Sê Pôn và Mê Kông. Ở Pakse, có nhiều thế hệ người Việt Nam sinh sống lâu đời, nếp sinh hoạt gần giống như người Lào. Họ cũng hồn nhiên như cỏ cây, chân chất, bao dung, vui vẻ… Trong không gian sinh hoạt gia đình người Việt, nhà nào cũng treo ảnh Bác Hồ, họ răn dạy con cháu biết về cội nguồn dân tộc và duy trì nói tiếng Việt trong gia đình. Chung sống cùng trong cộng đồng dân cư, luôn đoàn kết và hết lòng cưu mang, giúp đỡ mỗi khi gặp khó khăn.  

Ở nơi anh đóng quân, phần lớn là người dân tộc thiểu số La Vên, Tà Ôi, Nha Hớn. Ở đó nhiều đời nay sống theo tập quán lạc hậu, du canh du cư, có nơi chủ yếu sản xuất tự cung, tự cấp. Và nghèo. “Nói cho dân hiểu, làm cho dân tin”, các anh đã vận động người dân chăn nuôi, tăng gia sản xuất, xây dựng nếp sống mới...  Ở đó, anh cùng đồng đội đào tạo lực lượng cán bộ nòng cốt ở địa phương, xây dựng cơ sở hạ tầng như trường học, bệnh xá, đường sá, phổ biến kỹ thuật nông nghiệp, khám chữa bệnh, tư vấn sức khỏe cho người dân.

Ở đó, các anh tham gia phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; thu thập thông tin phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào. Ở đó, là tình cảm sâu thêm theo từng mùa khô mùa mưa của đất bạn…

[VIDEO] - Đoàn cấp cao Quảng Nam tham dự hội nghị xúc tiến đầu tư giữa các địa phương Việt Nam với 4 tỉnh Nam Lào: 

 

NHỚ CỐ HƯƠNG

 

Căn nhà sàn đặc trưng của Lào ở bản Nôn-mi-say (huyện Lạ Màm, Sê Kông) vẫn vẹn nguyên cảnh vật, chỉ khác là… vắng đi chủ cũ. Ông Bô Nhơn - chủ nhân của căn nhà này đã mất cách đây gần 5 năm. Khác với những chuyến thăm trước, đón khách lần này là một phụ nữ đã ở tuổi xế chiều. Bà mặc trên người sắc phục thổ cẩm truyền thống của Lào, với khuôn mặt phúc hậu và đầy cảm xúc. Đó là vợ ông Bô Nhơn, một phụ nữ Lào, nguyên cán bộ thanh vận huyện Đắc Chưng (Sê Kông).

Anh Xúc-đa-vanh là con trai út của ông Bô Nhơn. Anh nói sõi tiếng Việt. Ngoài học từ cha, anh bảo sở dĩ mình biết đến tiếng Việt là nhờ có thời gian anh được cử sang học tập tại Việt Nam. Sau quá trình rèn luyện và trưởng thành, Xúc-đa-vanh đã được bổ nhiệm Phó Giám đốc Sở Bưu chính viễn thông Sê Kông.

Anh Xúc-đa-xanh bên bàn thờ cha Bô Nhơn.
Anh Xúc-đa-xanh bên bàn thờ cha Bô Nhơn.

Anh Xúc-đa-vanh nói, ngày trước lúc còn sống, ba anh luôn căn dặn con cái, sau này dù làm gì, ở đâu cũng không được quên nguồn cội. Bởi đó là quê hương xứ sở, với những máu mủ ruột rà, nơi ông được sinh ra và lớn lên trước khi sang Lào làm nhiệm vụ quân tình nguyện tham gia kháng chiến. Theo di nguyện của cha, Xúc-đa-vanh bày tỏ quyết tâm khi thu xếp được thời gian và công việc, sẽ có chuyến hồi hương đưa mẹ trở lại Việt Nam, thăm phố cổ Hội An - mảnh đất mà cha luôn mang trong tim.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam viếng hương ông Bô Nhơn và thăm hỏi gia đình và vợ con ông Bô Nhơn.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam viếng hương ông Bô Nhơn và thăm hỏi gia đình và vợ con ông Bô Nhơn.
Anh em chúng tôi mặc dù ở Lào nhưng rất tự hào và yêu văn hóa, con người Việt Nam” . (Anh Xúc-đa-vanh)

Trong chuyến công tác tại các tỉnh Nam Lào mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh dành thời gian đến thăm gia đình và viếng hương ông Bô Nhơn. Vợ ông Bô Nhơn nói trong xúc động, rằng từ lúc cụ còn sống cho đến bây giờ khi đã về với tổ tiên, cũng đều nhận được sự quan tâm đặc biệt từ phía lãnh đạo tỉnh Quảng Nam. Vì thế, ông Bô Nhơn sinh thời rất cảm kích, lúc nào cũng động viên vợ con sắp xếp công việc, tìm về “quê cha đất tổ” để hiểu hơn về văn hóa cội nguồn. Bà nói, đó không đơn thuần là một cuộc trở về, mà còn là di nguyện, lẫn ước mong của một người con luôn đau đáu với quê nhà…

 

DUYÊN VỚI TIẾNG LÀO

Hơn 15 năm gắn bó với nghề, Lê Huynh Trưởng - Phó Trưởng phòng Quản lý biên giới và phi chính phủ nước ngoài (Sở Ngoại vụ) nói, gần như chuyến công tác, gặp gỡ, trao đổi thông tin giữa lãnh đạo tỉnh Quảng Nam với các địa phương của Lào anh cũng đều góp mặt.

Anh Trưởng nhớ lại, trước đây có thời điểm, anh tự nhốt mình trong phòng kín để học tiếng Lào. Suốt 3 tháng trời, cứ thế, bằng phương pháp “nghe - dịch, dịch - nghe”, anh mới đủ tự tin đảm nhận công việc phiên dịch trong các sự kiện lớn của tỉnh, thậm chí là quốc gia.

Anh Trưởng từng có thời gian làm báo, tập sự cho một đài tuyến cơ sở chừng đâu nửa năm. Hồi đó, khi hay tin Sở Ngoại vụ tuyển người phiên dịch tiếng Lào, người thân khuyên anh làm hồ sơ ứng tuyển. Khi đến nộp hồ sơ, anh đã lọt vào “mắt xanh” của nhà tuyển dụng. Vậy là đổi nghề. Đó là năm 2007. Không lâu sau, anh được cử đi học nghiệp vụ 6 tháng, chủ yếu là giúp đội cắm mốc biên giới làm nhiệm vụ.

“Như duyên trời định. Mình học tiếng nói và chữ viết của Lào rất nhanh. Gần như tiếng Lào là ngôn ngữ dành sẵn cho cuộc đời của riêng mình, nên hay nói đùa rằng, nghề phiên dịch đã chọn lấy mình, như bây giờ” - anh Trưởng tâm sự.

Anh Lê Huynh Trưởng trong các cuộc tiếp xúc lãnh đạo cấp cao giữa hai địa phương của hai nước.
Anh Lê Huynh Trưởng trong các cuộc tiếp xúc lãnh đạo cấp cao giữa hai địa phương của hai nước.

Thời điểm anh Trưởng công tác tại Sở Ngoại vụ, lúc đó ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh - đang làm giám đốc. Ông Thanh đã anh động viên tiếp tục học nâng cao trình độ tiếng Lào. Lúc đó, ông Thanh nói với anh, rằng biên giới Quảng Nam và Sê Kông rất rộng, quan hệ giữa hai nước lại đặc biệt quan trọng, vì thế về lâu về dài phải có người phiên dịch phục vụ quan hệ ngoại giao.

Vậy là tiếp tục khăn gói đi học. Lần này, là theo học chương trình thạc sĩ. Thời điểm đó, cả nước chưa có tiền lệ, đây là khóa đầu tiên Việt Nam cử 4 học viên sang Lào đào tạo. Với khả năng tiếp nhận nhạy bén, chỉ hơn một năm rưỡi, anh Trưởng hoàn thành chương trình thạc sĩ, rút ngắn thời gian gần 6 tháng theo khung đào tạo. Ra trường, tiếp tục với công việc, anh không nhớ mình đã phiên dịch bao nhiêu cuộc làm việc với Lào, chỉ biết rằng, sau mỗi lần hoàn thành nhiệm vụ, niềm vui cứ ăm ắp dài thêm.

 

Từ khi làm nhiệm phiên dịch, anh Trưởng cùng cộng sự cứ thế miệt mài theo hành trình ngược núi, dọc đường biên và ngược xuôi trên đất Lào. Anh kể, phải mất nhiều năm trời ròng rã anh cùng các cộng sự mới hoàn thành thủ tục pháp lý điều tra, xác định công dân di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới giữa hai nước Việt Nam - Lào. Trên cơ sở xác minh này, năm 2019, Chủ tịch nước đã ký quyết định công nhận quốc tịch Việt Nam cho 20 công dân Lào, đảm bảo theo Biên bản ghi nhớ giữa hai tỉnh Quảng Nam - Sê Kông về phối hợp triển khai thực hiện Thỏa thuận của hai Chính phủ Việt Nam - Lào.

“Lúc chứng kiến lễ trao quyết định công nhận quốc tịch Việt Nam cho cư dân Lào, mình thực sự xúc động và vui. Bởi sau bao nhiêu năm chờ đợi, cuối cùng họ cũng đã có quốc tịch, trở thành công dân Việt Nam thực thụ” - anh Trưởng nói.

Câu chuyện giữa chúng tôi bất chợt bị ngắt quãng. Anh Trưởng có điện thoại. Đầu dây bên kia thông báo chuẩn bị kế hoạch cho chuyến thăm của đoàn đại biểu tỉnh Sê Kông đến Quảng Nam… 

 

ĐẾN WAT PHOU

Một lần đến Wat Phou, mà đeo đẳng sự ngưỡng mộ con người và đất nước này đến bất tận…

Tựa lưng vào núi Voi (thuộc tỉnh Champasak miền Nam Lào) và quay mặt ra sông Mê Kông, đền Wat Phou là ngôi đền có niên đại cổ xưa nhất trong số các đền, chùa ở đất Triệu Voi.

Nhà văn Nguyên Ngọc viết: “Ít nhất phải đến Angkor một lần trong đời, để mà biết rằng con người đã từng là thần linh. Để biết rằng con người nhỏ nhoi đến nhường nào mà cũng lớn lao bất tận đến nhường nào”. Tôi chưa đến Angkor. Tôi đến Wat Phou. Và tôi cảm nhận rõ điều đó.

Đường vào đền Wat Phou; tượng Phật trong đền chính và những người làm công tác khảo cổ ở khu vực đền Wat Phou.
Đường vào đền Wat Phou; tượng Phật trong đền chính và những người làm công tác khảo cổ ở khu vực đền Wat Phou.

Nỗi ngạc nhiên bắt đầu xâm chiếm khi chạm chân vào lối dẫn lên đền chính với hàng trụ Linga, biểu tượng thờ phụng thần Shiva. “Ôi thần linh ơi!” - tôi thốt lên khe khẽ khi chạm tay vào các phiến đá của đền đài. Với vốn hiểu biết ít ỏi của mình, tôi chỉ cảm chút ít về các bức phù điêu trên đá. Những hoa văn vô cùng tinh xảo. Tôi không hiểu bằng cách gì mà đôi tay người thợ tài hoa nào ở tận thế kỷ 5 đã chạm trổ vào đá. Trên đá. Trên đá. Tôi muốn kêu lên nhiều lần như vậy. Trên đá mà nét uốn lượn mềm mại như thư pháp trên giấy dó. Quả là những người thợ công phu thượng thừa.

Thuở nhỏ, tôi từng tẩn mẩn vì mê các nàng tiên nữ ở Thánh địa Mỹ Sơn. Rồi dọ dẫm tìm hiểu xem đâu là thần, đâu là tiên trong hằng hà sa số tên được viết trong các sách nghiên cứu về Chămpa. Những cái tên ám vào trí nhớ. Vishnu, Shiva, Brahmara, Laksmi, bò Nandi, Dikpalaka, Grahas, Skanda, Ganesa. Các chạm khắc ở Wat Phou, cũng dáng hình những vị thần ấy, nên cảm giác quen thuộc như tôi đang ở Mỹ Sơn. Thi thoảng, cũng có những mảng đá được khoét hơi sâu vào trong, mà miết ngón tay vào, như chạm nhũ thạch ở Ngũ Hành Sơn.

Tác giả ở Wat Phou - ảnh PH.
Tác giả ở Wat Phou. Ảnh: P.H

Đền chính Wat Phou nằm ở lưng chừng núi Voi. Ở ngay lối vào đền chính, tôi chụp ảnh “một vũ điệu” và chuyển về cho người anh là chuyên gia văn hóa Chăm để hỏi. Anh bảo đó là tiên nữ Devatar và thần bảo vệ Dvarapala. Wat Phou là đền Hindu giáo thờ thần Shiva. Đây là một trong những ngôi đền thiêng của đế chế Khmer trước khi dời về Angkor để xây nên Angkor Wat. Từ thế kỷ 13, Wat Phou chuyển thành đền thờ Phật, và là ngôi đền Phật giáo cổ xưa nhất ở Lào.

Hoa văn tinh xảo được khắc trên đá ở đền Wat Phou.
Hoa văn tinh xảo được khắc trên đá ở đền Wat Phou.

Hàng ngàn năm qua, khách hành hương vẫn trở về nơi này. Tôi chỉ là du khách ngang qua một lần trong đời, nên những bí ẩn của đền đài mà thấy được, mà tò mò khám phá đọc ở đây đó, chỉ như sợi tóc rơi xuống. Ngang qua những nhà khảo cổ học đang cẩn trọng với từng mẩu vật ở khu đất phía dưới bức tường còn lại của cung điện xưa, tôi đọc được trong mắt họ, trong từng động tác của họ sự tôn kính đặc biệt. Trong cuộc tìm kiếm để hiểu biết về văn minh cổ xưa, bất kỳ sự sai sót, sơ suất nào cũng có thể phá hỏng cánh cửa mở ra.

Bạn đường mua hoa và đồ cúng để chúng tôi dâng lễ Phật khi vào đền chính. Những thiếu nữ vấn tóc cao, có bông sứ trắng cài ở búi tóc (loài hoa mà người Lào gọi là hoa champa) cúi đầu đưa cho bạn bó hương được kết khéo léo với hoa champa. Đền chính đã hư hại nhiều. Những bức tượng Phật ngồi ở chỗ mà phía trên nhìn thấy cả trời xanh… Rời Wat Phou, tôi như thấy sau lưng có vị thần cưỡi voi ba đầu bay về trời…

Tôi cúi lạy rắn thần bảy đầu trên đường lên đền thượng và nghe người bạn đường từng có nhiều năm sống ở Lào nói, đó là tượng trưng cho sự đắc đạo trong tu hành"
Tác giả trước tượng rắn bảy đầu.
 Tác giả trước tượng rắn bảy đầu.

NẾU ĐƯỢC ĐI, TÔI CHỌN LÀO ĐỂ BƯỚC

Thử nhìn văn hóa giao thông của người Lào: bước chân họ chậm, khoan thai, chắc chắn. Họ phải dòm tới ngó lui ở ngã ba đường, rất cẩn thận khi nhập làn tham gia giao thông, không bấm còi inh ỏi. Không chen lên gần đèn đỏ, họ xếp hàng dài nối đuôi nhau một cách rất trật tự.  

Chuyện chậm rãi của người Lào, đầu tiên phải nói rằng đất rộng người thưa chẳng việc gì phải vội, dân số nước Lào trên 7 triệu người, diện tích bằng 2/3 nước ta. Nhưng nếu có dịp bạn đi từ bắc đến nam Lào, mỗi buổi sáng sớm bạn sẽ thấy sự chậm rãi đó, sự chắc chắn đó là một trong những đặc trưng đáng yêu nhất của Lào. Một thứ triết lý đậm chất tu hành và rất riêng biệt. Những người đàn bà tóc bới cao, ăn mặc gọn gàng quỳ gối bên lề đường, những người đàn ông xếp bằng tôn kính dâng những khay xôi cho các nhà sư khất thực. Những nhà sư bàn chân sải bước chậm, đón nhận bằng cả sự thiện lành.

Đó là công việc đầu ngày của nhiều gia đình, suốt đời, và trải dài đất nước Triệu Voi. Bắt đầu một ngày mới bằng sự đẹp đẽ và tinh tươm, đón bình minh bằng sự tử tế, lương thiện và tôn kính, chậm rãi và chờ đợi, chắc hẳn quãng thời gian còn lại trong ngày không gì phải vội.

Ở Lào, thường thì trai tráng trước khi đi lấy vợ đa số họ phải vào chùa tu ít nhất 3 tháng. Nếp sống chậm ở Lào là hòa quyện của chùa, sư, sự thuần khiết của tu hành, nếp nhà và cây cỏ. Nhiều năm ở Lào, tôi chưa gặp hoặc chưa có cơ hội bắt gặp đôi vợ chồng nào cãi nhau, ở đó chỉ thấy vợ chở chồng ra chợ mỗi sáng, chồng rót đầy ly bia cho vợ mỗi chiều bên nhau.

Người Lào khởi đầu ngày mới bằng những bước chân chậm rãi.
Người Lào khởi đầu ngày mới bằng những bước chân chậm rãi.

Cách đây gần một năm, người Lào chính thức khánh thành đường sắt cao tốc Côn Minh - Viêng Chăn, dài 1.035km, tốc độ 160km/h. Tuyến đường rút ngắn thời gian đi từ thủ đô Viêng Chăn đến Trung Quốc chỉ còn 3 giờ. Sự nhanh chóng trong cái chậm rãi được thúc đẩy bằng công nghệ. Tôi nghĩ rằng, dù con tàu có thể nhanh hơn gấp nhiều lần tốc độ hiện tại, thì đặc trưng sự khoan thai, chắc chắn, trầm tĩnh của người dân Lào vẫn vậy. Họ bước đi ôn tồn, thanh thoát ngay trên bước đường đời và công cuộc mưu sinh.  

Và nếu thêm một lần xuất ngoại mưu sinh, tôi vẫn chọn nước Lào để bước.

 
(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
[eMagazine] - Nam Lào, tình yêu và nỗi nhớ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO