(QNO) - Những ngày này, cán bộ và nhân dân Quảng Nam tự hào sống trong nhiều sự kiện tri ân, tưởng nhớ công lao to lớn của cố Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công, người con ưu tú của đất Quảng, nhà hoạt động cách mạng kiên cường.
Đọc lại những di huấn của đồng chí Võ Chí Công về rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, về sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, phương châm "lấy dân làm gốc", gần dân, thương yêu nhân dân, vì lợi ích cao cả của nhân dân mà chiến đấu... thấy lời căn dặn của người vẫn còn nguyên giá trị và mang tính thời sự trong bối cảnh toàn Đảng đang thực Nghị quyết Trung ương 4 (XIII) về xây dựng, chính đốn Đảng.
Tiếp nối truyền thống cách mạng của quê hương và gia đình, mà trực tiếp chịu ảnh hưởng tinh thần yêu nước từ thân phụ - cụ Võ Dương, một nhà Nho yêu nước, một đảng viên Đảng Cộng sản đầu tiên của vùng đất Tam Xuân (nay là xã Tam Xuân 1 và xã Tam Xuân 2), nên từ năm 1930, đồng chí Võ Toàn đã tham gia các phong trào đấu tranh yêu nước tại quê nhà.
Tháng 5.1935, đồng chí trở thành người đảng viên của Đảng Cộng sản Đông Dương và trực tiếp làm Bí thư Chi bộ ghép Khương Mỹ - Danh Sơn (bí danh là chi bộ Mỹ Sơn) – chi bộ đầu tiên của vùng đất Tam Xuân.
Lúc bấy giờ phong trào cách mạng cả nước nói chung, Quảng Nam nói riêng gặp rất nhiều khó khăn. Trước sự đánh phá, khủng bố ác liệt của bọn thực dân, phong kiến, cả tỉnh có hơn 40 cán bộ, đảng viên bị bắt. Riêng chi bộ Mỹ Sơn, nhờ khéo léo che giấu lực lượng, tuân thủ nguyên tắc hoạt động bí mật nên không bị bể vỡ. Trên cơ sở đó, đồng chí thành lập lại Phủ ủy Tam Kỳ (tháng 1.1940) và thành lập lại Tỉnh ủy Quảng Nam (tháng 3.1940).
Trong những năm 1939 - 1943, phong trào cách mạng ở Quảng Nam liên tục bị địch đánh phá ác liệt, hầu hết các đồng chí trong Tỉnh ủy, Phủ ủy, Huyện ủy trong toàn tỉnh bị địch bắt giam tù đày, nhưng nhờ sự khéo léo, linh hoạt nên đồng chí Võ Chí Công không rơi vào tay giặc. Chính trong những lúc khó khăn ác liệt ấy, với ý chí kiên cường và lòng nhiệt huyết cách mạng của người cộng sản, đồng chí đã không ngại hy sinh gian khổ “đã đi xuống các phủ huyện chỉ đạo chống khủng bố, củng cố tinh thần và những việc làm cần thiết với các chi bộ, đảng viên và các tổ chức quần chúng chưa bị bắt” để khôi phục lại phong trào cách mạng trong tỉnh.
Tháng 10.1943, đồng chí Võ Chí Công bị địch bắt giam tại nhà đày Buôn Ma Thuột. Tháng 3.1945, từ nhà đày Buôn Ma Thuột trở về, đồng chí tham gia vào Ban lãnh đạo khởi nghĩa tỉnh Quảng Nam.
Được phân công về chỉ đạo cuộc khởi nghĩa ở Hội An, với nhãn quan chính trị nhạy bén, khi thời cơ cách mạng chín muồi, đồng chí đã thống nhất với Ủy ban bạo động Hội An nhanh chóng báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Ủy ban bạo động tỉnh cho phép Hội An khởi nghĩa giành chính quyền trong đêm 17 rạng sáng ngày 18.8.1945.
Sau Hiệp định Giơnevơ, với cương vị Phó Bí thư Liên khu ủy 5, đồng chí Võ Chí Công cùng với các đồng chí trong Liên khu ủy lo bố trí sắp xếp đội ngũ cán bộ của liên khu và các tỉnh ở lại hoạt động, chuyển hướng tư tưởng, tổ chức, phương châm, phương thức đấu tranh trong giai đoạn cách mạng mới.
Trong những năm đầu kháng chiến chống Mỹ, phong trào cách mạng ở Khu 5 lâm vào thế thoái trào, hàng vạn cán bộ, đảng viên và nhân dân bị bắt, bị giết, bị tù đày tra tấn dã man.
Trước nỗi đau của nhân dân, những mất mát hy sinh của đồng chí, với trách nhiệm của người lãnh đạo, đồng chí luôn trăn trở về đường lối và phương pháp đấu tranh. Từ thực tiễn phong trào cách mạng ở Khu 5, đồng chí đã nhiều lần đề xuất ý kiến với Trung ương nhiều vấn đề mang tính chiến lược về con đường của cách mạng miền Nam, đóng góp vào việc xây dựng và ban hành Nghị quyết Trung ương 15, mở ra bước ngoặt lớn cho cách mạng miền Nam.
Nghị quyết 15 phổ biến đến đâu như luồng gió mới thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh của nhân dân, phong trào cách mạng của quần chúng trong liên khu chuyển biến rất sôi nổi và mạnh mẽ.
Phong trào nổi dậy của quần chúng diệt ác, phá kèm, diễn ra ở tây Quảng Ngãi, tây Quảng Nam. Nổi bật là cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền tây Quảng Ngãi cuối tháng 8.1959. Cuộc khởi nghĩa giành thắng lợi to lớn, có ý nghĩa sâu sắc, thế nhưng lúc đầu trong hàng ngũ lãnh đạo và cán bộ địa phương và những địa phương xung quanh và ngay trong cơ quan Liên khu ủy cũng có nhiều ý kiến khác nhau.
Bằng tư duy sáng tạo và kinh nghiệm thực tiễn cách mạng, đồng chí Võ Chí Công bình tĩnh xuống tận địa phương để nắm tình hình, lắng nghe ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Từ căn cứ Liên khu ủy 5, trước khi đi, đồng chí điện cho Tỉnh ủy Quảng Ngãi: “Đừng vội phê phán anh em, tôi sẽ xuống”.
Tháng 9.1959, hội nghị mở rộng Tỉnh ủy Quảng Ngãi, đồng chí Võ Chí Công đến dự và kết luận: “Cuộc nổi dậy của nhân dân Trà Bồng nổ ra kịp thời; có chuẩn bị, có lãnh đạo, đứng vững được, đi đúng đường lối cách mạng miền Nam, đóng góp nhiều kinh nghiệm quý báu cho việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II...”. Nhận định tình hình và sự chỉ đạo sáng suốt của đồng chí Võ Chí Công đã làm cho Tỉnh ủy và toàn thể hội nghị vui mừng phấn chấn hẳn lên. Lòng tin vào đường lối Nghị quyết 15 của Trung ương và sự lãnh đạo của liên khu ủy được củng cố.
Trong những năm 1961 - 1962, với trách nhiệm Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam, đồng chí Võ Chí Công đã cùng các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục lãnh đạo và phát động quần chúng nổi dậy phá ách kìm kẹp của địch, khắc phục tư tưởng “chạy xà đùa”, xây dựng thế trận du kích chiến tranh để đánh bại chiến thuật “trực thăng vận”; “thiết xa vận” của địch; chỉ đạo phong trào đấu tranh ở đô thị, làm tốt công tác vận động nhân sĩ, trí thức, tăng cường và mở rộng Mặt trận Dân tộc giải phóng.
Trong lúc phong trào cách mạng Khu 5 đang gặp nhiều khó khăn, đầu năm 1964, đồng chí Võ Chí Công được Trung ương điều về lại Khu 5. Trên cương vị Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy Quân khu 5, đồng chí tiếp tục là hạt nhân lãnh đạo, góp phần đưa phong trào cách mạng Khu 5 đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Tháng 3.1965, quân Mỹ trực tiếp đổ bộ vào miền Nam, Quảng Nam - Đà Nẵng trở thành chiến trường trọng điểm của Khu 5. Nắm bắt được tâm lý gờm Mỹ, ngại Mỹ xuất hiện trong một bộ phận cán bộ và nhân dân, đồng chí Võ Chí Công đã cùng với Khu ủy quyết định đẩy mạnh công tác tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, kiên trì phương châm đấu tranh cả quân sự và chính trị, phát huy sức mạnh của chiến tranh nhân dân, luôn luôn tiến công địch.
Tinh thần tiến công cách mạng không ngừng cùng với những quyết sách nhạy bén, táo bạo của đồng chí đã góp phần ổn định tư tưởng, củng cố quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ của nhân dân ta.
Chiến thắng Núi Thành (26.5.1965) là một minh chứng hùng hồn cho tư tưởng tiến công cách mạng của đồng chí Võ Chí Công, của quân và dân Khu 5, khẳng định một điều chắc chắn rằng: ta có thể đánh Mỹ và thắng Mỹ!
Những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, trên cương vị Bí thư kiêm Chính ủy Quân khu 5, đồng chí đã tham gia chỉ đạo phong trào cách mạng của địa phương từng bước vượt qua nhiều khó khăn, thách thức. Đồng chí trực tiếp xuống sát vùng địch kiểm soát để nghiên cứu cách đánh Mỹ trên vành đai diệt Mỹ Chu Lai của quân và dân huyện Nam Tam Kỳ, chỉ đạo cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân năm 1968 tại Quảng Đà…
Trong cuộc tổng tiến công nổi dậy Xuân năm 1975, trong khi tham gia chỉ đạo chiến dịch giải phóng Buôn Ma Thuột (10.3.1975), nhận thấy “địch bỏ Tây Nguyên, tình thế xuất hiện”, đồng thời điện cho đồng chí Lê Duẩn và Bộ Chính trị đề nghị cho đánh ngay Đà Nẵng vì điều kiện có đủ để đảm bảo thắng lợi. Đồng thời đồng chí điện về Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu cho thay đổi phương án cũ, không đánh về phía Nam mà chớp thời cơ nhanh chóng chuyển hướng ngay ra phía Bắc, đánh thẳng vào Đà Nẵng”.
Nhận được điện, đồng chí Lê Duẩn thay mặt Bộ Chính trị điện cho Khu ủy 5 và đồng chí Võ Chí Công: “Nếu thấy làm được thì giải phóng Đà Nẵng đi”. Đây là một đề xuất tạo bạo và kịp thời, thể hiện tư duy nhạy bén, sáng tạo sát với thực tế chiến trường.
Sau khi Đà Nẵng được giải phóng (29.3.1975), trong niềm vui thắng lợi, đồng chí Võ Chí Công điện ngay cho Bộ Chính trị và đồng chí Lê Duẩn: “Đà Nẵng giải phóng hoàn toàn và tôi đã ở trong Đà Nẵng”.
Sự kiện giải phóng Đà Nẵng làm cho đồng chí Lê Duẩn vô cùng phấn khởi: “Đà Nẵng là căn cứ phòng ngự từ xa cứng nhất của địch đã được giải phóng, con đường vào Sài Gòn đã được mở rộng, quân ta có thể tiến thần tốc như chẻ tre. Ngày giải phóng Sài Gòn không còn xa nữa, không phải tính bằng năm mà có thể lấy tháng, lấy ngày để tính. Giải phóng xong Đà Nẵng coi như miền Nam được giải phóng”.
Sau ngày giải phóng miền Nam, với tài năng, đức độ và uy tín của mình đồng chí Võ Chí Công được điều ra công tác ở Trung ương. Năm 1978, đồng chí làm Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Trưởng ban Cải tạo nông nghiệp miền Nam. Phụ trách ngành nông nghiệp - lĩnh vực mới mẻ, phức tạp và hết sức nặng nề, đồng chí ngày đêm trăn trở, suy nghĩ, tìm tòi làm thế nào tháo gỡ khó khăn cho hàng triệu nông dân trong các hợp tác xã.
Đi sâu nghiên cứu thực tế cụ thể để tìm ra nguyên nhân, khác với những lần kiểm tra trước đó là thăm hỏi hình thức, cấp dưới trả lời chung chung, không cụ thể, lần này đồng chí “làm theo phương pháp đánh giặc: xuống sát chiến trường, để hiểu địch, hiểu ta để chỉ đạo, tác chiến”. Trên đường về Hải Phòng công tác, ngang qua cánh đồng thấy bà con đang gặt lúa, đồng chí bảo lái xe dừng lại rồi đi tới đám ruộng đang gặt được mùa hơn hẳn những đám xung quanh. Đồng chí hỏi nguyên nhân, bà con trả lời: “Thưa bác đây là ruộng 5%, nhà nước giao hẳn cho chúng cháu, chúng cháu làm hết mình, chăm bón kỹ, được hơn bác ơi”.
Từ thực tế đó, đồng chí đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư và nhận trách nhiệm dự thảo Chỉ thị 100-CT/TW. Từ ngày 3 đến ngày 7.1.1981, Ban Bí thư tổ chức hội nghị tại Hải Phòng để thảo luận dự thảo Chỉ thị 100-CT/TW. Hội nghị đã thảo luận sôi nổi và có phần gay gắt, nhất là vấn đề khoán sản phẩm tác động như thế nào đến sự tồn tại của hợp tác xã và chủ nghĩa xã hội.
Sau khi nghe ý kiến thảo luận, đồng chí Võ Chí Công thẳng thắn nêu rõ quan điểm là “phải lấy thực tiễn làm thước đo chân lý. Lãnh đạo phải bám sát cơ sở, phải gần dân, nghe dân… Dân đói, cuối cùng phải tự tìm cách làm ăn no cơm, ấm áo, ta lại cấm, bắt quay về với khoán việc nên đành chịu”.
Đồng chí nhấn mạnh: “Trên lĩnh vực này tôi phụ trách, nếu khoán mới không đem lại kết quả thì tôi xin chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân”. Điều này thể hiện quyết tâm đổi mới, tinh thần dám làm dám chịu của cán bộ, đảng viên, nhất là người lãnh đạo với nguyện vọng tha thiết và đáp ứng nhu cầu của người nông dân là muốn được “cởi trói”, được “xé rào” để được quyền tự chủ trong sản xuất, qua đó, chứng minh việc “khoán chui” là phù hợp với quy luật khách quan.
Ngày 13.1.1981, Chỉ thị 100-CT/TW về “cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp”. Đón nhận Chỉ thị 100-CT/TW, các địa phương, các cấp, các ngành và nhân dân nhiệt liệt tán thành, phong trào khoán mới đi vào thực tiễn.
Đến thời điểm bấy giờ, chưa có một chủ trương nào của Đảng trên mặt trận nông nghiệp lại được nhân dân tiếp nhận mau chóng và phấn khởi như vậy. cả nước nổi lên một phong trào khoán mới với khí thế lao động sản xuất chưa từng có, đem lại kết quả thiết thực, mở ra nhiều triển vọng tốt đẹp. Vì vậy, lúc bấy giờ ở miền Bắc xuất hiện mấy câu thơ ca ngợi những người con Xứ Quảng, theo thể bút tre: Hoan hô chị Nguyễn Thị Bình/Được ngồi bên cạnh anh Chinh, anh Đồng/Hoan hô anh Võ Chí Công/Anh cho khoán hộ ruộng đồng tốt tươi”...
Sau năm 1975, đồng chí Võ Chí Công chuyển công tác ra Trung ương, được phân công giữ nhiều trọng trách của Đảng và Nhà nước. Mặc dù vậy, đồng chí vẫn dành thời gian về thăm, làm việc với Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng.
Nhân Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng lần thứ XV (vòng 1), diễn ra từ ngày 18 - 21.4.1991, với cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, đồng chí đến dự và đặt niềm tin khi phát biểu: “Nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng có truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường trong các giai đoạn lịch sử của dân tộc. Nhân tài và đội ngũ cán bộ các thế hệ đông đúc, đủ sức làm nên sự nghiệp lớn. Vấn đề quan trọng và quyết định thắng lợi là Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng phải phát huy truyền thống đoàn kết nhất trí trong toàn Đảng, toàn dân, đoàn kết trên dưới, động viên được mọi sức lực, trí tuệ của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thực hiện”. Muốn đạt được kết quả, các cấp uỷ Đảng và chính quyền phải đổi mới sự lãnh đạo và chỉ đạo, phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo vì lợi ích nhân dân và vì sự nghiệp cách mạng của Đảng thì nhất định sẽ giành được thắng lợi to lớn”.
“Thời gian công tác ở Quảng Nam - Đà Nẵng và sau này ở Quảng Nam, những khi ra họp ở Hà Nội, tôi lại được gặp đồng chí Võ Chí Công và đồng chí đã hỏi han, trao đổi, động viên… Tôi hiểu đó cũng là tình cảm sâu đậm của đồng chí đối với quê hương, với Đảng bộ và nhân dân Đất Quảng, Thành Đà. Và mặc dù không được trực tiếp công tác dưới sự lãnh đạo của đồng chí, nhưng tôi vẫn luôn luôn ghi nhớ những chỉ dẫn của đồng chí trong thực hiện nhiệm vụ công tác được giao cho đến khi về nghỉ hưu” - đó là hồi ức của cố Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Mai Thúc Lân về người đồng chí, người lãnh đạo, người anh vô cùng kính mến – anh Năm Công.
Trong những buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, đồng chí Võ Chí Công đều căn dặn cần chú ý đến đời sống nhân dân, nhất là vùng căn cứ kháng chiến, các gia đình chính sách, xây dựng khối đoàn kết toàn dân, đặc biệt giữ sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ Đảng. Đồng chí cho rằng nếu giải quyết được những vấn đề cơ bản trên, sự nghiệp cách mạng của chúng ta nhất định thành công, sự nghiệp đổi mới đất nước và quê hương sẽ thắng lợi.
Những năm tháng sau khi nghỉ hưu, tuy bấy giờ tuổi đã cao, sức đã giảm nhiều nhưng đồng chí vẫn tiếp tục dành sự quan tâm sâu sắc đối với quê hương. Đồng chí không bao giờ quên sự cưu mang, đùm bọc của đồng bào, đồng chí đối với bản thân mình trong những ngày tháng gian khổ, bị kẻ thù lùng sục, vây bắt. Đồng chí còn đến những vùng căn cứ cũ, thăm hỏi đồng bào các dân tộc đã cưu mang, kể cả những vùng xa xôi như Trà My, Hiệp Đức.
Đặc biệt, với quê hương Núi Thành, nơi diễn ra trận đầu đánh Mỹ và thắng Mỹ luôn là nơi đồng chí dành tình cảm thiêng liêng nhất, bởi đây không nơi chôn nhau, cắt rốn, mà còn là nơi “nuôi dưỡng” ngọn lửa cách mạng từ một chàng thanh niên yêu nước Võ Toàn đến một đồng chí Võ Chí Công – một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, người học học trò xuất sắc của chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì vậy, sau ngày quê hương hoàn toàn giải phóng, dù đương chức hay khi về hưu đồng chí luôn tranh thủ thời gian về thăm quê nhà, gặp gỡ bà con, ân cần thăm hỏi từ cụ già đến các cháu thiếu nhi, cán bộ chiến sĩ, đảng viên…
Nhiều lần đến thăm lại những nơi đồng chí hoạt động trước Cách mạng tháng Tám, gặp lại những gia đình, những bà con, đồng đội đã từng nuôi dưỡng, giúp đỡ, bảo vệ và công tác với mình. Đến bàn thờ thắp nén hương tưởng niệm những người đã mất, bác Năm Công kể lại chuyện xưa, lòng xúc động nghẹn ngào. Mỗi lần thăm và làm việc với lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền, mặt trận, đoàn thể, lực lượng vũ trang địa phương huyện và các xã, đồng chí luôn tìm hiểu tình hình các mặt của địa phương và nhắc nhở luôn chú ý làm thật tốt 2 vấn đề hết sức quan trọng: đó là phát huy truyền thống anh hùng xây dựng Đảng bộ vững mạnh, thật sự đoàn kết thống nhất; có kế hoạch sát hợp phát triển huyện giàu mạnh, chăm lo cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân, không làm được điều đó là có lỗi với đồng bào, với những người đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc.
Nhân dịp kỷ niệm 10 năm tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (1997 - 2007), lúc này do tuổi cao sức yếu không thể về thăm quê hương, đồng chí đã gửi thư cho Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, trong thư có đoạn:
“Dù sống xa quê hương, nhưng tôi luôn theo dõi mỗi bước phát triển của tỉnh nhà. Trong 10 năm tách tỉnh dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, sự giúp đỡ của Trung ương, nhân dân tỉnh nhà đã đồng tâm, hiệp lực, vượt qua bao khó khăn, thử thách, giành được những thành tựu rất phấn khởi về phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, giữ vững an ninh, quốc phòng...
Tôi phấn khởi về những thành tựu mà Đảng bộ và đồng bào Quảng Nam, Đà Nẵng đã giành được…
Tôi tin tưởng vững chắc rằng, với truyền thống đấu tranh cách mạng anh dũng, kiên cường, bất khuất, Đảng bộ và nhân dân sẽ đồng lòng, quyết tâm, tập trung trí tuệ, kiến tạo ra được những chủ trương, cơ chế, biện pháp thiết thực nhằm tăng cao tốc độ phát triển kinh tế, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá… xứng đáng là một tỉnh nằm trong vùng động lực kinh tế miền Trung - Tây Nguyên…”
Thực hiện di huấn của đồng chí Võ Chí Công, kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng, với khát vọng phấn đấu vươn lên từ chính bản lĩnh, ý chí, sức mạnh và tinh thần đoàn kết đồng lòng của con người xứ Quảng, hơn 25 năm sau ngày tái lập tỉnh (1.1.1997), Quảng Nam tạo được kỳ tích với những thành tựu toàn diện, vượt bậc trên mọi lĩnh vực; tạo nền tảng và tiền đề quan trọng để đồng hành với dân tộc trong sự nghiệp đổi mới, viết tiếp trang sử hào hùng, vẻ vang của quê hương đất Quảng.
“Dấu ấn nổi bật đầu tiên phải kể đến là sự bứt phá ngoạn mục về thu ngân sách. Từ số thu 120 tỷ đồng năm 1996, đến năm 2021 vừa qua, tổng thu ngân sách của tỉnh đã lên đến 23.772 tỷ đồng (trong đó, thu nội địa đạt 19.563 tỷ đồng), gấp gần 200 lần so với thời điểm tái lập tỉnh.
Từ một địa phương phải nhận trợ cấp hơn 70% ngân sách Trung ương, đến năm 2017 Quảng Nam đã tự cân đối được thu chi ngân sách và có đóng góp về Trung ương.
Quy mô nền kinh tế toàn tỉnh vượt 100 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 40 lần so với năm 1997, xếp thứ 2/5 tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; xếp thứ 4/14 tỉnh Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung; thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 68 triệu đồng, gấp gần 38 lần so với năm 1997”.
Với tất cả tình cảm và niềm kính yêu về những phẩm chất cao đẹp, những đóng góp to lớn của đồng chí Võ Chí Công đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc và quê hương, đồng chí Phan Việt Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam xúc động nói: "Đối với nhân dân Quảng Nam, đồng chí Võ Chí Công là đại diện tiêu biểu cho phẩm chất, tính cách và khát vọng của con người xứ Quảng. Ai đã từng một lần tiếp xúc với đồng chí đều cảm nhận ở con người ấy toát ra một sự giản dị, gần gũi, thân tình. Chính vì lẽ đó, đồng đội, đồng chí và đồng bào vẫn thường gọi đồng chí bằng những cái tên trìu mến “anh Năm Công”, “bác Năm Công” như cách gọi người thân trong gia đình.".
[Video] - Bài dân ca khu 5: Sống mãi trong lòng dân.
Trình bày: Ca sĩ Thu Hương (Đoàn ca kịch Quảng Nam).
Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; gắn với việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18.5.2021 của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-
CT/TW ngày 15.5.2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Đây là dịp để chúng ta học tập và noi theo đồng chí Võ Chí Công, người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của dân tộc và quê hương Quảng Nam với những phẩm chất cao quý: Đó là, trung thành tuyệt đối với mục tiêu, lý tưởng cách mạng, cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Đó là, tấm gương sáng về tinh thần cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, giản dị, khiêm tốn, sống có tình nghĩa, hết lòng yêu thương đồng chí, đồng bào, luôn phấn đấu hết mình vì lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân. Đó là, một nhà lãnh đạo xuất sắc, luôn suy nghĩ và hành động sáng tạo, xuất phát từ thực tiễn, lấy kết quả của hoạt động trong thực tiễn làm thước đo chân lý; gắn bó mật thiết với nhân dân, trân trọng ủng hộ những sáng kiến của cán bộ, nhân dân và các địa phương.