Năm 2020 gặp nhiều biến động do ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai, nhưng huyện Phú Ninh vẫn đạt được những kết quả khả quan trên lĩnh vực nông nghiệp, một phần nhờ nỗ lực triển khai mô hình phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” - OCOP.
Hiệu quả từ liên kết
Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Phú Mỹ (thôn Phú Mỹ, xã Tam Phước) được thành lập năm 2017 với 7 thành viên, phát triển sản xuất trên lĩnh vực nông nghiệp với các ngành nghề trồng - chế biến - bảo quản rau củ quả các loại, buôn bán nông - lâm sản…
Ông Huỳnh Văn Ca - Giám đốc HTX Nông nghiệp Phú Mỹ cho hay, HTX được thành lập với mong muốn hỗ trợ nông dân địa phương phát triển nông nghiệp một cách bền vững, thông qua việc chú trọng tiêu chuẩn, chất lượng và đầu ra cho sản phẩm, để nâng cao giá trị sản xuất, đem lại thu nhập cao cho nhà nông.
“Sau khi thành lập, HTX khảo sát chọn 20 hộ tham gia liên kết sản xuất với diện tích khoảng 3ha. Đầu năm 2018, HTX mời đơn vị tư vấn có đủ điều kiện, năng lực xây dựng quy trình sản xuất, xét nghiệm các tiêu chuẩn về đất, nước và chất lượng sản phẩm rau củ quả để cấp chứng nhận theo quy trình VietGAP. Đồng thời tập trung xây dựng thương hiệu sản phẩm, nhãn mác hàng hóa” - ông Ca chia sẻ.
Đầu năm 2019, HTX thương lượng và ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với Siêu thị Co.opMart Tam Kỳ và các cửa hàng thực phẩm tươi sống. Mới đây, HTX ký kết hợp đồng tiêu thụ rau sạch với Siêu thị BigC Đà Nẵng, đánh dấu thêm bước tiến quan trọng về mở rộng thị trường. HTX còn quảng bá sản phẩm, giới thiệu nông sản cho bà con qua các kênh tham gia hội chợ, hội thảo kết nối tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài huyện. Nhờ đó, các gia đình xã viên tham gia liên kết trồng rau củ quả cung ứng cho HTX có nguồn thu nhập ổn định, có hộ đạt xấp xỉ 15 triệu đồng/tháng.
Xây dựng sản phẩm OCOP
Ông Huỳnh Văn Ca - Giám đốc HTX Nông nghiệp Phú Mỹ cho biết, để tiếp tục nâng cao giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường, đầu năm 2020 HTX đăng ký tham gia Chương trình OCOP với sản phẩm “Khổ qua Phú Mỹ”. Mới đây, “Khổ qua Phú Mỹ” đã được Hội đồng thẩm định cấp tỉnh xét chọn và tham mưu UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Đây là thành công đáng ghi nhận sau nhiều nỗ lực phấn đấu của HTX và nông dân địa phương.
Theo báo cáo của UBND huyện Phú Ninh, năm 2020 kinh tế hợp tác, HTX của huyện tiếp tục được quan tâm phát triển theo hướng liên doanh, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Toàn huyện hiện có 38 HTX, tổ hợp tác. Huyện đã triển khai cho các HTX đăng ký thực hiện Chương trình OCOP và lập dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn tiêu thụ sản phẩm đối với 15 sản phẩm OCOP gồm: Mật ong dú Kỳ Tân, Dầu phụng tinh khiết Phú Ninh (Tam Dân), Dầu phụng nguyên chất An Khang (Tam Vinh), Khổ qua Phú Mỹ, Chả bò cô Hiển, Dế Thanh Thủy (Tam Phước), Mitri tea trà Sâm Ngọc Linh, Mitri tea nấm lim xanh (Tam Đàn), Giá cắm bút “khát vọng tuổi trẻ”, Đồng hồ “người mẹ thời gian”, Dầu phụng Bích Nghệ (Tam An), Cải ngọt thủy canh (Tam Thái), Bánh đậu xanh Mỹ Khánh, Bánh đậu xanh chay Mỹ Khánh, Mì khô Năm Nhơn (Tam Thành); cùng 6 chuỗi liên kết sản xuất, gồm: chuỗi lúa giống xã Tam Dân, Tam Thái; chuỗi gà thịt xã Tam Thái, Tam Thành và chuỗi heo thịt tại một số nơi trên địa bàn huyện.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Đinh Long Toàn - Phó Trưởng phòng NN&PTNT Phú Ninh cho rằng, việc phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và Chương trình OCOP đã được chỉ đạo triển khai từ năm 2018 nhưng việc nắm bắt nội dung cũng như triển khai còn nhiều hạn chế. Công tác tuyên truyền, phổ biến ở một số địa phương chưa được triển khai rộng rãi. Các chủ đầu tư, chủ trì dự án, chủ thể sản xuất chưa nắm bắt kịp thời các nội dung cũng như điều kiện để tổ chức thực hiện...
Theo ông Toàn, để mô hình này đạt kết quả, các cấp ủy đảng cần đưa chương trình vào nghị quyết để triển khai. Liên quan đến xây dựng sản phẩm OCOP, năm 2021 huyện Phú Ninh tiếp tục tư vấn hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm, nhất là nghiên cứu đa dạng hóa sản phẩm, thiết kế kiểu dáng công nghiệp, bao bì, quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất - kinh doanh; các thủ tục về đăng ký sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn chất lượng, xúc tiến thương mại... Đồng thời nâng cao nhận thức, phát huy sự tự lực, tự tin, sáng tạo của các chủ thể trong cộng đồng; khai thác tốt sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của địa phương…