Nhà nước và cử tri

Giải đáp thắc mắc cử tri về xác định đất thổ cư

LÊ MỸ 06/05/2024 09:00

(QNO) - Cùng là đất thổ cư ở nông thôn, nhưng có hộ chỉ được cấp tối đa 300m2 đất ở theo quy định, còn hộ khác thì được cấp tới 1.500m2. Thắc mắc này của các cử tri huyện Phú Ninh tại buổi tiếp xúc với đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, đã được lãnh đạo Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh giải đáp cặn kẽ, chi tiết. Đây là thông tin cần thiết trong việc xác định đất ở đối với giấy tờ đất.

tho-cu.jpg
Luật Đất đai năm 2013 quy định, giấy tờ hình thành trước 15/10/1993 và có ghi đất thổ cư thì được công nhận toàn bộ là đất ở, nhưng không quá 5 lần so với diện tích đất ở được cấp theo khu vực. Ảnh: H.Q

Theo phản ánh của ông Nguyễn Đức (thôn Khánh Thịnh, xã Tam Thái, Phú Ninh), trước đây đất gia đình ông được công nhận là đất thổ cư và chỉ được cấp tối đa 300m2 đất ở theo quy định. Nhưng có một vài trường hợp trên địa bàn xã, ban đầu cũng được cấp 300m2 đất ở, nhưng khi khiếu kiện ra tòa thì được cấp đến 1.500m2. Người dân địa phương rất băn khoăn việc có nên khiếu kiện để được hưởng quyền lợi như các hộ được cấp 1.500m2 hay không?

Trả lời thắc mắc cử tri, ông Trần Văn Cư - Phó Văn phòng Đăng ký đất đai Quảng Nam cho biết, Luật Đất đai qua các thời kỳ có sự điều chỉnh. Theo Điều 50, Luật Đất đai năm 2003 có quy định, trường hợp nào có tên trong hồ sơ địa chính ghi là đất thổ cư thì công nhận toàn bộ đất ở.

Ông Trần Văn Cư – Phó Văn phòng Đăng ký đất đai Quảng Nam trả lời các kiến nghị người dân liên quan đến đất đai. Ảnh: H.Q
Ông Trần Văn Cư - Phó Văn phòng Đăng ký đất đai Quảng Nam. Ảnh: H.Q

Sau đó, Luật Đất đai năm 2013, có hiệu lực từ 1/7/2014 quy định giấy tờ thuộc Khoản 1, 2, 3 Điều 100 hình thành trước 15/10/1993 và có ghi đất thổ cư thì được công nhận toàn bộ là đất ở. Song, việc công nhận sẽ không quá 5 lần so với quy định cấp đất theo từng khu vực. Khoản 2, Điều 24, Nghị định 43/2014 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2013 cũng quy định rõ vấn đề này.

Cụ thể, đất ở đô thị cấp tối đa 200m2, đất nông thôn là 300m2 và đất miền núi là 400m2 thì sẽ nhân lên không quá 5 lần. Đó là lý do vì sao có hộ dân ở nông thôn được công nhận 1.500m2 đất ở sau khi khiếu kiện. Thẩm quyền xét cấp đất ở này thuộc về UBND cấp huyện.

“Theo quy định hiện nay, thổ cư không hoàn toàn là đất ở, mà bao gồm đất ở và đất vườn. Người dân muốn xem diện đất mình đang sinh sống có bao nhiêu đất ở thì kiểm tra hồ sơ đất đai có hình thành trước 15/10/1993 và ghi rõ thổ cư hay không. Hiện nay trong các giấy tờ người dân đang lưu trữ, chỉ có hồ sơ 299 hình thành giai đoạn 1984 - 1989 trên địa bàn Quảng Nam - Đà Nẵng cũ là hình thành trước 15/10/1993” – ông Cư cho biết.

Cũng có loại hồ sơ khác hình thành sau khi Nghị định 64/1993 của Chính phủ về giao đất cho cá nhân sử dụng lâu dài với mục đích sản xuất nông nghiệp ra đời (hình thành từ 1994-1999). Đây là hồ sơ địa chính nhưng hình thành sau thời điểm 15/10/1993, từng được sử dụng để xác định diện tích đất ở theo Luật đất đai 2003. Do đó khi Luật đất đai năm 2013 ra đời, đi vào thực tiễn đã điều chỉnh việc cấp đất ở cho người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giải đáp thắc mắc cử tri về xác định đất thổ cư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO