Một cuộc đối thoại về chế độ chính sách, do Sở LĐ-TB&XH vừa tổ chức, diễn ra trong không khí cởi mở, thẳng thắn đã làm thỏa lòng người có công (NCC) và người dân 3 xã Đại Minh, Đại Cường, Đại Thắng (Đại Lộc).
Cuộc đối thoại do Sở LĐ-TB&XH tổ chức ở xã Đại Minh (Đại Lộc) đã giải tỏa rất nhiều vướng mắc về chính sách người có công. Ảnh: D.L |
Năm 2014, thực hiện Pháp lệnh ưu đãi NCC (sửa đổi) và Pháp lệnh quy định Danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng (mở rộng), cùng với cuộc tổng rà soát NCC, ngành LĐ-TB&XH chìm trong bộn bề công việc. Nhưng không vì thế mà những cuộc đối thoại với NCC bị hoãn. Bởi, nói như ông Lê Sáu - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, thì “đối thoại với NCC và nhân dân về việc thực hiện chính sách ưu đãi sẽ giúp ngành nhận ra những mặt được, mặt hạn chế yếu kém để làm tốt hơn nhiệm vụ của ngành. Ông Lê Sáu chia sẻ: “Cũng vì trong thời điểm có quá nhiều công việc như thế này, ở cơ sở sẽ không thể tránh khỏi những sai sót trong xác nhận, thực hiện chế độ. Vì thế đối thoại trực tiếp sẽ giúp ngành giám sát tốt hơn việc thực hiện chính sách, chế độ đối với NCC từ cơ sở, là một biện pháp cải cách hành chính thiết thực nhất”.
Bao nhiêu năm nay ông Dương Hữu Chí (xã Đại Thắng) có một khúc mắc chưa được giải tỏa. Ông đã đi hỏi xã, rồi huyện, được cán bộ LĐ-TB&XH giải thích nhưng vẫn chưa thấy thỏa mãn. Tại buổi đối thoại với ngành LĐ-TB&XH cấp tỉnh, ông Chí tiếp tục trình bày thắc mắc: “Trong chiến tranh, tôi có vợ hy sinh, được công nhận liệt sĩ (LS), các con trú chung hầm bị chết cùng mẹ. Sau này tôi có gia đình khác. Cán bộ giải thích tôi không nuôi con LS đến khi trưởng thành, cũng không phụng dưỡng cha mẹ LS nên không được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng dành cho thân nhân LS. Nhưng con chết theo mẹ cả, cha mẹ vợ tôi đã có người thân nuôi dưỡng thì sao tôi nuôi. Tôi là chồng phải được hưởng trợ cấp chứ?”. Nội dung trả lời của ông Trần Văn Chiến - Trưởng phòng NCC Sở LĐ-TB&XH không khác mấy cán bộ xã, huyện trước đây, nhưng có viện dẫn đầy đủ căn cứ pháp lý, đặc biệt là quy định của Pháp lệnh ưu đãi NCC nên đã giải tỏa được khúc mắc trong lòng ông Chí.
“Thắc mắc của tôi đã được giải đáp, giờ tôi biết phải làm thế nào cải chính tên họ cho đúng với hồ sơ liệt sĩ của cha để được hưởng các chế độ. Tôi nghĩ không riêng chi ngành này, mà các ngành khác của tỉnh, nhất là ngành liên quan đến đất đai hay những việc ảnh hưởng thiết thực đến đời sống người dân thì phải đi nhiều về cơ sở, gặp gỡ nhân dân để đối thoại, tìm hiểu nguyện vọng của nhân dân mà làm cho đúng và được dân đồng tình, ủng hộ”. (Bà Lê Thị Giới, người dân xã Đại Minh, Đại Lộc) |
Đến với buổi đối thoại, ông Hồ Tấn Dần (xã Đại Minh) cho biết ông có phát hiện 2 hài cốt LS nên báo cho huyện đội tiến hành quy tập đưa về quê an táng vào năm 2013. Hồ sơ ông Dần đã thực hiện đầy đủ, hỏi xã, huyện thì được thông tin rằng hồ sơ đã được gửi về Sở LĐ-TB&XH. Đợi một thời gian khá lâu nhưng vẫn không thấy tăm hơi, ông vào sở hỏi mới phát hiện chế độ của mình đã được giải quyết. Ông nêu ý kiến: “Sở bảo đã giải quyết, nhưng tôi về huyện hỏi không có, xã trả lời không biết. Vậy trách nhiệm thuộc về ai, cấp nào? Không thể cứ đổ cho nhau để người dân không biết đường nào mà lần”. Về vấn đề này, ông Chiến đã trả lời cho ông Dần cũng như những người có mặt tại buổi đối thoại rõ rằng, theo quy định, việc di chuyển và hỗ trợ kinh phí trong quy tập hài cốt LS phải có ý kiến đồng ý của Sở LĐ-TB&XH cấp huyện mới được phép thực hiện. Và chỉ có cơ quan quân sự mới quy tập hài cốt LS, ngành LĐ-TB&XH chỉ tiếp nhận hồ sơ do cơ quan quân sự bàn giao. Không có bất cứ cá nhân, tổ chức nào được phép khảo sát, quy tập hài cốt LS. Ông Chiến đã yêu cầu Phòng LĐ-TB&XH huyện Đại Lộc kiểm tra cụ thể trường hợp của ông Dần để có hướng giải quyết.
Nói về vai trò của địa phương trong việc thực hiện chính sách đối với NCC, ông Ngô Mười (xã Đại Minh) bày tỏ: “Ở cơ sở, việc công khai quy định, chính sách còn rất yếu, người dân chúng tôi chỉ nghe truyền miệng nhau mới biết mà đi làm chế độ theo quy định mới, chứ chính quyền không công khai, hướng dẫn cụ thể cho người dân. Tôi nghĩ mọi chế độ phải được công khai để tránh dư luận, người dân được hưởng sự công bằng, tránh sai sót khi người không có công cũng được hưởng chế độ, làm tổn thất ngân sách nhà nước. Nên xử lý những người dựng khống hồ sơ, làm chứng sai, buộc bồi thường cho nhà nước, bởi tiền nhà nước là tiền thuế nhân dân nộp vào, là tiền của dân”. Theo ông Mười, chính sách mới quy định làm nhà ở cho con LS là nhân đạo, có ý nghĩa nhưng tùy trường hợp mà cho hưởng, bởi có trường hợp cha/mẹ là LS nhưng con gái có chồng ác ôn hay con trai đi lính cho chế độ cũ mà giờ được làm nhà tình nghĩa thì lòng dân không thuận. Việc thực hiện cuộc tổng rà soát chế độ NCC theo quy định là phải niêm yết danh sách tận thôn để người dân cùng biết, có phản hồi cái đúng cái sai, nhưng thực tế mới làm ở xã, không dán danh sách ở thôn, mà người dân không phải ai cũng có điều kiện lên xã để xem danh sách.
Tiếp thu ý kiến, ông Chiến cảm ơn ông Mười đã đóng góp chân tình, giúp ngành thực hiện tốt hơn công việc của mình. Ông Chiến khẳng định, việc công khai các loại văn bản đã được ngành thực hiện đầy đủ trong thời gian qua. Vấn đề là các xã chưa thực hiện tốt khâu tuyên truyền, niêm yết, công khai chế độ của ngành. Trường hợp nào thực hiện không đúng, chưa đúng, ông Chiến yêu cầu người dân cố gắng nêu cụ thể để ngành có cơ sở trả lời, giải quyết. Đối với việc rà soát chế độ, xã không thực hiện đến thôn, ở xã làm thay thôn là sai quy định. Đối với chế độ cho con LS, tùy trường hợp, xuất phát từ thực tế sẽ tiếp thu ý kiến và kiến nghị của người dân, tổng hợp và xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên để việc thực hiện chính sách đảm bảo tính công bằng.
Tại buổi đối thoại còn hàng chục ý kiến khác của người dân về các chế độ kèm theo huân chương, huy chương, con LS sai tên họ so với hồ sơ nên chưa thể được cấp thẻ bảo hiểm y tế, chế độ nhà ở cho NCC... Các vấn đề này đều được đại diện Sở LĐ-TB&XH trả lời cụ thể cho từng trường hợp, hướng dẫn người dân cách làm sao cho đúng.
DIỄM LỆ