Xã hội

Giải pháp bảo vệ giá trị nguyên gốc của di tích Chăm

VĨNH LỘC (locvanhoa@gmail.com) 25/03/2025 08:38

(QNO) – Quảng Nam có nhiều di tích, phế tích Chăm được xây dựng bằng vật liệu gạch, đá niên đại hàng trăm năm. Đây là những “di sản” văn hóa vô cùng giá trị cần cấp thiết có giải pháp bảo vệ, bảo quản các hiện vật, công trình kiến trúc hiệu quả.

TIT CHINH

(QNO) – Quảng Nam có nhiều di tích, phế tích Chăm được xây dựng bằng vật liệu gạch, đá niên đại hàng trăm năm. Đây là những “di sản” văn hóa vô cùng giá trị cần cấp thiết có giải pháp bảo vệ, bảo quản các hiện vật, công trình kiến trúc hiệu quả.

CHUM ANH_MS1_2
Các đền tháp Khu di tích Mỹ Sơn đối mặt với sự xâm nhập của rêu, mốc trên bề mặt tường tháp. Ảnh: VĨNH LỘC
TIT PHU_1

Theo thống kê, Quảng Nam có trên 100 phế tích, di tích đền tháp Chăm, phần lớn sử dụng vật liệu gạch, đá. Bên cạnh những hiện vật, di tích được bảo quản tốt hoặc được lưu giữ trong các bảo tàng, không ít hiện vật kiến trúc, trang trí, văn bia… đang trần ai trong mưa nắng chưa có biện pháp quản lý, bảo vệ, đứng trước nguy cơ hư hại, biến dạng, mờ ký tự, nhất là các văn khắc trên đá tự nhiên.

Theo TS. Hà Thị Sương - Bảo tàng Quảng Nam, qua khảo sát, số lượng văn khắc Chăm phát hiện trên địa bàn tỉnh tương đối nhiều. Ngoài bia ký tại các di tích, còn có ký tự khắc trên đá tự nhiên hoặc trên các cấu kiện kiến trúc đền tháp, phế tích (Chiêm Sơn, Triền Tranh, Mỹ Sơn, Hương Quế, Đồng Dương, An Thái...), hầu hết có niên đại lâu năm. Nhiều văn khắc nét chữ đã bị bào mòn nên cần phải áp dụng kỹ thuật bảo quản, gìn giữ đúng cách để duy trì lâu dài tuổi thọ các văn khắc.

“Người Chăm xưa không có truyền thống viết sử theo biên niên nên mọi hoạt động văn hóa, chính trị, quân sự, nghi thức tôn giáo... đều được khắc trên bia đá. Đây là nguồn tài liệu lịch sử quý giá giúp hậu thế có thể tìm hiểu những vấn đề liên quan đời sống, xã hội của các vương triều Champa” – TS. Hà Thị Sương nói.

box1.png
CHUM ANH_B123
Nhiều hiện vật, bia đá, điêu khắc bằng vật liệu sa thạch đang đối diện nguy cơ hư hại, rêu mốc và chữ bị bào mòn. Ảnh: VĨNH LỘC

Theo ThS. Lê Văn Cường - Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn, khu đền tháp luôn đối diện các nguy cơ về thời tiết, khí hậu, thiên tai, môi trường, hỏa hoạn và sự vô ý của con người. Trong đó, những tác động từ môi trường tự nhiên mang tính trực tiếp và lâu dài, gây biến động mạnh cho di tích.

Tại lòng tháp C1, B5, D3 Mỹ Sơn… sự sinh sống của các loài dơi không chỉ tác động đến chất lượng gạch cổ mà chất thải của chúng cũng góp phần vào sự bào mòn, xuống cấp vật liệu xây dựng công trình. Hay các loài rắn, tắc kè… vào mùa sinh sản cũng chọn đền tháp làm tổ. Các loài gặm nhấm như chuột, gián… cũng tham gia vào việc phá hoại vật liệu, trong đó có những mảng kiến trúc hoa văn độc đáo, giá trị…

ThS. Nguyễn Thị Lệ Quyên - Viện Vật liệu xây dựng, ứng dụng phân tích, thông thường công trình kiến trúc thường chịu tác động từ 3 yếu tố chính gồm: tự nhiên, con người và kỹ thuật - môi trường. Với đền tháp Chăm, phổ biến nhất là hiện tượng bề mặt tháp bị ăn mòn do phản ứng hóa học, tiềm ẩn nguy cơ sụp đổ công trình.

PHAT BIEU CUA BA QUYEN
TIT PHU_2

Theo TS. Phạm Văn Triệu, Viện Khảo cổ học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, nhiều công trình kiến trúc Champa sử dụng vật liệu gạch trong xây dựng, hạn hữu mới dùng đá (như tháp B1 Mỹ Sơn), thay vào đó đá chủ yếu sử dụng trong trang trí (mi cửa, trụ tháp, chóp tháp…). Do đó, việc bảo vệ, bảo quản 2 loại hình vật liệu này cần có giải pháp phù hợp.

Thực tế, việc gìn giữ các di vật, hiện vật gạch, đá trong kho tương đối thuận lợi, thì quá trình trưng bày vật liệu kiến trúc di tích ngoài trời, nhất là di tích khảo cổ phức tạp hơn. Do đó, cần làm mái che kiên cố để hạn chế những thay đổi về độ ẩm, các điều kiện thời tiết bất lợi tác động trực tiếp đến di tích. Ngoài ra, cũng cần có phương án nghiên cứu và xử lý về hóa chất, đầu tư các trang thiết bị, vật tư… tránh di vật không bị xuống cấp.

ThS. Lê Viết Cường chia sẻ, vấn đề quan tâm hiện nay của di tích Mỹ Sơn là bảo quản bề mặt tường tháp. Từ nhiều năm trước một số thử nghiệm về bảo quản tường tháp bằng chất liệu dầu rái đun sôi, quét mỏng đã được thực hiện trên bề mặt gạch gốc tháp D2. Qua quan sát, theo dõi trong khoảng 2 năm đầu hiện tượng rêu, mốc giảm hẳn. Tuy nhiên, sau đó nấm, mốc, địa y vẫn quay trở lại bình thường.

Năm 2015, khi tháp E7 trùng tu xong cũng thử nghiệm bảo quản bề mặt gạch mới trùng tu ở phần mái tháp bằng lớp dầu rái mỏng. Đến nay, lớp bảo vệ dầu rái đã phai nhạt và không còn tác dụng. Mỹ Sơn cũng đã hợp tác với Viện công nghệ VinIT và chuyên gia Nga nghiên cứu, lấy mẫu gạch tại khu B, C, D làm thí nghiệm bảo vệ bề mặt gạch.

CHUM ANH_K123
Bảo quản vật liệu tại các công trình khai quật đang cần có giải pháp phù hợp. Ảnh: VĨNH LỘC

Năm 2018, tại Dự án trùng tu nhóm tháp H do Chính phủ Ấn Độ tài trợ cũng đã thử nghiệm phủ dầu rái lên một mảng tường mới trùng tu góc Bắc tháp H1, trong khoảng 2 năm đầu mảng tường sáng và có sự khác biệt nhưng các năm tiếp theo khi lớp dầu rái phai thì không còn khác biệt giữa mảng tường bảo quản và mảng tường đối xứng.

Trước đó, năm 2017, Viện Bảo tồn di tích phối hợp Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn thử nghiệm sử dụng chất bảo quản bề mặt tường tháp F1 (trong nhà bao che) và tháp F2 ngoài trời. Ban đầu, chất bảo quản cơ bản giúp bề mặt gạch cứng và hạn chế rất nhiều rêu, mốc, địa y xâm hại. Tuy vậy, màu sắc sau bảo quản tương đối mới, chưa gần với màu tự nhiên của gạch cổ.

Gần nhất, tháng 4/2022, Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn hợp tác Viện Bảo tồn di tích thử nghiệm xử lý nấm mốc, địa y, rêu, tảo trên bề mặt vật liệu gạch và đá tại các mảng tường có trùng tu, gia cố (giai đoạn khác nhau) của tháp B4 và E7. Sau đó phun một lớp hóa chất mỏng lên bề mặt tường tháp và đá trụ cửa. Kết quả, trong 6 tháng đầu mảng tường gốc B4 (niên đại thế kỷ IX) rất đẹp, rêu, mốc địa y không còn, màu sắc được phục hồi cơ bản giống màu sắc các mảng tường gốc khác, nhưng sau đó xuất hiện rêu, mốc xâm nhập lại, màu sắc cũng dần nhạt hơn. Đối với trụ đá cửa B4, từ khi xử lý nấm mốc đến nay không có hiện tượng rêu, mốc, địa y quay lại, bề mặt rắn chắc, màu sắc hiện vật không thay đổi, biến dạng. Việc xử lý bảo quản trên chất liệu đá được xem là thành công.

Tương tự, tại tháp E7, đơn vị đã chọn mảng tường trùng tu năm 1990 bằng gạch Chăm và năm 2013 bằng gạch phục chế. Qua xử lý nấm mốc đến nay nhìn nhận bề mặt tường tháp rắn chắc, nhưng vẫn có hiện tượng rêu xâm hại trở lại bề mặt gạch có tiết diện ngang và độ ẩm cao.

TIT PHU_3

Thời gian qua, nhiều giải pháp bảo quản bề mặt công trình kiến trúc và hiện vật gạch đá như ứng dụng công nghệ Steam Cleaning làm sạch bằng hơi nước (dựa trên nguyên lý kết hợp sức mạnh của nhiệt độ cao, áp lực lớn từ hơi nước nóng và không sử dụng hóa chất hoặc chất tẩy rửa) mang lại một cách tiếp cận sạch sẽ và an toàn cho bề mặt vật liệu công trình. Ngoài ra, cũng có thể sử dụng màng phủ kị nước nhằm tạo ra các bề mặt tự làm sạch, chống bám bẩn…

CHUM ANH_V123
Việc áp dụng công nghệ mới vào việc bảo quản hiện vật Chăm hiện nay rất cần thiết. Ảnh: VĨNH LỘC

Trong hội thảo về ứng dụng công nghệ hóa học trong công tác bảo quản vật liệu di tích vừa diễn ra mới đây, ThS. Nguyễn Thị Lệ Quyên cho biết, từ thập niên 90, các nhà khoa học trên thế giới đã bắt đầu nghiên cứu về màng phủ kị nước, kể từ đó nhiều công nghệ đã ra đời phát triển như công nghệ plasma, lắng đọng hơi hóa học và tổng hợp các vật liệu kị nước trên cơ sở các hạt nano… Phương pháp này giúp bảo vệ công trình khỏi tác động của thời tiết, kéo dài tuổi thọ và duy trì tính nguyên bản.

Với đặc tính trong suốt và không làm thay đổi bề mặt của vật liệu gốc, màng phủ kị nước cho phép bảo vệ công trình nhưng vẫn duy trì được vẻ đẹp và giá trị thẩm mỹ nguyên bản. Đây được xem là một ưu điểm của công nghệ này, đồng thời phù hợp với nguyên tắc bảo tồn hiện đại, đề cao việc giữ gìn tính xác thực của di sản văn hóa.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, để bảo quản chống ăn mòn cần các biện pháp tổng hợp, từ vệ sinh khoa học đến chế tạo các hóa chất kị nước hoặc tẩy rêu hiệu quả, kể cả nghiên cứu các hóa chất ức chế rêu để đưa vào gạch và các vật liệu khác.

“Thông thường để bảo quản chống nấm mốc, quá trình xử lý sẽ phải trải qua quy trình hoàn chỉnh 4 bước gồm tẩy sạch rêu mốc bề mặt; loại bỏ rễ, bào tử nấm mốc dưới lớp bề mặt; đưa chất ức chế nấm mốc vào cấu trúc lớp mặt; làm kị nước bề mặt. Dù vậy, hiện mới chỉ thực hiện được 3 bước, việc đưa chất ức chế vào cấu trúc vật liệu hầu như chưa thể làm vì chưa tìm ra hóa chất phù hợp” - ThS. Nguyễn Thị Lệ Quyên nói.

CHUM ANH_G12
Việc đồng bộ nhiều giải pháp sẽ giúp bảo quản, gìn giữ các di tích, hiện vật lâu dài. Ảnh: VĨNH LỘC

Theo ThS. Vũ Thị My - Viện Bảo tồn di tích, thời gian qua, đơn vị đã nghiên cứu và tổng hợp thành công chế phẩm HC1-14 giúp làm giảm sức căng của nước cho phép nước thẩm thấu vào nấm mốc, địa y, rêu tảo và làm giảm góc tiếp xúc của chúng với bề mặt vật liệu sa thạch, sau đó dùng tác động cơ học để tách nấm mốc, địa y, rêu tảo ra khỏi bề mặt sa thạch.

Kết quả nghiên trong phòng thí nghiệm và thử nghiệm trên diện tích nhỏ cho thấy, nếu sử dụng HC1-14 nồng độ 25% sau 4 lần sử dụng, sa thạch đã hoàn toàn “sạch sẽ” 100% tác nhân nấm mốc, địa y, rêu tảo gây hại trên bề mặt sa thạch đã bị loại bỏ. Đáng chú ý, đá không bị ăn mòn, không ảnh hưởng đến cấu trúc bề mặt hiện vật.

TS. Hà Thị Sương - Bảo tàng Quảng Nam khẳng định, để bảo quản hiện vật gạch, sa thạch, đặc biệt các văn khắc trên đá và di tích, ngoài vệ sinh bề mặt, diệt rễ trong lớp mặt, tẩm chất diệt rêu trong vật liệu… thì việc ứng dụng công nghệ mới trong bảo quản rất quan trọng.

PHAT BIEU CUA BA SUONG

Theo KTS. Đặng Khánh Ngọc – Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích (Bộ VH-TT&DL), để chủ động bảo vệ, duy trì các hiện vật, kiến trúc lâu dài cần có giải pháp chủ động ngăn chặn tác động bên ngoài như xử lý nước mưa, loại bỏ nước mưa ứ đọng trong thân và đỉnh tháp; ngăn nước mưa thấm vào nền móng; thoát nước cho phế tích tháp không mái; bảo vệ bề mặt gạch sau khi tu bổ…

Cạnh đó, quá trình sản xuất, sử dụng gạch phục chế cũng cần xử lý nguyên liệu như rửa, khử muối hòa tan trong đất sét thô; nâng cao độ xốp của cấu trúc gạch; tăng nhiệt độ nung gạch; gia nhiệt bề mặt; phun hoặc quét hóa chất kị nước lên bề mặt; sử dụng hóa chất xử lý bề mặt kị nước ngăn các phản ứng ăn mòn vật lý hoặc hóa học.

PHAT BIEU CUA ONG NGOC

Nội dung: VĨNH LỘC
Đồ họa: NGUYỄN TUẤN

Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giải pháp bảo vệ giá trị nguyên gốc của di tích Chăm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO