Văn hóa

Hành trình bảo tồn, phát huy giá trị di sản Mỹ Sơn

KHÁNH LINH 04/12/2024 16:33

Ngày 4/12/1999, Khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới. Sau 25 năm được vinh danh, Mỹ Sơn đã hồi sinh, các kiến trúc đền tháp được bảo tồn hiệu quả; rừng, cảnh quan từng bước phục hồi, phát triển; khách du lịch không ngừng gia tăng...

1.jpg
Sau 25 năm được vinh danh, Di sản văn hóa thế giới Khu đền tháp Mỹ Sơn đã được bảo tồn và phát huy hiệu quả. Ảnh: V.L.

Hồi sinh di sản

Ông Nguyễn Công Khiết - Giám đốc Ban Quản lý (BQL) di sản văn hóa Mỹ Sơn khẳng định, thành công quan trọng nhất chính là công tác bảo tồn di tích. Những năm qua, từ nguồn ngân sách địa phương và viện trợ quốc tế, sự phối hợp, hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức, chuyên gia trong và ngoài nước, một số dự án bảo tồn đã được triển khai giúp nhiều công trình kiến trúc đền tháp thoát khỏi nguy cơ sụp đổ.

Điển hình, Dự án trùng tu tôn tạo, hợp tác ba bên UNESCO - Việt Nam - Italia về “Thuyết trình và đào tạo các tiêu chuẩn quốc tế về bảo tồn nhóm tháp G Mỹ Sơn”; Dự án khai quật khảo cổ suối Khe Thẻ; Dự án trùng tu tháp E7; Dự án bảo tồn, trùng tu các nhóm tháp K, H, A thuộc dự án Ấn Độ được thực hiện từ năm 2016 - 2021..., góp phần quan trọng hồi sinh hệ thống kiến trúc đền tháp Mỹ Sơn sau hàng trăm năm quên lãng.

Danh hiệu di sản văn hóa thế giới đã thực sự mang đến nhiều cơ hội cho Mỹ Sơn, đặc biệt giúp thu hút được nhiều nguồn lực vào công tác bảo tồn.

Thông qua sự giúp đỡ, hợp tác sâu rộng với các tổ chức trong nước, quốc tế như Lerici, MAG, JICA, Trường Đại học Milan, Viện ASI (Ấn Độ), tổ chức America Express, Văn phòng UNESCO Hà Nội; chính phủ 2 nước Italia, Ấn Độ; Viện Bảo tồn di tích, Viện Khảo cổ, Cục Di sản…, hầu hết công trình kiến trúc đền tháp đã được bảo tồn, trùng tu vững chãi.

Bên cạnh dấu ấn bảo tồn, một kết quả nổi bật khác của Mỹ Sơn sau 25 năm trở thành di sản văn hóa thế giới chính là phục hồi, phát triển hiệu quả hệ động thực vật rừng, cảnh quan khu vực xung quanh di tích.

Những năm qua, bên cạnh trồng mới các loài cây bản địa, việc triển khai phương án phòng chống cháy rừng, tổ chức tuần tra ngăn chặn các hành vi xâm phạm rừng trái phép… đã giúp rừng cảnh quan Mỹ Sơn được quản lý, bảo vệ tốt.

Dù chưa có nghiên cứu, thống kê về số lượng chủng loài động thực vật chính xác, nhưng quá trình khảo sát của BQL di sản văn hóa Mỹ Sơn đã phát hiện sự trở lại của một số loại động vật quý hiếm như heo rừng, mang, hươu, chồn, rắn... Nhiều loài cây bản địa như lim xanh, tràm thị, chua… cũng được phục hồi phát triển.

Theo ông Nguyễn Công Khiết, kết quả từ công tác bảo tồn đã đóng vai trò quan trọng thúc đẩy hiệu quả việc phát huy giá trị di sản Mỹ Sơn, thể hiện cụ thể qua hoạt động du lịch. Nếu năm 1999, khoảng 22 nghìn lượt khách mua vé tham quan Mỹ Sơn thì đến nay đã tăng gấp hàng chục lần.

Khẳng định thương hiệu điểm đến

Với những giá trị văn hóa, kiến trúc độc đáo cùng sự nỗ lực vượt bậc của tập thể lãnh đạo, cán bộ viên chức BQL di sản văn hóa Mỹ Sơn đã góp phần khẳng định thương hiệu điểm đến di sản. Nhiều giải pháp đồng bộ đã được BQL triển khai, thực hiện.

dsc_0614.jpg
Nhiều giá trị văn hóa phi vật thể gắn với Mỹ Sơn đã được phục hồi, trình diễn phục vụ khách. Ảnh: V.L

Đơn cử: quảng bá xúc tiến, đón đoàn famtrip, phát triển sản phẩm du lịch thông minh, duy trì gặp gỡ đối thoại doanh nghiệp lữ hành nhằm trao đổi, cung cấp thông tin… Qua đó giúp đơn vị kịp thời nắm bắt tình hình thị trường khách để cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ phù hợp.

Khách tham quan Mỹ Sơn không chỉ được khám phá một nền văn minh Champa cổ kính giữa khung cảnh thiên nhiên sinh thái trong lành mà còn có cơ hội trải nghiệm các dịch vụ hấp dẫn như chụp ảnh lưu niệm, trung chuyển bằng xe điện, xem biểu diễn nghệ thuật Chăm dưới chân tháp…

Sau 25 năm, giá trị Mỹ Sơn đã không còn bó hẹp trong khu di tích mà đã lan tỏa ra bên ngoài hướng đến cộng đồng. Trong đó, việc chia sẻ lợi ích đến cộng đồng được BQL di sản văn hóa Mỹ Sơn thực hiện hiệu quả. Rõ nhất là việc tiếp nhận con em địa phương vào làm việc tại đơn vị.

Đến nay, hơn 80% cán bộ viên chức BQL di sản văn hóa Mỹ Sơn là người dân địa phương. Ngoài ra, công nhân tham gia các dự án trùng tu di tích Mỹ Sơn cũng hầu hết là người quanh vùng.

Cùng với việc phục hồi các giá trị văn hóa Champa như hình thành đội múa Chăm (năm 2003), phối hợp với ngành giáo dục huyện đưa chương trình giáo dục di sản vào trường học (năm 2004)… đã giúp phục hồi, lan tỏa các giá trị văn hóa phi vật thể di sản ngày càng sâu rộng đến người dân, du khách, nhất là các thế hệ trẻ.

KTS. Đặng Khánh Ngọc - Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích (Bộ VH-TT&DL), người đã có hơn 20 năm tham gia các dự án bảo tồn tại Mỹ Sơn nhìn nhận, thành công của Mỹ Sơn sau 25 trở thành di sản văn hóa thế giới cơ bản toàn diện, thể hiện cụ thể trên các lĩnh vực hợp tác quốc tế, bảo tồn di sản, phát triển du lịch, phục hồi môi trường cảnh quan.

Đặc biệt, việc mở cửa đón khách tham quan một số nhóm tháp sau khi được bảo tồn thành công như G, E7, K, H, A... đã minh chứng rõ nét mối quan hệ không tách rời giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản thông qua du lịch. Đây cũng là nền tảng để Mỹ Sơn tiếp tục phát triển mạnh mẽ, vững chắc, xứng đáng là mô hình quản lý hiệu quả hiện nay.

Theo ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL, sau 25 năm được UNESCO công nhận danh hiệu di sản văn hóa thế giới, đến thời điểm hiện tại có thể đánh giá sự thành công của di sản Mỹ Sơn ở 3 phương diện. Đó là công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

“Đối với công tác quản lý, các di sản văn hóa thế giới ở các địa phương khác, việc quản lý thường giao cho cấp tỉnh. Nhưng với Mỹ Sơn, Quảng Nam đã mạnh dạn thí điểm giao cho huyện và thực tế đã quản lý rất tốt” - ông Hồng nói.

Đối với công tác bảo tồn, chính quyền địa phương cùng với các sở ban ngành đã tập trung rất nhiều nguồn lực đầu tư, từ ngân sách của tỉnh, trung ương.

Đồng thời thực hiện rất tốt vấn đề hợp tác quốc tế như Nhật Bản, Ý, Ấn Độ cùng nhiều tổ chức quốc tế khác trong các vấn đề từ nghiên cứu, tài trợ nguồn lực đến hỗ trợ chuyên gia... Từ đó, nhiều nhóm tháp đã được bảo tồn trùng tu vững chãi.

Cuối cùng là vấn đề phát huy giá trị di sản rất thành công, Mỹ Sơn đã trở thành thương hiệu du lịch, điểm đến nổi tiếng không chỉ của Việt Nam mà cả quốc tế. Qua đó đóng góp nguồn thu ngân sách, giải quyết việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Duy Xuyên phát triển, đồng thời có nguồn lực để đầu tư trở lại cho công tác bảo tồn các nhóm tháp Mỹ Sơn.

Trước dịch COVID-19, tốc độ phát triển du lịch trung bình năm của Mỹ Sơn khoảng 10%. Riêng năm 2023, mặc dù mới phục hồi sau đại dịch nhưng lượng khách mua vé tham quan khu di sản đạt 380 nghìn lượt, tổng doanh thu hơn 60 tỷ đồng. Riêng doanh thu dịch vụ bán hàng chạm 5,3 tỷ đồng, thuyết minh đạt 255 triệu đồng. Dự kiến hết năm 2024, Mỹ Sơn sẽ đón khoảng 420 nghìn lượt khách, bằng thời điểm năm 2019 (đỉnh điểm trước dịch COVID-19).

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hành trình bảo tồn, phát huy giá trị di sản Mỹ Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO