Nhiều dự án trọng điểm trên địa bàn huyện Thăng Bình triển khai chậm do vướng mặt bằng, địa phương đang nỗ lực khai thông những “điểm nghẽn” dai dẳng.
Nhiều điểm nghẽn
Dự án Khu công nghiệp Tam Thăng 2 (TP.Tam Kỳ) đang vướng mặt bằng ở thôn Nghĩa Hòa (xã Bình Nam, Thăng Bình) với diện tích 6,74ha. Hiện có 19 hộ dân không thống nhất bàn giao mặt bằng để nhà đầu tư triển khai thi công.
Ông Nguyễn Xuân Hợi - Phó Bí thư Đảng ủy xã Bình Nam cho biết, các thửa đất nói trên vốn bỏ hoang từ năm 1993, sau đó được quy hoạch trồng rừng nhưng các hộ dân thôn Nghĩa Hòa dù không có quyền sở hữu đất đai vẫn chiếm trồng một số loại cây lâu năm. Khi triển khai dự án, các hộ dân cản trở, đòi bồi thường đất đai.
Các ngành chức năng gồm Trung tâm Giải phóng mặt bằng (Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai), UBND huyện Thăng Bình, UBND xã Bình Nam đã giải thích là không có cơ sở nào để bồi thường đất đai, chỉ có thể kiểm đếm, hỗ trợ kinh phí về số lượng cây các hộ dân đã trồng. Tuy vậy, các hộ dân không đồng thuận.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động các hộ dân nhận hỗ trợ để triển khai nhanh giải phóng mặt bằng (GPMB), thi công dự án” - ông Hợi nói.
Từ vướng mắc mặt bằng của dự án Khu công nghiệp Tam Thăng 2, ông Hoàng Châu Sơn - Phó Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai cho rằng, khi bàn giao mốc GPMB ngoài thực địa, UBND huyện Thăng Bình nên thành lập tổ quản lý hiện trạng, theo dõi, kiểm tra, xử lý kịp thời các trường hợp trồng cây, xây dựng trái phép để đòi bồi thường.
Tại các vùng triển khai dự án, ngành chức năng nên chú trọng tuyên truyền về chủ trương thu hồi đất, đầu tư dự án cũng như ý nghĩa của dự án trọng điểm, tạo đồng thuận ở người dân. Cùng với tuyên truyền về pháp luật, địa phương cần chủ động giải quyết khiếu nại, kiến nghị của người dân.
“Cần bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác GPMB. Quá trình thu hồi đất, bồi thường, GPMB phải thực hiện theo đúng trình tự, quy định của pháp luật” - ông Sơn nói.
Huyện Thăng Bình đang triển khai các dự án trọng điểm như tuyến giao thông nội thị từ đường Lý Tự Trọng đi quốc lộ 14E, đường Nguyễn Thuật đoạn quốc lộ 14E - đường ĐH21, đường Nguyễn Thuật (đoạn Tiểu La - Trần Phú), cầu Bình Đào... Công tác GPMB để triển khai các dự án trêu gặp nhiều khó khăn.
Ông Trương Công Hưng - Phó Trưởng phòng TN-MT huyện Thăng Bình nêu ra nhiều nguyên nhân, trước hết là người dân cho rằng giá đất bồi thường thấp so với giá đất trên thị trường. Thứ hai là công tác quản lý đất đai, xác lập hồ sơ địa chính các thời kỳ còn lỏng lẻo, xảy ra sai sót. Cũng phải kể đến nhiều hộ dân có những đòi hỏi vô lý ngoài bồi thường, hỗ trợ, tái định cư...
Tìm giải pháp
Ông Hoàng Châu Sơn cho rằng, để giải quyết những điểm nghẽn về GPMB các dự án trọng điểm trên địa bàn huyện Thăng Bình, cần sự vào cuộc đồng bộ của các bên liên quan.
Trước hết, người thực hiện GPMB chủ động liên hệ với địa phương, thu thập thông tin về hồ sơ pháp lý dự án, chuẩn bị hồ sơ liên quan đến GPMB, qua đó, giúp công chức địa chính dễ xác nhận nguồn gốc đất, xác nhận sổ nhân khẩu, tỷ lệ thu hồi đất sản xuất nông nghiệp, tạo cơ sở để Phòng TN-MT xác nhận điều kiện bồi thường đất đai cũng như giải quyết các khiếu nại, khiếu kiện của người dân.
Chính quyền địa phương cử cán bộ hằng tuần giải quyết hồ sơ về bồi thường GPMB của dự án, ưu tiên giải quyết các thủ tục, hồ sơ liên quan đến dự án, nhất là tập trung xác nhận nguồn gốc sử dụng đất, nhà ở, nhân khẩu, giải quyết nhanh, gọn các thủ tục hành chính về đất đai.
Theo ông Trương Công Hưng, các địa phương cần thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, tăng cường quản lý đất đai, xây dựng; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về đất đai, xây dựng, nhất là các khu vực đã có chủ trương thu hồi đất thực hiện dự án.
Ông Nguyễn Xuân Hợi cho rằng, sẽ thuyết phục người dân thấu hiểu chủ trương của Đảng, Nhà nước bằng cách họp dân, vận động từng hộ gia đình, từng người; công khai, minh bạch các chủ trương, chính sách xung quanh dự án Khu công nghiệp Tam Thăng, tạo sự đoàn kết, nhất trí của nhân dân.
Xung quanh việc giá đất bồi thường thấp so với giá thị trường, ông Lê Quốc Huy - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất & công nghiệp - dịch vụ huyện Thăng Bình cho rằng, từ kiến nghị của địa phương, UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo các sở, ngành nghiên cứu, xem xét điều chỉnh, bổ sung kịp thời các cơ chế, chính sách về giá cả bồi thường, hỗ trợ cho phù hợp với điều kiện thực tế, nhất là xây dựng giá đất bồi thường sát với giá thị trường. Cùng với đó, phân bổ kịp thời nguồn vốn bồi thường, hỗ trợ, ngân sách đầu tư các khu tái định cư để bố trị kịp thời chỗ ở cho người dân di dời ra khỏi vùng dự án.