KỲ CUỐI: KHÔNG THỐNG NHẤT NGUỒN GỐC ĐẤT ĐAIĐến nay dự án Khu công nghiệp Thaco Chu Lai đã được bàn giao 302ha mặt bằng sạch, nhưng diện tích mặt bằng còn lại được xem là những “nút thắt” rất khó giải quyết; trong đó vướng mắc chung là người dân không đồng ý với phương án bồi thường loại đất rừng sản xuất.
Đòi bồi thường đất trồng cây lâu năm
Theo thống kê, hiện có khoảng 20,4ha với 80 hộ ở xã Tam Anh Nam (Núi Thành) không thống nhất với phương án bồi thường đất rừng sản xuất mà yêu cầu bồi thường loại đất trồng cây lâu năm.
Ông Trần Văn Trường - Chủ tịch UBND xã Tam Anh Nam cho biết, khu vực dự án Khu công nghiệp Thaco Chu Lai trước đây người dân chủ yếu trồng keo (khoảng 206ha), năm 2011 khoảng 186ha đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất loại đất rừng sản xuất, 20ha chưa cấp giấy. Theo quy định, những trường hợp nào đã cấp giấy thì bồi thường theo giấy (loại đất rừng sản xuất); trường hợp chưa cấp giấy thì bồi thường theo thực tế sử dụng đất.
Ông Trường nói: “Thực tế có độ vênh. Những hộ được cấp giấy mức bồi thường thấp hơn so với những hộ chưa được cấp giấy, bởi theo quy định thì mức bồi thường đối với các loại cây hoa màu, cây ăn quả cao hơn cây keo nên tạo ra tâm lý so bì”.
Tìm hiểu cụ thể, chúng tôi tìm gặp ông Phạm Trung (thôn Tiên Sơn 2, xã Tam Anh Nam), hộ có diện tích ảnh hưởng dự án tương đối lớn và là một trong nhiều trường hợp không thống nhất với phương án bồi thường, hỗ trợ.
Nhà ông Trung cách khu vực dự án một tuyến đường nhựa rộng rãi, thửa đất bị ảnh hưởng bởi dự án nằm cách đường không xa, có diện tích 4.900m2. Ông cho biết khoảng năm 1978 gia đình khai hoang thửa đất này, lúc đầu trồng sắn, năm 2010 chuyển sang trồng keo.
Ông Trung cho chúng tôi xem “hồ sơ” về thửa đất với nhiều loại giấy tờ, trong đó có cả công văn thông báo của Văn phòng Chính phủ về những trường hợp khiếu nại đất đai (trong đó có ông Trung) với nội dung chuyển tỉnh Quảng Nam giải quyết theo đúng thẩm quyền.
Ông Trung nói: “Tôi đã gửi đơn và nêu ý kiến ở nhiều lần đối thoại, tiếp xúc cử tri nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng. Tôi không đồng ý với phương án bồi thường là tính đất rừng sản xuất. Tỉnh có thông báo rằng kết quả rà soát khu vực này đất đã đưa ra khỏi 3 loại rừng rồi mà bồi thường đất rừng sản xuất chi nữa. Tôi đề nghị bồi thường theo giá đất cây lâu năm”.
Căn cứ mà ông Trung đề cập là Văn bản số 180 ngày 18/5/2021 thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh tại cuộc họp giải quyết một số vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án Khu công nghiệp Thaco Chu Lai và dự án Nạo vét cảng Kỳ Hà (giai đoạn 2); trong đó có nội dung: “Theo kết quả rà soát của Sở NN&PTNT, hiện nay theo Quyết định số 120 ngày 11/1/2017 của UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2020 thì toàn bộ khu vực dự án Khu công nghiệp Thaco Chu Lai (diện tích 451ha) nằm ngoài quy hoạch lâm nghiệp (ngoài quy hoạch 3 loại rừng); thống nhất giao Sở TN-MT chủ trì, phối hợp với UBND huyện Núi Thành rà soát lại nguồn gốc, hồ sơ đăng ký sử dụng đất qua các thời kỳ và thực trạng sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân trước đây đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là đất rừng sản xuất (khoảng 916 thửa, diện tích 186,23ha), nay không còn phù hợp với Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng đã được phê duyệt tại Quyết định số 120 để có văn bản tham mưu UBND tỉnh trước ngày 24/5/2021 báo cáo Ban chỉ đạo về đẩy mạnh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 thống nhất cho phép UBND huyện Núi Thành được điều chỉnh thông tin về loại đất trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho phù hợp với mục đích sử dụng hiện nay theo quy hoạch, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân”.
Ông Trung cho rằng tỉnh chỉ đạo như vậy nhưng ngành chức năng và địa phương không thực hiện, khiến Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông vẫn còn ghi là đất rừng sản xuất, và bồi thường với đơn giá thấp. “Theo phương án bồi thường thì tôi nhận được khoảng 400 triệu đồng, nếu áp giá cây lâu năm số tiền bồi thường có thể tăng lên gấp đôi” - ông Trung nói.
Theo ông Trần Văn Trường, nhiều người dân căn cứ vào Thông báo số 180 (như trường hợp của ông Trung) nên không thống nhất với phương án bồi thường, nhưng “đất đưa ra khỏi 3 loại rừng không có nghĩa là bồi thường cây lâu năm, mà thực tế được quy hoạch đất công nghiệp. Các hộ dân không đủ điều kiện để được nhận bồi thường theo loại đất này”.
“Nghi ngờ” nguồn gốc đất
Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với loại đất rừng sản xuất không nhận được sự đồng thuận bởi người dân cho rằng các thửa đất của họ được khai hoang lâu đời, trồng nhiều loại cây, nhiều hộ trồng keo bởi nhận thấy giá trị kinh tế của loại cây này chứ không phải mặc định trồng rừng sản xuất. Đặc biệt, việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với loại đất rừng sản xuất của địa phương rất... bất ngờ, như chuyện đã rồi nên khi áp dụng theo “giấy trắng mực đen” là không thuyết phục.
Ông Nguyễn Trường Anh (thôn Tiên Xuân 2, xã Tam Anh Nam) có 3.700m2 đất được cấp quyền sử dụng đất rừng sản xuất. Ông nói: “Hồi xưa tới chừ dân vẫn sản xuất tự do trên các thửa đất này, không có ai nói chuyện giấy tờ chi cả. Năm 2010, cán bộ địa chính kêu ký làm thủ tục cấp giấy thì người dân mừng quá ký hết, nhưng cấp giấy với loại đất rừng sản xuất là không đúng thực tế”.
Trong khi đó, để chứng minh nguồn gốc thửa đất của mình không phải là đất rừng sản xuất, ông Phạm Trung cho chúng tôi xem đơn xin cải tạo vườn tạp của ông vào năm 2001 đối với HTX Dịch vụ nông nghiệp số 2 Tam Anh. Theo đó, đơn vị này đã đồng ý và xác nhận thửa đất của ông Trung (diện tích khoảng 4.900m2) là khu vườn tạp.
Ông Trung cho biết: “Khu đất này do tôi khai hoang vỡ hóa, trồng sắn và nhiều loại cây khác. Lúc đó thì thửa đất này thuộc HTX Dịch vụ nông nghiệp số 2 Tam Anh quản lý, tôi xin cải tạo vườn tạp theo chủ trương của tỉnh thì được họ đồng ý và xác nhận thực tế.
Làm vườn tạp được một thời gian, sau đó tôi có đến xã xin chuyển thửa đất này qua trồng cây lâu năm thì cán bộ ở đây nói bác cứ về đi, đừng lo, khi nào có chủ trương thì xã thông báo để người dân chuyển mục đích sử dụng. Rồi cuối cùng đến khi được cấp giấy chứng nhận là đất rừng sản xuất, tôi quá bất ngờ”.
Một trường hợp khác, ông Nguyễn Văn Tranh (thôn Xuân Ngọc, xã Tam Anh Nam) cũng thắc mắc về nguồn gốc thửa đất khoảng 3.700m2 của mình được áp giá đất rừng sản xuất. Theo ông, khu đất này được ông khai hoang sau năm 1975 theo chủ trương sản xuất ở vùng kinh tế mới. Khu đất đang có nhà ở, trồng nhiều loại cây; trong đó có nhiều loại cây ăn trái hàng chục năm tuổi.
Ông Tranh nói: “Tôi vẫn còn giữ Bảng tổng hợp xác nhận chủ sử dụng đất, nguồn gốc đất, loại đất của xã vào năm 2019, trong đó có thửa đất của tôi ghi chữ “GCN cấp sai” thì không thể thực hiện phương án bồi thường như hiện tại”.
Từ việc “nghi ngờ” về nguồn gốc đất nên nhiều hộ dân ở Tam Anh Nam không thống nhất khi áp dụng quy định bồi thường theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với loại đất rừng sản xuất, nhiều hộ đã khiếu nại kéo dài.
Ông Trần Văn Trường cho biết, địa phương đã giải quyết khiếu nại hàng trăm trường hợp về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và phương án bồi thường như quy định. Có nhiều hộ khiếu nại vượt cấp, nhưng kết quả vẫn không thay đổi. Như trường hợp của ông Nguyễn Trường Anh (thôn Tiên Xuân 2) khiếu nại đối với quyết định của UBND huyện Núi Thành về thu hồi đất và đề nghị UBND huyện Núi Thành điều chỉnh loại đất thu hồi từ loại đất rừng sản xuất sang trồng cây lâu năm. Ngày 20/6/2022, UBND tỉnh đã có quyết định không chấp nhận nội dung đơn khiếu nại này.