Từ những phản ánh, kiến nghị của cử tri liên quan đến vướng mắc trong cơ chế chính sách gây ảnh hưởng đến đời sống dân sinh miền núi, tại buổi tiếp xúc cử tri các huyện Nam Giang và Phước Sơn mới đây, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chỉ đạo các ngành và địa phương trả lời, giải quyết dứt điểm.
Nhiều vấn đề quan tâm
Không khí buổi tiếp xúc cử tri các xã Phước Hòa, Phước Xuân và Phước Hiệp (Phước Sơn) trở nên sôi nổi với những câu hỏi, kiến nghị được người dân phản ánh.
Ông Lê Thanh Việt - Bí thư Chi bộ thôn 2 (xã Phước Hòa) đại diện cho cử tri địa phương nêu mong muốn cấp trên tạo điều kiện di dời, bố trí tái định cư cho 21 hộ dân sống cạnh hồ thủy điện Đăk My 4. Ông Việt nói, đây là vấn đề bức xúc từ người dân, sau nhiều năm thấp thỏm sinh sống cạnh lòng hồ tiềm ẩn nhiều rủi ro từ thiên tai.
Theo ông Việt, từ năm 2008, khi thủy điện Đăk My 4 bắt đầu tích nước, các hộ dân thường xuyên bị ngập lụt, phải liên tục di dời vào mùa mưa bão, rất khổ sở.
“Chúng tôi kiến nghị Quốc hội và cấp trên quan tâm đầu tư bờ kè xung quanh khu tái định cư Bờ Lau (thôn 2) để người dân yên tâm sinh sống. Đồng thời có phương án di dời, đưa người dân về ở tập trung nhằm ổn định cuộc sống lâu dài” - ông Việt kiến nghị.
Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri Phước Sơn quan tâm đến các vấn đề như ô nhiễm môi trường do khai thác vàng trái phép, tình trạng thiếu nước sạch, xem xét điều chỉnh hỗ trợ kinh phí về nhà ở, tăng mức hỗ trợ phụ cấp cho cán bộ bán chuyên trách cấp xã.
Đồng thời kiến nghị, cần giải quyết dứt điểm liên quan việc chậm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân tại các khu định cư. Ngoài ra, cử tri mong muốn sớm nâng cấp quốc lộ 14E, cũng như có phương án xây dựng hệ thống kè dọc bờ sông Trường (xã Phước Hiệp)…
Trả lời kiến nghị của cử tri, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn - Lê Quang Trung cho biết, địa phương đang phối hợp với Công ty Thủy điện Đăk My 4 tiến hành khảo sát để có cơ sở xây dựng các phương án thi công nâng cấp khơi thông dòng chảy, nạo vét dòng, làm bờ kè dọc bờ suối tại khu tái định cư Bờ Lau… với tổng kinh phí khoảng 10 tỷ đồng, đảm bảo điều kiện giúp 21 hộ dân không còn bị ngập lụt trong thời gian đến.
“Riêng kè sông Trường, năm 2021, HĐND tỉnh có quyết định đầu tư, lập dự án nâng cấp. Đến cuối tháng 3/2022, UBND tỉnh phê duyệt dự án, quá trình làm báo cáo thiết kế dự toán kéo dài với tổng mức đầu tư khoảng 70 tỷ đồng. Hiện nay, huyện đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, sớm triển khai trong thời gian tới” - ông Trung nói.
Không để người dân phiền lòng
Tại Nam Giang, nhiều cử tri phản ánh quá trình thi công của nhà máy xi măng Xuân Thành gây vùi lấp nhiều công trình nhà cửa, kiến trúc, hoa màu… nhưng chưa tiến hành bồi thường, hỗ trợ khắc phục hậu quả.
Ông Trần Hà Đăng, một trong số các hộ dân bị ảnh hưởng cho biết, từ năm 2020 đến nay, mặc dù đã 3 lần làm đơn kiến nghị nhưng nhà máy xi măng Xuân Thành chưa bồi thường thiệt cho gia đình ông.
Ông A Viết Sơn - Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết, nhà máy xi măng Xuân Thành đang mở rộng hoạt động nên có ảnh hưởng đến đời sống người dân. Huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường giám sát, đề nghị nhà máy xử lý dứt điểm các kiến nghị, đảm bảo cuộc sống cho người dân địa phương.
Ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của cử tri, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Văn Dũng yêu cầu lãnh đạo các huyện Nam Giang, Phước Sơn tập trung triển khai các nghị quyết, chương trình, dự án của Quốc hội, Chính phủ và của tỉnh dành riêng cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào miền núi. Trong đó, chú trọng công tác quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư; khuyến khích phát triển các mô hình sinh kế hiệu quả, góp phần giảm nghèo bền vững; nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số...
Đồng thời đẩy mạnh công tác xã hội hóa, phấn đấu xóa nhà tạm cho người dân; kêu gọi cán bộ, đảng viên và nhân dân cùng đoàn kết, cố gắng vượt qua khó khăn, xây dựng địa phương phát triển.
Đối với dự án mở rộng, nâng cấp quốc lộ 14E, đồng chí Lê Văn Dũng đề nghị huyện Phước Sơn làm tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
“Nam Giang nói riêng và các huyện miền núi nói chung cần quan tâm nhiều hơn đến ổn định đời sống người dân, nhất là bố trí nhà ở gắn với đất sản xuất. Phải ổn định dân cư thật tốt thì mới “ăn nói” được với người dân, để người dân không phải bận tâm, phiền lòng” - đồng chí Lê Văn Dũng nhấn mạnh.